Thi vị hóa hiện thực là gì

(HNMCT) - Hiện thực trong văn chương không phải là câu chuyện mới mẻ, cũng lại chưa bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh nhiều thể nghiệm nghệ thuật mới đang làm giãn nở khái niệm hiện thực, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách mềm mại hơn, đầy đủ hơn, và quan trọng là phù hợp với đặc thù của loại hình văn học - nghệ thuật ngôn từ.

Thi vị hóa hiện thực là gì

Các nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn dù là hư cấu nhưng đều nhặt chất liệu và cốt truyện từ hiện thực đời sống.

Có thời chúng ta đã đề cao hiện thực như là một tiêu chí, tiêu chuẩn của văn học nghệ thuật. Hiện thực đó được hiểu như là một dạng mô phỏng, phản ánh, kiến tạo thực tại trong văn học, sao cho nó vừa khít với thực tại khách quan. Mô hình phản ánh luận kéo dài trong văn học nghệ thuật là cơ sở cho lối viết, lối biểu tả này. Ở một khía cạnh nào đó, trong những đòi hỏi thiết thực với các nhiệm vụ cụ thể mà văn học nghệ thuật tham gia, mô hình phản ánh luận đã có hiệu quả rõ rệt trong việc khắc họa chân dung cuộc sống, chân dung con người. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ hiện thực trong văn chương - hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này.

Hiện thực trong văn chương (có thể mở rộng ra là trong nghệ thuật) là hiện thực của tư tưởng, hiện thực của tinh thần. Hiểu như thế, nghĩa là chúng ta đã nới rộng các đường biên, ranh giới, để thâu tóm, bao quát các diễn biến dù là trừu tượng nhất, tinh vi nhất hay phi lý, kỳ lạ nhất của trí tưởng con người, được định hình trong văn chương. Khi A.Einstein nói: “Thế giới như tôi thấy”; khi P.Picasso bày tỏ “tôi vẽ cái mà tôi thấy, không vẽ cái mà người khác thấy”; khi F.Kafka viết về một thế giới phi lý, giăng đầy các biểu tượng, các lớp nghĩa chồng lấn, văn chương nghệ thuật đã cất tiếng một cách mạnh mẽ về việc nó không chép lại, mô phỏng hiện thực một cách máy móc. Hiện thực của văn học nghệ thuật là hiện thực bên trong, là trí tưởng tượng vô biên của con người. Ở Việt Nam, Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) đã từng kêu lên, chiêm bao là hiện thực, bạn có thấy hai dòng nước mắt của tôi hay không. Đó là những giọt nước mắt chảy từ chiêm bao - vậy sao lại bảo chiêm bao không thực. Những giấc mơ, những vùng tối siêu hình, những chân trời lạ lẫm, ấy là hiện thực mà nghệ sĩ đã du hành, mang về dâng tặng loài người...

Một nhận thức rất quan trọng, nhất là đối với loại hình nghệ thuật ngôn từ (văn học), đó là không có gì nằm ngoài ngôn ngữ. Cụ thể hơn, ngôn ngữ tạo ra hiện thực, tạo ra thế giới, tạo ra nhà văn. Bởi thế, đặt vấn đề hiện thực trong văn chương là một cách để hình dung về sự vận hành và biểu đạt của ngôn ngữ. Nghĩa là, ngôn ngữ hiện thực hóa kinh nghiệm, trí tưởng, hiểu biết, suy tư, cảm xúc của con người. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi nhà văn có một cách biểu đạt riêng, vì thế, cái cách thế giới hiện ra không hoàn toàn giống nhau qua các ngôn ngữ.

Có thể, không bao giờ chúng ta nhìn thấy những thực tại ấy, nhưng ngôn ngữ thi ca đem đến cho chúng ta “cảm niệm triết học về thực tại” (Chu Văn Sơn) để có cái nhìn linh hoạt hơn, tiệm cận với những gì không thể giải thích, không thể định hình trong thực tại. Một thi sĩ đương đại khác của Việt Nam là Mai Văn Phấn cũng có cách kiến tạo hiện thực đầy giá trị biểu tượng trong bài Hoang tưởng năm 2000, ông viết: “Thế rồi xe tới Hoàn Nguyên/ Họ vụt òa lên nức nở/ Nước mắt thành đầu còn cỗ xe thành chân trẻ nhỏ/ Khi gửi xiêm y vào gió/ Họ ôm chầm lấy nhau”. Đó có phải là hiện thực? Dĩ nhiên, đó là một hiện thực tinh thần với niềm hòa ái và bao dung.

