Thị xã Cai Lậy có bao nhiêu xã?

Huyện Cai Lậy nằm ở phía Tây của tỉnh Tiền Giang, cách TP. Mỹ Tho 30km về hướng Tây - Tây Bắc, có diện tích rộng 43.618,32ha, dân số 310.358 người, có 28 đơn vị hành chính cấp xã. Cai Lậy còn là huyện có nhiều tuyến đường giao thông thủy bộ quan trọng chạy qua và có vai trò là đầu mối giao lưu quan trọng của khu vực các huyện phía Tây; đồng thời huyện Cai Lậy còn là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa với các tỉnh trong khu vực như Đồng Tháp và Long An.

Thị xã Cai Lậy có bao nhiêu xã?
Cai Lậy đang chuyển mình lên thị xã (ảnh chụp một góc thị trấn Cai Lậy).

Huyện Cai Lậy nằm ở vị trí thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị. Tuy nhiên, huyện có quy mô diện tích tự nhiên rộng, dân số đông và có nhiều đơn vị hành chính trực thuộc nên hạn chế tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tiềm năng, lợi thế hiện có.

Về kinh tế - xã hội, huyện Cai Lậy nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh Tiền Giang, với nền kinh tế phát triển theo các vùng đặc trưng.

Vùng trung tâm, chủ yếu tập trung ở thị trấn Cai Lậy và các xã Tân Bình, Nhị Mỹ. Đây được xem là vùng trọng điểm phát triển ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Vùng này có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành một đô thị hiện đại, với thị trấn Cai Lậy nằm trong vùng trung tâm phát triển kinh tế là hạt nhân cho sự phát triển đô thị Cai Lậy, góp phần cùng các địa phương khác của tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Vùng còn lại chủ yếu là phát triển nông nghiệp trên cảnh quan nông thôn. Ngoài sản xuất chính là lúa và kinh tế vườn, trên địa bàn còn 2 loại hình sản xuất đặc thù là cá giống và hoa kiểng.

Về phát triển hạ tầng, trong những năm gần đây kinh tế - xã hội của huyện Cai Lậy có bước phát triển khá, tốc độ đô thị hóa nhanh. Các ngành nghề thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, thể hiện rõ chức năng là trung tâm giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội của vùng, là một trong những đô thị nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Tây, có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển thành một đô thị công nghiệp và du lịch.

Thực tiễn công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn huyện Cai Lậy đòi hỏi sự ra đời của một bộ máy chính quyền đô thị quy mô thị xã, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Do vậy, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy nhằm tạo cơ sở để tỉnh Tiền Giang tổ chức, kiện toàn bộ máy chính quyền phù hợp với địa bàn đô thị và nông thôn; đồng thời phát huy thế mạnh từng vùng để đảm bảo hoàn thành tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ.

Xuất phát từ vị trí, vai trò và nhu cầu thực tiễn của đô thị Cai Lậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 26-12-2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy; thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, thị xã Cai Lậy có 14.018,95 ha diện tích tự nhiên và 123.775 nhân khẩu, có 16 đơn vị hành chính gồm có các phường: 1, 2, 3, 4, 5, phường Nhị Mỹ và các xã: Tân Bình, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Hội, Nhị Quý, Phú Quý, Long Khánh, Thanh Hòa.

Huyện Cai Lậy còn lại 29.599,37 ha diện tích tự nhiên và 186.583 nhân khẩu, có 16 đơn vị hành chính cấp xã gồm các xã: Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Phú Cường, Mỹ Thành Nam, Phú Nhuận, Bình Phú, Cẩm Sơn, Phú An, Mỹ Long, Long Tiên, Hiệp Đức, Long Trung, Hội Xuân, Tam Bình, Tân Phong và Ngũ Hiệp.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 130/NQ-CP

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 25/KH-UBND ngày 13-2-2014 về triển khai thực hiện Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 26-12-2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy; thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Với mục đích triển khai thực hiện Nghị quyết 130/NQ-CP là phải được tiến hành đúng trình tự và thủ tục theo luật định; đồng thời làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc thành lập thị xã Cai Lậy là nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đảm bảo ổn định tổ chức để từ tháng 5-2014 huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đi vào hoạt động và thực hiện tốt chức năng quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật.

Công tác chuẩn bị bảo đảm xong trước ngày 20-4-2014 để tổ chức lễ ra mắt các đơn vị vào ngày 29-4-2014.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Cai Lậy cũng đã ban hành Quyết định 252/QĐ-BCĐ ngày 13-2-2014 về việc thành lập các Tiểu ban thực hiện Nghị quyết 130/NQ-CP của Chính phủ, bao gồm: Tiểu ban Tuyên truyền; Tiểu ban Tổ chức - Nhân sự; Tiểu ban Cơ sở vật chất và Tiều ban Bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Văn Nhã, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy, việc thành lập thị xã Cai Lậy góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 7-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;

Quyết định 1581/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 17/QĐ-TTg ngày 22-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020.

Ngoài ra, việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy là một yêu cầu tất yếu, khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IX đã đề ra, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ và nhân dân của huyện Cai Lậy trong thời gian qua.

Thị xã Cai Lậy được thành lập sẽ hình thành nên cực tăng trưởng kinh tế - xã hội ở vùng của tỉnh, tạo động lực to lớn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng và lợi thế của khu vực, góp phần phân công lại lao động giữa các vùng, miền trong tỉnh, cũng như giữa Tiền Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long.

Huyện Cai Lậy còn lại với cơ sở vật chất hiện có đã được Nhà nước đầu tư qua nhiều năm trước, diện tích tự nhiên khá lớn, lực lượng lao động dồi dào và có nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, tương lai sẽ thu hút đầu tư đa dạng các ngành nghề sản xuất, chế biến có lợi thế, sẽ giúp cho bộ mặt vùng nông thôn mới của huyện nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung thêm khởi sắc.