Phương pháp mô hình hóa trong quy hoạch môi trường

Thứ sáu,21/01/2022 16:12

Phương pháp mô hình hóa trong quy hoạch môi trường
Từ viết tắt
Phương pháp mô hình hóa trong quy hoạch môi trường
Phương pháp mô hình hóa trong quy hoạch môi trường
Xem với cỡ chữ

1 . Quy hoạch môi trường đô thị và đặc điểm của chúng

Ngày nay, Quy hoạch môi trường (QHMT) là một công cụ then chốt trong công tác kế hoạch hóa hoạt động bảo vệ và quản lý môi trường. Khái niệm này liên quan đến nhiều lĩnh vực đa ngành và đa nội dung. Vì vậy, định nghĩa QHMT cũng được diễn đạt dưới nhiều quan điểm khác nhau, tùy thuộc nhãn quan của người nghiên cứu.

Theo công bố điều tra của Robert Everitt & Kimberly Pawley (2001) thì ở Châu Âu, thuật ngữ QHMT thường áp dụng cho quá trình quy hoạch sử dụng đất của vùng hay của địa phương. Ví dụ: ở Hà Lan QHMT là cơ sở để lập chính sách môi trường trong quy hoạch xây dựng. Ngược lại, ở Bắc Mỹ, QHMT chỉ một phương pháp quy hoạch tổng hợp có sự cùng tham gia, kết hợp cộng đồng và nhiều bên có liên quan.

Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn bảo vệ môi trường của Việt Nam trong những năm qua, các nhà nghiên cứu cho rằng QHMT là sự cụ thể hóa các chiến lược, chính sách bảo vệ môi trường cũng như là cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động môi trường. Vì vậy, một cách khái quát, theo tài liệu Môi trường và phát triển bền vững (2016) của tác giả Lê Văn Khoa: “QHMT được hiểu là việc xác lập các mục tiêu môi trường mong muốn; đề xuất và lựa chọn phương án, giải quyết để bảo vệ, cải thiện và phát triển một hay những môi trường thành phần hoặc tài nguyên của môi trường nhằm tăng cường một cách tốt nhất năng lực, chất lượng của chúng theo mục tiêu đã đề ra”.

Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, khi xây dựng một QHMT phải đảm bảo được 06 đặc điểm cơ bản sau đây:

- QHMT phải mang tính hệ thống

Quan điểm này thừa nhận các hệ thống môi trường là hệ thống mở chứ không phải là hệ thống khép kín, bao gồm nhiều hệ thống con, để nhận biết sự liên hệ hay phục thuộc giữa chúng. Khi xem xét một yếu tố tài nguyên, một thành phần môi trường hay một nhân tố tác động môi trường phải đặt nó trong cả một hệ thống tương tác. Phải xem xét tổng thể các yếu tố, tổng thể các thành phần liên quan rồi từ đó mới tập trung vào các thành phần chủ chốt cũng như các mối quan hệ giữa chúng…

- Nghiên cứu QHMT phải xuất phát từ quan điểm hệ sinh thái

Quan điểm nhấn mạnh mối tương tác giữa con người với các hệ sinh thái tự nhiên và rộng hơn là cả sinh quyển do con người là một yếu tố quan trọng trong hệ thống tự nhiên và không được tách khỏi nó.

- QHMT phải luôn hướng vào tác động

Quan điểm này cho rằng môi trường là kết quả sự tác động của con người trong quá trình phát triển. Vì vậy phải nghiên cứu, xem xét đầy đủ những ảnh hưởng môi trường do hoạt động của con người và sự phân bố của chúng. Thông thường các dạng quy hoạch khác thường có “định hướng đầu vào” tập trung chủ yếu vào dữ liệu, mục tiêu và kế hoạch hơn là vào “tác động” của các hoạt động phát triển.

- QHMT phải coi trọng tính địa phương

Quan điểm này cho rằng không xem nhẹ hay bỏ qua các đặc thù bản địa, vì chính những đặc thù bản địa này là minh chứng cho sự bền vững trong quá khứ cần được cân nhắc để lựa chọn.

