Vì sao nhà nguyễn không được lòng dân

07:55, 20/10/2008 (GMT+7)

Trong hai ngày 18 và 19-10-2008, tại thành phố Thanh Hóa đã diễn ra Hội thảo quốc gia “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút hơn 400 nhà khoa học trên cả nước và quốc tế tham dự. Trong lời khai mạc Hội thảo, GS Sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đề xuất những vấn đề tích cực lẫn hạn chế của Vương triều Nguyễn để các nhà khoa học tranh luận như quan hệ Chúa Nguyễn – Tây Sơn và công lao thống nhất đất nước; Hành động cầu viện Xiêm của Nguyễn Ánh; Trách nhiệm của triều Nguyễn dẫn đến mất nước hoàn toàn vào năm 1885…  Nhân dịp này, nhà sử học Nguyễn Quang Trung Tiến,  Đại học Khoa học Huế đã có bài viết dành riêng cho bạn đọc Báo Đà Nẵng.Viết về triều Nguyễn, không biết nên bắt đầu từ đâu cho phải nhẽ; bởi mãi đến hôm nay vẫn còn khá nhiều vấn đề liên quan đến họ Nguyễn chưa được nhìn nhận nhất quán trong học giới và trong nhận thức của dân gian.Vào mùa đông của 450 năm trước (1558), Nguyễn Hoàng khởi đầu việc xây dựng sự nghiệp của họ Nguyễn khi bước chân vào trấn nhậm vùng Thuận Hóa - Quảng Nam. Những mâu thuẫn trong gia tộc về quyền lợi chính trị cá nhân đã biến anh rể - em vợ thành thù địch, để rồi cả đất nước bị cuốn vào cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn tàn khốc, triền miên suốt nhiều năm trời. Hệ quả là từ bắc sông Gianh trở ra thành vương quốc Đàng Ngoài do Chúa Trịnh cai trị; từ nam sông Gianh trở vào cũng một vương quốc riêng với tên gọi Đàng Trong do Chúa Nguyễn cai quản. Hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn trở thành tội nhân chia cắt đất nước suốt hai thế kỷ (từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII). Thế nhưng, trong khi họ Trịnh ít biểu hiện những đóng góp vào lợi ích lâu dài của quốc gia; thì các Chúa Nguyễn lại tỏ ra biết kế tục sự nghiệp của tiền nhân thời Lý-Trần-Lê, đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang về phương Nam để lần lượt sáp nhập lãnh thổ Đàng Trong với khu vực cư trú của các cộng đồng dân tộc khác, đem phần đất đai còn lại ở Nam Trung bộ và Nam bộ nhập chung vào cương vực của Xứ Đàng Trong. Việc làm của họ Nguyễn dĩ nhiên xuất phát từ động cơ trước hết vì mình, nhưng động cơ đó lại phù hợp với xu thế của lịch sử và lợi ích lớn lao của cộng đồng các dân tộc Việt Nam về sau; vì thế lịch sử ghi nhận công lao của họ Nguyễn, đồng thời cái nhìn của lịch sử về Chúa Nguyễn cũng dần không còn khe khắt như trước.Cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn tưởng chừng không có hồi kết thúc, thì Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ năm 1771 đem đến nguồn sinh khí mới cho dân tộc; kết quả là sông Gianh đã được “lấp bằng”, giang sơn lại quy về một mối dưới triều đại Tây Sơn. Chính sự hợp nhất lãnh thổ kịp thời đó đã thổi bùng sức mạnh của dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để nhà Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ - Quang Trung lần lượt đuổi Xiêm trong Nam (1784-1785), phá Thanh ngoài Bắc (1788-1789), bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc.Trước những đóng góp của Tây Sơn cho sự thống nhất lãnh thổ (xin nhấn mạnh là chỉ mới thống nhất lãnh thổ), sự vẹn toàn nền độc lập của quốc