Ý nghĩa của việc bẻ bánh thánh vào chén thánh

Ý nghĩa của việc bẻ bánh thánh vào chén thánh

27. Nghi thức bẻ bánh có ý nghĩa gì?

Ý nghĩa của việc bẻ bánh thánh vào chén thánh

Nghi thức bẻ bánh lập lại cử chỉ của Chúa Kitô trong bữa Tiệc Ly: “Người cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho các môn đệ”. Vào thời các Tông đồ, thánh lễ được gọi là việc “bẻ bánh”. Thánh Phaolô giải thích: “Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần vào một tấm bánh” (1 Cor 10,16-17).

Cử chỉ bẻ bánh thể hiện rõ ràng giá trị và tầm quan trọng của dấu hiệu hiệp nhất của mọi người trong cùng một tấm bánh, và của dấu hiệu yêu thương trong việc mọi người cùng chia với nhau tấm bánh duy nhất.

Trước đó, kinh nguyện Thánh Thể đã nhấn mạnh điều này khi bày tỏ lời nguyện sau: “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần” (kinh nguyện Thánh Thể II). Chúng ta không thể tăng triển trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô nếu chúng ta không cùng một lúc tăng triển trong sự hiệp nhất huynh đệ.

Ngày xưa, nghi thức bẻ bánh chiếm nhiều thời gian vì phải chia sẻ bánh thánh cho tất cả cộng đoàn. Ngày nay, vì những lý do mục vụ (số người rước lễ đông chẳng hạn), người ta thường sử dụng những bánh lễ nhỏ cho giáo dân và một bánh lễ lớn cho linh mục. Ngài chỉ bẻ bánh lớn này mà thôi. Do đó nghi thức bẻ bánh có thể khó nhận ra được, nhưng vẫn luôn giữ được ý nghĩa sâu sắc của nó.

(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

  • Nghi thức bẻ bánh có ý nghĩa gì?

Hỏi: Tại sao một mảnh bẻ ra của Mình Thánh được đặt vào Chén Thánh khi đọc "Lạy Chiên Thiên Chúa"? Liệu việc Đức Thánh Cha trước kia quen bẻ Mình Thánh thành nhiều mảnh nhỏ, và gửi các mảnh này đến các nhà thờ chính của ngài như một dấu hiệu của sự hiệp nhất, là đúng không? Hiện Đức Thánh Cha không làm điều đó nữa.

Trong thời Trung cổ, chúng ta cảm thấy cần phải kết hiệp Thân Mình Chúa Kitô với Máu Thánh của Ngài trước khi rước lễ, do một sự hiểu theo nghĩa đen hơn về sự tách rời Thân Mình và Máu của Chúa với việc truyền phép riêng biệt. Chúng ta tin rằng Chúa Kitô là hoàn toàn hiện diện dưới hai hình bánh và rượu đã truyền phép. Vì vậy, tại sao bây giờ chúng ta vẫn còn đặt một mảnh của Mình Thánh vào trong Chén Thánh? - C. F., Chicago, Mỹ.

Đáp: Tập tục Đức Thánh Cha gửi một số mảnh Mình Thánh, mà Ngài đã truyền phép, đến các nhà thờ khác là rất cổ xưa (một số Giám mục khác cũng đã làm như vậy). Có bằng chứng của việc này trong các tác phẩm của thánh Irênê (130-202) và trong các thế kỷ sau đó. Mình Thánh không luôn được gửi đến mọi nhà thờ, và dần dần tập tục này được giới hạn trong các ngày lễ lớn, và cuối cùng đã biến mất. Không có bằng chứng của việc này sau thế kỷ IX nữa.

Sau đó có một tập tục khác là một phần của Mình Thánh trong thánh lễ, do Đức Thánh Cha cử hành, được đặt vào Chén Thánh, để biểu tượng tính liên tục của hy lễ. Tập tục này là tương đối ngắn trong thế kỷ VIII, và không hề lan rộng ra khỏi Rôma.

