Nhiệm vụ của môn lịch sử là gì

Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam là một bộ môn của khoa học lịch sử vì vậy nó có chức năng, nhiệm vụ của khoa học lịch sử. Đó là chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và dự báo. Khoa học lịch sử Đảng có nhiệm vụ tái hiện một cách khách quan, chân thực, có hệ thống các sự kiện lịch sử bao gồm các sự kiện lịch sử đảng về sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng, về phong trào cách mạng kháng chiến, xâydựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, về xây dựng phát triển Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ hệ thống các sự kiện, lịch sử Đảng có nhiệm vụ tổng kết những kinh nghiệm về lịch sử và bài học lịch sử.

Qua thực tế nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ các địa phương, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể trong những năm qua, để giúp các địa phương, các ban ngành đoàn thể tham mưu cho cấp uỷ các cấp nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ, chức năng của lịch sử Đảng, qua đó xây dựng đề cương biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, ban ngành, chúng tôi xin nêu một số vấn đề cần trình bày trong nghiên cứu Đảng bộ địa phương, ban ngành, mặt trận và các đoàn thể. Lịch sử đảng bộ địa phương là một bộ phận của lịch sử toàn đảng. Vì vậy nó có chức năng, nhiệm vụ chung là làm rõ quá trình ra đời, hoạt động, lãnh đạo  phong trào cách mạng ở địa phương của mỗi đảng bộ, quá trình thành lập và hoạt động của mỗi ban ngành, mặt trận và các đoàn thể. Tái hiện lại sinh động, khách quan, chân thực về sự đấu tranh cách mạng của nhân dân các địa phương, những chủ trương, biện pháp xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội địa phương, xây dựng cơ quan, đơn vị, ban ngành, mặt trận, đoàn thể. Từ thành công và chưa thành công và những kết quả của qúa trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương, quá trình xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, qúa trình vận dụng đường lối của Đảng, những chủ trương, chính sách của đảng bộ tỉnh để rút ra những bài học lịch sử trong từng giai đoạn, từng thời kì cách mạng.

Những vấn đề trên là những nhiệm vụ rất cơ bản của lịch sử đảng. Vì vậy trong nghiên cứu lịch sử Đảng nói chung, lịch sử truyền thống địa phương, ban ngành, mặt trận và các đoàn thể nói riêng cần phải thể hiện được những kết quả đó trong một công trình lịch sử đảng, lịch sử truyền thông ban ngành, mặt trận và các đoàn thể. Tuy nhiên để có những đánh giá khách quan, những kết quả và những nhận định khoa học khi nghiên cứu và thể hiện những nhiệm vụ trên chúng ta cần phải làm rõ một số nội dung sau:

- Ngày thành lập chi bộ, đảng bộ, số lượng đảng viên, ngày mới thành lập, địa điểm, thời gian, số cấp uỷ viên, đồng chí bí thư chi bộ đầu tiên và qua các thời kì…

- Báo cáo chính trị nghị quyết đại hội và các nghị quyết, báo cáo trong nhiệm kì đại hội đảng bộ cơ sở. Kết quả đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá- xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể. Trong đó phải nêu rõ những kết quả, thành tựu cũng như những tồn tại, yếu kém và cả những sai lầm của Đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào  cách mạng, trong công tác xây dựng đảng, chính quyền…

Trên đây là một trong những nội dung quan trọng khi nghiên cứu và trình bày trong một công trình lịch sử, để thực hiện tốt những nội dung trên khi tái hiện lại quá trình ra đời, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương, vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng vào hoàn cảnh thực tế của địa phương đúng như quá trình nó đã diễn ra là vấn đề khó khăn nhất là khi nghiên cứu trong những giai đoạn từ 1930 đến 1975. Điều khó khăn không chỉ với tình hình nghiên cứu lịch sử toàn Đảng, lịch sử Đảng bộ tỉnh nói chung mà đối với mỗi địa phương, ban ngành, mặt trận và các đoàn thể đây là một khoảng còn bỏ trống, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Bởi vì từ thực tế lịch sử giai đoạn từ trước khi Đảng ra đời, quá trình vận động thành lập Đảng đến giai đoạn đấu tranh giành chính quyền và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có lúc Đảng phải rút vào hoạt động bí mật và do điều kiện chiến tranh mà công tác lưu trữ ở địa phương không có. Vì vậy đây là thời kì mà nguồn tư liệu thành văn hầu như là không có hoặc nếu có thì ít lưu lại đến nay, cho nên khi nghiên cứu giai đoạn này nguồn tư liệu chủ yếu là tư liệu sống, tư liệu truyền miệng mà hạn chế lớn nhất của nguồn tư liệu này là ít khách quan (chỉ qua lời kể ) qua thời gian sẽ kém chính xác hoặc là do ý kiến chủ quan, do tình cảm, lợi ích cá nhân chi phối. Hơn nữa các nhân chứng lịch sử, những “tư liệu” sống cũng mất dần theo thời gian hoặc do tuổi cao nên không còn khả năng ghi nhớ được. Để thực kết quả nghiên cứu được khách quan khoa học, tái hiện lại quá trình ra đời và hoạt động, những kết quả lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương; quá trình vận dụng đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và nhà nước vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các địa phương trong những giai đoạn nói trên chúng ta cần làm tốt các bước sau:

Thứ nhất: làm tốt các bước chuẩn bị tư liệu, tư liệu hay nguồn sử liệu nói chung rất quan trong đối với người nghiên cứu lịch sử, để làm tốt khâu tư liệu trong những giai đoạn mà nguồn tư liệu thành văn, tư liệu lưu trữ không có, chủ yếu là nguồn tư liệu của những người “sống cùng lịch sử” nhớ lại vì vậy chúng ta phải làm tốt công tác hội thảo, trong hội thảo phải có phương pháp và thái độ khoa học khi đánh giá, nhận định về những vấn đề, sự kiện và các nhân chứng lịch sử mới có thể đảm bảo tính Đảng, tính khoa học trong nghiên cứu lịch sử Đảng. Người nghiên cứu phải hiểu sâu sắc lịch sử địa phương, nắm vững những đường lối, chủ trương của Đảng, chủ trương chính sách của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn đó.

Thứ hai: Phải căn cứ vào nhiều nguồn sử liệu, tư liệu và nhiều thông tin khác nhau, nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đó là tài liệu, thông tin của đối phương hoặc những ý kiến trái chiều để đánh giá nhận định, khẳng định hay phủ định một vấn đề, một sự kiện hay một nhân vật nào đó rồi mới đi đến kết luận. Lịch sử là chuyện đã qua, không thể thay đổi, không thể hiện đại hay làm mới lịch sử nhưng nhận thức chân lý lịch sử là không có điểm tận cùng, vì vậy trong nghiên cứu chúng ta không nên vội kết luận một vấn đề gì khi bản thân nó chưa có căn cứ khoa học sát đáng, còn nhiều ý kiến khác nhau cho nên để nhận thức ngày càng tiến gần chân lý hơn chúng ta phải tiếp tục sưu tầm nhiều nguồn tư liệu khác nhau, tiếp tục hội thảo để đi đến kết luận.

Từ việc dựng lại lịch sử gần đúng như nó đã diễn ra và qua thực tế lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, các ban ngành đoàn thể mà tổng kết thực tiễn và rút ra những vấn đề lý luận, những bài học lịch sử, bài học kinh nghiệm cho mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử. Hai vấn đề này có quan hệ biện chứng với nhau: có dựng lại lịch sử đúng như nó đã diễn ra ta mới có cơ sở để phát hiện quy luật, đúc kết được những bài học kinh nghiệm; đồng thời có nghiên cứu phát hiện được bản  chất sự kiện lịch sử, quy luật vận động khách quan của nó thì mới dựng lại được gần sát đúng như những gì nó đã diễn ra. Đây là nét đặc trưng của khoa học lịch sử nói chung, lịch sử Đảng nói riêng. Tất nhiên quá trình nhận thức nói trên được lặp đi lặp lại, từ nông đến sâu, phát triển không ngừng. Không thể chỉ một lần đã có thể dựng lại được đúng bức tranh của lịch sử, cũng không thể một lần là có thể phát hiện được đầy đủ bản chất và quy luật của lịch sử. Chúng ta nghiên cứu lịch sử Đảng  không phải chỉ đơn giản là ôn lại quá khứ, mà chủ yếu là hiểu đúng, hiểu sâu cái đã qua để có điều kiện hiểu được cái đang, sắp diễn ra, phục vụ tốt hơn cho việc xem xét và giải quyết những vấn đề của Đảng, của đất nước trong hiện tại và tương lai. Việc nêu bài học cần làm rõ nội dung của bài học kinh nghiệm lịch sử đó là bài học đó phải gắn với thực tiễn lịch sử. Bài học kinh nghiệm không dựa vào sự kiện và hiện tượng lịch sử sẽ trở thành phi lý, trống rỗng, không đủ sức thuyết phục. Không nên vội vàng nêu lên bài học kinh nghiệm khi chưa bảo đảm vững chắc cơ sở lịch sử của nó. Phải xem xét lịch sử bằng tri thức khoa học tiên tiến mới tìm ra những kinh nghiệm có nội dung tiên tiến và hiện đại. Mặt khác, những bài học kinh nghiệm do các Đại hội Đảng tổng kết chủ yếu tập trung vào phương hướng, nhiệm vụ chiến lược do thực tiễn lãnh đạo của yêu cầu. Điều đó không có nghĩa là lịch sử đảng chỉ có bấy nhiêu bài học kinh nghiệm. Nhiệm vụ của lịch sử đảng bộ ở địa phương không chỉ dừng lại ở giải thích những bài học có sãn mà còn tiếp tục nêu những bài học ở cấp độ khác nhau và đúng với thực tiễn của địa phương để góp phần thực hiện chức năng giáo dục tư tưởng cho cán bộ đảng viên địa phương; đồng thời làm phong phú thêm những bài học kinh nghiệm của toàn Đảng.