- QHMT phải đáp ứng tính biến đổi theo thời gian

Quan điểm này cho rằng phải xem xét sự biến động môi trường theo các chu kỳ khác nhau trong quá khứ và tương lai. Trên cơ sở đó lựa chọn quỹ thời gian hợp lý sao cho phù hợp với các giai đoạn quy hoạch, tránh trường hợp chọn quỹ thời gian không phù hợp, không đạt được mục tiêu QHMT đề ra.

Việc lựa chọn quỹ thời gian hợp lý cho QHMT là rất quan trọng do QHMT có trục thời gian dài hơn so với các dạng quy hoạch khác.

- QHMT phải đáp ứng tính phòng ngừa

Quan điểm này cho rằng khuynh hướng chủ đạo trong chiến lược QHMT là “nhu cầu bảo tồn”, trong đó nó tập trung vào việc làm giảm nhu cầu đối với một loại hàng hóa hay dịch vụ có khả năng gây ra “stress” hơn là việc chấp nhận các “nhu cầu” như là đã “đặt ra” từ trước và cố gắng tập trung vào việc làm giảm thiểu hay loại bỏ các ảnh hưởng môi trường.

2. Quy trình của QHMT đô thị

QHMTĐT là một công tác quy hoạch. Vì vậy về cơ bản quy trình của QHMTĐT cũng không thể thoát ly hoàn toàn các lĩnh vực quy hoạch khác. Điều khác biệt ở đây, đối tượng của quy hoạch đô thị là môi trường với tính biến động cao, chứa đựng nhiều hiểm họa và sác xuất xảy ra rủi ro lớn.

Bên cạnh đó, các mục tiêu môi trường thường rất khó định lượng và càng khó hơn khi muốn tài chính hóa những giá trị của chúng. Nhiều nước đã sử dụng các phương pháp trong việc cải cách hệ thống tài khoản tự nhiên của quốc gia (SNA), tuy đã đem lại những kết quả bước đầu nhưng còn nhiều khó khăn gặp phải từ nhiều phía.

Quy trình này bao gồm 6 bước cơ bản như sau:

- Bước 1: Điều tra, thu thập các thông tin về điều kiện môi trường khu vực nghiên cứu

- Bước 2: Xem xét các khía cạnh môi trường quan tâm và những vấn đề MT bức xúc.

- Bước 3: Hình thành mục tiêu

- Bước 4: Thiết kế quy hoạch

- Bước 5: Đề xuất giải pháp quản lý

- Bước 6: Đánh giá điều kiện môi trường, đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, xem xét phương án.

3. Một số vấn đề trong QHMT liên quan đến QHXD:

- Sử dụng đất

Đất đai là phần quan trọng nhất của môi trường và có ý nghĩa to lớn đối với sự sống con người. Trên cùng một diện tích bề mặt, con người có thể sử dụng cho nhiều loại hoạt động khác nhau. Việc sử dụng đất đai hợp lý sẽ không gây lãng phí nguồn tài nguyên này mà đặc biệt còn tránh được những tác hại lớn về môi trường.

Qua những nghiên cứu và kinh nghiệm có được rút ra từ thực tiễn cho thấy, việc sử dụng đất đai hợp lý, phải đảm bảo được các mục tiêu sau đây:

