Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng địa chỉ

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống rửa tiền và bảo hiểm tiền gửi; chiến lược, chương trình, đề án, dự án quan trọng về đổi mới và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống rửa tiền và bảo hiểm tiền gửi.

Đồng thời trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định, phê duyệt hoặc ban hành kế hoạch dài hạn, năm năm và hằng năm về phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, về thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố; cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng và các loại giấy phép hoạt động ngân hàng khác theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng, trừ nhân sự của ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhân sự do chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cử hoặc giới thiệu; chấp thuận người dự kiến được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài...

Xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra đối với Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh...

Cơ cấu tổ chức

Về cơ cấu tổ chức, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có 8 đơn vị: 1- Vụ Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; 2- Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng; 3- Văn phòng; 4- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I; 5- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II; 6- Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III; 7- Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; 8- Cục Phòng, chống rửa tiền.

Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng được ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng được giao, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Văn phòng có 6 phòng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I có 6 phòng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II có 6 phòng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III có 4 phòng, Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có 4 phòng, Cục Phòng, chống rửa tiền có 4 phòng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng và không quá 4 Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.

Mô hình cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2009 trên cơ sở quyết định số 83/2009/QĐ- TTg ngày 27.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ quy định vào điều 1 Quyết định số 83, thanh tra, giám sát ngân hàng là cơ quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; thực hiện phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/4/2014, Chính phủ chính thức ban hành nghị định số 26/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng. Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg hướng dẫn thi hành nghị định 26 và thay thế quyết định số 83 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngày 17/5/2019, Chính phủ ban hành nghị định 43/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng. Đáng chú ý hơn, nghị định 43 có hiệu lực từ ngày được ký ban hành.

Trên cơ sở các quy định pháp luật hiên hành và thay đổi gần đây, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có một số đặc điểm và lưu ý như sau.

I. Cơ cấu tổ chức hiện hành của cơ quan Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng được tổ chức tại Việt Nam gồm các đơn vị gồm:

1. Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (gọi tắt là Vụ I).

2. Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng nước ngoài (gọi tắt là Vụ II).

3. Vụ Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là Vụ III).

4. Vụ Giám sát an toàn hệ thống ngân hàng (gọi tắt là Vụ IV).

5. Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (gọi tắt là Vụ V).

6. Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (gọi tắt là Vụ VI).

7. Vụ Tổ chức cán bộ (gọi tắt là Vụ VII).

8. Văn phòng.

9. Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội (gọi tắt là Cục I).

10. Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Cục II).

11. Cục Phòng, chống rửa tiền (gọi tắt là Cục III).

Các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng được tổ chức phòng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

II. Thành lập cơ quan Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên nước

Một trong những thay đổi đáng lưu ý của mô hình tổ chức Cơ quan thanh tra, giám sát ngành ngân hàng từ ngày 15/5/2019 là việc thành lập cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn cả nước.

Riêng Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tương đương Chi cục thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đây, theo quy định của nghị định số 26, Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước. Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước được thành lập tại hai thành phố là trung tâm kinh tế của Việt Nam là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị định 43 chưa cho thấy ý định rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện mô hình Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội (Cục I) và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh (Cục II) đã được thành lập từ cuối năm 2014 song song với các cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

III. Sửa đổi, bổ sung và làm rõ một số nội dung về thẩm quyền cơ quan Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng

Nghị định 43 quy định rõ hơn về thẩm quyền cơ quan Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng biện pháp can thiệp sớm theo quy định của Điều 103a Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Căn cứ vào quy định tại nghị định 43, cơ quan thanh tra, giám sát tiến hành giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; việc thực hiện khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng và biện pháp khắc phục khi bị áp dụng can thiệp sớm tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bổ sung chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào danh sách thực hiện xếp hạng hằng năm theo mức độ an toàn.

Bảng đối chiếu thay đổi về tổ chức và hoạt động của cơ quan Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng tại nghị định 43.

Trên đây là một số nội dung cần lưu ý về nghị định 43/2019/NĐ-CP ngày 17/5/2019, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.

Công ty Luật TNHH DNP ./.