Liên hệ bà cụ tứ với nhân vật nào năm 2024

Đề bài: Anh/Chị hãy phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ Nhặt từ đó liên hệ với tâm trạng nhân vật liên tới cảnh chiều tà trong truyện ngắn hai đứa trẻ để làm nổi bật vẻ đẹp tình người trong cuộc sống

Bài làm

Có một điểm chung giữa những tác phẩm trong thời kì 1930 – 1945, đó là đều có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa hiện thực và lãng mạn. Từ đó, các tác phẩm trong giai đoạn này luôn hiển hiện hiện thực xót xa thế nhưng lại có điều gì nhẹ nhàng lắm. Điều gì có thể khiến cho một hiện thực phũ phàng của những năm khắc nghiệt ấy trở nên dịu đi? Ấy là tình người! Từng tác phẩm dù cho viết theo thể loại gì, phong cách tác giả ra sao, nhưng tác phẩm lại luôn có tình người trong đó. Kim Lân và Thạch Lam cũng không ngoại lệ. Cách hành văn của hai tác giả có thể không giống nhau, thế nhưng từ trong câu truyện của mỗi người lại luôn nổi bật một vẻ đẹp rất nhân văn – vẻ đẹp tình người. Và chúng ta có thể nhìn rõ ràng điều đó từ bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt của Kim Lân và các nhân vật trong cảnh chiều tà của trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Một nhà văn vô danh đã thốt lên trước dòng sông Thames rằng: "Thứ kì diệu nhất trong cuộc đời vô nghĩa chính là tình người. Chỉ cần có một chút nước thì nó nhất định vươn lên xanh tốt." Tâm tư của con người là thứ khó có thể miêu tả hay giải thích bằng lời mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận qua chính tâm tư của bản thân. Tình người phát triển từ những tâm tư trắc ẩn và đơn thuần, chính là những suy nghĩ, cảm xúc chân thành và đẹp đẽ nhất của nhân loại. Dù là trong tăm tối hay ngoài ánh sáng, tình người vẫn giống như mầm cây tiềm tàng sức sống mãnh liệt, và sẽ bật lên tươi mát. Chính điều này là động lực, là niềm an ủi cho con người hy vọng, đưa ta vượt qua mọi khó khăn. Có ai đọc qua truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O'Henry hay tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao? Tình người chính là niềm hy vọng giúp cho Johnsy vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, cũng chính là tình người đã vớt lên lương tâm là gợi sự sống cho Chí. Những ai tìm hiểu về Kim Lân đều biết ông được mệnh danh là "con đẻ của đồng ruộng, một lòng đi về với đất, với người thuần hậu, nguyên thủy, chất phác". Sáng lên trong tác phẩm của Kim Lân là vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ những vẫn chất phác yêu đời, lạc quan và hóm hỉnh. Tác phẩm Vợ Nhặt vẫn là một tác phẩm mang đậm phong cách của Kim Lân. Nổi bật trong những nhân vật của truyện là bà cụ Tứ - một bà mẹ già đã chịu nhiều cơ cực, khổ đau của cuộc đời.

Mượn hiện thực của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 khiến gần 2 triệu người dân chết đói, Kim Lân đem khung cảnh tiêu điều thê thảm ấy hắt bóng đen lên từng trang viết khiến người đọc ám ảnh từ đầu đến cuối. Và trên nền của màn đói tối sầm đất trời ấy, có một câu chuyện dở khóc dở cười diễn ra: Anh Tràng, một người dân ngụ cư, đang bon chen trong dòng đời tránh những ngày chết đói, nhặt được vợ. Hoàn cảnh sáng tác và tình huống truyện đã trở thành "hậu trường" đặc sắc để nét đẹp nhân văn được bộc lộ rõ nét. Người bị ảnh hưởng và phải suy nghĩ nhiều nhất chưa chắc đã là nhân vật Tràng mà lại bà cụ Tứ. Kim Lân đã đi thật chậm, để chắc họa từng vết nhăn ở bà cụ ấy.

