Thất thập niên là bao nhiêu tuổi?

Thất Thập

Hi hữu hay không hi hữu

Bây giờ mà nói đến hai chữ “thất thập”, người Việt Nam nào cũng liên tưởng tới ba chữ nữa là “cổ lai hy”, nếu không muốn nói tới cả câu “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Câu ấy có người nói là của Khổng Phu Tử. Có người nói là của Đỗ Phủ. Điều ấy xét ra không quan trọng bao nhiêu. Vì cụ Khổng hay cụ Đỗ nói cũng thế thôi: câu nói đều hết sức đúng vào thời các cụ, dù cụ Khổng sống trước cụ Đỗ đến hơn một ngàn năm, với Chúa Giêsu sống tại Nadarét ở khoảng gần giữa.

Nhưng người sống ở hậu bán thế kỷ 20 mà còn cho câu ấy là đúng để mà ngâm ngợi cho vào di chúc thì quả là không thức thời chút nào. Người ấy là nguyên chủ tịch Nhà Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tiền thân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay. Nói cho đúng, ông Hồ cũng chưa đủ tư cách xếp mình vào hàng “thất thập”, theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay, bởi ông sinh ngày 19 tháng Năm năm 1890 và qua đời ngày 2 tháng Chín năm 1969. Phải đợi thêm mấy tháng nữa mới được. Ông hơi vội vàng đấy. Ngoại trừ, muốn tính tuổi theo kiểu Việt Nam. Nếu thế thì phải bỏ chữ “nhân sinh” đi, mà thay thế bằng “bắc bộ sinh”, thì mới chỉnh. Như tôi chẳng hạn, dù chỉ còn non tuần lễ nữa là “thất thập”, tôi vẫn coi mình như “lục thập cửu”.

Nói cho vui, chứ dù lục thập cửu hay thất thập đi chăng nữa, thì cũng chẳng có chi là hy hữu vào thời buổi này. Thực vậy, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, năm 2000, trên thế giới có tất cả 155,000 cụ từ một trăm tuổi trở lên, 69.4 triệu cụ từ 80 đến 99 tuổi. Cũng Văn Phòng Kinh Tế Xã Hội của LHQ này phỏng đoán đến năm 2050, con số các cụ trên còn nhiều hơn gấp bội: 2,189,000 cụ 100 tuổi trở lên và 368,200,000 cụ từ 80 tuổi đến 99 tuổi! Đến lúc ấy dám không ai dùng chữ “cụ” để xưng hô với các cụ nữa. Y hệt như bây giờ, ít khi người ta còn dùng chữ cụ trước mặt các “cụ” thất thập! Để đợi mấy hôm nữa, xem có ai gọi tôi là “cụ” không, ngoại trừ bà xã mỗi lần bà ấy hờn mát!

Mà quả vậy, khi nói đến tuổi già hiện nay, hình như người ta “ngại” không muốn xếp các “cụ” thất thập vào đó. Bởi thế nên số liệu thống kê về các “cụ” không nhiều. Đôi khi các “cụ” bị xếp chung hổ lốn với những người mới có 60. Như số liệu của Liên Hiệp Quốc chẳng hạn cho thấy năm 1998, trên thế giới có tất cả 580 triệu người từ 60 tuổi trở lên và con số này đến năm 2050, sẽ lên tới gần 2 tỉ trong số từ 7 tỉ 3 tới 10 tỉ 7 tổng dân số lúc đó.

Việc cố tình đưa ra con số dự đoán đầy khủng khiếp đó có một tác dụng “hù họa” về kinh tế và phó sản của “hù họa” ấy là sự sói mòn lòng kính trọng đối với tuổi già, cái tuổi đầy đe dọa, chứ chả có chi là “hy hữu” theo nghĩa lạc quan như ông Hồ vốn nghĩ!

Những người già nhất

Theo Từ Điển Bách Khoa của Anh, trong lịch sử Phương Tây cận đại, có Thomas Parr chết tháng 11 năm 1635, nói là thọ 152 tuổi; Henry Jenkins, chết tháng 12 năm 1670, nói là thọ 169 tuổi; Catherine, Nữ Công Tước Desmond, chết năm 1604 nói là thọ 140 tuổi. Từ điển này cho hay các trường hợp này chỉ là do tin đồn. Riêng trường hợp Thomas Parr thì được ghi chú trong hồ sơ của nhà y sĩ nổi danh người Anh tên là William Harvey, người đã làm phẫu thuật cho ông ta. Tuy nhiên, không rõ vị y sĩ này ghi tuổi của Parr theo văn bản hay chỉ theo phỏng đoán. Một người khác có hồ sơ ghi chép về tuổi lúc qua đời nữa là Christian Jacobsen Drakenberg: sinh ngày 18 tháng 11 năm 1626 và chết ngày 9 tháng 10 năm 1772: thọ 145 tuổi 325 ngày.