Tất cả rồi sẽ đến “Hoàn Nguyên”, rồi sẽ trở về cái điểm khởi đầu. Nước mắt là biểu tượng của cảm xúc đã thay cho cái đầu - biểu tượng của lý trí; cỗ xe - biểu tượng của văn minh đã thay bằng bàn chân trẻ nhỏ - biểu tượng của nguyên sơ; gửi xiêm y vào gió là hình ảnh tượng trưng của việc rũ bỏ các kiến tạo bên ngoài, trở về với hình hài nguyên thủy. Họ - con người, ôm chầm lấy nhau, khi nhận ra mọi thứ mà con người tạo ra ngày càng làm con người xa nhau. Bài thơ của Mai Văn Phấn quả thực đã đem lại cho chúng ta cái nhìn nhân văn hơn về đời sống, cũng như những khát vọng đưa con người đến gần nhau hơn.

Hiện thực trong văn chương chấp nhận mọi khả năng mà con người - chủ thể sáng tạo, có thể liên tưởng, suy tưởng, tưởng tượng nên. Trong những sáng tác của Nguyễn Đình Tú (Bãi săn I - Giếng cổ; Bãi săn II - Phản đồ), Uông Triều (Tưởng tượng và dấu vết), Đinh Phương (Nhụy khúc, Mơ Lam Kinh), Nhật Phi (Người ngủ thuê)..., chúng ta có thể nhận ra những diễn biến tinh vi, xa lạ với kinh nghiệm, tri thức của bản thân cũng như những thực tại biểu kiến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thế giới được kiến tạo trong văn chương không thực, phi thực. Đó là kinh nghiệm của chủ thể sáng tạo, là thực tại mà chủ thể sống, lâm vào, trải qua.

Thực tại đó có thể còn thực hơn những gì chúng ta biết qua các giác quan. Không có sự tưởng tượng nào bắt nguồn từ hư vô, cũng như, mọi hư cấu đều xuất phát từ một nền tảng thực tại nhất định. Bởi vậy, tựa như chiếc kính lúp, kính hiển vi, văn chương mang đến cho con người một góc nhìn có tính phân tích, giải phẫu, phóng đại, nhận thức lại hay dự đoán về thực tại. Hiện thực của văn chương, dù hoang đường đến bao nhiêu, vẫn gắn chặt với thực tại qua kinh nghiệm, tri kiến của nhà văn. Ai có thể hình dung được, trong thực tại khách quan tồn tại chiếc cầu dải yếm: “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi” (Ca dao). Nhưng đó là hiện thực của tâm hồn những chàng trai, cô gái đang tuổi yêu đương. Chiếc cầu dải yếm kia là tất cả nỗi hoài mong, trông đợi, ân cần, đắm đuối mà người con gái dành cho người mình yêu. Nỗi niềm ấy, thực hóa mọi ước ao, dù là hoang đường, phi lý nhất. Ai bảo dải yếm kia chẳng thể là chiếc cầu?

Ngôn ngữ tạo nên tất cả đó là một thực tại. Khi nào, ngôn ngữ còn có thể biểu đạt, khi đó chúng ta vẫn phải nhìn nhận rằng, từ ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ nghệ thuật (văn học) nói riêng, hiện thực được kiến tạo. Hiện thực trong văn chương, trên những khả năng kỳ diệu của ngôn ngữ nghệ thuật, đem đến cho chúng ta cái nhìn sinh động hơn, đa dạng, phong phú hơn về thực tại, làm đầy đủ hơn những chiều kích của thực tại.

Đến bây giờ, có lẽ ít ai đòi hỏi một cách ngây thơ rằng, hiện thực trong văn chương phải giống đúc, vừa khít với thực tại khách quan. Lý luận văn học, mỹ học và nhận thức chung về nghệ thuật đã giúp con người đương đại nhận ra tính chất “đặc thù” của văn học nghệ thuật trong việc tiếp cận, chiếm lĩnh, biểu đạt về thực tại. Sẽ đến lúc nào đó, chúng ta nhận thức thêm rằng, văn học chính là một biến dạng đầy sinh động của triết học. Khi ấy, câu chuyện hiện thực đời sống, hiện thực văn chương sẽ có cơ hội được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn nữa.

Văn học và hiện thực là một trong những vấn đề trung tâm của lí luận văn học, cho đến nay, dù có rất nhiều hệ thống lí luận giải thích khác nhau, vẫn chưa có lí luận nào được nhất trí công nhận. Đó là vì hoạt động văn học có nhiều mối quan hệ, mà mỗi lí luận thường chỉ xây dựng theo một quan hệ nhất định để khái quát thành nguyên lí, cho nên thường ít gặp nhau.