Bà cụ Tứ - bà mẹ nhân dân đã từng trải với kiếp đời nghèo khổ. Ông cụ Tứ mất sớm, đứa con gái út cũng mất, bà sống trong cảnh góa bụi cơ cực, con trai ngờ nghệch. Giữa nạn đói , hình ảnh bà cụ Tứ hiện lên thạt thê thảm: đôi mắt lèm nhèm, da búng như vỏ chanh, tấm lung còng xuống, dáng đi lom khom vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng. Người mẹ ấy có vẻ già cả, có vẻ như còn không tỉnh táo, có vẻ cơ cực và từng trải lắm. Thế nhưng sự trắc ẩn và nhân hậu của bà vẫn như nét chạm khắc của người thợ nhà nghề, tuyệt đẹp vô cùng.

Ngay từ phút đầu tiên trông thấy thái độ đón mình của Tràng, bà cụ đã phấp phỏng , bước theo con vào nhà. Bà đã đứng sững lại khi thấy người đàn bà lạ đứng ở trong nhà, lại còn ngay đầu giường con trai bà, rồi lạ hơn nữa, gọi bà bằng "u". Sự ngạc nhiên của bà cụ Tứ được biểu hiện bằng hàng loạt câu hỏi "Quái sao lại có người đàn bà nào ở đấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay ở đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?" và hành động bà cụ Tứ "hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì bỗng dung bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải". Bởi vì bà cụ không thể ngờ, làm sao ngờ được khi mà đang giữa cái năm đói mòn đói mỏi, khi mà mùi gây của xác người vẫn còn bốc lên ngoài ngõ, tiếng quạ vẫn kêu lên thê lương cả một vùng trời, khi bà và con trai đang vật lộn đánh nhau với thần chết để kéo dài sự sống thì con trai bà lại dẫn về một người vợ.

Thế nhưng giống như chỉ bang hoàng trong một vài giây của đồng hồ, bà lão vỡ lẽ ra bao nhiêu cơ sự. Kim Lân chỉ miêu tả tâm trạng của bà lão bằng một câu: "Bà lão cúi đầu nín lặng". Một câu đơn ngắn ngủi thế nhưng lại có bao nhiêu cam chịu, tủi thân và xót xa ở trong đó. Cái tình thể hiện ở đây chính là cái tình của nhà văn Kim Lân đối với nhân vật và câu chuyện của ông, ông vẽ ra một tình cảnh ngang trái và đồng cảm sâu sắc với Tràng, với cả bà cụ Tứ. Cái tình ở đây cũng là tấm lòng của người mẹ dành cho con trai mình. Bà cụ Tứ là người ý thức rõ ràng hơn ai hết về nghịch cảnh éo le của cuộc hôn nhân này: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì..." Bao suy nghĩ thu băng một chữ "thì" bế tắc. Bà tủi cực, chua xót vì không làm tròn bổn phận người mẹ. "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt", chính hai dòng nước mắt hiếm hoi trên khuôn mặt già nua của người mẹ đã cho ta thấy rõ tấm long của bà cụ Tứ dành cho người con trai độc nhất.

Bà cụ Tứ thương con tủi phận nhưng vẫn mở long đón nhận con dâu. Bà nhìn thị và thức dậy những suy nghĩ thật nhân đạo và sự hàm ơn: "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được..." Nhà văn chọn điểm nhìn của người lao động nghèo để cảm nhận cuộc hôn nhân chứ không phải vị trí của người mẹ chồng. Những lời độc thoại cứ như những đợt song cuộn lên trong long người mẹ, vừa khắc khoải, vừa dạt dào, vừa bao la vỗ về đầy tình mẫu tử. Hòa trong đó là những rung cảm xót xa trong trái tim nhân đạo của nhà văn Kim Lân.

Vượt qua những tập tục lễ nghi, bà chấp nhận người con dâu mới bằng câu nói nhẹ nhàng: "Thôi thi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng long..." Với cách nói "các con đã phải duyên phải kiếp với nhau", bà cụ Tứ kiến cuộc hôn nhân của Tràng không còn là chuyện nhặt giữa đường giữa chợ mà đẹp như bao cuộc hôn nhân khác, đến với nhau bằng cái duyên. Hơn nữa bà nói "mừng lòng" chứ không phải "bằng lòng" cho thấy sự chấp nhận của bà không hề có sự gượng ép. Câu nói chan chứa tình mẫu tử này đã xoa dịu nỗi tủi hổ cho người vợ nhặt.

