Độc lập, tự chủ, tự cường là gì

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị 87 năm (1858 - 1945) của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế gần một ngàn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. 
 

Độc lập, tự chủ, tự cường là gì


Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được ghi dấu bởi Tuyên ngôn Độc lập - kết tinh của ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858), cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo chống các thế lực xâm lăng và phản động đã nổ ra. Vào đầu thế kỷ 20, các phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp ở Việt Nam đã dần im lắng. Những nỗ lực chống xâm lược cuối cùng của triều đình Kiến Phúc, Hàm Nghi với sự hưởng ứng của sĩ phu cùng nhân dân Bắc Kỳ và Trung Kỳ... biểu hiện bằng công cuộc Cần Vương đã kết thúc trong thất bại bởi sự đàn áp của Pháp và triều đình phong kiến.  Khởi đầu cho cuộc vận động giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản là phong trào Đông Du do nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867 - 1940) lãnh đạo. Con đường cứu nước của Phan Bội Châu chủ yếu lấy phương thức bạo động vũ trang để giành độc lập. Bên cạnh đó, Phan Bội Châu cũng coi trọng việc vận động duy tân đất nước, cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa để tự cường dân tộc. Cùng với khuynh hướng cứu nước của Phan Bội Châu, khuynh hướng cứu nước do Phan Chu Trinh đề xướng là những dòng chủ lưu chi phối phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Phan Chu Trinh là sĩ phu đầu tiên hô hào dân quyền ở nước ta. Tại triều đình Huế, nhà vua trẻ mới lên ngôi (1906) cũng lấy một tên hiệu mang đậm dấu ấn Duy Tân.  Cuộc vận động cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc chỉ nhen nhóm hy vọng khi các tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời: Đảng Cộng sản Đông Dương (Đông Dương Cộng sản Đảng) lập ngày 17-6-1929; An Nam Đảng Cộng sản (Đảng Cộng sản An Nam) lập khoảng tháng 11-1929; Đông Dương Cộng sản liên đoàn lập ngày 1-1-1930. Trong một thời gian ngắn (6-1929 đến 1-1930) có 3 tổ chức cộng sản ra đời ở Việt Nam bộc lộ những mâu thuẫn và khuynh hướng biệt phái phản ánh yêu cầu bức bách phải thành lập Đảng Cộng sản thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thực hiện sứ mệnh lịch sử: hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là: “… một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng: 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh; 1936 - 1939 và 1939 - 1945 với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi được ghi dấu bởi Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945). Độc lập, tự do là hai khái niệm mở đầu và xuyên suốt Tuyên ngôn Độc lập. Tinh thần đó được dẫn từ chân lý vĩnh cửu và phổ biến thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của nước Pháp. Đó là quyền con người: quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là từ quyền của cá nhân chuyển thành quyền của toàn dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tiếp theo, Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án tội ác của thực dân Pháp đã: “… lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” , thực hiện chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… và mùa Thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, dâng quyền “bảo hộ” nước ta cho Nhật, từ đó dân ta chịu ba tầng áp bức: Nhật, Pháp và phong kiến tay sai. Sau ngày 9-3-1945, thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật nhưng “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. Tuyên ngôn Độc lập nêu cao tinh thần nhân đạo và khoan hồng của nhân dân Việt Nam, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh như cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng và tài sản của họ sau ngày 9-3-1945. Ý chí tự lực, tự cường - truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam được Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam Độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trên cơ sở thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến và khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Quyền độc lập, tự do mà dân tộc Việt Nam tự lực, tự cường giành lấy được Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa và phát triển những Tuyên ngôn Độc lập trong lịch sử dân tộc là “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” và “Bình Ngô đại cáo”. Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh khát vọng độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường - truyền thống quý báu ngàn năm của dân tộc, là kết quả của gần 100 năm liên tục chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Tuyên ngôn Độc lập còn là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam. “Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”.