Thi vị hóa hiện thực là gì

1. Văn học – hiện thực là một trong bốn quan hệ cơ bản của văn học nghệ thuật

Theo sự phân tích của nhà lí luận văn học Mĩ M. H. Abrams, mọi lí luận văn học đều xây dựng trên quan hệ của các yếu tố cơ bản họp thành hoạt động nghệ thuật sau đây:

Thế giới (hiện thực) | | Tác phẩm / \

Nghệ sĩ(tác giả) Người tiếp nhận[1]

Từ quan hệ tác phẩm (văn học) với thế giới ta có lí thuyết mô phỏng cổ xưa và thuyết phản ánh ngày nay. Từ quan hệ nghệ sĩ với tác phẩm, ta có lí thuyết biểu hiện, sáng tạo. Từ quan hệ tác phẩm(văn học) với người thưởng thức ta có lí thuyết giáo huấn thực dụng truyền thống và lí thuyết giao tiếp, tiếp nhận hiện đại. Từ bản thân tác phẩm trong quan hệ nghệ sĩ và người tiếp nhận ta có vấn đề nội dung, ý nghĩa, kí hiệu, trò chơi, giải trí. Như thế vấn đề văn học và hiện thực, cho dù bao quát cả quan hệ tác giả/hiện thực, người đọc/hiện thực vào trong đó thì cũng chỉ bao quát có một phương diện của mô hình hoạt động nghệ thuật nói chung, và quan hệ đó tác động đến quan điểm đối với các phương diện quan hệ còn lại. Từ quan điểm đó, không có lí do nào để hạ thấp hay phủ nhận mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cũng như phản ánh luận (Vấn đề là hiểu phản ánh luận như thế nào). Xét từ phương diện này văn học phản ánh hiện thực vẫn là một nguyên lí cơ bản, quan trọng không thể thiếu, nhưng chỉ là một phương diện mà thôi. Phản ánh, theo nghĩa triết học mà nhà triết học Todor Pavlov khái quát, là sản phẩm của “tác động qua lại”, do đó nó không đơn giản chỉ là “tái hiện”, “mô phỏng”như lâu nay ta hiểu, mà nó còn có nghĩa là phản ứng, đáp trả, phủ nhận…cho nên những người phát biểu “văn học không mô phỏng (hay phản ánh) hiện thực, mà chỉ phát hiện, biểu hiện thực tại (Cassirer, Adorno…), thậm chí phủ nhận hiện thực, phê phán hiện thực, bóc trần các mặt nạ của hiện thực, vượt lên trên hiện thực, thì cũng đều nằm trong phạm trù “phản ánh” hiện thực, bởi họ đã hiểu phản ánh rộng hơn, bao quát hơn. Chẳng hạn, bản chất nghệ thuật, tính nghệ thuật chính là sự phủ định tính bản thể của thực tại. Hình tượng văn học là sự phủ định đối với chất liệu thực tế của hiện thực. Lời văn nghệ thuật là sự phủ định lời ăn tiếng nói thông tục hằng ngày. Trước đây ta chỉ khẳng định phản ánh luận như là lí thuyết tái hiện, nhận thức là đã phiến diện, đối với các lí thuyết khác không được coi là phản ánh luận đều có thái độ phê phán, thù địch, như thế lại càng phiến diện. Hiểu thế, trong bài này chúng tôi chỉ xét một mối quan hệ là văn học phản ánh hiện thực, nhưng không xem nó là bình diện duy nhất, quyết định tất cả.

2. Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực và thời đại

Mệnh đề “văn học phản ánh hiện thực” từng bị hiểu giản đơn thành sao chép các sự kiện của thời đại, tôn sùng nguyên mẫu, miêu tả người thật việc thật, phản ánh các mâu thuẫn bản chất của xã hội, thời đại…Mặc dù có lúc đã sáng tạo nên những sáng tác đáp ứng yêu cầu thực tế lịch sử nhất thời, nhưng do nghèo nàn về tư tưởng và thẩm mĩ, thiếu sức tưởng tượng, cá tính sáng tạo nhợt nhạt…cách hiểu đó đã bị phê phán vào thời Đổi mới ở Việt Nam những năm 80 – 90 thế kỉ XX. Tuy bị hiểu sơ lược, nhưng bản thân mệnh đề đó vẫn có cơ sở. Bởi đó là mệnh đề xác định một cách tổng quát nhất mối quan hệ giữa văn học với hiện thực và thời đại, không có cách biểu đạt khác. Thuật ngữ “mô phỏng” có từ thời cổ đại. Xưa nhất, Platon hiểu “mô phỏng” (mimesis) chỉ là mô phỏng bề ngoài, chưa phải chân lí[2] ,đến Aristote đã hiểu đó là mô phỏng con người, hành động, tự nhiên. Đối với Aristote nghệ thuật không mô phỏng cái dĩ nhiên, mà mô phỏng cái khả nhiên của thế giới để tạo ra thế giới có giá trị triết lí và thẩm mĩ. Theo ông thơ ca (tức văn học) do đó mang chất triết lí hơn lịch sử. Từ thời Phục hưng cho đến thời Cận đại, đến trước chủ nghĩa lãng mạn tư tưởng mô phỏng hiện thực vẫn là tư tưởng chủ yếu của phê bình. Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội (Stenhdal), nhà văn là thư kí của thời đại (Balzac), nếu là nhà văn vĩ đại thì tác phẩm của anh ta phản ánh ít ra vài ba khía cạnh chủ yếu của cuộc cách mạng (Lênin). Đối với các bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực, phản ánh hiện thực có nghĩa là tìm kiếm các gía trị nhận thức,đạo đức, thẩm mĩ của dời sống, lột trần các dối trá, phơi bày mọi ung nhọt, xé toạc mọi mặt nạ, là dấn thân vào tiến trình tiến bộ của xã hội. Các tư tưởng đó đã diễn đạt khá đúng và hay về mối quan hệ giữa văn học và đời sống lịch sử trên tầm vĩ mô, nghĩa là toàn bộ các sự kiện, nhân vật, tư tưởng, tình cảm thể hiện trong văn học nghệ thuật đều là sự phản ánh của đời sống xã hội. Cho dù quan niệm phương Đông xưa xem văn học là dùng để nói chí, hoặc chủ nghĩa lãng mạn phương Tây xem văn học “biểu hiện tình cảm, khát vọng chủ quan của con người” thì cái chí ấy, cái tình cảm ấy cũng đều là phản ánh đời sống xã hội. Tuy vậy, coi phản ánh luận là lí thuyết duy nhất để giải thích văn học nghệ thuật là chưa đủ, vì với tư cách là nhận thức luận, phản ánh luận chưa thể đi vào các quy luật sáng tạo của văn học nghệ thuật cũng như quy luật tiếp nhận của người đọc. Để hiểu nghệ thuật người ta phải nghiên cứu quy luật sáng tạo, tâm lí học sáng tạo, kí hiệu học, tiếp nhận nghệ thuật…nhưng không vì thế mà phủ nhận văn học phản ánh hiện thực, tức là phản ánh sự kiện, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm của con người trong văn học.