Sự thực hành hiện nay dường như là sự tồn tại của một tập tục thế kỷ VIII, đó là Đức Thánh Cha đặt một phần Mình Thánh, mà Ngài đã truyền phép, vào trong Chén Thánh, kèm theo lời nguyện vẫn còn dùng hiện nay: “Xin cho việc hòa Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám mục Việt Nam).

Hình thức hiện nay của nghi thức xuất hiện để ngăn chặn sự hợp nhất của nghi lễ Rôma với tập tục Đức, vốn đã xảy ra dưới triều đại của Hoàng đế Charlemagne (khoảng năm 747-814), do thánh Biển Đức thành Aniane (747-821) thực hiện, mặc dù nó không hoàn toàn được thiết lập cho đến khoảng một thế kỷ sau đó.

Theo chuyên viên phụng vụ nổi tiếng J. A. Jungmann, tính biểu tượng đàng sau sự thực hành thời Trung cổ là: "sự hòa trộn diễn tả Thân Mình Chúa Kitô sống lại đi trước lời chúc bình an “Pax Domini”; vì thật sự Chúa chúng ta đã sống lại từ cõi chết, và chỉ sau đó, Chúa mới đem lại hòa bình cho trời và đất".

Giáo sư Jungmann cũng nêu ra rằng sự kết nối này với cái chết trên Thập giá dẫn đến tập tục làm dấu kép (ba lần) trên Chén Thánh với các mảnh Mình Thánh, trong khi đọc lời: "bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, vốn vẫn là một phần của hình thức ngoại thường, và nó có sự tương đồng trong một số nghi lễ phụng vụ phương Đông, dựa trên các ý nghĩa biểu tượng giống nhau.

Ý nghĩa biểu tượng này là hơi khác với điều mà độc giả trên gán cho thời Trung Cổ. Đa số nhà thần học Trung cổ cũng chủ trương rằng Chúa Kitô phục sinh đã hiện diện đầy đủ trong cả hai hình, và được hiểu hoàn toàn rằng sự hòa trộn hai hình Bánh và Rượu trước lời chúc bình an tượng trưng cho Chúa Kitô phục sinh, mà không có bất kỳ hiệu quả bí tích nào.

Tuy nhiên, sự giải thích này dường như không là ý nghĩa ban đầu của nghi thức, và thường được gán cho Đức Giám Mục Amalar giáo phận Metz (780-850), người đã nổi tiếng với các giải thích ẩn dụ của ngài về phụng vụ.

Mặc dù là phổ biến, sự giải thích này, và chính nghi thức, là không phải không có vấn đề. Trong quá trình cải cách Sách Lễ sau Công đồng chung Trentô, đã có nhiều phản đối chống lại sự giải thích ấy, trong chừng mực nó có thể được giải thích theo nghĩa rằng Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa chúng ta sẽ được kết hợp với nhau chỉ sau khi được hòa trộn với nhau, chứ chưa kết hợp khi truyền phép hai hình. Điều này có thể hỗ trợ các lập luận của những người chủ trương rằng việc rước lễ một hình là không đủ.

Một số đề xuất đã được thực hiện để thay đổi công thức kinh nguyện, để mang nghi thức trở lại với ý nghĩa ban đầu của nó, vốn được liên kết chặt chẽ hơn với việc chuẩn bị rước lễ, hơn là với với nghi thức chúc bình an. Giáo sư Jungmann, sau khi xem xét các bằng chứng lịch sử, đã kết luận: "Do đó, chúng ta được biện minh về tư tưởng rằng cả hai hình đại diện cho một Bí Tích, và chứa đựng một Chúa Kitô như ý nghĩa ban đầu của nghi thức Rôma về sự hòa trộn".

Tuy nhiên, sức mạnh của truyền thống chiếm ưu thế, và nghi thức vẫn không thay đổi trong Thánh lễ Trentô. Trước Công đồng chung Vatican II, Giáo sư Jungmann đã nhận xét về nghi thức này: "Hiếm bất cứ nơi nào khác có tính minh bạch của thủ tục phụng vụ, được chịu đựng quá nhiều bởi sự co lại và sự nén lại, như ở đây, trong nghi thức bẻ bành và hòa trộn hai hình, mặc dù các yếu tố của truyền thống cổ xưa đã được bảo tồn một cách trung thực".