Trong tác phẩm, bà cụ Tứ là nhân vật xuất hiện muộn nhất, cũng là người gần đất xa trời nhưng lại là người chan chứa nhiều những hy vọng, nói nhiều đến tương lai. Nhờ vậy, bà trở thành linh hồn của truyện ngắn Vợ Nhặt. Ở bà có niềm ao ước thiết tha về ngày mai tươi sáng: "biết thế nào hở con? Ai giàu ba họ, ai khó ba đời". Lời động viên giản dị mang đậm niềm tin tâm linh của một bà mẹ nhân dân từng trải, tuy chỉ là một niềm tin nhưng cũng thật cần thiết bởi đó là nguồn động lực giúp mẹ con bà đủ vững vàng để vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Niềm tin chuyển thành niềm vui vào sáng hôm sau. Bà vui trong công việc sửa sang nhà cửa, vườn tược, nó khiến bà "nhẹ nhõm tươi tỉnh, rạng rỡ hẳn lên". Bà thấy mình có trách nhiệm trong việc vun vén hạnh phúc cho các con. Vì thế trong bữa cơm ngày đói đón ngàng dâu mới, dù chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo nhưng mà cố tạo ra không khí vui vẻ cho gia đình bằng cách "nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này". Đặc biệt bà bàn với Trang về việc có tiền nuôi lấy đôi gà rồi chẳng mấy chốc có cả đàn gà. Hình ảnh đàn gà sinh sôi trong bữa cơm ngày đói đã nói lên sức sống kì diệu của người lao động. Bà cụ không ao ước cho mình mà ao ước cho con. Đời bà sống vì con cho nên tận cuối đời niềm hy vọng của bà không bị tàn đi theo đói nghèo, tuổi tác

Tuy cái kết cho tâm trạng của bà cụ Tứ vẫn là một lần ứa nước mắt vì nồi cháo cám đắng chát nghẹn bứ, vì tiếng trống thúc thuế vang lên dồn dập, dù cuộc sống của bà vẫn còn tủi hờn thế nhưng tâm hồn của bà cụ lại đẹp đẽ biết nhường nào. Bà cụ Tứ đại diện cho cả một lớp người trong những năm đói khủng khiếp, dù bần cùng nhưng lại giữ được tấm lòng cao cả.

Kim Lân sử dụng một giọng văn rất thật, rất nông dân, cách kể chuyện của ông vừa hấp dẫn vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Tình người hiện lên từ cốt truyện đến từng chi tiết. Hiện thực và lãng mạn đan xen nhau làm nên một câu truyện rất người. Thế nhưng Kim Lân không phải là người đầu tiên đưa lãng mạn thêm thắt trong hiện thực. Người được coi là sứ giả mang sứ mệnh hòa giải giữa văn học hiện thực và văn học lãng mạn là Thạch Lam. Sáng tác của ông mang đặc điểm của nền vă học của thời kì 1930 – 1945, rất giàu tình người. Ông thực sự đồng cảm, cảm thông với những người lao động cùng khổ; đồng thời, các tác phẩm của ông phảng phất nỗi buồn sâu sắc về số phận con người. Thạch Lam còn có văn phong rất đặc biệt: Truyện ngắn của Thạch Lam không có cốt truyện, hoặc cốt truyện của ông rất đơn giản, lối viết nhẹ nhàng, tinh tế, thiên về cảm giác khám phá sâu sắc thế giới nội tâm của nhân vật. Truyện ngắn của Thạch Lam ít xung đột, ít kịch tính hơn so với truyện Kim Lân, thế mà lại để cho bạn đọc sự ám ảnh và day dứt rất sâu. Tính nhân văn trong truyện Thạch Lam không phải vì thiếu kịch tính mà bị lu mờ, thay vào đó lại đi rất nhanh, thẩm thấu đến từng giác quan của bạn đọc. Hai đứa trẻ là một truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam. Hai đứa trẻ giống như một làn nước chảy, không bị chặn đứng bởi đá, không bị xô đây bởi gió, mà làn nước này có vị ngọt và mát lành không kém gì các làn nước khác. Cũng giống như Vợ Nhặt, tình người trong Hai đứa trẻ cũng được Thạch Lam khéo léo đan xen với hiện thực một cách sâu sắc thông qua các nhân vật trong truyện.