gia; họ Nguyễn từ chỗ có công lao mở đất phương Nam lại tự mình dựng lên một hình ảnh nhỏ nhen, ích kỷ với lịch sử dân tộc khi tiến hành cuộc chiến chống Tây Sơn bằng mọi giá [Nguyễn Ánh đã trực tiếp cầu viện quân Xiêm (1784) và thông qua giáo sĩ Pigneau de Béhaine ký Hiệp ước Versailles (1787) với triều đình Pháp do Hoàng đế Louis XVI đứng đầu. Kết quả là 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược Việt Nam; còn nước Pháp thì tuy không thi hành hiệp ước do Cách mạng 1789 bùng nổ làm sụp đổ chế độ phong kiến Pháp, nhưng miệng tiếng về sự cầu viện của Nguyễn Ánh không thể chối bỏ]. Đây là mấu chốt của một số đánh giá xưa nay về những tiêu cực của họ Nguyễn và những đóng góp lớn lao của Tây Sơn; từ đó xem sự thắng lợi của họ Nguyễn trước Tây Sơn để dựng nên vương triều Nguyễn từ 1802 là một oan khiên của lịch sử, tiêu cực thắng tích cực (!) Tuy nhiên, thực tế nội bộ Tây Sơn sau khởi nghĩa thắng lợi đã không đoàn kết, chính sách cai trị không thực thi đồng bộ trên cả nước, quyền lực bị phân chia, 3 bộ máy chính quyền được duy trì ở 3 vùng,  sự cát cứ được tái lập, bộ phận lãnh đạo thiếu người có năng lực trị nước và thoái hóa, biến chất, gây mất lòng dân trầm trọng (nhất là giai đoạn sau khi vua Quang Trung mất năm 1792)... Đó là những yếu điểm của Tây Sơn trước lịch sử, nên công cuộc phục hưng của họ Nguyễn tuy không xóa nổi tì vết cầu viện ngoại bang, vẫn nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của số đông quần chúng đang khát vọng thống nhất đất nước toàn diện, được ổn định sản xuất và đời sống. Nhờ vậy, họ Nguyễn đã có sự chuyển hóa từ vị thế tiêu cực sang vị thế tích cực trước lịch sử khi nhà Tây Sơn bước vào buổi xế chiều.Sự nghiệp thống nhất sau hai trăm năm đất nước bị chia cắt, chiến tranh đẫm máu được dấy lên từ khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771, để rồi kết thúc có hậu khi triều Nguyễn được thành lập vào năm 1802. Mọi trở lực của sự thống nhất đã bị Tây Sơn phá bỏ, để trên nền tảng đó, nhà Nguyễn đã huy động sức mạnh của cả dân tộc xây nên ngôi nhà chung Việt Nam thống nhất bền vững muôn đời.Là triều đại nối tiếp Tây Sơn hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, nhưng suốt thế kỷ XIX, nhà Nguyễn luôn chịu điều tiếng là đã không tạo nên được sự thái bình, thịnh trị cho đất nước ở giai đoạn đầu như nhiều triều đại khác trong lịch sử. Bằng chứng là “khởi nghĩa nông dân” bùng nổ dữ dội và thường xuyên. Định kiến này thật thiếu công bằng với triều Nguyễn, bởi nếu thống kê thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa (như Lê Văn Khôi, Cao Bá Quát, Đoàn Hữu Trưng...) thì sẽ thấy rất nhiều cuộc không phải là khởi nghĩa nông dân thuần túy.Vậy tại sao “khởi nghĩa” chống Nguyễn nổ ra nhiều đến thế? Đó là do nhà Nguyễn ra đời trong bối cảnh đất nước trải qua hai trăm năm nội chiến, phe phái chính trị xuất hiện liên tục và xác lập thế lực (Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn và cả Tây Sơn), tranh quyền đoạt vị lẫn nhau, tâm lý thống nhất quyền lực bị chống đối; vì thế ngay từ thời Gia Long đã có nhiều cuộc nổi dậy chống triều Nguyễn, rồi các vị vua kế nhiệm gồm Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng phải thường xuyên đối đầu với các cuộc nổi dậy.