73 năm đã qua, từ khi Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những chân lý trong Tuyên ngôn Độc lập tiếp tục được thể hiện qua các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc; qua quá trình lao động xây dựng một nước Việt Nam mới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Và chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” - khát vọng của dân tộc Việt Nam tiếp tục tỏa sáng trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

PGS-TS Vũ Quang Vinh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: sggp.org.vn

QPTD -Thứ Năm, 06/07/2017, 16:17 (GMT+7)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã thể hiện một khát vọng mãnh liệt: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”1. Câu nói giản dị đó chứa đựng hai quan điểm cơ bản: độc lập dân tộc là mục đích cao nhất và đi vào thế giới để tìm con đường cho dân tộc mình. Những hạt nhân ban đầu đó ngày càng được bồi đắp, trở thành một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh Cả của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam và nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học đánh giá: “Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế” là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách khái quát nhưng hàm chứa đầy đủ quan điểm: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”2. Mọi công việc ở đây bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự và đối ngoại, v.v. Tìm đường cứu nước qua thực tiễn thế giới, nhưng Người luôn kiên định quan điểm phải độc lập, tự chủ trong tư duy và hành động; vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của các nước vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Điều cơ bản nhất là phải tự mình hoạch định đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, tạo sức mạnh tổng hợp, giành và giữ độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Độc lập, tự chủ, tự cường là gì

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp
tháng 12-1920. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường nhưng không rơi vào chủ nghĩa biệt lập, hẹp hòi. Trong thời gian tham gia Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp to lớn cả về nhận thức và thực tiễn về cơ sở lý luận, ý nghĩa của đoàn kết quốc tế trong phong trào cách mạng thế giới và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó có luận điểm nổi tiếng: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa”3. Người đã sớm nhận thức về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, trong đó “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam”4. Vì thế, đoàn kết và hợp tác quốc tế là tất yếu khách quan. Từ quan điểm đó, Người chủ trương mở rộng đoàn kết, hợp tác quốc tế, thêm bạn bớt thù, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để chống lại kẻ thù.

Với nhãn quan chiến lược sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất cụ thể và sâu sắc về mối quan hệ biện chứng, sự gắn kết giữa độc lập, tự chủ với đoàn kết quốc tế; giữa tự lực, tự cường với hợp tác quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình. Tinh thần quốc tế là đoàn kết với các nước bạn và nhân dân các nước khác để giữ gìn hòa bình thế giới, chống chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc, v.v. Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau”5. Người không tuyệt đối hóa một nhân tố nào, mà đề cập rất rõ ràng, sinh động về vai trò, vị trí của từng nhân tố, của sức mạnh nội lực và sức mạnh bên ngoài. Trong mối quan hệ biện chứng đó, “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường” luôn giữ vai trò quyết định, là nền tảng vững chắc để đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới. Đồng thời, đoàn kết, hợp tác quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng, không thể thiếu của cách mạng Việt Nam, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, sức mạnh tổng hợp để giữ vững độc lập, tự chủ. Mối quan hệ biện chứng giữa “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường với đoàn kết, hợp tác quốc tế” chính là biểu hiện cụ thể của mối quan hệ giữa sức mạnh nội lực và sức mạnh bên ngoài. Trong đó, nội lực, thực lực là nhân tố quyết định: “Phải trông ở thực lực… Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”6 và Người còn nhấn mạnh cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh. Quan điểm về mối quan hệ biện chứng là cơ sở của tư tưởng “gắn kết giữa độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường với đoàn kết, hợp tác quốc tế”. Để tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, trước hết phải phát huy độc lập, tự chủ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”7, hơn thế nữa: “Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”8. Đồng thời, thực hiện phương châm: “Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”9. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cầu thị, học tập, hợp tác quốc tế, nhưng nhấn mạnh phải giữ gìn “bản sắc”, tránh rơi vào hai khuynh hướng sai lầm: nếu không “chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”; ngược lại, “nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”10.

Từ quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tích cực, chủ động đoàn kết, hợp tác quốc tế, trên cơ sở độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau; thực hiện phương châm: “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”11, “thêm bạn, bớt thù” và “giúp bạn là tự giúp mình”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam đoàn kết, hợp tác quốc tế không những để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ mà còn có trách nhiệm ủng hộ, giúp đỡ các nước khác, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình thế giới. Đồng thời, Người chủ trương hợp tác phải đi đôi với đấu tranh: mục đích của ta là vì đoàn kết, vì đoàn kết mà phải tranh đấu; tranh đấu để đi đến đoàn kết, chứ không nói xấu ai.

