Các tổ chức từ thiện hoạt động như thế nào năm 2024

Theo TS.Bùi Thị Ngọc Mai - Học viện Hành chính Quốc gia, pháp luật về từ thiện nhân đạo có vai trò rất quan trọng đối với các chủ thể trong hệ thống chính trị nhằm điều tiết hoạt động từ thiện nhân đạo đúng hướng, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của lĩnh vực từ thiện nhân đạo nhằm tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp, nhân văn cho xã hội và con người.

Các tổ chức từ thiện hoạt động như thế nào năm 2024

Hoạt động cứu trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt (Ảnh tư liệu)

Hoạt động từ thiện, nhân đạo là truyền thống, văn hóa, đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta được truyền qua nhiều thế kỷ, nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước giải quyết các khó khăn cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người gặp hoạn nạn, người sống ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về điều kiện cơ sở hạ tầng, điều kiện chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần,… đặc biệt là những người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động từ thiện ngoài những giá trị vật chất to lớn, còn phản ảnh về mặt tinh thần. Đó là sự sẻ chia cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội, đồng thời truyền cảm hứng về lòng yêu nước, sự đoàn kết thương người như thể thưởng thân trong nhân dân. Để hoạt động từ thiện luôn giữ được ý nghĩa cao đẹp, đầy tính nhân văn nhân đạo nhưng hạn chế các tranh chấp, khiếu kiện, tranh cãi,… nhiều cơ quan, tổ chức đề xuất Nhà nước cần ban hành pháp luật về từ thiện nhân đạo để quản lý hoạt động này.

Đánh giá về vai trò của pháp luật về từ thiện nhân đạo, TS.Bùi Thị Ngọc Mai cho rằng, pháp luật về từ thiện nhân đạo có vai trò rất quan trọng đối với các chủ thể trong hệ thống chính trị nhằm điều tiết hoạt động từ thiện nhân đạo đúng hướng, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của lĩnh vực từ thiện nhân đạo nhằm tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp, nhân văn cho xã hội và con người. Các vai trò của pháp luật về từ thiện nhân đạo cụ thể như sau:

Thứ nhất, pháp luật về từ thiện nhân đạo là phương tiện để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về từ thiện nhân đạo, làm cho đường lối, chủ trương, chính sách đó có hiệu lực chung trên phạm vi toàn xã hội.

Thông qua pháp luật về từ thiện nhân đạo, các quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về lĩnh vực từ thiện nhân đạo nhanh chóng được truyền bá rộng rãi, công khai trong toàn xã hội, chủ trương, khiến đường lối, chính sách của Đảng về vấn đề này dễ dàng đi vào đời sống, trở thành hiện thực trong đời sống. Như vậy, pháp luật về từ thiện nhân đạo vừa là một hình thức thể hiện đường lối, chính sách Đảng về vấn đề này, vừa là một phương tiện quan trọng làm cho đường lối, chính sách của Đảng đi vào đời sống, trở thành hiện thực trong đời sống. Bên cạnh đó, pháp luật về từ thiện nhân đạo còn là phương tiện để Đảng kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của mình trong thực tiễn.

Các tổ chức từ thiện hoạt động như thế nào năm 2024

TS.Bùi Thị Ngọc Mai, Học viện Hành chính Quốc gia

Thứ hai, đối với Nhà nước, pháp luật về từ thiện nhân đạo là công cụ, phương tiện điều tiết và định hướng sự phát triển của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo một cách có hiệu lực, hiệu quả.

Quản lý lĩnh vực từ thiện nhân đạo là công việc nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi phải được thực hiện trên cơ sở một hệ thống quy định rõ ràng, minh bạch. Để quản lí xã hội, có nhiều công cụ khác nhau như pháp luật, đạo đức, phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo, quy định của các cộng đồng dân cư, của các tổ chức xã hội..., mỗi công cụ đều vừa có những mặt mạnh, vừa có những hạn chế nhất định, không có công cụ nào là vạn năng. Tuy nhiên, với những ưu thế vượt trội như tính quyền lực nhà nước (tính bắt buộc chung, tính cưỡng chế), tính xác định về hình thức, tính quy phạm phổ biến..., pháp luật nói chung và pháp luật về từ thiện nhân đạo nói riêng có khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của nhà nước một cách nhanh chóng, đồng bộ, có hiệu quả và rộng khắp trên quy mô cả nước. Do vậy, pháp luật về từ thiện nhân đạo trở thành công cụ quan trọng, có hiệu quả nhất để nhà nước tổ chức và quản lý các mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động từ thiện nhân đạo.

