Nguồn của luật kinh tế là gì

Khi nghiên cứu về khoa học lý luận chung về nhà nước và pháp luật, một trong những nội dung quan trọng trong phạm vi “pháp luật” là nguồn của pháp luật. Khái niệm nguồn của pháp luật được đưa ra dưới nhiều quan điểm khác nhau và việc tìm ra khái niệm tổng quát nhất, đúng nhất với bản chất là điều hoàn toàn cần thiết.

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

Mục lục bài viết

  • 1 1. Nguồn của pháp luật là gì?
  • 2 2. Các loại nguồn của pháp luật Việt Nam hiện này:
    • 2.1 2.1. Văn bản quy phạm pháp luật:
    • 2.2 2.2. Án lệ:
    • 2.3 2.3. Tập quán pháp:

Trong khoa học pháp lý hiện nay ở Việt Nam tồn tại một số quan điểm khác nhau về nguồn của pháp luật. Chẳng hạn :

– Nguồn của pháp luật là tất cả những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, thực hiện pháp luật cũng như áp dụng để giải quyết những vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tiễn. Theo quan điểm này, nguồn của pháp luật bao gồm nguồn nội dung và nguồn hình thức. Trong đó, nguồn nội dung của pháp luật là xuất xứ, căn nguyên, chất liệu làm nên các quy định cụ thể của pháp luật. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý cũng như trong thực tiễn, vấn đề nguồn nội dung của pháp luật nhìn chung không có nhiều ý nghĩa, ngược lại nguồn hình luôn được quan tâm.

– Khi thực hiện hành vi pháp lý các cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền, cá nhân, tổ chức trong xã hội đều dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định. Những yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp các căn cứ pháp lý cho hoạt động của các chủ thể được coi là nguồn của pháp luật, từ đó xuất hiện quan niệm : Nguồn của pháp luật là tất cả các yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp căn cứ pháp lý để các chủ thể thực hiện hành vi thực tế hay nói cách khác nguồn của pháp luật là tất cả các yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp căn cứ pháp lý cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, Nhà chức trách có thẩm quyền cũng như các chủ thể khác trong xã hội- Quan điểm được nhiều người đồng ý.

Trong quan điểm trên có thể thấy, giữa nguồn của pháp luật và hình thức bên ngoài của pháp luật có liên quan với nhau. Cũng có quan điểm cho rằng, nguồn của pháp luật đồng nhất với hình thức bên ngoài của pháp luật, và cũng có quan điểm cho rằng nguồn của pháp luật có phạm vi rộng hơn hình thức bên ngoài của pháp luật.

Trên thế giới, nguồn của pháp luật khá phong phú, bao gồm : văn bản quy phạm pháp luật ; tập quán pháp ; tiền lệ pháp ; đường lối, chính sách của lực lượng cầm quyền ; các quan điểm, tư tưởng, học thuyết pháp lý, điều ước quốc tế ; các quan niệm, chuẩn mực đạo đức xã hội ; lệ làng, hương ước của các cộng đồng dân cư, tín điều tôn giáo ; các hợp đồng dân sự, thương mại,…Trong đó văn bản quy phạm pháp luật, tập quán pháp là những nguồn cơ bản, còn các nguồn khác là nguồn bổ sung, thay thế khi không có loại nguồn cơ bản. Điều ước quốc tế cũng đang dần trở thành nguồn cơ bản của pháp luật trong điều kiện hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nguồn của pháp luật trong Tiếng Anh là: “Source of law”.

2. Các loại nguồn của pháp luật Việt Nam hiện này:

2.1. Văn bản quy phạm pháp luật:

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do các chủ thể có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục, hình thức do pháp luật quy định, trong đó có chứa đựng các quy tắc xử sự chung để điều chỉnh quan hệ xã hội.

Văn bản quy phạm pháp luật có những ưu điểm như chính xác, rõ ràng, minh bạch, có tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật, dễ phổ biến, áp dụng, vì vậy nó trở thành nguồn quan trọng hàng đầu của pháp luật Việt Nam.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể khác nhau có thẩm quyền ban hành, với hiệu lực pháp lí cao, thấp khác nhau, trong đó, văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành được gọi là văn bản luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác được gọi là văn bản dưới luật. Cũng giống như các quốc gia trên thế giới, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, sau đó là văn bản luật, tiếp đến là các văn bản quy phạm pháp luật của nguyên thủ quốc gia, các văn bản do quy phạm pháp luật do chính phủ, thủ tướng chính phủ, cuối cùng là các văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành.