Chưa có triều đại nào ngay từ đầu phải hứng chịu sự bất phục của nhiều phe phái chính trị lớn như triều Nguyễn, vì thế sự chống đối không đơn thuần chỉ riêng khởi nghĩa nông dân! Bức tranh chính trị phức tạp đó của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX nếu không được nhận diện đúng mức, rất dễ có những phán xét thiên lệch về những nỗ lực của triều Nguyễn trong ổn định sản xuất và đời sống nhân dân. (Còn nữa)

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN (Đại học Khoa học Huế)


                                                      

Sự thất bại của nhà Tây Sơn trước nhà Nguyễn thường được cho là vì cái chết của vua Quang Trung. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, tại sao Nguyễn Phúc Ánh bao nhiêu lần tay trắng bại vong lại vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân? Nhà Tây Sơn đã làm những điều gì để mất lòng dân đến như vậy?

  • Chuyên đề “Điều gì khiến nhà Tây Sơn bại bởi nhà Nguyễn?”

Tóm tắt bài viết:

  • Sự hà khắc của nhà Tây Sơn
  • Lòng người hướng về ai?
  • Truyền kỳ “tay trắng bại vong”
(Ảnh tổng hợp: Trí Thức VN)

Sự hà khắc của nhà Tây Sơn

George Dutton từng là Phó Giáo sư khoa ngôn ngữ và văn hóa Á châu đồng thời là Giám đốc chương trình Liên Khoa Đông Nam Á học của trường đại học California tại Los Angeles có viết sách nghiên cứu về thời Tây Sơn, và được trình bày tại “Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 2”, tổ chức ở Sài Gòn vào tháng 7/2004.

Theo những gì trình bày tại cuộc hội thảo này thì quân Tây Sơn nổi tiếng ưa cướp bóc và đốt phá, lại áp dụng chế độ cưỡng bức tuyển quân và lao dịch hà khắc. Vì thế mà quân Tây Sơn đi đến đâu thì dân chúng đều tìm cách trốn khỏi vùng họ kiểm soát. Ban đầu nhiều người vào hàng ngũ quân Tây Sơn, nhưng về sau ngày càng ít, chỉ còn là lính quân dịch.

Những nơi quân Tây Sơn chiếm đóng, người dân phải chịu cảnh lao dịch hà khắc, bị bắt buộc phải đi xây dựng các công trình quân sự và dinh thự. Ví như năm 1775 Nguyễn Nhạc bắt dân phục dịch xây dựng thành Chà Bàn (sau này Nguyễn Phúc Ánh đổi tên là thành Bình Định) để làm kinh đô cho mình, tiếm xưng là “thành Hoàng Đế”. Nguyễn Huệ cũng bắt dân phục dịch gây phản ứng xấu trong dân chúng.

Sau khi chiếm được Phú Xuân (kinh thành ở Huế), Nguyễn Huệ bắt dân phải ra sức làm ngày làm đêm nhằm củng cố thành lũy để cố thủ. Vài năm sau, Nguyễn Huệ có ý dời đô nên bắt người dân xây một công trình tầm vóc rất lớn trong thời gian ngắn là “Phượng Hoàng Trung Đô” ở Nghệ An. Theo các sử liệu nước ngoài thì người dân đã phản đối mạnh mẽ, thậm chí mạnh ai nấy trốn.

Chế độ lao dịch của Tây Sơn còn hà khắc hơn cả chúa Trịnh, khi mà quân lính Tây Sơn bắt cả nhà sư, phụ nữ, trẻ em đi phu, chỉ có các bà mẹ cho con bú mới được miễn.

Tình hình chiến trận liên miên cũng có thể là nguyên nhân sự hà khắc của nhà Tây Sơn. Tuy nhiên sự hà khắc quá mức lại khiến nhà Tây Sơn mất lòng thiên hạ. (Tranh minh họa qua thuvienlichsu.com)

Ngay trong trận chiến đánh quân Thanh, vua Quang Trung cũng đưa ra chế độ tuyển quân và lao dịch vô cùng hà khắc. Khi đó, các tướng Tây Sơn đều mang chức đô đốc, cưỡi ngựa đứng trên gò cao nhìn vào làng đếm nóc nhà, rồi tính ra số người mà mỗi làng phải nộp. Làng nào không nộp đủ thì bị tàn sát cả làng, dân chúng hãi hùng nên làng nào không đủ con trai phải bắt con gái giả trai để nộp cho đủ nhằm cứu cả làng. Sau khi đánh thắng quân Thanh, số lính mới tuyển này bị bỏ mặc, họ phải xin ăn để tìm đường trở lại quê quán.

Khi đánh trận Đống Đa, lo lắng quân Thanh phản công, Nguyễn Huệ lệnh cho dân chúng phải đắp một chiến lũy xung quanh để cố thủ, trong 3 ngày phải làm xong. Các giáo sĩ phương Tây chứng kiến cảnh này lo lắng thay cho dân chúng, vì 3 ngày thì không thể thực hiện được. Thế nhưng họ cũng không thể tưởng tượng được rằng dân chúng Thăng Long đã làm được điều đó. Người dân làm đến kiệt sức bởi lo sợ rằng nếu không hoàn thành sẽ bị tàn sát.