Trong hình thức thông thường của nghi lễ Rôma, một số thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa có thể giúp chúng ta mang ý nghĩa của nghi thức trở lại với sự giải thích ban đầu của nó.

Trước hết, sự hòa trộn có thể được mọi người nhìn thấy, chứ không chỉ các người ở bàn thờ.

Thứ đến và quan trọng hơn, nghi thức hòa trộn đã được dời từ trước lời chúc bình an đến sau lời chúc bình an, và như thế trở về với vị trí trước hoặc trong lời đọc “Lạy Chiên Thiên Chúa”, vốn theo bằng chứng lịch sử là vị trí ban đầu của nó. Theo cách thức này, ý nghĩa ban đầu của việc nối kết sự hòa trộn với việc rước lễ là trở nên rõ ràng hơn.

Đây có lẽ là lý do cho sự thay đổi của nghi thức sau Công đồng chung Vatican II. Và điều này, cũng như trọng lượng của gần 2.000 năm thực hành, là lý do tại sao chúng ta vẫn tiếp tục làm như vậy.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 7-7-2015)

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tại sao trong trình thuật lập Bí tích Thánh Thể, trước khi đọc lời truyền phép, linh mục không bẻ bánh khi nói: “…Ngài bẻ bánh và trao cho các môn đệ…”, con có ý muốn nói, tại sao linh mục chờ đến kinh Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) mới bẻ Bánh? Con nghĩ rằng câu hỏi này cũng vang lên trong tâm trí của một số linh mục; đó là tại sao, để làm cho có ý nghĩa, một số ít linh mục thực sự bẻ bánh trong khi đọc trình thuật lập Bí tích Thánh Thể. Xin cha giải thích cho con và nhiều người được hiểu! – X. A., thành phố Quezon, Philippines.

Đáp: Trước khi đề cập đến lý do tại sao bánh Thánh không nên được bẻ ra vào lúc gần truyền phép, tôi nhớ lại rằng sự thực hành này đã được đề cập cụ thể trong huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ, ngày 25-3-2004), số 55: “Sự lạm dụng sau đây phổ biến ở một vài nơi: trong lúc cử hành Thánh Lễ, linh mục bẻ bánh lúc truyền phép. Một sự lạm dụng như thế đi nghịch lại với truyền thống của Giáo Hội. Nó cần bị dứt khoát bác bỏ và được sửa chữa khẩn cấp” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Có nhiều lý do tại sao truyền thống nghi lễ Latinh không bẻ bánh theo nghi thức vào thời điểm nêu trên, và chúng tôi sẽ cố gắng minh họa một số lý do ấy.

Trình thuật lập Bí tích Thánh Thể mô tả bốn hành động của Chúa Kitô: cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ. Bốn khoảnh khắc này cấu thành nên điều mà chuyên viên phụng vụ Anh giáo nổi tiếng Gregory Dix gọi là “hình dạng” của phụng vụ Thánh Thể.

Thật vậy, Giáo Hội Latinh đã thiết lập một cách nghi thức Phụng vụ Thánh Thể và việc hiệp lễ xung quanh bốn thời khắc này. Việc cầm lấy bánh được diễn tả ở trên bởi nghi thức dâng lễ vật. Việc tạ ơn là yếu tính của Kinh nguyện Thánh Thể. Việc bẻ Bánh được thực hiện trong việc bẻ Bánh ra và việc trao cho các môn đệ của Chúa được thực hiện trong việc Rước lễ.

Trình thuật lập Bí tích Thánh Thể là ở trong Kinh nguyện Thánh Thể, và do đó nằm trong bối cảnh tạ ơn Chúa Cha. Hành động tối cao của việc tạ ơn là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Trong trình thuật lập Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội kể lại với Chúa Cha hành động của Chúa Con, và lệnh truyền của Ngài cho việc tiếp tục hành động tưởng niệm này. Sự tưởng niệm hiệu quả ấy không giới hạn vào sự biến thể của bánh và rượu, nhưng làm cho hiện diện toàn bộ mầu nhiệm cứu độ, khi nhắc lại sự chết, sự phục sinh và lên trời của Chúa Kitô. Không hành vi tạ ơn nào khác cho Chúa Cha có thể sánh bằng với những gì xảy ra trong phụng vụ Thánh Thể cả.