+ Sử dụng đất phải phù hợp với điều kiện sinh thái

Đến nay trong hầu hết các dạng quy hoạch sử dụng đất hay những việc có liên quan đến phân chia tổ chức lãnh thổ, quá trình phân tích không gian thường bắt đầu với việc nhận dạng các vùng sinh thái và các đơn vị cảnh quan. Các thành phần chính của một hệ sinh thái bao gồm: Khí hậu và vi khí hậu, thành phần địa chất, thủy văn, địa vật lý, địa mạo, địa hình, thổ nhưỡng, hiện trạng sử dụng đất và lớp phủ thực vật. Do những đặc tính về đất và thảm thực vật đã hình thành cho ta một loạt các chỉ thị ở một phạm vi rất rộng trong điều kiện cảnh quan và tính phù hợp của đất, vì thế phương pháp này được xem là phương pháp thích hợp hơn cách làm trước đây. Ngoài ra, mỗi đơn vị sinh thái được phân chia dựa trên một tập hợp thông tin rất lớn các thành phần được đánh giá với mức độ chi tiết cần thiết nhằm phục vụ cho các mục dích quản lý khác nhau, đã trở thành những ưu điểm nổi trội và có hiệu quả, vì thế phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Một công cụ được sử dụng có hiệu quả trong quy hoạch đất đai là Lập bản đồ đặc tính của đất. Nó được xây dựng dựa trên nguyên tắc là từ một tập hợp các nhân tố sinh thái, được sử dụng riêng biệt hay phối hợp với nhau để suy đoán về “tính phù hợp của đất” đối với các mục đích sử dụng khác nhau. Thông thường, mỗi đặc tính khác nhau của đất được lập một cách riêng biệt, sau đó dùng phương pháp chập bản đồ để có bản đồ tổng hợp đáp ứng cho mục đích sử dụng nào đó.

Ngày nay việc sử dụng kỹ thuật máy tính đánh giá và xử lý thông tin từ ảnh chụp vệ tinh hay công nghệ viễn thám đã trở thành quen thuộc. Việc sử dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) cho phép phân tích và thiết lập mô hình các dạng phát triển khác nhau đã trở thành những công cụ hữu hiệu cho lĩnh vực này.

+ Sử dụng đất phải đạt được năng suất bền vững

Song song với năng suất nông nghiệp cao là hậu quả làm hỏng đất canh tác ở nhiều khu vực lãnh thổ và trên thế giới. Vì vậy năng suất bền vững mới là mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trong việc tạp dựng an ninh và an toàn lương thực.

Việc tạo ra năng suất bền vững đối với các hệ thống sản xuất lương thực phụ thuộc không những vào khả năng thích ứng, mà còn vào khả năng khắc phục các vấn đề mâu thuẫn về mặt môi trường của bản thân hệ thống (Bùi Quang Toản, 1991). Do đó ngoài việc quy hoạch sử dụng đất phù hợp với điều kiện sinh thái, nhằm giảm thiểu những mâu thuẫn môi trường, còn phải tạo ra những mô hình sản xuất mang đậm tính kết hợp chức năng sinh thái dựa trên mối quan hệ giữa các loài (mô hình nông lâm kết hợp, mô hình xen canh…) hay chu trình sử dụng vật chất khép kín (mô hình VAC…), công nghệ sinh học và vấn đề kiểm soát sinh học trong nông nghiệp là cần thiết đưa vào ứng dụng.

+ Sử dụng đất phải bảo tồn tự nhiên và sinh vật hoang dã

Trong chiến lược môi trường của thế giới cũng như Việt Nam, việc bảo tồn thiên nhiên và sinh vật hoang dã đã trở thành mục tiêu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Nhiều loài động vật hoang dã đã trở thành nạn nhân của quá trình mở rộng khu vực sinh sống của con người. Tập quán sinh sống du canh du cư, kiểu canh tác nông nghiệp, chặt phá rừng, nuôi trồng thủy sản, các vùng rằng sản xuất trong những thập kỷ qua thường bị biến đổi về cấu trúc vật lý và tính đa dạng thực vật, nó không còn là hệ sinh thái tự nhiên, vì vậy, động vật hoang dã khó có thể tồn tại trong các hệ thống đó. Mặt khác nhiều loại đại diện của hệ thống vật tự nhiên bị coi là có hại cho quá trình sản xuất bị con người tiêu diệt bởi hóa chất, thuốc trừ sâu hay do chính những ô nhiễm môi trường gây nên.

4. Một số vấn đề QHMT liên quan đến QHXD hiện nay:

a) Phân vùng quản lý chất lượng môi trường:

Phân vùng (zoning) là một khái niệm mang tính kỹ thuật được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong thiết kế QHMT nó được sử dụng như là một công cụ quan trọng với mục đích quản lý chất lượng môi trường.

Phân vùng quản lý trên cơ sở các chức năng của môi trường như vùng bảo tồn sinh thái, vùng rừng phòng hộ đầu nguồn, vùng cải thiện môi trường.