3. Hiện thực của văn học là thế giới ý nghĩa do thực tiễn gợi ra

Quan niệm hiện thực của văn học như là tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức con người đã trở nên siêu hình, không phù hợp thực tế. Hiện thực là thực tại trong mối quan tâm của con người. Từ đó, mỗi hình thái ý thức xã hội có một đối tượng hiện thực tương ứng với nó. Hiện thực của văn học không giống với hiện thực của khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và chính trị. Một thời gian rất dài chúng ta hiểu “hiện thực” của văn học là cái thực tế hiểu theo một định hướng hẹp ( hiện thực đấu tranh thống nhất nước nhà, hiện thực đấu tranh hai con đường, hiện thưc phong trào thi đua…mà thực chất đó là hiện thực đã được chính trị hoá theo một đường lối nhất định của ý thức hệ ). Hiện thực của văn học không tách rời với chính trị, nhưng không đồng nhất hoàn toàn với hiện thực của chính trị. Chẳng hạn, hiện thực chính trị không nhất thiết bao gồm hiện tượng vô cảm của cá nhân đối với số phận của đồng loại, sự rung cảm trước thiên nhiên…nhưng đó là điều không thể bỏ qua đối với hiện thực của văn học. Điều này L. Tolstoi đã nói rất hay trong tác phẩm Luserne. Có thể hiểu, hiện thực của văn học là thế giới ý nghĩa mà con người sống trong đó cảm thấy được. Vũ trụ, thiên nhiên, con người, xã hội, văn hoá, đồ vật… chỉ khi có ý nghĩa đối với con người mới là hiện thực. Tất cả những gì mà con người tìm thấy có ý nghĩa đối với cuộc sống và từ đó khám phá những con đường để đi tới cuộc sống có ý nghĩa tốt đẹp hơn, thú vị hơn trong nghệ thuật đều là hiện thực. Thực tiễn cho phép người ta càng ngày càng phát hiện ra nhiều ý nghĩa của thế giới đối với đời sống và do đó mà cả đối với nghệ thuật. Ý nghĩa của sự vật thay đổi theo quá trình thực tiễn. Không có hiện thực bất biến, muôn thuở. Văn học phản ánh hiện thực đó trong tính đa diện, toàn vẹn và tính thời đại. Cũng là hiện thực thời chiến tranh nhưng trong chiến tranh thấy khác, sau chiến tranh thấy khác, sau ba bốn mươi năm lại thấy khác hơn nữa.

Thực tiễn là tính chất quan trọng nhất của hiện thực con người. Thực tiến là phương thức tồn tại của con người, là hoạt động tự thực hiện của con người, hoạt động của con người để vượt qua hữu hạn nhằm hướng tới lí tưởng vô hạn và tự do. Con người là giống vật luôn ý thức sự hữu hạn của chính mình từ trong mọi hoạt động sống như cô đơn, tuổi thọ, khả năng chinh phục thế giới và bản thân, hữu hạn trong sản xuất, trong tình yêu, trong sáng tạo, nhận thức, cảm nhận. Trong hoạt động vượt lên chính mình con người nếm trải mọi tình cảm từ vui sướng, tự hào, cao cả, đến bất lực, bi đát, khôi hài, nhục nhã, cay đắng… Vì vậy hiện thực con người rất phong phú, phức tạp, muôn màu.