Pháp luật như là phương tiện hữu hiệu để điều tiết và định hướng các quan hệ xã hội trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Pháp luật về từ thiện nhân đạo giúp các chủ thể tham gia vào lĩnh vực này xác định và làm theo những quy tắc ứng xử trong khuôn khổ nhất định. Pháp luật về từ thiện nhân đạo tạo ra hành lang pháp lý, khuôn khổ cho các quan hệ xã hội về từ thiện nhân đạo vận hành. Pháp luật về từ thiện nhân đạo quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể cho chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội từ thiện nhân đạo cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó.

Nhờ có pháp luật về từ thiện nhân đạo, các thành viên trong xã hội biết được những hành vi nào là hợp pháp, được khuyến khích, hành vi nào là bắt buộc, hành vi nào bị ngăn cấm để từ đó có cách ứng xử phù hợp khi tham gia vào lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Những quan hệ về từ thiện nhân đạo phù hợp với mục đích, định hướng của nhà nước được pháp luật phát triển và bảo vệ. Ngược lại, những quan hệ xấu về từ thiện nhân đạo trong xã hội bị loại bỏ, ngăn chặn. Như vậy, không có pháp luật về từ thiện nhân đạo thì hoạt động này sẽ khó có thể trật tự, ổn định, tồn tại và phát triển tốt. Thông qua pháp luật về từ thiện nhân đạo, nhà nước đề ra các chính sách để hoạt động từ thiện nhân đạo phát triển có định hướng, đề ra các biện pháp kiểm tra, giám sát đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý những hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo, từ đó, tạo điều kiện phát triển những mặt tốt và kìm hãm những mặt xấu của hoạt động này vì sự phát triển của xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Thứ ba, đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, pháp luật về từ thiện nhân đạo là phương tiện đảm bảo cho các tổ chức đó tham gia vào hoạt động từ thiện nhân đạo một cách đúng đắn.

Pháp luật về từ thiện nhân đạo có vai trò quan trọng, quyết định đến nhận thức, thái độ, hành vi cũng như kết quả tham gia từ thiện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, pháp luật về từ thiện nhân đạo tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phối hợp, kiểm tra, giám sát của các tổ chức này đối với việc chấp hành pháp luật về từ thiện nhân đạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thứ tư, đối với các tổ chức, cá nhân, pháp luật về từ thiện nhân đạo là phương tiện để các chủ thể này thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cùa mình khi tham gia vào hoạt động từ thiện nhân đạo.

Pháp luật về từ thiện nhân đạo sẽ bảo đảm dân chủ, công bằng, phù hợp lợi ích chung của các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào hoạt động từ thiện nhân đạo. Khi có pháp luật về từ thiện nhân đạo sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội để họ tham gia tích cực, chủ động trong các hoạt động từ thiện nhân đạo. Đó là cơ sở pháp lý để những người làm từ thiện dựa vào đó thực hiện, lấy công khai minh bạch làm kim chỉ nam, tránh trục lợi.

Căn cứ vào các quy phạm pháp luật về từ thiện nhân đạo, mọi thành viên trong xã hội có điều kiện bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, khiến hoạt động từ thiện nhân đạo trở nên công khai, minh bạch, hiệu quả. Pháp luật về từ thiện nhân đạo còn là công cụ bảo đảm sự an toàn tính mạng, tài sản, danh sự và nhân phẩm của các thành viên trong xã hội khi tham gia vào mối quan hệ từ thiện nhân đạo.

Thứ năm, pháp luật về từ thiện nhân đạo là cơ sở để đảm bảo sự phát triển bền vững của lĩnh vực từ thiện nhân đạo, góp phần tạo ra hệ sinh thái từ thiện nhân đạo chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả.

Pháp luật về từ thiện nhân đạo là một trong những yếu tố bảo đảm và bảo vệ sự ổn định của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Một mặt, pháp luật về từ thiện nhân đạo ghi nhận và thể chế hóa các quyền tự do và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức khi tham gia vào mối quan hệ từ thiện nhân đạo và bảo đảm cho các quyền, lợi ích hợp pháp đó được thực hiện. Mặt khác, pháp luật về từ thiện nhân đạo ghi nhận một cách chính thức các giá trị mà hoạt động từ thiện nhân đạo cần có, hướng tới các giá trị nhân văn vì con người.

