Quy trình niêm phong tài sản the chấp ngân hàng

 

Một vụ lùm xùm liên quan đến tài sản thế chấp vừa xảy ra giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VP Bank và khách hàng đang gây xôn xao dư luận.


Thông tin trên báo Tiền Phong cho biết,  khoảng 19h ngày 17/3/2015, khi PV có mặt tại hiện trường, chứng kiến khoảng 6 thanh niên đứng chắn lối vào căn hộ 1401, trong đó có người đeo thẻ nhân viên VPBank.

Theo trình bày của ông Nguyễn Sĩ Minh, chủ căn hộ, gia đình ông có vay VPBank 5 tỷ đồng, đã trả lãi 1 tỷ đồng và 700 triệu đồng tiền gốc. Đến khoảng 16h ngày 17/3, ông Minh về nhà thì nhân viên ngân hàng đã niêm phong nhà, trong khi vẫn có người giúp việc ở bên trong.

Theo quan sát của PV Báo Lao Động, cũng tại thời điểm 19h ngày 17/3,  cửa căn hộ 1401 đã được lắp thêm 2 chốt thép khiến người ở trong không thể mở cửa ra. Ổ khóa của căn hộ bị dán niêm phong có đóng dấu đỏ, trên cửa dán 3 tờ giấy A4 cũng có đóng dấu đỏ của VPBank.

Một tờ in to dòng chữ: “Tài sản VPBank thu giữ, chờ xử lý (phòng 1401, tòa nhà 17T2 Trung Hòa – Nhân Chính). Một tờ là Quyết định của Chủ tịch HĐQT về việc thu giữ tài sản đảm bảo có số 4367/2014/QĐ-CTHĐQT ngày 15.9.2014. Quyết định này do Phó Giám đốc Trung tâm PC&KSTT Hoàng Anh Tuấn thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT ký có nội dung: “Căn cứ Hợp đồng tín dụng số LD1015900021 ngày 11.6.2010 giữa VPBank với ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa… Quyết định thu giữ tài sản bảo đảm là toàn bộ căn hộ chung cư thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp theo “Giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” số BC009642… đứng tên bà Lâm Thị Phương Thoa hiện đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng…”.

Quy trình niêm phong tài sản the chấp ngân hàng

Anh Minh (dấu X) chủ căn hộ 1401 giữa vòng vây. Ảnh: Báo Lao động

Tờ còn lại thể hiện là văn bản của Cty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC) số 723/2015/TB-VPBAMC ngày 10.3.2015. Văn bản này có nội dung thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm thời gian xử lý từ 9h30 ngày 17.3.2015. Ngoài đề gửi vợ chồng anh Minh, thông báo này còn được đề gửi tới UBND phường Trung Hòa, CA phường Trung Hòa… Thành phần dự kiến tham gia có đại diện UBND phường Trung Hòa, đại diện CA phường Trung Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố…

Ngay sau đó, ông Nguyễn Sĩ Minh đã trình báo sự việc tới Công an phường Trung Hòa. Công an phường đã mời đại diện của bên ngân hàng và ông Minh về trụ sở làm việc. Đến khoảng 21h, Công an phường Trung Hòa đã phá cửa nhà ông Minh và đưa chị Nguyễn Thị Phú, người giúp việc của gia đình ông Minh ra khỏi nhà. Ngay sau đó, ông Minh tiếp tục đến Công an quận Cầu Giấy trình báo, cho rằng VPBank đã chiếm giữ trái phép nhà ở, giam giữ người trái pháp luật...

Theo trình bày của chị Nguyễn Thị Phú – người giúp việc của gia đình anh Minh - chị Thoa với PV Báo Lao Động, sáng 17.3 chị Phú ở nhà một mình, đến trưa chị có mở cửa đi mua mỳ tôm thì không mở được cửa. Chị Phú cho biết: “Đến khoảng 9h30 tối, em đang nằm trong buồng thì thấy có một nhóm người vào nhà anh Minh, em thấy có một anh CA. Họ yêu cầu em phải ra khỏi nhà. Em bảo em ở quê lên giúp việc, em đang ốm ra khỏi nhà thì biết đi đâu, họ vẫn cứ yêu cầu em ra khỏi nhà và em ra cửa ngồi”.

Quy trình niêm phong tài sản the chấp ngân hàng

Cửa căn hộ có thêm chốt ngoài, dán niêm phong và thông báo của VPBank. Ảnh: Báo Lao động

Liên quan đến vụ việc, ông Hoàng Anh Tuấn- Tổng giám đốc Cty Quản lý tài sản VPBank (VPBank AMC) cho biết trên Tiền Phong, đã có văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy và Công an phường Trung Hòa, khẳng định ông Nguyễn Sĩ Minh cố tình trốn tránh không trả nợ, chiếm đoạt tiền vay của VPBank trong nhiều năm. Cũng theo ông Tuấn, việc VPBank AMC thu giữ tài sản bảo đảm là phòng 1401 Tòa nhà 17T2 của ông Minh đã được thực hiện đúng quy định pháp luật.