Một số ví dụ về nguồn của pháp luật là các văn bản quy phạm pháp luật: Nguồn của Luật Dân sự là Bộ luật dân sự 2015 và các nghị định, thông tư hướng dẫn; Nguồn của Luật Hình sự là Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và cá thông tư liên tịch giữa Tòa án và Viện kiểm sát, Bộ Công An; nguồn của luật Hành chính là Luật xử lý vi phạm hành chính,…

2.2. Án lệ:

Án lệ là những bản án, quyết định của chủ thể có thẩm quyền khi giải quyết các vụ việc cụ thể, được nhà nước thừa nhận có chứa đựng khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc khác tương tự.

Án lệ vừa là nguồn vừa là hình thức của pháp luật. Đây là loại nguồn pháp luật khá phức tạp. Ưu điểm của án lệ là linh hoạt, hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Hạn chế của án lệ là thủ tục áp dụng phức tạp, đòi hỏi người áp dụng phải có hiểu biệt pháp luật một cách thực sự sâu, rộng.

Ở Việt Nam chỉ thừa nhận án lệ do Tòa án tạo ra. Trên thực tế có hai loại án lệ, một là án lệ tạo ra quy phạm pháp luật, nguyên tắc pháp luật mới, đây là loại án lệ cơ bản, án lệ gắn với chức năng sáng tạo pháp luật của Tòa án; hai là án lệ hình thành bởi quá trình tòa án giải thích các quy định trong pháp luật thành văn.

Việt Nam đã thừa nhận 39 án lệ như sau:

– Năm 2016:  Án lệ số 01/2016 về vụ án Giết người;  Án lệ số 02/2016 về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản;  Án lệ số 03/2016 về vụ án ly hôn;  Án lệ số 04/2016 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;  Án lệ số 05/2016 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế;  Án lệ số 06/2016 về vụ án tranh chấp thừa kế;  Án lệ số 07/2016 về công nhận hợp đồng mua bán nhà trước ngày 01/7/1991;  Án lệ số 08/2016 về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm;  Án lệ số 09/2016 về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại; Án lệ số 10/2016 về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính;

 – Năm 2017: Án lệ số 11/2017/AL về công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản không thuộc Sở hữu của bên thế chấp; Án lệ số 12/2017/AL về xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa; Án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ; Án lệ số 14/2017/AL về công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng; Án lệ số 15/2017/AL về công nhận thỏa thuận miệng của các đương sự trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng;

– Năm 2018: Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm; Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”; Án lệ số 19/2018/AL về xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Tham ô tài sản”; Án lệ số 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc;  Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản; Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Án lệ số 23/2018/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm;  Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân;  Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan; Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản;

– Năm 2019: Án lệ số 27/AL/2019 về thụ lý, giải quyết vụ án hành chính liên quan đến nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991; Án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”;

– Năm 2020: Án lệ số 29/2019/AL về tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Cướp tài sản”.; Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông; Án lệ số 31/2020/AL về xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ là quyền tài sản;  Án lệ số 32/2020/AL về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.;  Án lệ số 33/2020/AL về trường hợp cá nhân được nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài; Án lệ số 34/2020/AL về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường;  Án lệ số 35/2020/AL về người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng; Án lệ số 36/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ; Án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm, Án lệ số 38/2020/AL về việc không thụ lý yêu cầu đòi tài sản đã được phân chia bằng bản án có hiệu lực pháp luật;  Án lệ số 39/2020/AL về xác định giao dịch dân sự có điều kiện vô hiệu do điều kiện không thể xảy ra.

2.3. Tập quán pháp:

Tập quán pháp là những tập quán của cộng đồng được nhà nước thừa nhân, nâng lên thành pháp luật. Từ năm 1995, khi nhà nước ban hành bộ luật dân sự đầu tiên thì cũng là lúc Việt Nam chính thức thừa nhận tập quán pháp là một loại nguồn của pháp luật. Ở nước ta có hai con đường dẫn đến sự tồn tại của tập quán pháp:

– Những tập quán được dẫn chiếu trong các điều, khoản của một văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, ví du như bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông gây ra trong lĩnh vực dân sự.

– Những tập quán được áp dụng để giải quyết những vụ việc cụ thể, ví dụ như trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình: trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận thì áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với những nguyên tắc cơ bản và không vi phạm điều cấm đã được quy định trong văn bản đó.

Bên cạnh các nguồn trên, pháp luật Việt Nam còn thừa nhân điều ước quốc tế là một loại nguồn quan trọng, buộc phải nội luật hóa các quy định hoặc có thể áp dụng trực tiếp; hoặc quan niệm, quan điểm đạo đức xã hội; hợp đồng. pháp luật nước ngoài đều là những nguồn có ý nghĩa bố sung cho nguồn pháp luật chính.