Một số người gần gũi với chúng ta hơn và do đó các tín liệu về họ đáng tin cậy hơn là:

Jeanne Calment (1875-1997, 122 năm 164 ngày); Shigechiyo Izumi (1865-1986, 120 năm 237 ngày, người đàn ông già nhất được Guinness Book of World Records thừa nhận); Christian Mortensen (1882-1998, 115 năm 252 ngày)

Chúng tôi không có tài liệu ở Phương Đông cho biết những con người “thực” sống thọ trên một trăm năm. Ông Bành Tổ, người sống đến một nghìn năm, chỉ là truyện cổ tích. Truyện kể rằng: Ngày xưa, nhà nọ sinh được một bé trai đặt tên là Bành Nhi. Một hôm, cậu bị một thầy bói phán cho một câu bổ ngửa: “tội nghiệp, thằng bé đĩnh ngộ thế mà 10 tuổi đã phải chết!”. Nghe thấy thế, cha mẹ cậu thất kinh, bèn vấn kế thầy bói. Thầy bói bèn mách nước, dặn cha mẹ cậu phải làm y chang lời ông ta dặn.

Sáng hôm sau, Bành Nhi bưng một mâm đào lên núi, tới nơi thầy bói dặn, thì thấy ở nơi đó suối chảy, hạc bay, mây vờn tùng bách, trên một tảng đá phẳng có hai ông tiên đang ngồi đánh cờ. Bành Nhi rón rén lại gần, nhẹ nhàng đặt mâm đào xuống rồi vòng tay ngồi đợi. Hai ông tiên mải đánh cờ, thấy có đào ngon bèn cứ thế cầm lên, vừa đánh cờ vừa thưởng thức đào.

Khi đánh xong ván cờ, hai vị thần mới phát hiện ra chú bé dâng đào lấy làm thích lắm, bèn hỏi chuyện. Bành Nhi bèn kể hết mọi chuyện của cậu. Té ra hai vị tiên đó là Nam Tào và Bắc Đẩu, giữ sổ sinh tử trên Thiên đình. Giở sổ ra, hai ông thấy số tuổi của Bành Nhi đến số 10 là hết. Cả hai bèn bàn nhau thêm một nét phẩy lên trên chữ "thập" (mười), biến chữ "thập" thành chữ "thiên" (nghìn). Thế là Bành Nhi được sống đến nghìn tuổi.

Nhiều người cho truyện Bành Tổ là truyện vớ vẩn, không thể tin được, vì con người không thể sống đến nghìn tuổi. Tuy nhiên, theo Từ Điển Bách Khoa Anh, dù chắc chắn không một ai sống tới một nghìn năm như Bành Tổ, nhưng cũng không có cách gì có thể xác định được số tuổi sống tối đa của một con người. Và nếu người ta cho rằng khả năng sống đến một nghìn năm hết sức nhỏ, nhỏ vô cùng (infinitesimal), thì vẫn không có chứng cớ khoa học nào chứng minh được câu ấy là đúng hay không đúng.

Người già nhất trong Thánh Kinh

Nói đến những người già nhất không thể không nhắc đến các nhân vật xưa trong Thánh Kinh, nhất là phần Thánh Kinh thoát thai từ Do Thái Giáo tức Cựu Ước. Người Do Thái, tuy có công lớn khám phá ra “một Thiên Chúa” duy nhất, thuần thần, không khuôn hình thước tấc, nhưng “lý tưởng” của họ lại là “Đất Hứa” đầy sữa và mật ong, vô cùng thực tiễn. Khi Gia Vê dạy họ phải thảo kính cha mẹ, thì phần thưởng Người hứa ban cho họ chẳng phải là “Nước Thiên Đàng” mà là được “sống lâu và được hạnh phúc trên đất” (Đnl 5:16). Không lạ gì tuổi thọ đã được họ dùng để đo ơn phúc ít nhiều của Chúa. Tuổi thọ trước Hồng Thủy và sau Hồng Thủy khác nhau là vì vậy. Trước Hồng Thủy, không thấy Thiên Chúa “ấn định” tuổi tối đa cho con người, nhưng sau Hồng Thủy, Người ấn định tuổi ấy là 120 năm sau khi phán “Thần Trí Ta sẽ không ở lại mãi mãi trong con người vì con người chỉ là xác phàm”(St 6:1-3).

Đúng như nhận định của Từ Điển Bách Khoa Anh, không có chứng cớ khoa học nào xác định được tuổi sống tối đa của con người, vì sự sống của họ là do “Thần Trí Ta” quyết định. Nhờ thế, Ađam sống tới tuổi 930, Sết sống tới tuổi 912, Enốt sống tới tuổi 905, Kênan sống tới tuổi 910, Mahalanên sống tới tuổi 895, Gierét sống tới tuổi 962, Khanốc sống tới tuổi 365 thì được Chúa “đem” đi (chứ không chết). Nhưng người già nhất phải là Mơthuselác: sống tới tuổi 969! (St 5:1-25). Nôê là người giữa hai thời kỳ. Lúc Hồng Thủy xẩy ra, ông đã được 600 tuổi và sau Hồng Thủy, ông được sống thêm 350 năm, tổng cộng tuổi thọ của ông là 950 năm (St 7:6; 8:28-29).