Quân Tây Sơn không lấy được lòng dân vì thế lòng dân cứ nghiêng dần về quân Nguyễn. Năm 1792 Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh thân chinh đi đánh thành Quy Nhơn nhưng không thành. Từ đó hàng năm cứ đến mùa gió nồm (gió thổi từ hướng Nam), Nguyễn Phúc Ánh lại cho quân theo đường biển tiến ra đánh miền Trung; khi có gió bấc (gió thổi từ phía Bắc) thì lại rút quân về Gia Định.

Nguyễn Phúc Ánh. (Ảnh từ wikipedia.org)

Chính về thế người dân vùng Quảng Nam, Thuận hóa (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay) cứ trông ngóng quân Nguyễn Vương từ Gia Định ra miền Trung đánh quân Tây Sơn. Nên thời bấy giờ có câu ca dao truyền tụng đến bây giờ:

Lạy trời cho cả gió nồm
Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra.

Câu ca dao này cũng cho thấy rõ lòng dân ngả về ai.

Sự thất bại của nhà Tây Sơn trước nhà Nguyễn thường được cho là vì cái chết của vua Quang Trung. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, tại sao Nguyễn Phúc Ánh bao nhiêu lần tay trắng bại vong lại vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân? Lòng người hướng về ai thì đã rõ, nhưng rốt cuộc Nguyễn Phúc Ánh bại vong bao nhiêu lần?

Truyền kỳ “tay trắng bại vong”

Đầu năm 1777, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến đánh Sài Gòn – Gia Định, các hoàng tộc chúa Nguyễn như chúa Nguyễn Phúc Thuần, Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương (người ban đầu được quân Tây Sơn có khẩu hiệu phò tá lúc ban đầu) đều bị bắt và giết cả. Nguyễn Phúc Ánh may mắn có được một đứa trẻ con nhà kép hát che dấu mà trốn thoát được đến Rạch Giá.

Tại Hà Tiên, Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy tìm ráo riết, Bá Đa Lộc đã giúp đỡ ông chạy đến đảo Thổ Châu (còn gọi là Thổ Chu nằm ở phía tây nam đảo Phú Quốc). Sau một thời gian, quân Tây Sơn truy tìm không được phải rút đi, Nguyễn Phúc Ánh trở lại Long xuyên rồi Sa Đéc tập hợp các quân tướng của mình.

Năm 1782, Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ đi đường biển nam tiến, Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy quân đánh chặn ở vùng biển Cần Giờ. Quân Tây Sơn ban đầu tỏ ra yếu hơn, nhưng sau đó vẫn giành được chiến thắng dù hao tổn binh lực. Nguyễn Phúc Ánh thua trận phải bỏ chạy, bị truy gắt gao phải chạy sang tận khu rừng Romdoul thuộc Cao Miên (thuộc phía bắc tỉnh Svay Rieng, Campuchia ngày nay).

Quân Tây Sơn sang tận Cao Miên bắt vua Ang Eng phải hàng phục và buộc tất cả người Việt ở Cao Miên phải về nước, nhưng Nguyễn Phúc Ánh vẫn trốn kịp.

Sau đó Nguyễn Phúc Ánh trở về Nam bộ, bị quân Tây Sơn truy tìm khắp nơi, nhờ người dân Nam bộ che chở nên lần nào cũng thoát được, sau đó dùng thuyền nhỏ trốn ra đảo Phú Quốc.

Đến tháng 5 âm lịch năm 1782, nhận thấy Nguyễn Phúc Ánh không còn sức phản kháng, quân Tây Sơn rút về Quy Nhơn, để lại 3.000 quân ở đồn Bến Nghé để giữ Gia Định. Một tướng trước đây từng theo Tây Sơn là Châu Văn Tiếp cùng Nguyễn Phước Mân đánh chiếm lại được Gia Định và đón Nguyễn Phúc Ánh trở lại. Nguyễn phúc Ánh tổ chức lại quân binh, nhưng lực lượng rất rệu rã và yếu ớt.

Tháng 2 âm lịch năm 1783, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đưa quân đến đánh Gia Định, tuyến phòng thủ ở cửa biển Cần Giờ bị đánh tan, một số tướng bị bắt hoặc tử trận. Nguyễn Phúc Ánh cùng tàn quân khoảng 100 người chạy thoát về Ba Giồng (tức Hóc Môn, Sài Gòn).