Quan điểm về mối quan hệ biện chứng, sự gắn kết giữa “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường với đoàn kết, hợp tác quốc tế” là một nguyên lý có tầm quan trọng hàng đầu trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa, phát triển thành một quan điểm cơ bản, xuyên suốt trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định tám mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết tốt trong thực tiễn, trong đó có mối quan hệ thứ bảy: “giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”. Đảng, Nhà nước đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm qua. Nổi lên là: chúng ta đã phá thế bao vây, cấm vận thời kỳ đầu đổi mới; cơ bản hoàn thành phân định, xây dựng đường biên giới hữu nghị, ổn định với các nước láng giềng; trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, chế độ chính trị của nhau, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, ổn định hơn; tạo lập môi trường hòa bình, tranh thủ yếu tố quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Từ kết quả tổng kết lý luận và thực tiễn về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng đối ngoại: “... độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,...”12.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Trật tự “nhất siêu đa cường” vẫn tồn tại, nhưng trật tự “đa cực linh hoạt” đang định hình ngày càng rõ nét, với những liên kết đan xen, đa tầng. Các nước đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc trong quan hệ quốc tế. Xu hướng đề cao sự tương đồng lợi ích đóng vai trò chi phối; tính đối tác, đối tượng trong quan hệ quốc tế đan xen, chuyển hóa linh hoạt, trên từng lĩnh vực cụ thể. Sự hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và thỏa hiệp giữa các nước, nhất là các nước lớn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước cũng đứng trước những khó khăn, tiềm ẩn các nguy cơ, thách thức về quốc phòng, an ninh do âm mưu, thủ đoạn chống phá, lật đổ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia của các thế lực thù địch, phản động.

Bối cảnh đó đặt ra cho việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc những vấn đề mới. Thứ nhất, phải kiên định quan điểm độc lập, tự chủ; đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; xử lý hài hòa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế. Bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới, phát huy sức mạnh tổng hợp, phát huy cao nhất nội lực đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Thực hiện sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; chủ động, linh hoạt và kịp thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập quốc tế phù hợp với từng thời điểm, tình huống. Thứ hai, coi trọng và xử lý đúng đắn, linh hoạt, hài hòa quan hệ giữa các nước lớn, dựa trên vị trí địa chiến lược của đất nước và lợi ích chiến lược của quốc gia. Cần tiếp tục giữ vững tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kiên định thực hiện chính sách không đi với nước này chống nước kia, không tham gia liên minh quân sự, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng giải pháp hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cảnh giác, ngăn ngừa sự thỏa hiệp giữa các nước liên quan đến chủ quyền, lợi ích của Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thứ ba, thực hiện vừa hợp tác vừa đấu tranh quốc phòng một cách linh hoạt, sáng tạo; lấy hợp tác là chính, đấu tranh để hợp tác tốt hơn. Triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng theo phương châm: “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu. Thứ tư, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, khu vực, Cộng đồng ASEAN ở mức cao hơn, hiệu quả thiết thực hơn; trong đó có tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, v.v.

Để thực hiện có kết quả các định hướng nêu trên, cần tiến hành tốt một số giải pháp chủ yếu. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quán triệt sâu sắc tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh vào quá trình hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại và tổ chức thực hiện thắng lợi các hoạt động ngoại giao gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang đối với việc vận dụng tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng đất nước giàu mạnh về mọi mặt; kinh tế phát triển nhanh, bền vững, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ làm động lực; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế, tạo điều kiện để giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực tự cường trong hội nhập quốc tế. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng tiến nhanh lên hiện đại, làm trụ cột, nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và triển khai Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; gắn kết chặt chẽ, tận dụng kết quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác, tạo thành một thể thống nhất trong chiến lược đối ngoại của quốc gia.

Tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế” là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết nhiều sách, đưa ra các chủ thuyết chính trị. Các quan điểm, tư tưởng của Người thường được diễn đạt giản dị, gần gũi với nhân dân, nhưng vẫn hàm chứa những vấn đề lớn, mà mỗi người, dù thuộc tầng lớp nào, cũng tìm được những điều mà mình cần, mình muốn, để học tập và làm theo. Không chỉ trong nội dung, hình thức, mà tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh còn bao hàm cả phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao. Sự phong phú về nội dung, giản dị về hình thức, tính hiệu quả, mẫu mực của phương pháp, phong cách ngoại giao là sự kết tinh cao của trí tuệ. Chính vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc là di sản vô giá mà chúng ta học mãi vẫn chưa tới.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

_____________

1 - T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb ST, H. 1976, tr. 15.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 162.

3 - Sđd, Tập 1, tr. 320.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 329.

5 - Sđd, Tập 8, tr. 272.

6 - Sđd, Tập 4, tr. 147.

7 - Sđd, Tập 7, tr. 445.

8 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 200, tr. 244.

9 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 320.

10 - Sđd, Tập 11, tr. 97 - 98.

11 - Sđd, Tập 5, tr. 256.

12 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 153.