Về số tuổi thọ này, hai tác giả Richard J. Clifford, S.J. và Roland E. Murphy O.Carm. phụ trách Sách Sáng Thế trong bộ “The New Jerome Biblical Commentary” cho hay: a) Tuổi thọ này giống thời kỳ trị vì của các vua Sumeria: trước Hồng Thủy của Sumeria, Alulim cai trị 28,900 năm, Alalzar cai trị 36,000 năm, nhưng sau Hồng Thủy, thời kỳ cai trị của cácvua chỉ còn lại từ 200 tới 960 năm mà thôi; b) Tuổi thọ cao nhất (969 năm) của Mơthuselác vẫn còn thua một ngày của Chúa là 1,000 năm: Thánh vịnh 90:4 hát rằng “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” c) Tuổi thọ sau Hồng Thủy đã hạ xuống còn 120 “vì con người chỉ là xác phàm”, nhưng nghĩa chính xác thì không rõ.

Thực vậy, có người đã dùng chu kỳ mặt trăng (chưa đầy 30 ngày) làm năm để giải thích. Như thế thì tuổi thọ của Mơthuselác chỉ vào khoảng 77. Nhưng điều này hoàn toàn vô lý. Bởi nếu áp dụng vào tuổi sinh con, chả lẽ Ađam sinh Sết lúc mới 11 tuổi rưỡi (Ađam được 130 tuổi khi sinh ra Sết) nhất là Malahanên và Khanốc vì cả hai đều sinh con thứ nhất lúc “được 65 tuổi” nghĩa là lúc mới hơn 5 tuổi đầu tính theo kiểu này.

Cả tuổi thọ tối đa 120 năm như Giavê vừa phán cũng có một ý nghĩa không hẳn chiểu tự. Như trên đã nói, sau Hồng Thủy, Nôê tiếp tục sống gần gấp ba lần số tuổi tối đa ấy. Sau ông, hình như chỉ có Môsê qua đời đúng vào tuổi 120 (Đnl 34:7), còn Abraham chết năm 175 tuổi (St 25:7), vợ ông là Xa ra chết năm 127 tuổi (St 23:5), con trai Ismael của ông chết năm 137 tuổi (St 25:17), Ixaác chết năm 180 tuổi (St 35:28), Giacóp chết năm 145 tuổi (St 47:28)… Có lẽ vì những người này không hoàn toàn là xác phàm chăng?

Bẩy Mươi

Trong khi ấy, Thánh vịnh gia lại có cái nhìn khác về tuổi thọ tối đa của con người. Ông cho rằng tuổi ấy chỉ trong vòng 70 và cùng lắm là 80 năm. Thánh vịnh 90:10 hát rằng: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bẩy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi”. Điều này xem ra phù hợp với quan điểm của Solon, nhà làm luật danh tiếng của Athens ở thế kỷ thứ 6 trước CN (chết năm 559 B.C.). Trong cuộc đàm thoại với Croesus, Solon cho rằng 70 tuổi là tuổi thọ của một người. Tuy nhiên, mấy trăm năm sau, nhà thiên văn học Hipparchus thành Nicea (185-120 trước CN) quả quyết rằng triết gia Democritus thành Abdera (thế kỷ thứ 5 trước CN) sống đến 109 tuổi. Nhiều triết gia Hy Lạp khác cũng từng sống quá tuổi 90 như Xenophanes thành Colophon, (Tk 6 B.C), Pyrrho thành Ellis, (Tk 4 B.C.), Eratosthenes thành Cirene (Tk 3 B.C.)… Thậm chí người ta còn cho rằng Epimenides thành Crete (Tk 7 B.C.) sống tới tuổi 154, 157 hay 290. Lẽ dĩ nhiên, không thể chứng nghiệm được điều đó.

Nên quan điểm của Thánh vịnh gia tương đối phản ảnh thực tại hơn cả. Người ta vẫn cho rằng tác giả Sách Thánh Vịnh là Vua Đa Vít vì tên ông hay được dùng làm tiêu đề cho nhiều thánh vịnh nhất. Nếu điều đó đúng thì cái nhìn trên đây khá lý thú ở chỗ tuổi thọ của vị Vua này chẵn 70: Lúc lên ngôi, ông 30 tuổi (2Sm 5:4), cai trị được 40 năm thì ông qua đời (1Sb 29:26) và được Sách Thánh coi là trường thọ (1Sb 29:28). Bản Phổ Thông dịch là “Senectute bona”.

Tuổi thọ trong văn hóa Việt Nam

Ca dao Việt Nam ít khi ca tụng tuổi già, ngược lại thường hay châm biếm các cụ “già dịch” như các câu sau đây:

“Bà già tuổi bẩy mươi tư

Ngồi trong cửa sổ viết thư kén chồng.”

“Bà già đi chợ cầu đông

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?