Nguồn: tuyengiaothaibinh.vn

Bài khác

Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Môn Lịch sử có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, biểu hiện của năng lực khoa học, đồng thời góp phần vào việc xây dựng những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định  trong Chương trình tổng thể. Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc; củng cố  các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồngvà hình thành  những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Chương trình môn Lịch sử nhấn mạnh các quan điểm xây dựng chương trình: khoa học, hiện đại; hệ thống, cơ bản; thực hành, thực tiễn; dân tộc, nhân văn; mở, liên thông. Chương trình môn Lịch sử hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi  thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền  tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại.

Chương trình đặc biệt coi trọng nội dung thực hành lịch sử, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống; tăng cường phần thực hành cả về thời lượng lẫn các hình thức thực hành; đa dạng hoá các loại hình thực hành để học sinh được hoạt động trải nghiệm thông qua các hình thức tổ chức giáo dục như: hoạt động nhóm/cá nhân tự học, học trên lớp/ở bảo tàng, đi thực địa, học qua dự án, di sản lịch sử, văn hóa,... nhằm  mục tiêu phát triển năng lực lịch sử, truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích lịch sử. Chương trình dành quyền chủ động cho địa phương và nhà trường phát triển kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, dành không gian sáng tạo cho giáo viên nhằm thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”; chú trọng phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục lịch sử

Chương trình được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính kết hợp với đồng  tâm, thay cho cấu trúc đồng tâm của chương trình hiện hành (học toàn bộ thông sử ở cả  ba cấp). Trục phát triển chính của Chương trình môn Lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông  Nam Á và lịch sử Việt Nam. Các chủ đề được xây dựng trên cơ sở tổng hợp những  kiến thức lịch sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở, tạo cơ sở để học sinh tiếp cận một cách toàn diện các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng v.v… qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời, thông qua các chủ đề, học sinh nhận  thức được sự tương tác giữa lịch sử thế giới, khu vực với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, học sinh được chọn học một số chuyên đề học tập nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức lịch sử, có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, đồng thời có điều kiện tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, phát triển tình yêu, sự say mê tìm hiểu lịch sử.

Một trong những điểm nhấn của Chương trình môn Lịch sử là đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực với mục tiêu hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống; đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Phương pháp dạy học Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử: thông qua các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lịch sử, phục dựng một cách khoa học, khách quan, chân thực quá trình phát triển của lịch sử.

Chương trình chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử. Với hình thức dạy học lịch sử theo chủ đề, giáo viên hướng dẫn học sinh củng cố hệ thống kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức về lịch sử Việt Nam, khu vực và thế giới thông qua hệ thống chủ đề, giúp học sinh có khả năng tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau, có khả năng xâu chuỗi các sự kiện lịch sử có liên quan, đưa ra nhận xét cá nhân về các sự kiện lịch sử, xây dựng năng lực phản biện và sáng tạo, từ đó có khả năng vận dụng những kinh nghiệm lịch sử vào thực tiễn, dùng tri thức lịch sử để giải thích những vấn đề hiện tại.

Cùng với việc đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử theo định hướng phát triển năng lực, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức lịch sử trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử, thuộc lòng và ghi nhớ máy móc làm trung tâm của việc đánh giá. Chương trình khuyến khích việc sử dụng phối  hợp các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau đối với môn Lịch sử  như: kết hợp giữa kiểm tra miệng, kiểm tra viết và bài tập thực hành, dự án nghiên  cứu; kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá. Chương trình đặt trọng tâm vào việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức lịch sử của học sinhđể giải quyết vấn đề gắn các vấn đề gắn với thực tiễn, kết nối lịch sử với hiện tại, tạo cơ hội phát triển năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh.

Về thiết bị dạy học, để thực hiện Chương trình, cơ sở giáo dục cần có các thiết bị dạy học tối thiểu như: hệ thống bản đồ (bản đồ thế giới, Đông Nam Á, Việt Nam…); tranh ảnh lịch sử, sa bàn, sơ đồ, biểu đồ với sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật như máy tính, đèn chiếu, máy chiếu, tivi, video, các loại băng đĩa,... Lịch sử là môn học có hệ thống kiến thức thuộc về quá khứ, học sinh không thể trực tiếp quan sát. Công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ việc tái hiện lịch sử thông qua các phim tài liệu, nguồn sử liệu, hình ảnh, video,… Giáo viên cần khai thác, sử dụng các chức năng cơ bản của Internet và  các phần mềm tin học để đưa vào bài giảng các hình ảnh, âm thanh, tư liệu,… góp  phần nâng cao hiệu quả dạy học, truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Lịch sử./.  

                                                                                                                                                           BBT

(Nguồn: Trích tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý sở/phòng giáo dục và đào tạo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).