Tháng 4 âm lịch năm 1783, Nguyễn Phúc Ánh cho đóng quân ở Đồng Tuyên. Nguyễn Huệ hay tin đưa quân tới đánh khiến quân Nguyễn Phúc Ánh thua to, nhiều tướng lĩnh chi huy bị tử trận. Nguyễn Phúc Ánh bỏ chạy đến sông Lật Giang (nay là đoạn sông Vàm Cỏ Đông ở Bến Lức – Long An) dưới sự truy sát của quân Tây Sơn. Khi bơi qua sông nhiều lính đi theo bị chết đuối cả, Nguyễn Phúc Ánh may mắn nhờ bơi giỏi mà thoát chết.

Đến khúc sông Đăng Giang, theo “sử quán triều Nguyễn” ghi chép lại thì thời ấy sông nhiều cá sấu nên không thể bơi qua, phía sau quân Tây Sơn đang truy đuổi sát phía sau, lúc đó may thay lại có con trâu nước đang nằm trên bờ, nhờ đó Nguyễn Phúc Ánh cưỡi trâu sang sông mà thoát chết.

Sau đó Nguyễn Phúc Ánh đến Mỹ Tho mang theo mẹ cùng vợ con lên thuyền ra đảo Phú Quốc. Tháng 6 âm lịch năm 1783, quân Tây Sơn bất ngờ đến đảo Phú Quốc truy tìm, trong lúc cùng đường rồi thì tướng Lê Phước Điển mặc áo ngự đóng giả Nguyễn Vương, quân Tây Sơn chạy theo bắt được Nguyễn Vương giả cùng các tướng lĩnh, trong khi đó Nguyễn Vương thật đi thuyền đến đảo Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay). Quân Tây Sơn dụ hàng các tướng, nhưng Lê Phước Điển cùng các thuộc tướng khác thà chết không hàng nên bị quân Tây Sơn giết cả.

Tháng 7 âm lịch năm 1783, quân Tây Sơn dò biết được Nguyễn Phúc Ánh đang ở đảo Côn Lôn, liền cho quân kéo đến vây 3 vòng trùng điệp, quyết không cho Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát nữa. Thế nhưng lúc này đột nhiên có bão biển, khiến một số tàu Tây Sơn bị đánh chìm, các thuyền khác phải giãn ra; đồng thời mây mù cũng kéo đến kín mít, nhìn ra biển cũng không thấy gì. Nhờ đó Nguyễn Phúc Ánh mới có cơ hội lên thuyền chạy thoát. Sau 7 ngày lênh đênh triển biển, Nguyễn Phúc Ánh đến đảo Cổ Cốt (còn gọi là Hòn Chanh, nay thuộc tỉnh Trat của Campuchia)

Sau đó Nguyễn Phúc Ánh đi thuyền về cửa biển Bình Thuận để tìm cách về lại Gia Định. Thế nhưng quân Tây Sơn biết được liền cho 20 thuyền đuổi theo, khiến ông phải đổi hướng, lênh đênh chạy trốn trên biển suốt 7 ngày đêm rồi đến đảo Phú Quốc. Thời gian này quân Tây Sơn liên tục mai phục nhằm rình bắt Nguyễn Phúc Ánh trên biển , các đảo và các vùng ven biển. Một lần ở cửa biển sông Đốc (thuộc Cà Mau), Nguyễn Phúc Ánh bị 50 thuyền Tây Sơn phục kích sẵn, may mắn Nguyễn Phúc Ánh lại chạy thoát được ra biển, 50 thuyền Tây Sơn truy đuổi theo nhưng không kịp.

Năm 1783 Nguyễn Phúc Ánh muốn cầu viện người Pháp nhằm có vũ khí hiện đại nên nhờ Giám mục Bá Đa Lộc giúp mình sang Pháp một chuyến, nhưng khi Bá Đa Lộc còn chưa kịp đi do đang thời kỳ ngược gió thì Nguyễn Phúc Ánh liên tục bị quân Tây Sơn truy đuổi nên đành phải đến cầu viện Xiêm La. Sang năm 1784 Bá Đa Lộc mang theo quốc thư cùng quốc ấn đi Pháp, và dẫn tới hiệp ước bất bình đẳng với chính phủ Pháp, dù nó không bao giờ được thực hiện.