Ông thầy xem quẻ đoán rằng

Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.”

“Áo dài chớ nại quần thưa

Bẩy mươi có của cũng vừa mười lăm”

“Bẩy mươi mười bẩy bao xa

Bẩy mươi có của mười ba cũng vừa”.

Điều lý thú là tuổi 70 được lặp đi lặp lại trong các câu trên. Và ngày nay, người ta thấy những câu ấy không hẳn chỉ là ngoa ngữ, nhưng có tính hết sức tiên tri, vì các cuộc chắp nối cười ra nước mắt giữa các cụ Việt Kiều 70 với những cô gái trẻ măng đáng tuổi con cháu ở Việt Nam hiện xẩy ra càng ngày càng nhiều.

Hiện tượng ấy phải chăng hoàn toàn do tính “mắc dịch” của các cụ Việt Kiều hay còn do những yếu tố khác, những yếu tố được Tuyên Bố của Hội Đồng Giám Mục Úc Châu năm 1998 nhận diện qua thái độ coi các cụ không hiện hữu (invisible) thậm chí còn không phải là những con người (unpeopled) nữa?

Văn hóa truyền thống của Việt Nam không thế. Theo phong tục xưa của Việt Nam, nhà nào có cha mẹ từ tuổi 70 trở lên đều làm lễ thượng thọ cho các đấng. Trong lễ này, người ta có làm văn tế yết cáo Tổ Tiên, đại loại như sau:

“Kính cẩn lạy tâu rằng:

Cúi nghĩ: tuổi tác tự Trời Phật ban cho

Hình hài nhờ Tổ Tiên mới có

Nay:. ...........

Toàn dân hớn hở đón xuân sang

Tín chủ mừng vui làm lễ thọ

Yết cáo chư vị Thần Linh

Kính lạy miếu đường Tiên Tổ

Xin rộng lòng nhân

Nguyện vun trồng đức độ

Mong Sao Ngày tháng mãi bền lâu

Ước gốc cành thê củng cố

Tưởng niệm công đức ngày xưa

Gọi chút hương khói lễ nhỏ

Ngửng trông chứng giám tấc thành

Cúi xin phù trì bảo hộ

Mong Tiên linh khơi rộng mạch Trường sinh

Cho hậu duệ leo lên thềm Thượng thọ

Trên Thiên tào tăng niên kỷ lâu dài, như rùa hạc vô cương

Dưới Hải ốc tươi phúc lộc dồi dào, như suối nguồn bất hủ

Khấn đầu cúi lạy Thần linh, tiên tổ thượng hưởng!”

Không phải chỉ có con cháu, nhiều làng có tục yến lão…Mỗi năm cứ đến dịp làng mở hội hoặc ngày đại lễ có định kỳ, các quan lão tụ hội ở chùa hay nơi công quán hay một đương cai, làng đem cờ quạt với phường bát âm đến rước ra đình. Những làng trù phú thường sắm đủ võng lọng rước lão, lão 100 tuổi đi võng điều che bốn lọng xanh, lão 90 tuổi đi võng điều hai lọng xanh, lão 80 tuổi vọng xanh (đòn cong) một lọng, lão 70 võng xanh (đòn ống) một lọng. Trai tráng cầm cờ khiêng võng đều nón dấu áo nẹp. Ðám rước rất trọng thể. Tại đình làng, nơi giữa thiết lập bàn thờ tiên lão, các quan lão ngồi hai gian bên theo thứ bậc tuổi, có làng yến cả lão bà thì gian trái lão ông ngồi, gian bên phải lão bà ngồi…Tế lão cũng đủ nghi thức như tế thần, ba tuần rượu với văn tế tiên lão, văn chúc thọ quan lão, có ban tư văn hành lễ, phường bát âm tấu nhạc.

Lúc tế, quan lão ngồi trước những mâm cỗ đặt giữa chiếu, chỉ uống rượu suông không ăn, là thủ ý trang nhã, trịnh trọng đối với dân làng, ngồi chứng kiến cuộc lễ diễn hành và chăm chú nghe văn tế, văn chúc thọ. Những mâm cỗ kia sẽ được mang đến từng nhà biếu các cụ. Cỗ yến lão thường là rất thịnh hậu cả về phẩm lẫn lượng, có nơi mỗi cỗ hai bánh dày, hai bánh chưng với những món giò, nem và nhiều thứ bánh khác làm rất công phu.

Bây giờ thì những chuyện ấy đã đi vào dĩ vãng cả. Cùng lắm chỉ còn trong vòng gia đình. Nhưng ngay trong vòng gia đình, mục văn tế cũng đã lui vào dĩ vãng từ lâu. Rất may, Người Công Giáo có thể dùng Thánh Lễ với những lời trích dẫn Thánh Kinh và cầu nguyện thiết tha như một thay thế hết sức ý nghĩa.

