Tại sao tránh làm da bị xây xát

Tại sao tránh làm da bị xây xát
Tại sao tránh làm da bị xây xát

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng Cập nhật: 27/07/2022

Trên người bạn bỗng xuất hiện những vết trầy xước? Bạn chưa biết phải xử lý như thế nào để các vết thương mau liền da? Hãy để bài viết sau đây giúp bạn giải quyết vấn đề này nhé.

Da cọ xát trực tiếp với bề mặt thô ráp, sắc nhọn sẽ gây nên những vết thương hở miệng ngoài da gọi là trầy xước. Các vết thương này thương không chảy nhiều máu nhưng lại có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn do đôi khi, chúng sẽ để lộ nhiều đầu dây thần kinh của da.

Bên cạnh đó, các vết trầy da thường không nghiêm trọng như những vết rạch hoặc cắt nên có thể được xử lý tại nhà. Tình trạng thương tích này rất phổ biến và có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể, chẳng hạn như:

  • Khuỷu tay
  • Đầu gối
  • Cẳng chân
  • Mắt cá
  • Phần trên các chi

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Da bị trầy xước có biểu hiện gì?

Các vết trầy xước chân có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng phụ thuộc vào loại trầy xước:

  • Trầy xước cấp độ 1. Trầy xước mức độ 1 liên quan đến tổn thương bề ngoài lớp biểu bì, thường được gọi là bong tróc hoặc xước da. Tình trạng này thường nhẹ và không gây chảy máu.
  • Trầy xước cấp độ 2. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương ở lớp biểu bì và hạ bì nên sẽ gây chảy máu nhẹ.
  • Trầy xước cấp độ 3. Loại trầy xước này thường liên quan đến ma sát và ảnh hưởng đến lớp mô bên dưới hạ bì. Bạn có thể bị chảy máu nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu xây xát da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

>>> Tham khảo thêm: Bị bò cạp cắn phải làm sao cho hết nhức?

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Tình trạng xuất huyết tiếp tục diễn ra ngay cả khi bạn đã cầm máu
  • Chảy máu nặng hoặc rất nhiều
  • Một tai nạn hoặc chấn thương mạnh gây ra vết thương hở miệng ngoài da

Đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ vết thương bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng không được điều trị có thể lây lan và dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn nhiều.

Bác sĩ có thể làm sạch và băng vết thương. Họ cũng có thể kê toa thuốc kháng sinh dạng uống hoặc bôi để điều trị hoặc phòng ngừa nhiễm trùng. Trong trường hợp nặng, bạn có thể cần đến phẫu thuật cắt bỏ da và vùng lân cận.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra trầy xước là gì?

Té xe là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng trầy tay, trầy chân. Ngoài ra, xây xát da cũng có thể xuất hiện bất cứ khi nào da ma sát trực tiếp với bề mặt thô ráp hoặc nhám. Không những vậy, đôi khi tiếp xúc với một vật chuyển động nhanh cũng có thể làm xuất hiện vết xước trên da.

Xử lý vết thương

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nên làm gì để các vết trầy xước mau lành?

Khi bị trầy xước da nên làm gì? Cách sơ cứu cơ bản và phổ biến nhất khi bị xây xát và bị xước da nhẹ trên da bao gồm các bước như sau:

  • Cách xử lý vết thương: Làm sạch vết thương bằng xà phòng dịu nhẹ với nước sạch hoặc dung dịch khử trùng dạng nhẹ
  • Bôi thuốc mỡ hoặc thuốc kháng sinh lên vết thương
  • Dùng băng gạc khô, tiệt trùng băng vết thương lại
  • Vệ sinh, kiểm tra vết thương và thay băng mỗi ngày cho đến khi vết trầy xước lành hẳn

Đối với tình trạng xây xát da nghiêm trọng, bạn cần được bác sĩ thăm khám và chăm sóc y tế.

Ngoài ra, sau khi bị trầy xước da, bạn nên tiêm phòng uốn ván nếu không chắc chắn mình đã tiêm phòng uốn ván hoặc thời gian tiêm phòng lần cuối quá lâu. Uốn ván là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, trong đó các cơ bị co thắt tự phát. Các bào tử của vi khuẩn sản xuất độc tố uốn ván có mặt trong môi trường tự nhiên, vì vậy bất kỳ bụi bẩn hoặc mảnh vụn nào dính vào phần da bị rách như trầy xước đều có nguy cơ phát triển uốn ván.

Khi vết thương được chữa lành, bạn hãy ngừng sử dụng thuốc kháng sinh bôi và thay bằng kem dưỡng ẩm để giữ cho làn da mềm mại.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn kiểm soát trầy xước?

Cách làm nhanh lành vết thương trầy xước: Nếu muốn vết thương mau lành và hạn chế để lại sẹo, bạn sẽ cần lưu ý một số điều sau:

  • Điều trị vết thương ngay lập tức để giảm nguy cơ sẹo.
  • Đảm bảo giữ sạch vết thương.
  • Tránh cậy hay chọc vào khu vực bị ảnh hưởng khi vết thương đang lành.

Nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vết thương và chăm sóc thích hợp có thể giúp ngăn ngừa sẹo, nhiễm trùng và tổn thương thêm.

>>> Tìm hiểu thêm: Cách trị bỏng bô xe máy nhanh lành, không để lại sẹo

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

TS. Nguyễn Thị Lai

Hiện nay vẫn còn nhiều người khi bị xây xước da do ngã xe hoặc trong sinh hoạt hằng ngày thường lúng túng không biết xử lý vết thương thế nào. Có người theo thói quen dùng ôxy già, hoặc cồn 90o đổ trực tiếp vào vết thương... Tất cả những cách xử lý không đúng đó khiến người bệnh không những thêm đau đớn mà còn làm chậm lành vết thương cũng như để lại sẹo xấu sau này.

Vì vậy khi bị các vết xước bạn phải biết cách chăm sóc vết thương và điều trị hợp lý. Nếu không các vết xước có thể bị nhiễm trùng, lở loét... Chăm sóc không tốt và điều trị không hợp lý sẽ để lại các tật xấu trên da như: vết thâm, vết trắng, vết đen trắng loang lổ, da nhăn nheo, sẹo lồi, sẹo lõm...

Cách chăm sóc vết thương: Ngay sau khi bị tổn thương da có thể rửa nhẹ nhàng bằng nước muối loãng natri clorid 0,9%, không chà xát làm xây xước tăng lên. Không nên dùng ôxy già để rửa vết thương vì sẽ làm tổn thương các tế bào non ở dưới và làm chậm quá trình lên sẹo. Phải bôi thuốc đúng chỉ định để vảy tự bong ra chứ không cạo vảy vì sẽ làm vết thương sâu hơn và có thể gây nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý lấy các lá thuốc hoặc cạo các viên kháng sinh để đắp lên vết thương vì sẽ làm vết thương nhiễm trùng tiềm ẩn ở phía dưới. Phải đến các cơ sở y tế ngay nếu thấy tổn thương sâu.

Đối với các vết thương nhẹ: chỉ trầy xước, rớm máu, trợt mất một lớp da nông. Đau rát nhẹ. Rửa nhẹ nhàng bằng nước muối loãng 0,9% ngày 2 lần. Tại chỗ bôi fobancort hoặc fucidin ngày 1 lần trong 7 ngày.

Đối với các vết thương trung bình: vết xước hơi lõm, tiết dịch lẫn máu, có quầng viêm đỏ xung quanh, nền vết thương nề nhẹ. Bệnh nhân đau rát, đôi khi kèm theo ngứa. Rửa nhẹ nhàng bằng nước muối loãng 0,9% ngày 2 lần. Tại chỗ bôi sáng bằng fobancort hoặc fucicort trong 10 ngày, bôi tối kéo dài cho đến khi khỏi bằng foban hoặc fucidin. Phải uống một đợt kháng sinh chống nhiễm trùng.

Đối với các vết thương nặng: Vết xước sâu, trông lõm hẳn xuống, nền sưng nề, có quầng đỏ lan rộng ra xung quanh. Có thể có tiết dịch lẫn mủ, máu... Bệnh nhân đau nhiều, có thể nhức buốt dưới da. Rửa nhẹ nhàng bằng nước muối loãng 0,9% ngày 2 lần. Tại chỗ bôi sáng bằng fobancort hoặc fucicort trong 15 - 20 ngày, bôi tối kéo dài cho đến khi khỏi bằng foban hoặc fucidin. Kháng sinh có thể uống hoặc tiêm. Trong trường hợp cần thiết thì phải tiêm kháng sinh liều cao dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Để tránh hoặc làm giảm vết thâm hoặc sẹo thì song song với việc điều trị ta có thể chiếu tia laser Helinion có bước sóng thấp để hồi phục và tái tạo tế bào da. Liều chiếu 2 - 4 phút cho một lần. Ngày chiếu một lần. Một đợt chiếu từ 10 - 20 ngày. Nếu bạn có cơ địa sẹo lồi thì có thể chiếu kèm một đợt sóng ngắn từ 4 - 6 ngày. Sau đó bôi contratubex khi tổn thương da đã hết viêm.

Tuyệt đối không bôi trực tiếp nghệ tươi lên da trầy xước vì có thể gây bỏng da do các acid có trong nghệ. Khi bị bỏng da thì vết thương sẽ phồng rộp lên, đau rát nhiều làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Nhiều trường hợp đắp các lá thuốc lên đã gây bội nhiễm làm cho vết thương từ không có sẹo trở thành có sẹo.

Nếu các vết trầy xước trên da mặt mà khi khỏi để lại vết thâm có thể bôi các chế phẩm làm giảm sắc tố da như: domina, despigmen, bôi ngày 1 lần vào buổi tối đúng vùng da bị thâm. Ban ngày nên tránh nắng từ 11h - 14h. Nên đội nón mũ khi đi ra đường. Trong thời gian hồi phục vết thương không nên dùng mỹ phẩm vì mỹ phẩm bôi vào da đang bị tổn thương sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình liền da.