Việc phân vùng ấn định các khu vực môi trường với các đòi hỏi về chất lượng môi trường khác nhau (cũng có nghĩa là đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khác nhau), từ đó đưa đến khả năng kiểm soát các hoạt động, mức độ cho phép trong xả thải các loại chất thải vào môi trường khu vực, mức độ đầu tư… là khác nhau, nhưng cần phải hài hòa trong một hệ thống môi trường chung với tiêu chí là bền vững môi trường trong tương lai.

Việc đề xuất phân vùng không gian môi trường trong quy hoạch nên là việc làm có tính bắt buộc, bởi vì chỉ có như vậy thì việc quản lý môi trường ở từng khu vực mới có tính khả thi, đồng thời nhằm hướng dẫn và kiểm soát các hoạt động phát triển trong mỗi khu vực theo “chức năng môi trường” đã được hoạch định, từ đó đảm bảo tính bền vững của toàn vùng.

b) Đánh giá khả năng chịu tải môi trường của khu vực quy hoạch:

Trong quy hoạch môi trường nói chung hay quy hoạch xây dựng nói riêng, việc đánh giá khả năng chịu tải của đất có một ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn đầu tư, cũng như xác định mục tiêu môi trường trong khu vực.

Kỹ thuật phân tích khả năng chịu tải của đất, khác với phân tích tính thích hợp của đất là ở chỗ phải tính đến các thông số môi trường cụ thể, phải tính xem việc tăng cường sử dụng đất sẽ đem đến những ảnh hưởng chất lượng môi trường nào? Yếu tố nào có thể hoàn nguyên và yếu tố nào không thể hoàn nguyên theo từng giai đoạn đổi mới công nghệ sản xuất.

Nội dung phân tích khả năng chịu tải môi trường của đất dựa trên hai nhóm thành tố cơ bản, đó là:

- Biến số đo mức độ tăng trưởng. Biến số đo mức độ tăng trưởng thể hiện số người hay thước đo các hoạt động con người. Thí dụ, quy hoạch một khu du lịch sinh thái phải nắm được số người đến đây tăng lên hàng năm, và số công trình xây dựng tăng tương ứng với nó.

- Yếu tố hạn chế. Ngược với biến số đo mức độ tăng trưởng, các yếu tố hạn chế chỉ cho ta sự điều hòa phát triển trong khu vực. Nó bao gồm các tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng cơ sở và tất cả các yếu tố khác có thể hạn chế sự tăng trưởng vì chúng không thể có được một cách vô hạn. Để tiện quản lý người ta chia những yếu tố hạn chế thành 3 phân nhóm sau: (a) Môi trường các đặc trưng sinh lý gồm các số đo về chất lượng không khí, nước tự nhiên, độ ổn định của hệ sinh thái và xói mòn đất… (b) Công suất các hệ thống hạ tầng như giao thông, cấp nước, xử lý nước thải và chất thải rắn… (c) Tác động tâm lý con người thông qua các thông số về cảm nhận không gian, cảnh quan…đem lại những súc cảm hạnh phúc, an toàn… hay những bất ổn, những stress.

Cuối cùng, quá trình phân tích phải tính được các giá trị tối đa (hoặc tối thiểu) của các yếu tố hạn chế tương đương với mức tăng trưởng, để từ đó hoạch định phát triển ở cả hai mặt không gian và thể chế. Để nâng cao hiệu quả, người ta chuyển dần từ phương pháp chuyên gia đơn thuần sang phương pháp mô hình nhờ tiến bộ của công nghệ thông tin.

c) Đánh giá các khu vực nhạy cảm môi trường:

Khu vực nhạy cảm môi trường là khu đất đai nào đó, thuộc phạm vi địa phương hay quốc tế, nếu chứa đựng ý nghĩa đặc biệt, hoặc do hoạt động không được kiểm soát của con người có nguy cơ làm suy giảm dẫn đến phá hoại các giá trị của chúng, hoặc có tác động nguy hiểm đối với cuộc sống hay tài sản của con người.