Giáo Hội và Tuổi già

Năm 1998, nhân năm quốc tế dành cho người già, Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân do Đức Hồng Y James Francis Stafford làm chủ tịch, đã cho công bố một tài liệu tựa là “Phẩm Giá Người Già và Sứ Mệnh của Họ trong Giáo Hội và trong Thế Giới”, để trình bầy rõ các suy nghĩ cũng như chương trình hành động của Giáo Hội nhằm tạo ra một xã hội “thay vì hí họa người cao niên như những người hết làm việc và bệnh hoạn, biết coi họ như tác nhân và người thụ hưởng phát triển” như lời Kofi Annan, Tổng Thư Ký LHQ lúc đó.

Tài liệu cho hay chú tâm cũng như cam kết của Giáo Hội đối với người già không phải là điều mới lạ. Suốt trong nhiều thế kỷ qua, nhất là nhờ sự tận tụy của các dòng tu và phong trào tông đồ giáo dân, Giáo Hội vốn đã và đang phục vụ người già dưới nhiều hình thức rồi. Trong khi đó, giáo huấn của Giáo Hội không phải chỉ luẩn quẩn quanh vấn đề giúp đỡ và bác ái mà thôi, mà chủ yếu còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng phải nhìn nhận và cổ vũ các giá trị nội tại trong con người của người già. Giáo Hội liên tục nhắc nhở mọi người không được để cho các tài nguyên, các kinh nghiệm, các túi khôn ngoan tích lũy suốt một đời phải mất đi.

Chính vì thế, khi nói truyện với 8,000 người cao niên trong cuộc triều yết ngày 23 tháng Ba năm 1984, Đức Gioan Phaolô II, đã cho họ hay: “Các con không được và không nên xem mình như những người đứng bên lề sinh hoạt của Giáo Hội, các phần tử thụ động trong một thế giới quá quay cuồng này, nhưng là những chủ thể sinh động trong một thời kỳ hiện hữu hết sức phong phú về đời sống thiêng liêng và nhân bản. Các con vẫn còn có một sứ mệnh phải hoàn thành và một đóng góp phải thực hiện”

Tài liệu cho hay: nhân cơ hội này, Giáo Hội muốn duyệt lại phương thức mục vụ của mình đối với người cao niên, để tìm ra các hình thức và phương pháp mới phù hợp hơn với nhu cầu và mong ước thiêng liêng của họ, và để tạo ra các kế hoạch mục vụ mới nhấn mạnh tới việc bảo vệ sự sống, bảo vệ ý nghĩa và số mệnh của sự sống ấy. Đó là những điều kiện hết sức chủ yếu nếu ta muốn người cao niên đóng góp tích cực vào sứ mệnh của Giáo Hội…

Ý nghĩa và giá trị của tuổi già

Trái với cái nhìn đồng điệu bi quan về người già trước đây, ngày nay người ta đã hiểu ra người già không phải là một nhóm thuần nhất (homogeneous) và tuổi già được cảm nghiệm nhiều cách rất khác nhau. Có những vị cao niên nắm được ý nghĩa tuổi già trong bối cảnh hiện sinh nhân bản, nhờ thế không những đối diện với nó một cách thanh thản và đầy nhân cách mà còn coi nó như một thời điểm đem tới cơ may để phát triển và dấn thân. Nhưng cũng có những vị coi tuổi già như một kinh nghiệm đầy thảm kịch nên đã đối diện với nó khi thì bằng thái độ nhẫn nhục, lúc lại phẫn nộ, từ khước và thất vọng. Các vị này tự khóa kín mình và tự đẩy mình ra bên lề, vô tình làm nhanh hơn diễn trình suy thoái cả thể lý lẫn tinh thần.

Thái độ đúng đắn nhất là phải định vị tuổi già trong bối cảnh chương trình quan phòng của Chúa, Đấng vốn là tình yêu. Ta cần phải chấp nhận nó như một giai đoạn trong cuộc hành trình qua đó, Chúa Kitô dẫn đưa chúng ta về nhà Cha (xem Ga 14:2). Chỉ với ánh sáng đức tin, được đức cậy tăng cường, một đức cậy không bao giờ làm ta thất vọng (xem Rm 5:5), ta mới có thể chấp nhận tuổi già theo cái nhìn thực sự Kitô giáo, coi nó vừa như một ơn phúc vừa như một trách vụ.

Sự hiện diện của rất nhiều người già trên thế giới hiện nay cần phải được nhìn nhận như là quà phúc, một tiềm năng nhân bản và thiêng liêng mới để phong phú hóa. Nó là một dấu chỉ thời đại,một khi được chấp nhận và hiểu biết đầy đủ, sẽ giúp con người thời nay tái khám phá ra ý nghĩa căn bản của sự sống, một ý nghĩa vượt xa các ý nghĩa tùy thể vốn bị quyền lực thị trường, chính trị và não trạng thời thượng gán cho..

