Tại sao khí CNG được gọi là nhiên liệu thân thiện môi trường

Qua một số thí điểm sử dụng nguồn nhiên liệu này thay thế xăng, dầu đối với một số phương tiện giao thông, hiệu quả của việc sử dụng CNG  đã được kiểm chứng. Ngay tại TP.Hồ Chí Minh, kế hoạch sử dụng CNG đang được triển khai đối với một số hãng xe taxi. Tổng công ty Khí Việt Nam ( PVGas)là đơn vị chính cung cấp nguồn nhiên liệu sạch này đã cam kết đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu cho ngành giao thông vận tải.

CNG (Khí thiên nhiên nén - Compressed Natural Gas) được sử dụng thay thế xăng do những lợi thế hơn hẳn. CNG dễ phát tán, không tích tụ như hơi xăng. Khi CNG bị rò rỉ ra môi trường không khí, nguy cơ hỏa hoạn chưa bằng một nửa xăng dầu nên hạn chế nguy cơ cháy nổ. Giá CNG hiện nay thấp hơn giá LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng). Đây chắc chắn là nhiên liệu rẻ, sạch, phù hợp với dịch vụ tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, đặc biệt trong tình hình giá xăng dầu tăng cao trong những năm gần đây.Hiện nay, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là đơn vị duy nhất cung cấp sản phẩm CNG cho thị trường trong nước, chiếm 100% thị phần. Ngoài phương thức cung cấp bằng LPG, PV GAS đang thực hiện hai phương thức cung cấp khí khác: cung cấp cho các hộ công nghiệp bằng tuyến đường ống dẫn khí cố định và cung cấp CNG bằng xe bồn dài 40 feet và bồn CNG có sức chứa khoảng ba tấn, với áp suất của bồn khoảng 200 bar (bar - đơn vị áp suất).

Đối với hộ công nghiệp xa tuyến ống không có điều kiện tiếp cận nguồn khí bằng đường ống, CNG được vận chuyển bằng xe bồn tới khách hàng đấu nối với hệ thống tiếp nhận. Đối với CNG ứng dụng trong giao thông vận tải thì CNG được vận chuyển bằng xe bồn tới các trạm nạp CNG cho xe buýt, taxi, ôtô... CNG cung cấp cho các địa chỉ xa tuyến ống đòi hỏi rất cao về tính cung ứng liên tục, đảm bảo không gây gián đoạn cho dây chuyền sản xuất của khách hàng, và đặc biệt, thiết bị dự trữ và cung ứng CNG phải đạt được độ tin cậy rất cao. Đây được coi là hệ thống ống “ảo” đưa khí thiên nhiên đến những nơi chưa có cơ hội tiếp cận với đường ống dẫn khí chính.

PVGAS hiện có hai đơn vị thành viên đang đầu tư, sản xuất và kinh doanh CNG phục vụ cho các hộ công nghiệp và giao thông vận tải. Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (CNG VN) đã đi vào hoạt động từ năm 2008 và có công suất giai đoạn một là 30 triệu m3 khí/năm, chủ yếu phục vụ các hộ công nghiệp nằm xa tuyến ống. Trong giai đoạn hai, CNG VN sẽ tăng công suất lên 250 triệu m3 khí/năm. CNG VN đã làm việc với PVTrans – CGT trong việc cung cấp sản phẩm CNG để CGT tiêu thụ trong ngành giao thông vận tải. Ngoài ra, Công ty CP Khí hóa lỏng miền Nam (PV GAS South) đang đầu tư nhà máy nén CNG tại KCN Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất ban đầu là 10 triệu m3 khí/năm.

Do đặc tính kỹ thuật của CNG (mỗi xe bồn chỉ có thể chở được một khối lượng hàng ít khoảng ba tấn CNG, nên vận chuyển xa sẽ không kinh tế) nên việc cung cấp CNG chỉ triển khai được ở khu vực nằm trong vòng bán kính 200km kể từ nguồn cấp. Chính vì vậy, việc cấp CNG hiện chỉ được xem xét trong khu vực miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Và TP. Hồ Chí Minh chính là một “điểm đến” giàu tiềm năng có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, mật độ phương tiện giao thông dày đặc, nhu cầu nhiên liệu lớn, yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt.