Dựa trên khái niệm này, các khu vực nhạy cảm môi trường thường là:

- Các vùng đất dễ bị tổn thương. Đó là đường bờ ven biển và hải đảo, hồ và các dòng chảy, các vùng đất ngập nước, các cấu trúc địa chất hiếm, các khu vực nhạy cảm sinh thái (ESA) như một vài loại sinh cảnh nào đó là nơi sinh sản hoặc là các điểm di trú, hoặc các khu vực có loài động thực vật quý hiếm.

Đây là những vùng đất đòi hỏi phải được bảo vệ trước các hoạt động của con người.

- Đất nguy hiểm. Đó là các đồng bằng ngập lụt (như đồng bằng Nam Bộ), các vùng dốc và không ổn định (như ruộng bậc thang), các khu vực dễ bị trượt lở, những vùng có núi lửa hay động đất thường xuyên xảy ra. Con người trong vùng đất này phải được bảo vệ trước các hiểm họa tự nhiên. Các phương pháp phòng tránh hay thích ứng phải được áp dụng.

- Các khu vực tài nguyên tái tạo bao gồm các vùng có khả năng bổ cập nước ngầm, các vùng đất nông nghiệp cho các sản phẩm đặc biệt (vùng đặc sản thường bị chi phối bởi các yếu tố vi khí hậu và các yếu tố vi lượng trong đất dễ bị mất), các vùng đất lâm nghiệp và các khu vực trù phú cho cá và động vật hoang dã. Các khu vực này cần được bảo vệ để đảm bảo an toàn cho sử dụng lâu dài.

- Tài nguyên cảnh quan, văn hóa. Đó là những vùng danh thắng, hoặc có giá trị văn hóa, khoa học và giáo dục cao. Một số vùng có tiềm năng giải trí du lịch hay những vùng miền có giá trị lịch sử, khảo cổ hay công trình kiến trúc.

d) Quy hoạch phòng ngừa ô nhiễm môi trường

Phòng ngừa ô nhiễm môi trường là một phạm trù rộng, nó liên quan tới nhiều lĩnh vực từ pháp luật, chiến lược, các công cụ chính sách đến các giải pháp cụ thể của quy hoạch không gian. Vì vậy, quy hoạch môi trường nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng có vai trò ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp tới vấn đề này.

Nguyên tắc chung của quy hoạch phòng ngừa ô nhiễm môi trường là quy hoạch phải tạo được tiền đề cho quản lý chất lượng môi trường, tập trung vào các giải pháp phòng tránh để ô nhiễm môi trường không xảy ra.

Đối với đô thị và khu công nghiệp những vấn đề đặt ra là quản lý chất thải, và việc quy hoạch không gian phải tạo được những thuận lợi cho việc quản lý ấy, tránh những điều bất cập do quy hoạch gây ra. Ngược lại ở vùng nông thôn phải đặc biệt chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, từ nguồn nước đến thói quen ăn ở và canh tác. Riêng tại các làng nghề truyền thống, quản lý môi trường theo nguyên tắc quản lý môi trường khu công nghiệp nhỏ lẻ, song phải lựa chọn giải pháp quy hoạch là chính, tránh đi sâu vào những giải pháp kỹ thuật vì không đáp ứng đến nguồn tài chính dẫn đến thiếu hiệu quả và đôi khi phản tác dụng.

Khi lập quy hoạch, những vấn đề thường phải lựa chọn là: (a) Địa điểm, (b) Quy mô, (c) Kỹ thuật và công nghệ, (d) Quy chế và điều lệ an toàn môi trường, (c) Biện pháp ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Để làm tốt việc này, các nhà QHXD phải tiếp cận các kiến thức về môi trường để phối hợp chuyên môn của mình với các chuyên ngành khác nhằm thiết lập và thực hiện mục tiêu chung.

Một số nội dung trong quy hoạch phòng chống ô nhiễm môi trường là quy hoạch có các mục tiêu sau đây: (1) Quy hoạch quản lý chất lượng nước, (2) Quy hoạch quản lý chất lượng không khí, (3) Quy hoạch quản lý chất thải rắn, (4) Các mục tiêu về mặt kinh tế và xã hội.