Năm 1784 Nguyễn Phúc Ánh sang Xiêm để nhờ giúp đỡ mặc cho can ngăn của vị tướng thân cận là Nguyễn Văn Thành. Vua Xiêm cho 2 vạn quân cùng 300 chiến thuyền sang giúp.

Tháng 7/1784 quân Nguyễn Phúc Ánh cùng quân Xiêm đến Nam Bộ đánh bại quân Tây Sơn ở các vùng Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc. Thế nhưng vị tướng trụ cột của Nguyễn Phúc Ánh là Châu Văn Tiếp tử trận khi trao tranh với quân Tây Sơn ở Mân Thít khiến không có ai kiềm chế nổi quân Xiêm.

Quân Xiêm La đến Nam bộ không khác gì quân cướp, đối xử rất tàn bạo với người dân Nam bộ, điều này khiến Nguyễn Phúc Ánh từ thất vọng đến phẫn uất, ân hận vì không nghe lời khuyên của Nguyễn Văn Thành.

Trong cuốn sách “54 vị Hoàng Đế Việt Nam” của Đặng Việt Thủy và Đặng Thành Trung, nhà xuất bản quân đội nhân dân năm 2008 có mô tả Nguyễn Phúc Ánh than rằng:

“Được nước là nhờ lòng dân. Nay Châu Văn Tiếp đã mất không ai kiềm chế nổi quân Xiêm. Nếu có lấy lại được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Người xưa nói mưu lợi để lấy của cải của người gọi là quân tham mà quân tham thì nhất định phải thua, quân nước Xiêm là thế đấy. Ta sẽ lui quân không nỡ để cho dân tình khốn khổ.”

Trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút tháng 12, quân Tây Sơn vào Nam Bộ đánh 2 vạn quân Xiêm đại bại, chỉ còn sót lại vài nghìn lính chạy trối chết về nước.

Trận Rạch Gầm – Xoài Mút. (Tranh minh họa qua vietnamdefence.com)

Lúc này Nguyễn Phúc Ánh cùng một ít quân tướng trốn đến đảo Cổ Cốt, lúc lại sang đảo Thổ Châu (ở phía tây nam đảo Phú Quốc), theo các sử liệu thì cuộc sống vào thời gian này vô cùng thiếu thốn và khổ sở, nhưng số quân tướng ít ỏi này đều đi theo và trung thành với chủ của mình đến cùng. Quân Tây Sơn cũng kéo đến hai đảo này truy lùng, Nguyễn Phúc Ánh thấy cần phải ổn định một nơi để vừa an toàn vừa tập hợp quân, nên quyết định đến Xiêm La.

Tháng 4 âm lịch năm 1785, Nguyễn Phúc Ánh đến Xiêm La, quân tướng các nơi nghe tin liền tập hợp đến đây, quân số ban đầu có được là 1.000 người.

Sau đó Nguyễn Phúc Ánh xây dựng quân đội của mình ngày càng mạnh. Năm 1786 quân Nguyễn giúp vua Xiêm đánh bại quân Miến Điện là Sài Lặc. Vua Xiêm cảm tạ đồng thời cho mượn quân để lấy lại Gia Định, nhưng nhớ lại cảnh quân Xiêm đối xử tàn bạo với dân chúng lại thêm Nguyễn Văn Thành một lần nữa ngăn cản, nên Nguyễn Phúc Ánh đã từ chối.

Sau 3 năm ở Xiêm, nhận thấy vua Xiêm có vẻ không hài lòng khi lực lượng của mình ngày càng lớn mạnh, Nguyễn Phúc Ánh lặng lẽ trở về nước vào ban đêm để lại lá thư cảm ơn gửi vua Xiêm.

Quân Nguyễn tiến đến đánh chiếm lại vùng Nam bộ, đồng thời có thêm nhiều người gia nhập quân Nguyễn, trong khi đó quân Tây Sơn ở Nam Bộ nhưng lại không được lòng dân chúng ở đây.

Tuy nhiên quân Nguyễn vẫn không lấy lại được Sài Gòn – Gia định, bởi tướng Phạm Văn Tham quyết bám trụ cùng thành chứ không lui binh, đồng thời Phạm Văn Tham cũng nhiều lần cho quân tấn công quân Nguyễn.

