Làm thế nào để yêu thích môn Văn

Chỉ với một số bí kíp đơn giản mà vô cùng hiệu quả sau đây sẽ giúp bạn thêm dễ dàng tiếp nhận và yêu thích môn học này.


Suy nghĩ tích cực và tạo cho mình niềm hứng khởi


Tâm lý là một yếu tố vô cùng quan trọng, nhiều bạn ngại học và bỏ bê môn này chỉ vì với suy nghĩ: “Mình không đủ khả năng”, không hứng thú, ngại ngùng, chán nản sẽ cản trở bạn rất nhiều. Thay vào đó, hãy dành vài phút và nói với bản thân mình rằng: “Người khác học được mình cũng học được”. Vì không giống các môn học Tự nhiên khác như Toán, Lý, Hóa khi đã mất gốc thì rất khó để học lại, với Văn học bạn chỉ cần một chút chăm chỉ là hoàn toàn có thể giải quyết được.


Nắm chắc nội dung cơ bản nhất trong từng tác phẩm


Làm thế nào để yêu thích môn Văn


Không cần phải quá cầu kì, hoa mĩ, phân tích những thứ xa xôi, trừu tượng. Điều quan trọng để học tốt môn Văn đó chính là bạn hãy cố gắng hiểu rõ nội dung chính trong đó rồi sau đó sẽ triển khai ra các ý mới.


VD: Với tác phẩm: “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam thì nội dung cốt yếu của nó chính là cuộc sống phố huyện về đêm qua cái nhìn của cô bé Liên, từ đó ta sẽ khai triển thêm các ý như: cuộc sống thiếu thốn, tù túng qua lời kể của nhà văn, các hình ảnh biểu tượng, biểu trưng, tấm lòng nhân đạo của tác giả...


Tương tự như với tác phẩm: “Rừng xà nu” hiểu rõ nội dung chính đó là cuộc chiến của buôn làng Xô Man qua lời kể của cụ Mết mà nhân vật chính là Tnú, ta dễ dàng liên tưởng, móc nối thêm được nhiều ý chính khác.


Đọc, đọc và đọc thật nhiều


Không phải cứ cầm cuốn sách lên, chăm chăm học thuộc lòng từng câu, từng chữ một là được. Đó là một cách học vô cùng thụ động, khiến chúng ta càng thêm khó tiếp thu và tâm lý càng chán nản. Như đã nói ở trên, nắm được nội dung chính tác phẩm thì sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng điều quan trọng là mỗi ngày bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày: 30 phút - 1 tiếng để đọc lại. Nhớ là đọc chứ không phải học thuộc lòng, đây thực sự là một cách rất hiệu quả để giữ ý văn luôn trôi chảy trong đầu và có thể bật ra bất cứ lúc nào khi bạn đang thi hay kiểm tra.


Không phụ thuộc vào sách tham khảo


Sách tham khảo có thể cho bạn nhiều ý tưởng hay ho, nhưng sẽ khiến bạn bị phụ thuộc mỗi khi hết ý. Văn học chính môn học để chúng ta sáng tạo, chính vì thế hãy viết bằng cảm xúc, tâm hồn thật của mình thay vì đi “vay mượn” những câu chữ rập khuôn đó. Một cách khác để bạn có thể tham khảo hiệu quả là: hãy viết một bài văn theo suy nghĩ, cảm nhận của mình rồi sau đó sẽ đọc lại bài tham khảo đó. Cách này sẽ giúp ta bổ sung thêm được nhiều ý mới bên cạnh những ý mình đã triển khai trước đó.


Dùng sách tham khảo không phải là xấu nhưng quan trọng là bạn nên tiếp thu được thêm nhiều ý tưởng khi dùng sách tham khảo, thay vì bị phụ thuộc vào nó.


Làm thế nào để yêu thích môn Văn


Không đi học thêm nhiều


Đây không phải là một điều gì quá mới mẻ, những lớp học thêm đông đúc cả trăm học sinh thực sự rất khó để bạn tập trung. Ở đó sẽ có người học, người không, bạn dễ bị phân tán tư tưởng. Không phải đi học thêm ở nhiều lò, nhiều trung tâm sẽ giúp kiến thức bạn chắc chắn hơn, nhiều bạn đi học theo phong trào chứ không phải thực sự muốn học. Thêm nữa chỗ ngồi quá đông, ồn ào, học trái ca... càng khiến bạn thêm mệt mỏi, hàng trăm học sinh được học, cùng ghi chép một bài giảng như nhau. Cách tốt nhất đó là bạn chủ động dành một thời gian thích hợp ở nhà để học thật nghiêm túc, luyện viết với các bộ đề để nâng cao khả năng viết. Có gì không hiểu sẽ trực tiếp hỏi giáo viên bộ môn. Đó là một cách học vô cùng hiệu quả lại chủ động về mặt thời gian.