4. Hiện thực của văn học – lĩnh vực của cái khả nhiên

Văn học nói chung không phản ánh hiện thực như các sự kiện hiện tồn như báo chí, thông tấn, lịch sử biên niên, tư liệu… Văn học phản ánh hiện thực trong những ý nghĩa do thực tế và các xu thế, khả năng đời sống gợi ra. Vì thế từ xưa Aristote đã nói văn học (thi ca) do mô phỏng cái khả nhiên mà giàu tính triết lí hơn lịch sử. Văn học ngày nay vẫn thế, thiên về phản ánh cái khả nhiên của đời sống, bởi đặc điểm con người là không chỉ quan tâm thực tại mà chủ yếu quan tâm hơn tới những khả năng, cái tương lai. Người ta có thể chịu khổ, hi sinh, nếu điều đó có ý nghĩa đối với tương lai của đất nước, con cháu mình hoặc loài người nói chung[3]. Trong triết học duy vật biện chứng người ta hiểu hiện thực với khả năng là một cặp phạm trù đối lập và chuyển hoá cho nhau. Hiện thực là cái tồn tại với tư cách là kết quả thực hiện của một khả năng nào đó, còn khả năng là khuynh hướng phát triển tiềm tại của một hiện thực nào đó. Hiện thực thì không phải khả năng, còn khả năng thì chưa phải là hiện thực. Nhìn bề ngoài thì rõ ràng người ta đã loại bỏ khả năng ra ngoài hiện thực, hạn chế văn học trong việc phản ánh các sự việc, con người hiện tồn. Chúng ta đã làm như thế và về lí thuyết đã từng đối lập văn học hiện thực và văn học lãng mạn. Nếu hiểu đúng, thì về thực chất hiện thực bao hàm cả cái khả năng, và thiếu tính khả năng thì hiện thực chưa phải là hiện thực của văn học. Chính vì là cái khả năng, nghĩa là cái chưa trở thành hiện thực, cho nên nhà văn mới có thể dùng hư cấu sáng tạo để làm cho cái khả năng tiềm tại hiện hình lên mặt giấy cho mọi người quan sát, thể nghiệm, thực hiện chức năng dự báo của văn học. Con người không chỉ quan tâm hiện tại, nó còn quan tâm tương lai gấp trăm nghìn lần. Nó sợ nhất là hiện thực không thay đổi hoặc thay đổi mà không dẫn đến tương lai tươi sáng. Nó không lo sợ cái hiện thực vì nó đã có rồi, biết rồi, mà sợ nhất sự bất trắc của tương lai. Hiện thực vốn đã vô cùng phức tạp, song khả năng là lĩnh vực còn rộng lớn và phong phú hơn hiện thực gấp nhiều lần. Các khả năng hiện thực và khả năng phi hiện thực, văn học đều quan tâm. Trong hiện thực tồn tại vô vàn khả năng, nhưng do điều kiện cụ thể, hiện thực chỉ là sự thực hiện của một trong vô vàn các khả năng nào đó. Nhiều khi cái khả năng tốt đẹp nhất thì bỏ phí còn cái khả năng xấu nhất thì lại được thực hiện. Các khả năng khác tuy đã mất cơ hội được trở thành hiện thực, nhưng chúng vẫn mãi mãi có ý nghĩa để suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai. Như thế hiện thực của văn học rộng lớn gấp nhiều lần so với hiện thực của lịch sử. Cái khả nhiên còn là hiện thực độc nhất vô nhị của văn học, bởi vì nó là những khả năng, cho nên thích hợp cho nghệ sĩ lựa chọn về mặt lí tưởng, tinh thần, nhận thức, tình cảm, thích hợp với trí tưởng tượng, với hư cấu sáng tạo. Phản ánh cái khả nhiên ngoài chức năng dự báo còn có chức năng giải phóng tư duy con người khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc, bất di dịch.

