Tại sao phải kiến quyết chưa bệnh lề mề

Các nhà nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân khiến trẻ lề mề. Cha mẹ cần chú ý những đặc điểm sau để tìm cách khắc phục.

Nhiều cha mẹ có con học mẫu giáo, tiểu học, phàn nàn con trẻ lề mề trong ăn uống, sinh hoạt, thậm chí chuyện học tập. Điều này khiến cha mẹ trở nên nóng nảy, dễ nổi nóng và khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn.

Cha mẹ luôn muốn con bắt kịp nhịp sống của người lớn. Trên thực tế, tâm lý, nhịp sống của người lớn và trẻ nhỏ hoàn toàn khác nhau. Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ các nguyên nhân để giải quyết thói lề mề của con theo cách tích cực, tránh nổi nóng, gây tổn thương trẻ.

Thói lề mề có thể hình thành từ khi trẻ lên mẫu giáo. Ảnh: Sohu.

Nguyên nhân khiến trẻ lề mề

Thói lề mề của trẻ không được hình thành trong một hai ngày. Điều này có thể bắt đầu từ khi trẻ lên mẫu giáo. Thậm chí, nhiều đứa trẻ 1 tuổi bắt đầu có dấu hiệu thích trì hoãn, chậm chạp.

Các nhà nghiên cứu đánh giá trẻ 2-3 tuổi không có nhiều khái niệm về thời gian. Khi lên 4, các em có thể hiểu rõ về thời gian, nhưng chưa thể biết chính xác lúc điều gì cần phải hoàn thành đúng giờ. Khi đó, trẻ thường theo đuổi những thứ mình thích và nguyên tắc của bản thân, thay vì làm theo tốc độ của người lớn đặt ra.

Ví dụ, khi ăn cơm trẻ thường nhìn ngắm, sờ vào những đồ vật xung quanh, khiến thời gian ăn cơm bị kéo dài. Đây là cách trẻ phối hợp não, tay và miệng để thưởng thức bữa ăn. Đôi khi trẻ mải mê vào những món đồ chơi và quên nhiệm vụ cần làm, đó là do trẻ đang dành toàn bộ tập trung lên đồ vật đó.

Mẹ của Lạc Lạc (6 tuổi) phàn nàn con gái làm bài tập về nhà quá chậm. Cô bé học giỏi, nhưng khi làm bài tập lại tốn quá nhiều thời gian. Công việc những đứa trẻ khác có thể hoàn thành trong 2 giờ, Lạc Lạc lại mất nhiều thời gian hơn.

Mỗi khi làm bài tập, nếu chữ không đều, cô bé sẽ xóa đi viết lại. Quá trình lặp đi lặp lại nhiều lần khiến thời gian bị kéo dài lâu hơn bình thường. Mẹ Lạc Lạc thấy con học bài đến hơn 22h vẫn chưa xong nên thúc giục, khiến con khóc.

Chuyên gia tâm lý phân tích Lạc Lạc là một đứa trẻ theo đuổi sự hoàn hảo, không phải lề mề như cha mẹ nghĩ. Em sợ mình không đạt thứ hạng cao nên luôn tự ti và nghi ngờ về hành động của mình.

Ngoài ra, tính lề mề của trẻ có thể bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt của người lớn. Cha mẹ là tấm gương, người thầy đầu tiên của con. Trẻ có xu hướng bắt chước những hành động thường ngày của người lớn.

Nếu cha mẹ thường trì hoãn công việc như vừa ăn vừa dùng điện thoại. Trẻ sẽ bắt chước và cho rằng các em có thể làm việc riêng mà không cần để ý đến thời gian và hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.

Thúc giục quá mức ảnh hưởng đến tính cách trẻ

Nếu trẻ có dấu hiệu thích trì hoãn, lề mề, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và xử lý đúng cách, tránh thúc giục, quát mắng con. Các nhà tâm lý trẻ em ở Trung Quốc nhận định thúc giục quá mức ảnh hưởng đến tính cách và thói quen sinh hoạt của trẻ.

Thứ nhất, bị hối thúc khiến trẻ trở nên nóng nảy. Nếu cha mẹ thường xuyên cáu gắt, hối thúc con, trẻ sẽ có những hành động tương tự, thậm chí ở mức độ cao hơn.

Một người chia sẻ, do lúc nhỏ luôn bị bố mẹ thúc giục, anh trở nên nóng nảy và dễ cáu gắt. Khi đi làm, nếu bị thúc giục, anh sẽ cảm thấy khó chịu, tâm trạng suy sụp.