Nội dung của biện pháp này bao gồm những phương pháp sau: (1) Giảm mức sản xuất khi cần thiết (chẳng hạn khi có báo động về môi trường), (2) Giữ nguyên mức sản xuất và sử dụng quy trình tạo ra ít yếu tố tồn dư (vấn đề sử dụng công nghệ thân môi trường), (3) Giữ nguyên sản xuất, thay đổi nguyên liệu đầu vào có khả năng tạo ra yếu tố tồn dư ít hơn, (4) Sản xuất sản phẩm với chất lượng khác trước để tạo khả năng làm giảm yếu tố tồn dư (giảm thang chất lượng sản phẩm nếu thấy hạn chế đáng kể yếu tố tồn dư), (5) Tăng cường tái sử dụng và thu hồi chất thải (tận dụng sử dụng lại dù không đem lợi nhiều về mặt kinh tế thì cho được lợi về mặt môi trường).

Phân tích chi phí lợi ích (CBA) là một cách giúp cho việc xác định mức độ thích hợp trong xả thải các yếu tố tồn dư, trong đó hiệu quả kinh tế được xem như một tiêu chuẩn để lựa chọn mức xả thải. Để làm tốt việc này, chúng ta phải trả lời được ba câu hỏi sau đây: (1) Giảm thải tác động đến chất lượng môi trường như thế nào?, (2) Sự thay đổi chất lượng môi trường ảnh hưởng thế nào đến chức năng của môi trường?, (3) Giá trị bằng tiền của những thay đổi đó?.

e) Quy hoạch quản lý chất lượng nước

Hệ thống sông hồ, vùng đất ngập nước nội địa và các tầng chứa nước ngầm nằm sâu dưới mặt đất là nguồn cung cấp nước duy nhất cho các hoạt động của con người, cho sự sống của mọi hệ sinh thái trên đất liền và tạo ra những sinh cảnh đặc trưng vùng “sông nước”, vì vậy nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Vì vậy việc quy hoạch quản lý chất lượng nước phục vụ cho nhiều mục đích phát triển khác nhau là việc làm hết sức quan trọng trong QHMT nói chung và QHXD nói riêng. Những phương án quy hoạch đô thị hay cụm dân cư nông thôn, mục tiêu bảo vệ môi trường nước không được giải quyết triệt để hay thỏa đáng bằng các giải pháp cụ thể sẽ là mối nguy hại tiềm ẩn trong tương lai.

Phân hạng chất lượng nước theo mục đích sử dụng là công cụ tốt để quản lý chất lượng nước, được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Mỹ, Philipine, Thái Lan… dựa theo hệ thống 5 hạng mục để ứng dụng vào QHXD. Hệ thống phân hạng chất lượng nước này được phân thành A, B, C, D và E, tương ứng với các mục đích sử dụng khác nhau. Tuy nhiên cách phân hạng này không phải lúc nào cũng áp dụng được tiện lợi trong thực tiễn, bởi lẽ mọi hoạt động của con người và hệ thống thủy vực mang tính liên hoàn trong không gian sử dụng, không phải lúc nào cũng dễ dàng tách bạch được.

Ở nước ta, chất lượng nước mặt được quy định trong TCVN 5942/1995, trong đó cũng được chia thành hai hạng mục ứng với các mục tiêu sử dụng khác nhau. Ngoài ra, liên quan tới quy định về chất lượng nước mặt còn có các tiêu chuẩn TCVN 5943/1945; TCVN 6773/2000 và TCVN 6774/2000.

Về mặt kỹ năng, việc phân định chất lượng nước trong các vùng quy hoạch thường được thực hiện theo quy trình ba bước: (1) Xây dựng những bản đồ về hiện trạng chất lượng nước theo các mục đích sử dụng khác nhau và thuyết minh mô tả chỉ dẫn, các bản đồ này có khả năng chập được khi cần thiết; (2) Xây dựng những bản đồ về chất lượng nước tương lai cho các mục đích sử dụng khác nhau và khả năng có thể chập được khi cần thiết và đầy đủ thuyết minh lí giải thông qua các giải pháp quy hoạch và kỹ thuật khuyến khích hay bắt buộc ứng dụng; (3) Trên cơ sở của (1) và (2) xác định những chi phí cần thiết (tài chính, khoa học công nghệ, cơ chế chính sách) và cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.