Hai đứa trẻ là sáng tác in trong tập "Nắng trong vườn" năm 1938 phản ánh cuộc sống tối tăm, mòn mỏi của người dân nơi phố huyện nghèo. Phố huyện mà từng người ở đây đều ngự trị một thứ ánh sáng nhỏ nhoi, yếu đuối. Thứ ánh sáng ấy là biểu tượng cho những kiếp sống chìm khuất, mù tối. Hiện thực hiện lên được bao trùm bởi bóng tối dày đặc, cuộc sống con người đều tối tăm, tù túng, quẩn quanh, bế tắc và nghèo nàn. Thạch Lam tập trung miêu tả tâm trạng của nhân vật Liên, một cô bé của phố huyện tối tăm này.

Truyện mở đầu bằng khung cảnh chiều tà nơi phố huyện nghèo. "Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn.Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve". Cảnh chiều tà đẹp thơ mộng và trữ tình lại mang thêm vẻ êm ả và đượm buồn quá. Liên ngồi lặng im quan sát, suy nghĩ và cảm nhận nỗi buồn lan tỏa trong không gian: "Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn."

Cái buồn ấy là cái buồn trong long người, và còn cái buồn ngoài hiện thực nữa, buồn mà đến vẻ thơ mông của thiên nhiên cũng không thể che lấp được. Đó là cảnh tiêu điều, xơ xác khi chợ tàn, "trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía. Một mùi âm ẩm bốc lên", cái mùi mà "quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này". Phố huyện còn đau đớn và ám ảnh hơn với hình ảnh "lom khom" và "nhặt nhạnh" của mấy đứa trẻ nhà nghèo. Phải chăng cái đói, cái khổ không chỉ đè nặng, rắc lên tấm lưng của bậc làm cha làm mẹ mà giờ đây, nó cũng đang hành hạ cả những tâm hồn trẻ thơ. Liên cùng đồng long với những đứa trẻ ấy vì chính chị cũng đang phải oằn mình mưu sinh giữa xã hội bóng đêm này, chị thương nhưng chính chị cũng không có tiền để cho bọn nó. Liên giống như hòa tâm hồn vào không gian, mang nặng tình yêu quê hương, giàu long thương với những kiếp người nơi phố huyện mình.

Trong chiều tàn màn đêm dần buông, Thạch Lam vẽ nên từng nỗi u uất , những nhân vật hiện lên trong câu chuyện đều là những con người mang kiếp tàn tro. Đó là mẹ con chị Tí ngày đi mò cua bắt tép, , tối dọn hàng dưới gốc cây bang. Quầy hàng ít ỏi chỉ là mấy bát nước chè, mấy điếu thuốc lào, chỉ cần hai người là có thể chuyển cả cửa hàng đi. Và dù bán "chẳng ăn thua" nhưng mẹ con chị Tí vẫn dọn hàng từ chập tối đến đêm, cuối cùng cũng chỉ sống một cuộc sống cầm cự gần như vô vọng. Nhân vật khác như bà cụ Thi hơi điên xuất hiện với tiếng cười khanh khách, lúc nào cũng đến cửa hàng của Liên uống một hơi cạn sạch một cút rượu ti rồi lảo đảo bước ra ngoài, chìm dần vào bóng tối. Bà cụ Thi là người mang kiếp đã tàn quá nửa; nỗi đau của người đàn bà này không phải nỗi đau của người điên, nối đau này chỉ "hơi điên": Nửa ngây dại, nửa tỉnh đời. Bởi vậy bà cụ xuất hiện với tiếng cười khanh khách đầy ghê rợn; âm thanh ấy vang lên những ý thức về sự đau đớn, chua chat, đầy dằn vặt của con người sống trong xã hội cũ. Tiếng cười ấy bật lên trong bế tắc và ngập đầy bóng tối. Và làm sao có thể bỏ qua được chị em Liên? Hai chị em tuy vất vả, lam lũ không bằng mẹ con chị Tí nhưng dường như là những đứa trẻ đáng thương nhất. CHúng đã từng biết đến những thứ ánh sáng niềm vui nơi thành thị mà giờ đây tất cả chỉ là những dĩ vãng xa xôi. Hai chị em phải lao vào cuộc sống mưu sinh, trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, buổi tối ngủ lại để trông hàng, ngày chợ mà khách ít ỏi, ế ẩm, người ta cũng chỉ mua nửa bánh xà phòng.