Thứ hai, quá trình tư duy của trẻ sẽ bị gián đoạn nếu bị giục quá nhiều. Khi trẻ mất nhiều thời gian để làm việc, học tập, rất có thể các em đang dành thời gian để tìm tòi, tư duy.

Nếu cha mẹ đẩy nhanh quá trình và liên tục thúc giục, việc suy nghĩ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Dần dần, trẻ sẽ mất dần khả năng tư duy và có xu hướng ỷ lại, làm theo sự sắp đặt của người khác.

Cha mẹ cần trau dồi khái niệm thời gian cho trẻ. Ảnh: SmartParents.

Cách giải quyết

Để cải thiện tính lề mề của trẻ, cha mẹ có thể trau dồi khái niệm về thời gian cho con thông qua nghe, nhìn và cảm nhận. Ví dụ, cha mẹ có thể cho con xé lịch, để các em cảm nhận thời gian trôi qua.

Trẻ nhỏ chưa hoàn toàn nắm được 5 phút, 30 phút kéo dài trong bao lâu. Thay vì thúc giục bằng lời, cha mẹ có thể sử dụng đồng hồ hẹn giờ để hỗ trợ trẻ quản lý thời gian. Khi thói quen dần hình thành, trẻ sẽ tự căn giờ hoàn thành công việc, không cần cha mẹ nhắc nhở, thúc giục.

Cha mẹ cũng nên rèn tính độc lập cho trẻ từ sớm. Khi trẻ lên 3-4 tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những việc nhỏ như đánh răng, mặc quần áo để trẻ hình thành ý thức tự làm việc.

Qua quá trình này, bé sẽ dần biết được độ khó của từng công việc và phải mất bao nhiêu nhiêu lâu để hoàn thành. Theo thời gian, trẻ sẽ có thêm khái niệm về thời gian.

Đối với những việc cần làm, cha mẹ có thể thỏa thuận với trẻ để đặt giới hạn thời gian. Nếu hoàn thành trong thời hạn, trẻ sẽ được trao thưởng. Phương pháp này giúp trẻ nhận thấy làm việc đúng hạn là điều cần thiết.

Nhà văn Long Yingtai, tác giả cuốn sách Children, Take Your Time đã viết: "Tôi ngồi trên bậc đá ngắm mặt trời lặn, nhìn đứa trẻ có đôi mắt trong veo chăm chú làm việc. Đúng vậy, tôi sẵn sàng chờ đợi cả đời, để chờ con dùng bàn tay bé nhỏ bình tĩnh thắt nơ. Con gái à, cứ từ từ thôi".

Người lớn không nên dùng những từ mang hàm ý tiêu cực để giục trẻ như "nhanh lên". Thay vào đó, cha mẹ có thể nói "hy vọng con hoàn thành công việc đúng giờ". Như thế trẻ sẽ không cảm thấy áp lực và dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nếu trẻ tỏ ra ngại ngần khi làm việc, cha mẹ nên suy xét nguyên nhân và giải thích cho trẻ hiểu lợi ích của sự nhanh nhẹn. Nếu trẻ trì hoãn công việc vì khó chịu hoặc không có khả năng thực hiện, người lớn có thể giúp đỡ và thảo luận cùng con.

Tôi hỏi chúng: "Các con có thấy khó chịu khi hôm nào cũng bị mẹ giục đi tắm, đi đánh răng như vậy hay không?” Tất nhiên, chúng nó đều nói: "Có, con ghét nhất là bị mẹ giục."

Làm gì khi con mắc ‘bệnh’ lề mề? (Ảnh: SBS)

Buổi sáng, bạn chạy đôn chạy đáo thu xếp mọi việc để kịp giờ đi làm, ấy thế mà thằng con thì cứ chườn chài, không chịu ra khỏi giường, gọi mãi mới lừ đừ đi vào nhà vệ sinh. Từ nhà vệ sinh chạy ra, nó đổ vật xuống sofa và định bụng sẽ ngủ thêm giấc nữa. Khi đồ ăn đã bốc khói thơm phức trên bàn, nó ngồi ngáp dài ngáp ngắn, nhai mãi mới xong một miếng. Ăn xong, bạn giục mãi nó mới chầm chậm đi tìm quần áo, sách vở, chầm chậm buộc dây giày. Đến lúc đó thì bạn không còn chịu được nữa, bắt đầu cao giọng, cao giọng hơn và cuối cùng giọng nói của bạn biến thành một tiếng hét.