Ngày 24-12-2006, UBND TP.Hồ Chí Minh và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện đầu tư tại TP.HCM, trong đó có nội dung đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường. Trên tinh thần đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Công ty CP Khí hóa lỏng miền Nam đã triển khai kế hoạch nghiên cứu ứng dụng khí thiên nhiên nén (CNG) cho xe buýt của TP.HCM. Chương trình còn có sự phối hợp của Tập đoàn Sunjin (Hàn Quốc), một trong những doanh nghiệp lớn về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với hơn 90% số lượng xe buýt sử dụng CNG. Theo Sở GTVT Tp. Hồ Chí Minh, việc chuyển đổi các xe buýt chạy xăng sang sử dụng CNG sẽ được thực hiện bằng ba phương pháp, đó là: lắp thêm bộ chuyển đổi; thay thế động cơ CNG và đầu tư mua mới xe buýt sử dụng CNG. Quá trình được thực hiện trước mắt bằng cách chuyển đổi dần dần số xe buýt loại lớn (B80) và loại trung (B55) sang sử dụng CNG.

Hiện tại, đã có hai chiếc xe buýt sử dụng CNG được nhập về từ Hàn Quốc và giao Công ty Xe khách Sài Gòn và Liên hiệp HTX Vận tải TP.Hồ Chí Minh quản lý. Ông Dương Hồng Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: qua tính toán các thông số kỹ thuật, kinh tế cho thấy xe buýt sử dụng khí CNG tiết kiệm được 50%-60% giá thành vận chuyển, chi phí nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính từ kết quả này, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa chấp thuận cho thử nghiệm xe buýt chạy bằng CNG thay cho dầu diesel.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2009-2010, Sở GTVT sẽ tiến hành chuyển đổi và đưa vào hoạt động 38 chuyến xe buýt trên hai tuyến số 30 (Chợ Tân Hương - Suối Tiên) và số 91 (Bến xe miền Tây - chợ nông sản Thủ Đức). Cuối năm 2010, 800 xe khác cũng sẽ bắt đầu dùng nhiên liệu này.

Cũng trong năm 2009, Tập đoàn ôtô Thành Công đã tổ chức lễ ký kết và giao lô hàng 50 xe đầu tiên trong hợp đồng cung cấp 500 chiếc xe buýt hiệu Daewoo chạy bằng khí thiên nhiên cho công ty Sonadezi ở Đồng Nai. Số xe buýt này sẽ được sử dụng trong việc đưa đón công nhân ở các khu công nghiệp cũng như vận chuyển hành khách công cộng tại tỉnh Đồng Nai.

Như  vậy, có thể thấy rằng tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải cũng như công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn. Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. PV GAS đang chuẩn bị các kế hoạch đảm bảo nguồn cung CNG cũng như nhiên liệu từ khí thiên nhiên để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường và xu hướng chung của thế giới.

Lê Nam Tư

Gần đây, tên gọi khí nén thiên nhiên càng trở nên phổ biến và được nhiều người quan tâm. Vậy khí nén thiên nhiên là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Khí nén thiên nhiên (CNG) là gì?

Cũng như khí tự nhiên, CNG là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường vì khi sử dụng làm nhiên liệu giúp làm giảm đến 20% lượng CO2, 30% lượng NOx, 70% SOx so với các nhiên liệu từ dầu. Khi sử dụng trong động cơ, CNG cũng làm giảm đến 50% lượng hydrocarbon thải ra so sánh với động cơ xăng.

Tại sao khí CNG được gọi là nhiên liệu thân thiện môi trường

Minh họa sự giảm phát thải khí đốt cháy tự nhiên so với các nguyên liệu khác

Do quá trính cháy xảy ra hoàn toàn, không gây đóng cặn trong thiết bị đốt và bộ chế hòa khí của các phương tiện nên CNG giúp nâng cao hiệu suất, kéo dài được chu kỳ bảo dưỡng và tuổi thọ máy móc thiết bị. Giá thành CNG rẻ hơn xăng khoảng 10% đến 30% và có tính ổn định trong thời gian dài so với giá các sản phẩm dầu mỏ. Do vậy, ngày nay CNG được sử dụng rộng rãi trên thế giới làm nhiên liệu động cơ thay thế xăng, dầu.

Tình hình sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG) hiện tay

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM đang có hơn 100 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG). Bước đầu triển khai loại xe buýt này đã thể hiện những ưu điểm vượt trội về tính an toàn, hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường và được người dân đón nhận rất tốt.Ngoài ra, nguồn nhiên liệu này còn được dùng làm nhiên liệu cho các hộ công nghiệp nằm xa đường ống dẫn khí. Có thể thấy, đây là nguồn nhiên liệu tiềm năng của ngành giao thông vận tải cũng như ngành công nghiệp hiện nay.

Tại sao khí CNG được gọi là nhiên liệu thân thiện môi trường

Trạm nạp CNG tại Mỹ Xuân

Với tình hình sử dụng nhiên liệu hiện nay, Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam sẽ tăng mạnh. Khí nén thiên nhiên (CNG) được dự đoán có thể sẽ là nguồn năng lượng sạch trong ngành giao thông vận tải và công nghiệp trong tương lai không xa.