Nhờ kinh nhgiệm của mình, người già đóng góp vô giá vào diễn trình biến xã hội và nền văn hóa của ta trở nên nhân bản hơn. Ta có thể gọi các đóng góp ấy là các đặc sủng chuyên biệt của tuổi già. Ta chỉ có thể liệt kê ra một số:

Đặc sủng bất vụ lợi: Nền văn hóa thịnh hành của thời đại ta cân đo giá trị các hành động của con người hoàn toàn bằng hiệu năng và thành công vật chất, mà làm ngơ chiều kích bất vụ lợi: cho đi, hiến mình đi mà không nghĩ chi tới đền đáp. Người già, vốn dư thời giờ, sẽ nhắc cho cái xã hội quá bận bịu kia nhớ đến nhu cầu cần phải phá bỏ các rào cản của lòng dửng dưng, vốn hạ thấp, làm nản và biến các thúc đẩy vị tha thành khô cứng.

Đặc sủng ký ức: Các thế hệ trẻ thường đánh mất cảm thức về lịch sử và do đó cảm thức về chính bản sắc của mình. Xã hội nào giảm thiểu hóa cảm thức của mình về lịch sử sẽ thất bại trong trách nhiệm giáo dục các thế hệ trẻ của mình. Xã hội nào làm ngơ quá khứ sẽ dễ dàng rơi vào nguy cơ lặp đi lặp lại các lỗi lầm của chính mình. Việc mất ý thức lịch sử cũng là nguyên nhân tạo ra một hệ thống sinh hoạt có tính loại bỏ và cô lập người già, phá hoại cuộc đối thoại liên thế hệ.

Đặc sủng kinh nghiệm: Ngày nay, ta đang sống trong một thế giới trong đó các giải đáp của khoa học và kỹ thuật dường như đã thay thế hẳn giá trị do kinh nghiệm của người già thu thập được trong hành trình đời họ. Người cao niên không nên thất vọng trước loại rào cản văn hóa này vì họ vẫn còn nhiều điều nói với các thế hệ trẻ và chia sẻ với họ.

Đặc sủng liên lập: Không ai là một hòn đảo. Nhưng chủ nghĩa duy cá nhân và tự đi tìm mình hiện đang càng ngày càng làm mờ nhạt chân lý ấy. Vốn là những người mưu tìm tình bạn, người già đang thách thức cái xã hội thường bỏ rơi người yếu đuối này; các vị làm người ta lưu ý tới bản chất xã hội của con người và nhu cầu cần phải điều chỉnh lại hệ thống các liên hệ liên bản ngã và xã hội hiện nay.

Đặc sủng biết nhìn sự sống một cách toàn diện hơn: Cuộc sống ta hiện đang bị vội vã, vọng động và đôi khi bệnh tâm thần thống trị. Đó là một cuộc sống không còn tập trung, một cuộc sống trong đó các câu hỏi căn bản về ơn gọi, về phẩm giá và số phận con người bị làm ngơ. Lớp tuổi thứ ba (i.e. giữa tuổi 65 và 70) cũng là lớp tuổi của đơn giản và chiêm niệm. Các giá trị tình cảm, luân lý và tôn giáo hiện thân nơi người già quả là nguồn tài nguyên vô giá để cổ vũ sự hài hoà của xã hội, của gia đình và của chính các cá nhân. Trong các giá trị ấy, ta thấy có: tinh thần trách nhiệm, niềm tin vào Chúa, tình bạn, bất cần quyền lực, thận trọng, nhẫn nại, khôn ngoan, và xác tín được nhu cầu phải tôn trọng môi sinh và cổ vũ hòa bình. Người già hiểu được giá trị trổi vượt của “hiện hữu” so với “chiếm hữu”. Các xã hội nhân bản sẽ tốt hơn nếu học hỏi được các đặc sủng trên của người già.

Người già trong Thánh Kinh

Muốn hiểu đầy đủ ý nghĩa và giá trị của tuổi già, ta cần phải dựa vào Thánh Kinh, vì chỉ có Lời Chúa mới giúp ta dò thấu hết chiều kích thiêng liêng, tinh thần và thần học của tuổi đời này mà thôi. Sau đây là một số trích đoạn Thánh Kinh, kèm theo một số suy niệm gợi ý do tài liệu của Tòa Thánh trình bầy:

Ngươi phải tôn kính người già (Lv 19:32)

Trong Sách Thánh, lòng tôn kính đối với người già đã trở thành lề luật, lệnh truyền: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên, ngươi phải tôn kính người già: như vậy là ngươi kính sợ Thiên Chúa” (sách đã dẫn). Đệ nhị luật thì dạy “Hãy thảo kính cha và mẹ ngươi” (5:16). Lời khuyên chí tình và nghiêm khắc phải thảo kính cha mẹ, nhất là lúc các ngài về già, tìm thấy tại chương ba Sách Huấn Ca (3:16): “Kẻ bỏ rơi cha là lộng ngôn, kẻ chọc giận mẹ sẽ bị Chúa Trời nguyền rủa”.