Nhưng sáng hôm sau, mọi việc lại diễn ra y như vậy.

Tất nhiên, cảnh tượng đó thường xuyên diễn ra trong nhà tôi, vào mỗi buổi sáng.

Cho tới một ngày, tôi cảm thấy hình như mình đã sai ở đâu đó. Tôi bắt đầu tĩnh tâm suy nghĩ vì lí do gì mà đứa trẻ vốn dĩ rất nhanh nhẹn khi chơi, có thể bật dậy rất nhanh khi đi dã ngoại với lớp, lại có thể vô cùng lề mề trong những hoạt động thông thường trong cuộc sống hàng ngày và làm thế nào để đánh bại thói quen trì hoãn đó. Sau khi phân tích tình hình, tôi đã thử thay đổi chiến thuật.

Buổi tối, sau khi ăn cơm và dọn dẹp xong, tôi hỏi:

- “Các con có thấy khó chịu khi hôm nào cũng bị mẹ giục đi tắm, đi đánh răng như vậy hay không?”

Tất nhiên, chúng nó đều nói: "Có, con ghét nhất là bị mẹ giục."

Tôi nói tiếp:

- “Vậy từ nay mẹ hứa sẽ không giục các con nữa. Nhưng để các con nhớ lúc nào phải làm gì, mình sẽ viết thời gian biểu cho từng việc. Giờ con thử nghĩ xem mình có những việc gì phải làm?”

Bọn nó bắt đầu ngồi kể lể các việc phải làm trong ngày, từ đánh răng, rửa mặt, tắm, đi ngủ, học bài, thức dậy… Tôi ghi ra giấy rồi lại hỏi tiếp:

- “Bây giờ các con nhìn đồng hồ rồi nghĩ xem mình nên làm các việc này vào thời gian nào?”

Chúng nó cân nhắc và cuối cùng quyết định thời gian mà chúng sẽ làm từng việc. Tôi giúp chúng ghi vào thời gian biểu, kí tên vào, sau đó dán lên tường, chỗ dễ nhìn thấy nhất, rồi nói:

- “Mẹ sẽ đặt chuông báo thức để nhắc các con, khi nghe chuông kêu, các con xem đồng hồ xem đến giờ làm việc gì thì tự động làm nhé. Nếu buổi sáng dậy muộn, ăn sáng muộn thì các con sẽ đến trường muộn, con sẽ bị cô phạt và tự chịu trách nhiệm. Nếu đến 9h30 các con chưa học bài xong thì mẹ sẽ tắt điện, sau giờ đó là không được học bài nữa, thiếu bài tập đến lớp cô phạt thì các con tự chịu, được không?”

Bọn nó đều đồng ý.

Từ giờ phút đó, 2 thằng rất nhanh nhẹn đi tắm, đánh răng, đi ngủ mà không đợi mẹ phải nhắc. Sáng hôm sau, bọn nó dậy sớm, không cần giục giã, tự động ngồi vào bàn ăn. Lúc bọn nó đã xong xuôi, chuẩn bị ra khỏi nhà, tôi bảo:

- “Thôi chết, mẹ còn phải thay quần áo. Mà mẹ thay chậm lắm đấy. Các con chịu khó đợi nhé. Giờ mẹ già rồi, mắc bệnh lề mề, làm gì cũng chậm chạp.”

Thế là hai thằng đợi ở ngoài cửa, chốc chốc lại giục mẹ. Tôi cố tình làm mọi việc thật chậm, chúng lại càng gọi to. Ba mẹ con đến lớp sớm 15 phút so với mọi ngày.

Đi chơi thì bọn chúng nhanh nhẹn lắm! (Ảnh: Verywell)

Tất nhiên, mọi việc không phải bao giờ cũng diễn ra suôn sẻ. Có lúc bọn chúng nó mải chơi, không để ý đến thời gian, hoặc có để ý, mà vẫn dùng dằng chưa dứt hẳn ra khỏi mấy trò vui vẻ, nên cũng lần lữa mãi mới bắt đầu công việc. Tôi lại chỉ lên cái thời gian biểu dán trên tường và nhắc khéo: “Con xem đến giờ làm việc gì rồi.” Thế là bọn chúng nó tần ngần một lúc, rồi tự giác đi làm việc.