Lúc này tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Hưng đưa 30 thuyền đến giúp Phạm Văn Tham. Tuy nhiên quân Nguyễn đến Nam Bộ lại được dân chúng ủng hộ nên binh lính tăng nhanh chóng, quân ngày càng mạnh. Trong khi Thái Đức Nguyễn Nhạc chỉ lo phòng bị trước người em là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, nên không đoái hoài gì đến việc cứu viện cho Sài Gòn – Gia Định.

Năm 1788 quân Nguyễn bao vây tấn công vùng Sài Gòn – Gia Định, Phạm Văn Tham cố giữ nhưng không được đành chạy về Quy Nhơn, nhưng trên đường thì bị quân Nguyễn chặn lại, cùng đường nên phải đầu hàng quân Nguyễn.

Thành Gia Định (Tranh minh họa qua Wikipedia)

Năm 1789, Bá Đa Lộc về đến Nam bộ, dù không cầu viện được chính phủ Pháp, nhưng ông đã kêu gọi các thương gia góp tiền mua vũ khí; đồng thời chiêu mộ được khoảng 20 người giỏi về kỹ nghệ, kỹ thuật quân sự đưa về phục vụ cho Nguyễn Vương. (Xem bài: Không nhận được viện trợ từ chính quyền Pháp, điều gì giúp Nguyễn Phúc Ánh thắng được nhà Tây Sơn?)

Nguyễn Phúc Ánh xây dựng Nam bộ thành nơi trù phú và giàu có, đời sống người dân ổn định, lương thực dư dả. 20 người Pháp cũng giúp xây dựng thành trì cùng quân đội hiện đại. Từ đó Nguyễn Phúc Ánh phòng thủ chắc chắn vùng Nam Bộ. Không chỉ thế Nguyễn Phúc Ánh cũng đưa quân ra Bắc đánh bại nhà Tây Sơn và lên ngôi vua vào năm 1802.

Điểm tính lại, Nguyễn Phúc Ánh đã hơn chục lần tay trắng bại vong, giả như ông không có được lòng dân, thì liệu có thể cuối cùng vẫn đánh bại nhà Tây Sơn mà lên ngôi vua hay không? Nếu lòng dân miền Bắc hướng về nhà Tây Sơn như lòng dân miền Nam hướng về Nguyễn Phúc Ánh, chắc hẳn mọi việc đã khác. Dẫu cho Nguyễn Phúc Ánh có sai lầm khi cầu viện quân Xiêm vào năm 1784, thì ông cũng đã không lặp lại sai lầm đó dù được quân Xiêm tình nguyện giúp đỡ vào năm 1786. Nói Nguyễn Phúc Ánh tay trắng bại vong, nhưng thật ra ông không hề trắng tay, bởi vì ông có được sự ủng hộ hết mực của người dân Nam Bộ.

*******

Lời kết

Loạt bài “Điều gì khiến nhà Tây Sơn bại bởi nhà Nguyễn?” không có ý định phủ định những đóng ghóp của nhà Tây Sơn cho lịch sử đất nước, mà chỉ muốn chỉ ra những mặt tối của phong trào Tây Sơn, và đồng thời cũng nhắc lại công lao rất lớn của nhà Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng – đối với đất nước. Thiết nghĩ thành hay bại, được hay mất, tất cả đã là lịch sử. Nhưng lịch sử cũng cần được đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau.

Chúng ta không thể vì thần tượng vua Quang Trung để rồi che đi những cuộc thảm sát của nhà Tây Sơn khiến người dân miền Nam điêu đứng, khiến những khu kinh tế tầm cỡ thế giới của Đàng Trong suy sụp, khiến chính bản thân vua Quang Trung không tài nào đặt nền móng vững chắc cho nhà Tây Sơn ở miền Nam. Ngược lại, chúng ta cũng không thể vì vua Gia Long mượn quân Xiêm, hay nhờ sự trợ giúp của chính phủ Pháp không thành, mà che đi những công lao của 8 đời chúa Nguyễn, cũng như của bản thân vua Gia Long và hậu duệ của ông đối với việc mở mang bờ cõi đất nước.

Công và tội của hai vị vương ấy vẫn sẽ là một đề tài tranh cãi trong lịch sử. Nhưng chắc chắn, dù ít, vẫn có những người yêu mến vua Gia Long, giống như tình cảm của những người khác dành cho vua Quang Trung vậy. Âu đó cũng là việc bình thường.

Trần Hưng

Xem thêm:

Video liên quan

Chủ đề