Dụng sổ tiết kiệm vay ngân hàng

Cho mình hỏi trường hợp sau: cá nhân người Việt Nam có sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng. Đến nay người đó tới cầm cố cuốn sổ tiết kiệm trên để vay tiền. Như vậy ngân hàng cho vay có vi phạm theo quy chế cho vay của NHNN không? Cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng được không?

Đối tượng nào được vay vốn ngân hàng?

Căn cứ vào Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định như sau:

"Điều 7. Điều kiện vay vốn
Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
3. Có phương án sử dụng vốn khả thi.
4. Có khả năng tài chính để trả nợ.
5. Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh."

Như vậy, khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì phải đáp ứng những điều kiện nêu trên.

Dụng sổ tiết kiệm vay ngân hàng

Sổ tiết kiệm có được xem là tài sản bảo đảm không?

Sổ tiết kiệm có được xem là tài sản bảo đảm hay không?

Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về tài sản bảo đảm như sau:

"Điều 8. Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
1. Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
2. Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
3. Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
4. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định."

Như vậy, có thể thấy sổ tiết kiệm là một loại tài sản và cũng là loại tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng có được không?

Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được đính chính bởi khoản 1 Điều 1 Quyết định 312/QĐ-NHNN năm 2017 như sau:

"Điều 8. Những nhu cầu vốn không được cho vay
Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:
1. Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
2. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.
3. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
4. Để mua vàng miếng.
5. Để trả nợ khoản nợ cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựngđược cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
6. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khá và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;
b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ."

Như vậy, vì sổ tiết kiệm là 1 trong những tài sản đảm bảo theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, thì việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn là một biện pháp bảo đảm tiền vay.

Như vậy, việc nhận tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm không trái quy định pháp luật nếu khách hàng vay vốn không vi phạm vào các "nhu cầu vốn không được cho vay" tại Điều 8 nêu trên.

Mục đích vay tiền tại Ngân hàng của bạn không vi phạm vào Điều 8 nêu trên, do đó việc ngân hàng cho vay không vi phạm quy định nếu thực hiện đúng các thủ tục vay vốn và ngân hàng đánh giá rủi ro đúng nghiệp vụ tín dụng.

Ngân hàng “lơ là” thẩm định mục đích sử dụng vốn

Sở dĩ nhiều ngân hàng lơ là thẩm định mục đích sử dụng vốn các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm là bởi vì đây là những khoản tín dụng thuộc hàng ít rủi ro nhất.

Theo đánh giá chung, dư nợ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng là không hề nhỏ. Rất nhiều khách hàng gửi tiết kiệm nhưng sau đó cần tiền xử lý công việc cần tiền gấp, nếu rút tiền gửi trước hạn thì theo quy định sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp.

Do đó nhiều người chọn vay cầm cố sổ tiết kiệm, chấp nhận lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm nhưng kỳ hạn vay ngắn hơn.

Đơn cử, nếu một người có 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7,5%/năm thì sau 1 năm sẽ có 75 triệu đồng tiền lãi. Giả sử còn 1 tháng nữa đến kỳ hạn tất toán nhưng cần tiền gấp, nếu rút trước hạn thì sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, thường chỉ khoảng 0,2%/năm. Nhưng nếu cầm cố sổ tiết kiệm để vay 1 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tháng, lãi suất giả sử 9%/năm thì khách hàng vẫn được hưởng 75 triệu đồng tiền lãi và chỉ phải trả 7,5 triệu đồng tiền lãi cho 1 tháng vay.

Do ngân hàng nắm chắc tài sản đảm bảo chính là sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng mình hoặc ở ngân hàng khác – tức có giá trị tương đương tiền mặt, nên sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm được xem là có tính an toàn cao.

Trong những năm trước đây, nhiều ngân hàng đã triển khai sản phẩm gửi tiền rút gốc linh hoạt, theo đó cho phép khách hàng có thể rút gốc từng phần hoặc thậm chí toàn bộ trước hạn mà vẫn được hưởng lãi suất như ban đầu.

Điều này dẫn đến tình trạng mất an toàn thanh khoản cũng như rủi ro kỳ hạn tại các ngân hàng, do đó hình thức cho vay này đã bị cấm.

Nhiều ngân hàng đã “lách” quy định này bằng hình thức cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, theo đó, khách hàng sẽ chấp nhận mức lãi suất vay cao hơn lãi suất trên sổ tiết kiệm một cách tượng trưng.

Lách để đẩy dư nợ tín dụng

Sẽ không có gì đáng nói nhiều nếu sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ phục vụ những nhu cầu phát sinh của khách hàng như trên. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, sẽ có hai vấn đề phát sinh.

Thứ nhất, nếu khoản tiền gửi tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp thì sẽ rủi ro cho ngân hàng, vì nếu Nhà nước tịch thu thì ngân hàng sẽ không thể tất toán được.

Thứ hai là hiện nay nhiều ngân hàng lợi dụng sản phẩm này để đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm chuẩn bị chốt số liệu. Chiêu này được không ít ngân hàng áp dụng, nhất là từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng ngân hàng.

“Các ngân hàng có thể “lách luật”, tạo một vòng gửi tiết kiệm – cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền – sau đó lại gửi tiền – rồi lại vay tiền… Điều này đã nhân hệ số tiền gửi, tiền vay lên nhiều lần, dẫn đến dư nợ ảo, chỉ tiêu khống… Ví dụ NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho anh, đến cuối năm anh chưa đáp ứng thì anh có thể làm vài vòng như vậy, có thể tăng vài phần trăm “ngon ơ”, sang năm anh lấy đó làm nền để được giao chỉ tiêu cao…” – luật sư Trương Thanh Đức minh họa.

Trước những vấn đề phát sinh, NHNN đã có Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành vào cuối năm 2016 quy định cho vay cầm cố sổ tiết kiệm theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, Thông tư 39 yêu cầu khách hàng vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn và phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn, chứng minh mục đích sử dụng vốn vay phù hợp, kể cả cho vay cầm cố sổ tiết kiệm.

Theo các chuyên gia, việc siết chặt cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là cần thiết. Điều này không chỉ hạn chế tình trạng tăng dư nợ khống tại một số ngân hàng như đã nêu trên mà còn giảm thiểu các rủi ro như làm giả sổ tiết kiệm để cầm cố vay vốn đã từng xảy ra tại một số ngân hàng thời gian gần đây.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Theo đó, NHNN cho biết, qua quá trình thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Vì vậy, NHNN yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với khoản vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN cho biết sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm các quy định trên.

Nguồn: An ninh thủ đô