Cũng có lúc thằng bé chống đối, muốn phá vỡ cam kết, tôi để nó tự chịu hậu quả, vẫn giữ đúng cam kết là không can thiệp, không giục giã: đánh răng muộn thì đi ngủ muộn, đi ngủ muộn thì không được đọc truyện, sáng ra dậy muộn, không đến lớp đúng giờ và bị cô phạt. Sau một tuần thực hiện như vậy thì mọi thứ có vẻ ổn hơn. Tuy nhiên, tôi biết rằng để phá bỏ thói quen cũ, hình thành một thói quen mới thì cần phải có thời gian, không phải chuyện một sớm một chiều có thể làm được.

Hóa ra, nguyên nhân khiến cho đứa trẻ trở nên lề mề là chúng đã bị phụ thuộc vào các lời nhắc nhở của người lớn. (Ảnh: theAsianparent)

Hóa ra, nguyên nhân khiến cho đứa trẻ trở nên lề mề là chúng đã bị phụ thuộc vào các lời nhắc nhở của người lớn. Tuy nhiên, có một nghịch lý là người lớn càng nhắc nhở, thì chúng càng ì ra, giống như vi khuẩn đã kháng thuốc, trở nên trơ lì trước các tác động từ bên ngoài. Cảm giác phát ngán với những lời giục giã đã khiến cả cơ thể tê liệt trong trạng thái tự vệ: não không muốn suy nghĩ nữa, tay chân không muốn cử động nữa, thậm chí tai cũng không muốn nghe nữa, miệng không muốn nói nữa. Vì thế mà bệnh lề mề càng ngày càng trở nên trầm trọng.

Cái khiến cho chúng trở nên nhanh nhẹn, tháo vát trong khi chơi là động lực và ham muốn bên trong muốn chiến thắng, muốn làm được. Đó là một thứ động lực bên trong có khả năng kích hoạt mọi bộ phận trong cơ thể, khiến đứa trẻ trở nên năng động, nhạy bén, sẵn sàng hoạt động, sẵn sàng phản ứng.

Nắm được cơ chế này rồi, tôi bắt đầu hiểu rằng mình phải thay đổi chiến lược, thay vì tác động bề ngoài, tôi bắt đầu tác động tới động lực bên trong, và mọi việc xem ra đã biến chuyển theo chiều hướng tích cực, ít nhất là cho đến thời điểm này.

Qui trình chữa bệnh lề mề có thể tóm tắt thành mấy bước như sau:

1. Cho con thấy hậu quả:

Nhân dịp bệnh lề mề của con lên đến đỉnh điểm, bạn có thể cho con thấy hậu quả của nó: không kịp thời gian để hoàn thành bài tập, đến lớp muộn, không kịp thời gian đi xem bộ phim con thích… Bạn không cần nói nhiều, đừng chỉ trích, cứ để đứa trẻ tự cảm nhận sự thất vọng, xấu hổ, tự nếm trải cảm giác thất bại do bệnh lề mề của nó gây ra.

2. Đặt câu hỏi

Hãy hỏi con xem nó có muốn việc này lặp lại nữa hay không, có muốn mẹ suốt ngày nhắc nhở quát tháo hay không và đừng gây áp lực, cứ bình tĩnh và kiên nhẫn nghe câu trả lời của nó hoặc dẫn dắt nó tới câu trả lời mình mong muốn.

3. Đề xuất giải pháp

Sau khi bọn trẻ đã đồng ý rằng chúng không muốn lặp lại tình trạng đó, hãy gợi ý cho chúng giải pháp khắc phục, bằng cách yêu cầu chúng liệt kê ra tất cả các việc quan trọng cần phải làm trong ngày, phân tích và sắp xếp xem việc gì quan trọng, việc gì khẩn cấp cần phải ưu tiên làm trước, việc gì có thể giải quyết sau, quyết định thời gian sẽ thực hiện từng việc và ghi tất cả ra một thời gian biểu. Thời gian biểu này tốt nhất là được trình bày thật to, bằng giấy màu, bút màu, dán ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, để tạo ấn tượng thị giác, giúp trẻ dễ dàng chú ý và khắc ghi trong đầu. Bạn cũng có thể đặt chuông báo thức để nhắc nhở trẻ khi sắp tới thời điểm thực hiện nhiệm vụ.

Tôi đã tìm ra quy trình chữa bệnh lề mề của con. (Ảnh: Epochtimes)

4. Cam kết

Sau khi đã xây dựng được một thời gian biểu hợp lý nhất, hãy hướng dẫn con cam kết thực hiện, trong đó qui định rõ những hậu quả mà con phải tự chịu trách nhiệm nếu con không thực hiện cam kết, cũng như phần thưởng mà con có thể có được nếu sau một tuần không vi phạm cam kết. Bạn cũng sẽ cam kết là từ nay bạn sẽ không bao giờ giục giã nữa, để con tự thực hiện các nhiệm vụ của mình.