Tai chúng con đã từng được nghe truyện cha ông vẫn thường kể lại, về công trình Chúa đã làm nên, thời các cụ thuở xa xưa ấy (Tv 44:2)

Về phương diện này, cuộc đời các tổ phụ nói lên cách hùng hồn hơn cả. Khi Môsê thấy bụi gai bốc lửa, Thiên Chúa nói với ông như sau: “Ta là Thiên Chúa của tổ tiên ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Ixaác và Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6). Thiên Chúa liên kết tên của Người với các tổ phụ vĩ đại, là các vị đại biểu cho tính chính đáng và giá trị của niềm tin Israel vào Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, người con trai luôn gặp gỡ hay “tiếp nhận” Thiên Chúa từ các bậc cha ông của mình, nghĩa là các bậc trưởng thượng. Trong đoạn vừa trích, việc lặp đi lặp lại kiểu nói “Thiên Chúa của…” cho thấy mỗi tổ phụ đều trực tiếp cảm nhận được Thiên Chúa của mình. Cảm nghiệm ấy, một cảm nghiệm đã trở thành gia bảo của họ, cũng chính là lý do đã tạo nên nét tươi trẻ trong tinh thần và sự thanh thản giúp họ đương đầu với cái chết. Một cách nghịch lý, chính người già đã xác định ra hiện tại bằng cách thông truyền cho người khác điều họ đã tiếp nhận được: trong một thế giới chỉ biết ca tụng tình trạng trẻ mãi không già, bất cần dĩ vãng hay tương lai, sự kiện trên chắc chắn buộc ta phải dừng lại để suy nghĩ.

Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả (Tv 92:14)

Sức mạnh của Chúa vẫn được biểu lộ trong tuổi già, dù tuổi ấy gặp nhiều trở ngại và khó khăn về thể lý. “Thiên Chúa chọn những người theo tiêu chuẩn loài người là điên dại để hạ nhục những kẻ khôn ngoan; Người chọn những người theo tiêu chuẩn loài người là yếu đuối để hạ nhục kẻ mạnh, những người theo tiêu chuẩn loài người là hèn mạt không đáng kể, những kẻ bị coi như không có, để hủy diệt những gì hiện được coi là có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cor 1:27-29). Chương trình cứu rỗi của Người cũng được hoàn tất trong cái mỏng dòn của những thân xác yếu đuối, cằn cỗi, bất lực và không còn trẻ trung gì nữa. Chính từ lòng dạ son cỗi của Xara và thân xác trăm tuổi của Abraham mà Dân Chúa Chọn đã được hạ sinh (xem Rm 4:18-20). Cũng thế, chính từ lòng dạ son cỗi của Êlisabét và người cao niên Giacaria mà Gioan Tẩy Giả, tiền hô của Chúa Cứu Thế, đã được sinh ra (Xem Lc 1:5-25). Thành thử, người cao niên, dù bề ngoài xem ra hết thời, vô dụng, nhưng nhờ ơn Chúa, vẫn có thể trở thành dụng cụ cho lịch sử cứu rỗi của Người. Chúa từng hứa với họ: “Ta sẽ cho nó sống lâu, tuổi thọ dư đầy, và hưởng ơn cứu độ Ta ban” (Tv 91:16).

Giữa tuổi thanh xuân, hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập đến, đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn phải nói: chả đem lại cho bạn niềm vui nào (Giảng viên 12:1).

Phương thức tiếp cận tuổi già này quả hết sức khách quan. Mặt khác, thánh vịnh gia cũng cho ta hay cuộc đời qua đi như hơi thở, không luôn êm đềm thanh thản. “Tính tuổi thọ trong ngoài bẩy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10). Lời của Qoheleth trong Sách Giảng Viên, nói tới sự sa sút thể lý và cái chết qua nhiều hình ảnh tượng trưng, còn vẽ ra một bức tranh ảm đạm hơn nữa về tuổi già. Ở đây, Thánh Kinh nhắc nhở ta đừng nuôi ảo tưởng về thời kỳ đầy gian khổ, ưu phiền và đau đớn này. Nó cũng nhắc ta biết nhìn lên Chúa mọi ngày trong đời, vì Người là cùng đích cuộc lữ hành trần thế của ta nhất là trong giây phút hãi hùng khi tuổi già ập đến như một tai họa.

Abraham tắt thở. Ông qua đời khi đã cao niên, đã sống tuổi già hạnh phúc và được mãn nguyện; và ông được về xum họp với gia tiên (St 25:8)