Để công việc này đạt được hiệu quả, các nhà tham gia lập quy hoạch phải bao gồm các nhóm chuyên gia về nước thuộc các ngành xây dựng, thủy lợi, y tế và quản lý bảo vệ môi trường. Những lĩnh vực kiến thức chuyên ngành về sinh thái học, sinh vật thủy sinh, thủy văn, thủy lực dòng chảy, hóa nước, toán tin… cần được huy động để giải bài toán xác định mức độ chịu tải tối đa của các dòng chảy và thủy vực.

f) Quy hoạch quản lý đổ thải:

Việc đổ thải của hoạt động con người có ba không gian môi trường nhất định, đó là đất, nước và không khí.

Vấn đề đổ thải trong hoạt động của con người là một nhu cầu tất yếu. Việc xử lý để phân hóa chất thải dựa vào thiết bị công nghệ hay sử dụng hệ thống tự nhiên là tùy thuộc vào điều kiện của từng khu vực và mức độ hoạt động tại đó.

Để đảm bảo an toàn cho môi trường, trong quản lý chất thải người ta chia chúng ra làm ba loại: Chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện và chất thải sinh hoạt. Để lựa chọn công nghệ xử lý thích hợp thì người ta phân loại chất thải theo đặc tính nguy hiểm: Chất thải độc hại và chất thải không độc hại (đối với chất thải công nghiệp), chất thải lây nhiễm và chất thải không lây nhiễm (đối với chất thải bệnh viện). Với quan điểm này chất thải không độc hại và chất thải không lây nhiễm được xem là cùng loại với chất thải sinh hoạt. Chất thải nguy hại được xử lý theo những quy trình riêng biệt trong khu vực chúng phát sinh (nhà máy hay bệnh viện), chất thải sinh hoạt được thu gom xử lý tập trung theo khu vực quy hoạch.

Việc lựa chọn loại hình thiết bị công nghệ để xử lý chất thải sinh hoạt là phụ thuộc vào điều kiện đất đai cũng như khả năng tài chính quyết định. Việt Nam chưa có công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo quy mô đô thị. Nước thải sinh hoạt và một số nước thải công nghiệp không qua xử lý đổ trực tiếp vào hệ thống kênh mương và ao hồ đô thị, làm phá hủy hệ sinh thái nơi đây và gây ô nhiễm nặng nề. Xu thế quy mô đô thị ngày càng mở rộng thêm nhiều khu đô thị mới, nhưng hệ thống kênh mương đô thị và phương thức xả thải không được đổi mới sẽ là mối nguy cho tương lai, đặc biệt là khu vực ngoại thành nơi hứng chịu thảm họa này. Các dòng sông lớn đi qua các đô thị vừa là nơi chứa đựng xử thải và rất nguy hiểm cho môi trường và cả con người.

Việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị nước ta cũng đang là vấn đề lớn. Tuy bước đầu đã đưa công nghệ chế biến rác vào sử dụng, nhưng do sự yếu kém về khả năng tài chính cũng như trình độ xã hội đô thị nên việc đầu tư và ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế: Sử dụng công nghệ không triệt để (nửa cơ khí nửa thủ công, không có khả năng tự động hóa…) tác phong đô thị của cộng đồng dân cư trong đổ thải còn quá yếu kém về nhận thức, và bừa bãi trong hành vi, vì thế khâu phân loại gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến dây chuyền công nghệ hoạt động thiếu hiệu quả và công suất thấp. Tình trạng này dẫn đến ứ thừa rác thải và buộc các thành phố lớn phải sử dụng những mô hình thấp hơn lẽ ra chỉ nên sử dụng cho các dạng đô thị nhỏ, đó là mô hình chôn lấp rác thải đô thị. Một thực tế cho thấy việc ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý nước thải và rác thải đô thị của các nước phát triển không chỉ đem lại lợi ích môi trường, mà bản thân các doanh nghiệp đó hoạt động có lãi. Điều này mở ra triển vọng bền vững cho vệ sinh môi trường đô thị, và cũng là điều để các nhà quy hoạch và quản lý Việt Nam suy ngẫm và hành động.

g) Vấn đề Nghĩa trang đô thị

Trong khu vực đô thị, một vấn đề không kém phần nổi cộm cho môi trường là quy hoạch quản lý các khu nghĩa trang. Bên cạnh xu hướng “Hóa thân hoàn vũ” còn rất mới mẻ, tập quán chôn cất của người Việt Nam còn kéo dài trong tương lai, bởi lẽ văn hóa tâm linh không dễ thay đổi.