5. Thực hiện cam kết

Đây là giai đoạn cam go và nhiều thử thách nhất, tiềm ẩn những nguy cơ khiến cho hành trình đi đến thất bại. Nhiều bố mẹ không nhất quán và kiên quyết thực hiện cam kết của mình, vì sốt ruột nên lại quay trở lại thói quen giục giã, nhắc nhở, hoặc không đủ bản lĩnh để cho con cơ hội tự gánh chịu hậu quả. Nhiều đứa trẻ rất hào hứng thực hiện cam kết trong những ngày đầu, sau đó chúng bắt đầu cảm thấy công việc đó không còn mới mẻ, trở nên chán ốm và bắt đầu kiếm cớ để phá đám. Sau 1 tuần thực hiện, mọi việc lại quay trở lại như cũ.

Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là bạn cần phải giữ cam kết, đồng thời hãy liên tục tạo động lực bên trong, truyền cảm hứng cho trẻ bằng những lời khen ngợi, những phần thưởng bất ngờ, những câu chuyện giàu ý nghĩa trên bàn ăn, hoặc đơn giản là một khoảng thời gian thật thư giãn, khi bạn tách mình ra khỏi công việc và chơi cùng chúng, để chúng cảm nhận được chúng sẽ “lãi” thế nào nếu tuân thủ qui ước và biết cách sử dụng thời gian hiệu quả.

Bởi để xây dựng một thói quen, cần phải lặp lại hành động trong suốt một quá trình dài, với một nhịp điệu và tần suất cố định, nên bạn phải thật sự kiên nhẫn, dành một thời gian đủ dài cho tới lúc các hoạt động đó ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nhịp điệu sinh học tự nhiên bên trong cơ thể của trẻ.

6. Thủ thuật nhắc nhở

Trong thời gian trẻ chưa thể tự giác hoàn toàn, bạn có thể hỗ trợ con tự giác thực hiện công việc của mình bằng những lời nhắc nhở dịu dàng và tinh tế hơn, tích cực hơn. Thay vì nói: Con làm đi. Nhanh lên, bạn có thể đưa ra những câu hỏi gợi ý: Con xem hộ mẹ mấy giờ rồi nhỉ? Giờ này mình phải làm gì nhỉ? Con xem có phải là sắp muộn giờ rồi không? Bạn có thể chỉ lên đồng hồ, nhờ con xem thời gian biểu dán trên tường, hoặc dùng những câu nói đùa vui vẻ để nhắc con nhớ tới nhiệm vụ của mình song chúng vẫn có cảm giác đó là do mình tự nhớ ra, tự đi làm chứ không phải do được mẹ nhắc. Nếu có hai đứa, bạn có thể giao cho đứa này làm cảnh sát, chuyên đi nhắc nhở đứa kia.

7. Thủ thuật khen thưởng

Có nhà tâm lí học đã nói rằng, tầm nhìn của trẻ con hẹp như ống khói, đứa trẻ không đủ khả năng để hình dung ra những viễn cảnh xa xôi mà chỉ quan tâm đến hiện tại. Vì thế, mỗi khi chúng làm tốt, chúng cần được khen ngợi và ghi nhận ngay để có động lực tiếp tục thực hiện hành vi tốt. Cách mà tôi thường làm là dán một bảng khen thưởng lên tường, chỗ dễ nhận thấy, và sau mỗi ngày con thực hiện việc tốt đều dùng bút màu đánh dấu sao lên đó. Khi sự ghi nhận được vật chất hóa bằng những thứ thật cụ thể như thế, đứa trẻ có thể nhìn thấy hành trình của mình, sự tiến bộ của mình và nỗ lực hơn nữa để thực hiện.

Con đã mất 9 năm để xây bệnh lề mề, nên để phá thói quen đó, cũng cần có một khoảng thời gian dài nhất định. Đứa trẻ không tự có động cơ bên trong, cũng không đủ bản lĩnh, ý chí để thực hiện những công việc cưỡng lại bản năng hưởng thụ và lười biếng của nó. Vì thế, bạn vừa phải là người khơi lên động lực, vừa phải truyền thêm cảm hứng và liên tục nhắc nhở con về mục tiêu và cam kết của chúng.

Video liên quan

Chủ đề