Hãy học với tâm trạng thoải mái


Điều cuối cùng tuy đơn giản mà thật cần thiết. Hãy nhớ việc học Văn cũng như các môn khác là một hành trình khám phá từ từ, đừng vì tư tưởng bị nhồi ép, bắt buộc mà tự ép bản thân. Học với niềm vui, niềm yêu thích thật sự bạn sẽ thấy việc học Văn không hề khó khăn một chút nào, hơn hết bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều tốt đẹp mà những giá trị văn chương mang lại.


Đừng ngại viết ra những điều mới, những suy nghĩ, ý kiến riêng của bạn cũng như lo lắng không đúng theo sách. Đôi khi một chút sáng tạo ngoài lề đó lại khiến bài văn của bạn thêm nổi bật và khả năng ngôn từ thêm vững chắc hơn.


Sự học là chiếc thang không nấc chót, các bạn sẽ tự tìm ra cho mình một khả năng riêng cũng như cách học phù hợp với bản thân nhất. Để chinh phục chiếc thang cao đó bạn luôn cần một lòng quyết tâm, nghị lực và đừng bao giờ bỏ cuộc. Bạn sẽ thành công không chỉ với môn Văn mà còn với tất cả các môn khác, cũng như môn học mình thật sự yêu thích.

Theo quan sát của tôi, thời gian dành cho môn Văn của con thường nhiều hơn các môn khác là bởi con không tập trung học. Đôi khi chỉ là soạn bài theo câu hỏi có sẵn mà cũng mất cả tiếng đồng hồ. Có những lúc tôi thấy con ngồi cầm bút mà mặt ngẩn ngơ nên hỏi bài khó lắm à? Thì con trả lời không khó, con chỉ không thích soạn văn thôi.

Con từng hỏi tôi: Tại sao cứ phải soạn bài trước hả mẹ, đằng nào lên lớp cô giáo chẳng giảng bài? Tôi giải thích với con rằng soạn bài ở nhà là một hình thức tự học trước để con hiểu được nội dung của văn bản, khi cô giáo giảng bài trên lớp con sẽ hiểu bài sâu hơn. Trong lúc soạn bài, có những vấn đề con không hiểu hoặc chưa hiểu đúng có thể hỏi cô giáo, lắng nghe cô giảng trên lớp để hiểu kỹ hơn.

Thế nhưng, có vẻ như con vẫn không cảm thấy việc soạn văn có ý nghĩa. Con thường trả lời các câu hỏi một cách hời hợt, ngắn gọn nhất có thể chứ không diễn giải, trình bày vấn đề. Có những câu hỏi yêu cầu trình bày cảm nhận, suy nghĩ mà con cũng chỉ viết được đôi ba dòng.

Một điều rất dễ nhận thấy là con lười đọc văn bản, trước khi soạn bài con chỉ đọc lướt qua một lần nên không cảm nhận được nội dung, ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của các bài văn, bài thơ. Có khi là vừa soạn bài vừa đọc tác phẩm theo nội dung câu hỏi. Nếu mẹ có yêu cầu con đọc đi đọc lại nhiều lần thì cũng không đặt “tâm trí” vào đó mà thường đọc theo kiểu “trả bài” cho xong. Có lẽ việc tiếp xúc với tác phẩm một cách hời hợt khiến con không hiểu, không cảm nhận được nội dung của tác phẩm, không cảm thấy yêu thích nên từ việc soạn bài đến học môn Văn đều không có hứng thú.

Học sinh bây giờ dường như rất ít đọc tác phẩm văn học, ngay cả những tác phẩm in trong sách giáo khoa vốn khá ngắn gọn. Việc đọc kỹ những bài văn, bài thơ chỉ được làm khi cô giáo yêu cầu mà thôi. Các con cũng lười suy nghĩ,  lười cảm nhận và phụ thuộc nhiều vào các nguồn tham khảo (như sách tham khảo, tìm trên mạng internet), thậm chí là mượn bài làm của bạn để “tham khảo” biến thành bài làm của mình.