5. Hiện thực – nguồn kí hiệu tự nhiên vô tận và sức mạnh của chủ nghĩa hiện thực.

Trước đây mỗi khi nói đến hiện thực ta thường chỉ nói đối tượng phản ánh là cội nguồn nội dung nhận thức của văn học. Nhưng xét từ góc độ kí hiệu học, nếu hiện thực là thế giới ý nghĩa thì toàn bộ các sự vật cụ thể, cảm tính – những yếu tố mang nghĩa xung quanh con người lại đều là những kí hiệu tự nhiên ai cũng thấy, nhớ và hiểu. Các hiện tượng, sự vật, con người – các yếu tố mang nghĩa, do lặp đi lặp lại, cho nên từ tín hiệu, chỉ hiệu chúng trở thành kí hiệu, biểu hiệu của các khả năng cuộc sống tiềm ẩn. Cần phải dứt khoát phân biệt hiện thực như là đối tượng phản ánh của văn học nói chung với hiện thực như là ngôn ngữ của văn học. Người ta thường nói đối tượng của kí là người thật việc thật, nhưng đó là lầm. Người thật việc thật chỉ là ngôn ngữ, đối tượng của kí vẫn là sự thực mang nghĩa. Cái “nghĩa này mang nội dung ý thức hệ, nó làm thay đổi sự thật. Nếu nhà văn biết nắm bắt, lựa chọn cái nổi bật, cái lặp lại, cái đặc trưng, sử dụng chúng như những ngôn ngữ kinh nghiệm quen thuộc để biểu hiện ý nghĩa thì sáng tác của anh ta dễ được công chúng đồng cảm, hiểu, chính vì thế, ngôn ngữ hiện thực, sự miêu tả các hình tượng như thật với tư cách là một loại kí hiệu từ lâu đã được nghệ thuật sử dụng và sáng tạo. Ngôn ngữ tự nhiên này phong phú vô tận, khả năng diễn đạt hiện thực bằng ngôn ngữ hiện thực tự nhiên cũng vô tận. Đó là lí do vì sao ngôn ngữ hiện thực cho đến nay vẫn là ngôn ngữ gần gủi, yêu thích của nhân loại. Ngôn ngữ huyền thoại, hoang đường, kì ảo, gắn với mẫu gốc, biểu tượng cũng có giá trị phổ biến nên cũng được sử dụng lâu dài như một ngôn ngữ văn học hữu hiệu, nhưng do quan niệm về “chủ nghĩa hiện thực độc tôn” một thời ấu trĩ mà nhiều khi nó bị bài xích. Nhưng trong văn học dù có sử dụng yêú tố ngôn ngữ biểu đạt tượng trưng như truyện và tiểu thuyết của Kafka, V. Hugo thì ngôn ngữ hiện thực ở trong đó vẫn có vị trí nền tảng.

6. Tác phẩm văn học – sáng tạo kí hiệu sinh nghĩa

Một thời gian dài do quan niếm sơ lược về phản ánh hiện thực, cho rằng phản ánh là tái hiện đời sống như sự phản chiếu gương, như chụp ảnh, giống như thật. Thực ra trong đầu óc con người không có gương hay máy chụp ảnh nào hết, do đó, các thuật ngữ phản ánh, tài hiện, miêu tả…đều chỉ có ý nghĩa ẩn dụ, nghĩa là nói, (hoặc tin rằng) ý thức con người có khả năng nhận thức đúng như sự vật vốn có trong thực tế. Đây cũng là lí do mà Lênin đã dùng các từ “sao chép”, “chụp ảnh” để chỉ khả năng phản ánh của ý thức trong sách Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Đáng tiếc là nhiều người cố tình hiểu các thuật ngữ ấy theo nghĩa đen (không phải nghĩa ẩn dụ ) để mà vận dụng trong trường hợp dung tục hoặc bắt bẻ, phê phán về logich. Ngày nay với các lí thuyết kiến tạo, người ta cho thấy sự phản ánh thực chất là một sự kiến tạo của ý thức con người. Mọi hình ảnh, từ giản đơn đến phức tạp đều do hoạt động kiến tạo tinh vi trong đầu óc con người trên cơ sở thông tin mà giác quan và kinh nghiệm tích luỹ. Điều này trong Tư bản luận Marx cũng nói đến trong từ “biến cải” trong đầu óc người. Hiểu như vậy thì phản ánh là kiến tạo, mà đã kiến tạo tức là có vai trò sáng tạo của thể. Phản ánh và sáng tạo thông nhất với nhau. Các hình thái ý thức chỉ khác nhau trong cách kiến tạo, chứ không khác nhau ở chỗ có hình thái thiên về phản ánh, có hình thái ý thức thiên về sáng tạo như có người hiểu. Khoa học kiến tạo thành khái niệm, còn nghệ thuật kiến tạo thành hình tượng hoặc giai điệu cảm tính. Thực chất kiến tạo tác phẩm nghệ thuật là tạo nên một “văn bản” có khả năng sinh nghĩa, người đọc qua hệ thống các biểu tượng, kí hiệu, kết cấu sẽ lại kiến tạo ý nghĩa của nó. Các nhân vật, chi tiết, hình ảnh thực chất đều là những kí hiệu thuộc các cấp độ khác nhau, được tổ chức vào hệ thống, có mở đầu, có kết thúc, có tương phản, đối chiếu…tức là có cấu trúc, từ đó mà tạo nên nghĩa của tác phẩm. Từ đó ta thấy chủ nghĩa hiện thực là một kiểu kiến tạo kí hiệu mà chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa lãng mạn cũng là những kiểu kiến tạo kí hiệu khác, không phân biệt hơn kém về giá trị nhận thức và nghệ thuật. R. Jakobson căn cứ vào cặp đối lập trục dọc và trục ngang, cho rằng ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện thực là kiến tạo văn bản theo nguyên tắc tương cận, đặt các sự vật bên nhau theo sự liên tục, liên tiếp để chúng bộc lộ ý nghĩa như thật, còn ngôn ngữ của chủ nghĩa lãng mạn là thay thế cái này bằng cái khác, tạo thành những ẩn dụ về hiện thực.