Hiện giờ, bởi vì đối tượng của Kinh Nguyện Thánh Thể là dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha, các cử chỉ ấn tượng hướng đến các tín hữu, như bẻ Bánh hoặc làm một cử chỉ diễn đạt trong khi nói “Các con hãy cầm lấy” là bị sai chỗ, và thực sự làm giảm đi ý nghĩa thiết yếu của nghi thức vào thời điểm này.

Người ta có thể chứng minh rằng lập luận trên đây cũng gợi ý rằng, sự thực hành nghi lễ Latinh của việc linh mục cầm bánh và chén thánh trong tay, và trưng ra cho các tín hữu thấy sau khi truyền phép cũng là sai chỗ. Nói theo thần học, cử chỉ cầm Bánh và Chén thánh, và trưng ra cho các tín hữu là không nhất thiết cần thiết cho tính hợp pháp của việc truyền phép, như được chứng minh qua sự thực hành của một số Giáo Hội phương Đông. Cũng là đúng rằng theo lịch sử, nghi thức trưng Bánh và Chén Thánh đã được đề ra, để đáp ứng với một mong muốn đạo đức của tín hữu được nhìn thấy hai hình Bánh và Rượu.

Tuy nhiên, dù có nguồn gốc nào đi chăng nữa, nghi thức trưng Bánh và Chén thánh đã hưởng gần 1.000 năm chấp thuận, như là một phần của phụng vụ phổ quát của Giáo Hội, và như là một hệ luận, đã hướng dẫn và tăng cường đức tin vào Sự hiện diện thực sự của Chúa trong nhiều thế kỷ. Do đó, nó phải được xem như một sự phát triển hữu cơ hợp pháp của phụng vụ. Tôi tin rằng cử chỉ bẻ bánh trước khi truyền phép không nên được nhìn trong cùng ánh sáng, và không chỉ vì nó đã được đặc biệt phản bác.

Nghi lễ Rôma, khi đặt việc bé Bánh sau Kinh Nguyện Thánh Thể và cho đi kèm với bài “Lạy Chiên Thiên Chúa”, nhấn mạnh rằng chúng ta chia sẻ Chúa Kitô Cứu Thế của chúng ta, chứ không phải tấm bánh bình thường. Chúng ta tham gia một bữa tiệc hy tế. Lời cầu xin Chúa thương xót và ban bình an cho chúng ta được củng cố bởi đức tin này. Việc bẻ bánh trước khi truyền phép, và và do đó trước khi hoàn thành lời tạ ơn của chúng ta, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa này.

Một lập luận cuối cùng, mặc dù yếu hơn, có thể được đưa ra từ quan điểm của tính hợp lý cho nghi thức. Nếu người ta chấp nhận rằng các từ ngữ “Ngài bẻ bánh” nhất thiết bao hàm việc thực hiện cử chỉ theo nghi thức, thì người ta cũng có thể lập luận rằng việc như thế cũng có thể được áp dụng cho các từ ngữ “ Ngài trao cho các môn đệ của Ngài”. Chúng ta có thể phân phát cách hợp lý Bánh thánh cho mọi người, trước khi đọc lời truyền phép. Tôi không thể tưởng tượng làm thế nào để giải quyết việc trao Chén thánh cả.

Lập luận này, lẽ tất nhiên, là vô lý và chỉ phục vụ cho việc nêu ra rằng không phải mọi từ ngữ nghi thức đòi hỏi một cử chỉ kèm theo, đặc biệt là khi phụng vụ tự nó đã giải nghĩa ý nghĩa sâu xa của nó một cách đầy đủ hơn.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 5-10-2010)

Nguồn tin: Conggiao.infor