Pháp luật về từ thiện nhân đạo tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để công tác từ thiện nhân đạo được minh bạch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động từ thiện, để hoạt động này ngày càng phát huy được vai trò và ý nghĩa cao đẹp, tạo ra một hệ sinh thái cho từ thiện nhân đạo được thúc đẩy, khuyến khích, phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ hoạt động từ thiện nhân đạo có tác động đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh trật tự của đất nước, do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cần phải hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo nhằm thúc đẩy hệ sinh thái từ thiện phát triển. Hoạt động từ thiện nhân đạo rất dễ gây tâm lý tổ chức tràn lan, không mang lại hiệu quả, do đó cần một quy trình chuẩn, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí các nguồn lực. Do đó, khung pháp lý, luật cho hoạt động nhân đạo, từ thiện, khuyến khích huy động nguồn lực và triển khai, tổ chức, thực hiện hiệu quả là rất cần thiết. Việc từ thiện nhân đạo cần quy trình, hướng dẫn để tránh tình trạng cá nhân hay cộng đồng trục lợi. Nếu có những văn bản pháp luật quy định về hoạt động này một cách bao quát, rõ ràng, dễ hiểu… thì hoạt động từ thiện của toàn dân sẽ chặt chẽ, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thứ sáu, pháp luật về từ thiện nhân đạo tạo cơ sở cho các hành vi đạo đức chân chính trong từ thiện nhân đạo được phát triển, bảo vệ.

Từ thiện nhân đạo là các hoạt động mang tính đạo đức, tự nguyện, tự giác. Từ thiện nhân đạo là làm việc tốt xuất phát từ lòng yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người một cách vô tư; là sự trợ giúp đầy tình người về vật chất, tinh thần, sức khỏe, trí tuệ cho những người kém may mắn trong xã hội. Tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo là tùy theo khả năng của mỗi người và không bị bắt buộc bởi bất kỳ một người hay tổ chức nào. Do đó, điều chỉnh hoạt động này phần nhiều dựa trên cơ chế đạo đức. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên cơ chế đạo đức, để hoạt động này phát triển một cách tự phát, nhiều khi sẽ không đảm bảo được ý nghĩa, mục đích, thậm chí phản tác dụng hoặc gây ra những tranh cãi, tranh luận, xung đột không mong muốn. Điều đó có thể gây mất niềm tin về hoạt động từ thiện nhân đạo do một số cá nhân, tổ chức trục lợi, hoặc gây tổn thương cho người làm/nhận từ thiện nhân đạo, thậm chí gây nhiễu loạn đời sống xã hội. Những điều đó có thể khiến hoạt động từ thiện nhân đạo vốn có ý nghĩa đạo đức nhân văn to lớn nhưng lại bị lợi dụng, bị nhìn nhận với thái độ dò xét, thậm chí bị tẩy chay. Do đó, cần có pháp luật về từ thiện nhân đạo để tạo cơ sở cho các hành vi đạo đức chân chính trong từ thiện nhân đạo được phát triển, bảo vệ. Một khi đã được ghi nhận thành pháp luật, các hoạt động từ thiện nhân đạo được đảm bảo thực hiện bằng nhà nước, nhờ đó, chúng được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng hướng, triệt để hơn. Sự ghi nhận thành pháp luật tạo điều kiện cho các hành vi từ thiện nhân đạo phù hợp với cuộc sống, đạo lí cũng như thuần phong, mĩ tục được tồn tại, giữ gìn và phát huy.

Thứ bảy, pháp luật về từ thiện nhân đạo là cơ sở để giải quyết tranh chấp trong các mối quan hệ về từ thiện nhân đạo.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo không tránh khỏi những mâu thuẫn, tranh chấp. Đặc biệt, xu hướng hiện nay khi hoạt động từ thiện nhân đạo càng phát triển cả về quy mô, số lượng thì những tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều lên. Pháp luật về từ thiện nhân đạo chính là căn cứ để phân định ai đúng ai sai, là chuẩn mực chung để các bên giải quyết tranh chấp. Pháp luật về từ thiện nhân đạo quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục để giải quyết các tranh chấp đó nhằm bảo đảm cho tranh chấp được giải quyết một cách công bằng, vừa thấu tình, vừa đạt lý, bảo đảm tính công minh của pháp luật.

Từ những phân tích trên về vai trò của pháp luật về từ thiện nhân đạo, TS. Bùi Thị Ngọc Mai nhấn mạnh, việc hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo là một vấn đề cấp thiết và có ý nghĩa to lớn./.