7. Nhìn lại lí thuyết chủ nghĩa hiện thực và lí thuyết điển hình

Chủ nghĩa hiện thực về lí luận, chủ trương phản ánh đời sống như nó vốn có trong thực tế, tức là chủ trương dùng chi tiết chân thực lấy từ đời sống. Theo quan niệm của tôi, đó là những kí hiệu tự nhiên dược chọn lọc và nghệ thuật hoá. Chủ nghĩa hiện thực là kiểu sáng tác sử dụng ngôn ngữ tự nhiên để sáng tác. Nhân vật điển hình của văn học lâu nay hiểu là loại nhân vật có sự thống nhất giữa cái chung khái quát cao và cái cá biệt đặc thù, thì “cái chung” là nghĩa, cái được biểu đạt, còn “cái cá biệt” là yếu tố cảm tính đóng vai trò cái biểu đạt, hai mặt này họp lại tạo nên cấu trúc của kí hiệu văn học. Lí luận điển hình ngoài yêu cầu về cái chung như là yêu cầu về tính khái quát cao, có giá trị phổ biến, còn yêu cầu về tính cụ thể, cá thể, độc đáo, đặc trưng, cá tính không lặp lại… đều chung chung, bởi nó không đi ra ngoài cấu trúc chung của kí hiệu[4]. Khái quát hóa chỉ là một cách mã hóa ý nghĩa khái quát trong hình tượng cụ thể. Biêlinski nói điển hình là “người lạ quen biết”, là “nhân vật mà tên của nó trở thành danh từ chung” cũng nhằm chỉ đặc điểm của hình tượng nhân vật như một kí hiệu. Một đặc điểm quan trọng nữa của chủ nghĩa hiện thực, theo tôi, là loại kí hiệu mà giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt có mối liên hệ nhân quả. Miêu tả người vô sản có nghĩa là khái quát về vô sản, miêu tả địa chủ tức là khái quát về địa chủ, phong kiến. Engels khi nói rằng chủ nghĩa hiện thực ngoài chi tiết chân thực ra còn phải tái hiện tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.” đã nâng tính nhân quả lên một mức cao hơn, ông yêu cầu các chi tiết giống như thật đến mức có thể có giá trị nhận thức độc lập về lịch sử. Marx cũng khen các nhà văn hiện thực thế kỉ XIX qua các chi tiết chân thực có khă năng cing cấp tri thức kinh tế chân xác hơn tri thức trong các sách kinh tế học thời ấy cộng gộp lại. Đó không hề là lời khen về tính nghệ thuật cũng như chủ nghĩa hiện thực, nhưng đã được trích dẫn, vận dụng như là danh ngôn về chủ nghĩa hiện thực. Engels lại đòi hỏi văn học nhận thức về bản chất giai cấp, xã hội của nhân vật đúng như trong thục tế. Ông đã phê bình tác phẩm Cô gái thành thị của Hackness là miêu tả giai cấp công nhân trong đó thiếu tính tích cực như nó vốn có ở khu phố phía Đông thành Luận Đôn. Các quan điểm đó một mặt nào đó là khởi đầu cho cho quan niệm dung tục trong phản ánh hiện thực. Nhưng quan hệ giữa mặt biểu đạt và mặt được biểu đạt trong kí hiệu lại có tính chất võ đoán, do vậy, bản chất giai cấp của nhân vật có lúc làm nên tính điển hình, nhưng nhiều lúc tính điển hình lại nằm ở chỗ khác. Ví dụ như ở hình tượng AQ, tính giai cấp cố nông của y không làm nên tính điển hình, còn cái phép thắng lợi tinh thần rất điển hình thì lại không thuộc về tính giai cấp của y. Do vậy tuyệt đối hoá mối liên hệ nhân qủa trong điển hình hiện thực sẽ làm nghèo sự đa dạng của khái quát văn học. Hơn nữa, tạo thói quen đọc nhầm văn học. Trong truyện cổ tích ông vua có thuộc về giai cấp phong kiến đâu, nó chỉ là phần thưởng cho những ai ở hiền. Trong lí luận văn học hiện thực điển hình là một kí hiệu xây dựng theo ngôn ngữ tự nhiên, còn các kiểu hình tượng khác sử dụng kí hiệu huyền thoại, hoang tưởng. Phân tích về mặt cấu trúc kí hiệu ta thấy điển hình không khác gì hình tượng phi điển hình. Nó chỉ là loại hình tượng đặc thù chứ không có gì tỏ ra là khái quát cao cấp hơn, chân thực hơn các hình tượng nghệ thuật khái quát theo ngôn ngữ nghệ thuật khác, ví dụ như nhân vật nhân viên đạc điền trong Lâu đài của Kafka. Suy nghĩ lại về khái niệm điển hình không có nghĩa là phủ định điển hình và chủ nghĩa hiện thực, mà chỉ là muốn nói rằng đó là một loại ngôn ngữ nghệ thuật có tác động to lớn, sâu rộng, được bạn đọc yêu thích, nhưng không hề là phương pháp sáng tác hay ngôn ngữ nghệ thuật có giá trị nhân thức cao hơn ngôn ngữ của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại mà một thời chúng ta đã gán cho nó. Trong thực tế so với các ngôn ngữ khác, ngôn ngữ tự nhiên của chủ nghĩa hiện thực do dễ đọc dễ cảm, vẫn được đông đảo nhà văn và người đọc yêu thích đón nhận. Tuy vậy lạm dụng ngôn ngữ này sẽ kìm hãm sự phát triển năng lực sáng tạo, sức tưởng tượng bay bổng củ nhà văn cũng như trong thói quen thưởng thức truyền thống, xa lạ với ngôn ngữ khác và sẽ khó khăn trong giao lưu văn học trong thời đại hội nhập.