Đoạn Thánh Kinh này đặc biệt liên quan tới thời đại ta. Thế giới hiện đại đã không còn nhìn ra sự thật về ý nghĩa và giá trị sự sống con người, mà Thiên Chúa vốn in dấu trên lương tâm họ từ lúc sáng thế, cũng như ý nghĩa đầy đủ của tuổi già và sự chết. Ngày nay, sự chết đã mất hết tính thánh thiêng cũng như ý nghĩa hoàn tất của nó. Nó đã trở thành điều cấm kị. Người ta đưa ra đủ mọi cố gắng để dấu diếm đậy điệm nó, làm hết cách để nó không gây phiền phức tới cho mình. Ngay khung cảnh cái chết cũng đã được biến đổi: người ta không chết tại nhà nữa (Tây Phương): nhất là người già, mỗi ngày họ càng bị tách biệt khỏi chính cộng đoàn nhân bản của riêng họ, đa phần chết tại bệnh viện hay các nhà dưỡng lão, tế bần. Các nghi thức tang chế và nhiều hình thức đạo đức dành cho người chết mỗi ngày một họa hiếm đi, nhất là tại các thành phố. Bị tê dại trước hình ảnh cái chết hàng ngày do truyền thông vẽ ra, con người ngày nay làm đủ mọi cách trong khả năng của họ để tránh không giáp mặt với một thực tại chỉ đem lại cho họ buồn bực, lo âu và sợ hãi. Do đó không thể tránh được việc người già cảm thấy hoàn toàn cô đơn lúc cái chết cận kề. Nhưng Con Thiên Chúa làm người đã lật ngược lại ý nghĩa cái chết: Người mở toang cánh cửa hy vọng cho những ai tin vào Người: “Ta là sự sống lại. Ai tin Ta, dù có chết vẫn sẽ sống, và ai sống mà tin Ta sẽ không bao giờ chết” (Ga 11:25-26). Dưới ánh sáng các lời này, cái chết không còn phải là một án phạt, một giai đoạn vô nghĩa của cuộc đời, nhưng được mạc khải như thời điểm của hy vọng, một niềm hy vọng chân thực và chắc chắn sẽ được diện đối diện với Chúa.

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90:12)

Theo Thánh Kinh, một trong “các đặc sủng của tuổi thọ” là khôn ngoan. Nhưng khôn ngoan không hẳn là một đặc quyền tự động của tuổi già. Nó là ơn phúc của Chúa, mà người già phải tiếp nhận và đặt thành mục tiêu. Chỉ khi nào biết theo đuổi mục tiêu này, họ mới đạt được sự khôn ngoan tâm hồn, giúp họ biết “đếm những tháng ngày (ít ỏi) họ đang có”, nghĩa là sống cái thời gian Chúa Quan Phòng ban cho mỗi người chúng ta với một ý thức trách nhiệm. Yếu tính của sự khôn ngoan này là khám phá ra ý nghĩa sâu sắc của đời người và số phận siêu việt của con người trong Chúa. Và nếu điều ấy quan trọng với người trẻ, thì nó càng quan trọng xiết bao đối với người già là những người được kêu mời phải sống cuộc sống mà không quên nhìn ra “điều duy nhất cần thiết” (Xem Lc 10:42).

Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ (Tv 71:1)

Thánh vịnh hết sức đẹp đẽ này chỉ là một trong nhiều lời cầu nguyện của người già tìm thấy trong Thánh Kinh, những lời cầu nguyện cho thấy các cảm xúc tôn giáo được linh hồn cảm nhận trước nhan Chúa. Cầu nguyện là phương thế chính giúp người già hiểu nghĩa thiêng liêng của cuộc sống đặc biệt của họ. Cầu nguyện là một phụng sự, một thừa tác vụ mà người già có thể thực hiện vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội và thế giới. Ngay những vị già yếu nhất và khuyết tật nhất cũng có thể cầu nguyện được. Cầu nguyện còn là sức mạnh của họ, là sự sống của họ. Nhờ cầu nguyện, họ có thể phá sập mọi bức tường cô lập, thoát khỏi thân phận vô vọng và chia sẻ được niềm vui nỗi buồn của tha nhân. Cầu nguyện có tầm quan trọng trung tâm. Nó cũng đụng tới vấn đề làm thế nào người già có thể trở thành chiêm niệm trong tinh thần. Một cụ già, liệt giường liệt chiếu và hết còn sức lực thể lý, nhờ cầu nguyện, vẫn có thể trở thành đan sĩ, nhà ẩn tu. Và nhờ cầu nguyện, cụ vẫn có thể ôm lấy toàn bộ thế giới. Xem ra một con người suốt đời bương trải hoạt động khó có thể trở thành nhà chiêm niệm. Thế nhưng vẫn có những phút giây trong đời bỗng xuất hiện một cái khung tâm trí sẵn sàng tiếp nhận chiêm suy mang lợi lại cho toàn bộ cộng đồng nhân loại. Và cầu nguyện là phương thế tuyệt hảo để đạt được điều đó, vì “không có đổi mới nào, kể cả đổi mới xã hội, mà lại không bắt đầu từ chiêm niệm. Cuộc gặp gỡ với Chúa trong cầu nguyện đua vào dòng lịch sử cả một sức mạnh […]cảm kích lòng người, dẫn họ tới hồi hướng và canh tân, và do đó đã trở thành một lực lượng vũ bão có tính lịch sử thay đổi được cả mọi cơ cấu xã hội” (Gioan Phaolô II, Diễn văn với Giáo Hội Ý tụ tập tại Palermo dự Hội Nghị về Giáo Hội lần thứ ba, L'Osservatore Romano, 24 tháng Mười Một 1995, tr. 5.)