Việc lựa chọn vị trí nghĩa trang cho đô thị là việc làm không ít khó khăn bởi quy trình sử dụng của nó. Quá trình hung táng và cải táng được thực hiện liên tục đã gây ô nhiễm không khí cho môi trường cả khi chọn được những nền đất thích hợp. Yêu cầu vị trí cho nghĩa trang ngoài những tiêu chuẩn về cách ly và chống thẩm lậu cao, nó còn phải đạt được yêu cầu tinh thần thông qua các yếu tố như địa hình, cảnh quan, lịch sử,… khoảng cách cũng như các vấn đề giao thông đi lại.

Theo quan điểm của những nhà môi trường đô thị, trong đô thị không nên tồn tại các khu nghĩa trang là tốt nhất, đặc biệt là những đô thị vùng đồng bằng. Việc quy hoạch quản lý nghĩa trang đô thị để quy hoạch không gian vùng đảm nhận, theo kiểu liên đô thị và nông thôn.

Cuối cùng, cần quan niệm rằng nghĩa trang đô thị tồn tại như một hiện tượng khách quan, các nhà QHXD phải tìm cách quy hoạch quản lý thích hợp. Việc thay đổi phong tục tập quán trong cộng đồng là cần nhưng phải có thời gian để nhận thức thay đổi qua các thế hệ. Mọi sự áp đặt sẽ thiếu đi tính bền vững của nó.

h) Quy hoạch cây xanh

Quy hoạch cây xanh cũng là một dạng QHMT, lồng ghép trong bộ môn kiến trúc của đồ án quy hoạch. Quy hoạch cây xanh được thành lập trên cơ sở quy hoạch chung đô thị.

Hiện nay, tác động của việc thiếu quy hoạch cây xanh chưa rõ ràng, nhưng trong tương lai sẽ là vấn đề lớn. Nếu trong QHMTĐT không dành quỹ đất cho cây xanh thì sau này có thể xảy ra các vấn đề môi trường (như ngập úng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn…) không thể cứu vãn được.

Trong quy hoạch cây xanh, ngoài việc phân bổ vị trí và quỹ đất phù hợp trong không gian đô thị, các nhà quy hoạch còn phải lựa chọn loài cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của từng khu vực vùng miền để đạt được hiệu quả tối ưu trong công tác ổn định các yếu tố môi trường cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị.

Vì vậy, các kiến trúc sư cảnh quan, am hiểu về cây xanh đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quy hoạch cây xanh đô thị.

5. Kết luận

Thực tế hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng việc phân vùng môi trường trong quy hoạch. Ví dụ QHMT thành phố Tokyo (Nhật Bản) được hình thành dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của thành phố. Trên cơ sở xác định các vấn đề môi trường cần được xem xét trong quy hoạch (như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, vấn đề chất lượng nước, đất, độ rung, độ lún, ánh sáng mặt trời, sóng điện từ, địa hình, thực vật, động vật và môi trường tự nhiên; các khu di tích và cảnh quan; việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên; môi trường sống và sức khỏe hệ sinh thái…) mà phân vùng quản lý môi trường. Tokyo được phân thành 8 “vùng môi trường” với những giải pháp quản lý, đầu tư, chính sách khác nhau… nhằm đảm bảo tính bền vững của toàn thành phố trong tương lai.

Ngoài ra, bên cạnh những mục tiêu có tính quốc gia thì các mục tiêu môi trường còn có tính địa phương, nên sự tranh chấp về quyền lợi là khó tránh khỏi. Vì thế phương pháp thương thuyết chiến lược đóng vai trò quan trọng trong quá trình quy hoạch.