Có những dịp nghỉ dài ngày, nếu cô giáo có giao cho 2 - 3 đề văn về nhà viết là con kêu trời, rồi vò đầu bứt tai mãi mới hoàn thành nhiệm vụ.

Đọc những bài văn con viết, điều tôi nhận thấy rõ nhất là thiếu sự sáng tạo và nhiệt tình trong đó. Ngay như một bài văn viết về người thân yêu nhất của mình, con cũng không thể hiện trọn vẹn được cảm xúc và những điều muốn viết. Câu văn thì cứng nhắc theo kiểu liệt kê, viết theo một dàn ý có sẵn đã được cô giáo gợi ý trước hoặc tham khảo trên mạng. Nếu hướng con viết theo một cách làm khác thì con lại sợ sai, sợ không đúng dàn ý sẽ bị điểm kém.

Có nhiều lúc quá sốt ruột với cách học của con, tôi đã cùng học, cùng con phân tích, tìm hiểu một tác phẩm văn học với mong muốn con sẽ cảm thấy yêu thích môn văn hơn. Khi đó, con có tập trung hơn nhưng nếu để tự học thì lại rơi vào tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ học cho xong bài mà thôi.

Vấn đề tôi nhận ra ở đây là làm thế nào để trẻ phát huy sự tự giác và đam mê tìm tòi, sáng tạo trong việc học văn. Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Chúng ta vẫn nói về sự rập khuân, nhàm chán trong cách dạy văn, học văn trong nhà trường suốt nhiều năm qua và tình trạng đó dường như chưa được cải thiện. Cách dạy văn cô giảng, cô đọc còn học trò chép, chép miệt mài vài ba trang giấy trong một tiết học không còn chỗ cho sự sinh sôi, nảy nở của sáng tạo. Những tiết học như thế lặp đi lặp lại nhiều khiến học sinh ỷ lại, trông chờ hết vào bài giảng của cô mà không tự giác nghiên cứu, tìm tòi những điều mới nữa.

Tôi biết, bây giờ có những giờ học rất sáng tạo, cô giáo có thể “đạo diễn” tác phẩm văn học thành một vở kịch với sự tham gia của các diễn viên là chính học sinh. Các con rất hào hứng tham gia, về nhà đọc đi đọc lại đoạn hội thoại mà mình được phân vai sao cho thật biểu cảm, chủ động tìm hiểu tác phẩm thật kỹ càng. Thế nhưng, đó chỉ là những tiết học được đầu tư để làm mẫu, để phục vụ các cuộc thi chứ chưa thể được nhân rộng.

Ngay cả việc kiểm tra cũng thế. Môn Văn cũng có đề cương ôn tập như bao môn học khác, phần tự luận học sinh cũng được giới hạn ôn trong một số chủ đề nhất định. Các con cứ theo đó học, lập dàn ý, tham khảo văn mẫu, thậm chí là học thuộc lòng, đến khi kiểm tra trúng đề nào thì cứ thế làm theo. Thời buổi công nghệ thông tin, học sinh sử dụng internet để tra cứu thông tin phục vụ học tập ngày càng phổ biến, một bài văn mẫu có thể được nhân bản thành hàng chục, hàng trăm bài văn “na ná” nhau là điều không tránh khỏi.

Để học sinh yêu thích môn Văn và học tốt môn này, thiết nghĩ một phần thay đổi là từ phía nhà trường, các thầy cô giáo, còn lại phụ huynh cũng cần quan tâm đôn đốc, nhắc nhở, quan tâm đến việc học Văn của con hơn. Thay vì chỉ mua cho con những cuốn sách tham khảo, cho con đọc những bài văn mẫu có sẵn trên mạng, bố mẹ có thể cùng trao đổi, hướng dẫn con tự tư duy, tự tìm tòi những cách thể hiện mới, khuyến khích con thoải mái sáng tạo, thể hiện suy nghĩ của mình. Bản thân tôi khi động viên, khuyên nhủ con cứ viết văn theo cách hiểu của mình, viết thật nhiều những điều mình nghĩ, những cảm nhận của con... cũng thấy con học văn tích cực hơn. Việc đánh giá chấm điểm nên ưu tiên tính sáng tạo, dám nghĩ, dám thể hiện “cái tôi” của người học hơn là cách chấm điểm truyền thống.

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email .

Xin trân trọng cảm ơn!

Tham khảo thêm