Nỗi buồn lại càng khắc khoải hơn khi về đêm: phố huyện chìm trong bóng tối và cuộc sống cứ lặp đi lặp lại một cách đơn điệu. Phố huyện với ánh sáng leo lắt, nhỏ nhoi như ánh sáng của mấy con đom đóm, hay là ánh sáng của những vì sao. Những ánh sáng ấy không đủ để nâng đôi cánh tâm hồn của những đứa trẻ để rồi chúng lại nhanh chóng bị màn đêm dày đặc dìm xuống thực tại phũ phàng mà chúng đang phải đối mặt. Nhịp sống tại đây giống như một guồng quay bất tận, cửa hàng chị Tí lúc nào cũng được dọn ra từ chập tối đến đêm khuya, chấm lửa vàng của gánh phở bác Siêu chỉ cần nhìn thoáng qua là nhận biết, rồi vợ chồng bác Sẩm tối nào cũng góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu rồi ngủ gục trên manh chiếu lúc nào không hay, và khi nghe thấy tiếng cười, Liên đều quay người rót sẵn một cút rượu ti... Liên nhớ lại khi ở Hà Nội, một chốn phồn hoa, nhiều đèn, còn có thứ nước xanh đỏ,... đó là quá khứ xa xăm, đẹp đẽ, vui mà thật buồn! Cái nhịp điệu sống quẩn quanh, Liên mong chờ, mà không chỉ có Liên, tất cả những con người nơi đó đều cố thức hàng đêm khát khao đoàn tàu đến mang theo ánh sáng, mang theo "một cái gì đó tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ". Khoảnh khắc đợi tàu bỗng nhiên trở thành thời điểm thiêng liêng, hệ trọng. Đoàn tàu đến mang theo bao niềm vui nhưng gợi bao nỗi buồn bởi vì nó càng sáng rực, huyên náo, vui vẻ bao nhiêu thì càng làm cho phố huyện tối tăm buồn tẻ bấy nhiêu.

Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, ánh sáng và ngọn đèn dường như cũng là một nhân vật rất quan trọng. Từng ánh sáng lại mang những ý nghĩa đặc thù. Ngọn đèn của chị Tí được nhắc lại với tần suất dày đặc, ngọn đèn càng nhỏ bé chứng tỏ việc buôn bán của mẹ cn chị Tí càng vụn vặt, lẻ tẻ nói riêng và của cả phố huyện nói chung. Ngọn đèn ấy ngày càng mờ nhạt giống như cuộc sống của người dân ngày càng tù túng, quẩn quanh và bế tắc. Rồi những ánh sáng heo hắt từ thiên nhiên, yếu ớt và lẻ loi giống như tâm hồn của những đứa trẻ cùng cực và đói khổ. Chỉ có một luồng sáng lớn nhất bắt nguồn từ đoàn tàu. Luồng ánh sáng đó là những sức sống tiềm tang được cóp nhặt lại, thể hiện cho ý chí là hy vọng một ngày đổi đời của nhân dân. Dù có bất lực và cơ cực đến đâu, con người vẫn cố gắng vươn lên để sống, vì luôn có những niềm tin một cuộc sống khá hơn.

Từ đầu đến cuối câu truyện, Thạch Lam đứng dưới cái nhìn của Liên để miêu tả con người, miêu tả phố huyện. Cái nhìn thông qua Liên đầy cảm thông và trắc ẩn. Những con người nơi phố huyện nghèo dựa vào nhau để sống, cùng nhau hy vọng, cùng nhau buôn bán, cùng nhau chờ tàu, họ cảm thông cho cuộc sống của nhau, chân chất và mộc mạc. Đây chính là một thứ tình người đẹp đượm buồn.

Ở bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt và cả các nhân vật trong Hai đứa trẻ đều có chung một vẻ đẹp rất người. Bất kì ai cũng mang trong mình lòng trắc ẩn, sự nhân hậu và niềm cảm thông; ai cũng đều vẽ ra được một tương lai tươi sáng ở đâu đó phía trước làm động lực để bản thân phải tồn tại trên xã hội đầy bóng đêm tàn tạ và thê lương này. Dù mang hai phong cách nghệ thuật khác nhau, thế nhưng Kim Lân và Thạch Lam đều gặp nhau tại chủ đề về tình yêu con người, về niềm tin vẫn tồn tại vào tương lai. Hai đứa trẻ và Vợ Nhặt giống như những vết thương bị dao cứa để lại sẹo, nó gợi lên một quá khứ mù mịt và ám ảnh về một thời dân tộc tàn tro, dù đau đớn nhưng đầy nhân văn và nhân đạo.