8. Sự đa dạng của các phương thức sáng tạo phản ánh hiện thực[5]

Theo cách hiểu nêu trên, mọi sáng tác nghệ thuật đều phản ánh hiện thực theo những cái khả nhiên mà nghệ sĩ lựa chọn để nêu lên những vấn đề bức xúc của nhân sinh, hướng tới tạo lập một nhãn quan mới về thế giới cho người đọc. Sự khác nhau của sáng tác nằm ở phương thức sáng tác với tư cách là ngôn ngữ phản ánh khác nhau. Do đó để phản ánh hiện thực sâu sắc, rộng lớn, không phải chỉ độc tôn một chủ nghĩa hiện thực như trước đây mà có thể sử dụng nhiều phương thức – ngôn ngữ nghệ thuật khác. Dòng ý thức, theo tôi hiểu cũng là một ngôn ngữ hiện thực, bởi nhà văn sử dụng ngôn ngữ chiêm nghiệm bên trong của dòng ý thức của mỗi con người mà do một thời chúng ta chỉ quen với ngôn ngữ khách quan bên ngoài mà bỏ quên nó đi. Ngôn ngữ huyền thoại, hoang tưởng, nghịch dị, xáo trộn không gian thời gian cũng không xa lạ với tư duy kì ảo dân gian và sáng tác của các tác giả lớn như Bồ Tùng Linh, Kafka, Marquez…đều có giá trị trong việc sáng tạo ra những hình tượng văn học có tầm cỡ dân tộc và nhân loại. Như thế để khai quát hiện thực hôm nay chúng ta có thể sử dụng các loại ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng nhất mà không phải tự trói mình vào ngôn ngữ hiện thực.

—————————————

Chú thích:

[1] M. H. Abrams. Gương và đèn. Lí thuyết lãng mạn và truyền thống phê bình văn học. Lể Trĩ Ngưu, Trương Chiếu Tiến, Đồng Khánh Sinh dịch, Vương Ninh hiệu đính. Đại học Bắc Kinh, Bắc kinh, 1992, tr. 6. [2] Platon cho thế giới tự nhiên mô phỏng ý niệm tuyệt đôi, vĩnh hằng, còn nghệ thuật thì mô phỏng tự nhiên, còn kém hơn tự nhiên, bởi vì nó “chỉ là sự mô phỏng tác phẩm của kẻ khác”, là sự mô phỏng hạng ba. Người đối thoại hỏi Socrat: “Vậy nhà thơ viết bi kịch cũng là người mô phỏng, vậy anh ta cũng giống như mọi kẻ mô phỏng khác, cách biệt ba lần so với vị chúa tể và chân lí những ba lần có phải không? Socrat trả lời: Hình như đúng như thế. [3] Xin xem: Văn học như là tư duy về cái khả nhiên, Báo Văn nghệ, số 2008. [4] Chính vì thế M. Gorki ngoài điển hình Oblomov, điển hình con người thừa trong văn học Nga, từng nói các hình tượng trong truyện cổ tích đều điển hình cho cái thiện, cái ác. Nghĩa là ở đâu cũng tìm thấy điển hình, không riêng gì văn học hiên thực. Còn một thời gian dài người Trung Quốc tranh luận về tính điển hình của nhân vật AQ trong truyện của Lỗ Tấn mà cho đến nay vẫn chưa ngã ngủ. Theo tôi đó là vì khái niệm điển hình chưa đạt đến mức chuẩn mực của một khái niệm khoa học, nghĩa là nó chỉ là một khái niệm cảm tính về một hình tượng độc đáo có ý nghĩa phổ quát mà thôi.

[5] Tại cuộc Hội thảo khoa học ở Đà Lạt năm 2010 do HDDLLVHNTTW tổ chức, trong bản báo này tôi dùng thuật ngữ phương pháp sáng tác. Nay để nhất quán với chính mình, tôi sửa lại là phương thức sáng tác. TĐS.

Theo TRẦN ĐÌNH SỬ / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Thi vị hóa hiện thực là gì

Tags: Văn học, Lý luận nghệ thuật