“Tại thời điểm thu giữ, ông Nguyễn Sĩ Minh và bà Phương Thoa (vợ ông Minh – PV) không có ở nhà, cửa khóa, cán bộ VPBank AMC đã gọi điện cho ông Minh yêu cầu ông Minh về chứng kiến việc thu giữ, nhưng ông Minh nói dối là đang ở TPHCM, đến tháng 5/2015 mới về. Sau nhiều lần gõ cửa và thông báo vào bên trong tài sản bảo đảm nhưng không có tiếng trả lời, cửa khóa, nên đại diện VPBank đã thực hiện việc niêm phong tài sản bảo đảm bên ngoài với sự chứng kiến của Tổ trưởng tổ dân phố, đại diện UBND phường Trung Hòa và đại diện Công an phường Trung Hòa, không tiến hành vào trong nhà…

Sau đó, đến chiều cùng ngày (17/3), ông Nguyễn Sĩ Minh xuất hiện tại căn hộ (mặc dù trước đó nói là đang ở TPHCM) và thông báo là trong nhà có 1 người giúp việc đang ngủ, nên cán bộ VPBank AMC cùng Tổ trưởng Tổ dân phố và cán bộ Công an phường Trung Hòa đã mở niêm phong để cho người này ra ngoài - văn bản của lãnh đạo VPBank AMC nêu.

Ngoài ra, ông Hoàng Anh Tuấn còn cho rằng, ông Minh đã có hành vi cố tình gây rối trật tự công cộng, vu khống người khác, đề nghị công an xử lý nghiêm.

Ngân hàng tự phát mại tài sản bảo đảm.

Trong nhiều trường hợp, việc ngân hàng tự bán tài sản bảo đảm để thu nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, cầm cố có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí. Hơn nữa, một số trường hợp không còn tồn tại nữa hoặc không hợp tác với ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm vì cho rằng, ngân hàng đã được ủy quyền và được toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, ngoài hạn chế về tư cách bán/chuyển nhượng tài sản bảo đảm nêu trên, ngân hàng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc sau:

1. Thu giữ tài sản bảo đảm:

Ðể xử lý được tài sản bảo đảm là động sản (chủ yếu là phương tiện vận tải đường bộ và đường thủy: ô tô, tàu thủy, xà lan…), trước hết ngân hàng phải thông báo cho bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm. Ðến hết thời hạn theo thông báo mà bên bảo đảm không tự nguyện bàn giao tài sản (chậm nhất 7 ngày đối với động sản hoặc 15 ngày đối với bất động sản, kể từ ngày thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm), ngân hàng vẫn tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để niêm phong, thực hiện thủ tục bán công khai phù hợp với quy định của pháp luật. Việc thu giữ tài sản bảo đảm được lập thành văn bản có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và/hoặc cơ quan chức năng, trong đó nêu rõ căn cứ thu giữ, đối tượng thu giữ, thời gian và địa điểm thu giữ. Do pháp luật về giao dịch bảo đảm không quy định, nên khi thu giữ tài sản bảo đảm, ngân hàng phải vận dụng quy định tương tự về thi hành án, biên bản thu giữ tài sản bảo đảm được ký xác nhận của chính quyền địa phương và/hoặc cơ quan chức năng nơi tiến hành thu giữ tài sản thế chấp, cầm cố và nêu rõ việc bên bảo đảm không chịu ký biên bản nếu bên bảo đảm chứng kiến việc thu giữ đó.

Tuy nhiên, khi phương tiện vận tải đang lưu thông, thì ngân hàng khó có thể thu giữ được tài sản đó nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của công an và chính quyền địa phương. Mặt khác, trường hợp bên bảo đảm có dấu hiệu chống đối, gây cản trở cho việc thu giữ tài sản của ngân hàng, thì cơ quan công an và chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt phối hợp, hỗ trợ ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm theo đề nghị của ngân hàng. Thực tế, khi nhận được văn bản đề nghị phối hợp, hỗ trợ thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng, cơ quan chính quyền địa phương (ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn) và cơ quan công an chưa coi đấy là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình như quy định tại Ðiều 63 Nghị định số 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ, thậm chí né tránh vì quan ngại đến trách nhiệm hoặc vì lý do khác.

2. Làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua:

Căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm (có công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm), ngân hàng được quyền tự chọn phương thức xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ: bên bảo đảm tự bán tài sản bảo đảm, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm phối hợp bán tài sản bảo đảm, bán đấu giá tài sản bảo đảm, bên cho vay nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho nghĩa vụ được bảo đảm, bên nhận bảo đảm tổ chức bán công khai trên thị trường mà không phải qua thủ tục đấu giá, phương thức khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Tùy từng trượng hợp cụ thể mà ngân hàng có thể xử lý tài sản bảo đảm theo một trong các phương thức nêu trên.

Ðối với tài sản bảo đảm là động sản, phần lớn ngân hàng tự tổ chức bán tài sản công khai trên thị trường trên cơ sở vận dụng phương thức bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá (đăng báo, niêm yết thông báo bán tài sản tại trụ sở, website của ngân hàng và nơi có tài sản). Sau khi tài sản bảo đảm được bán cho người mua, bên nhận bảo đảm phối hợp với người mua làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Tuy nhiên, thực tế cơ quan công chứng yêu cầu ngân hàng ký hợp đồng với tư cách là bên bán tài sản bảo đảm phải có văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ sở hữu tài sản và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không chấp nhận ngân hàng xuất hóa đơn giá trị gia tăng vì tài sản chưa thuộc sở hữu của ngân hàng.

Về vấn đề này, ngân hàng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm với cơ quan công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản rằng, nội dung ủy quyền đã được quy định rõ trong hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản, nên ngân hàng (với tư cách là người xử lý tài sản bảo đảm) có quyền căn cứ nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm(6).

Hơn nữa, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm và được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật các Tổ chức tín dụng, các văn bản hướng dẫn Bộ luật Dân sự, giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Song, quan điểm này chưa được các cơ quan công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trên cả nước chấp thuận. Ðây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tài sản bảo đảm tồn đọng nhiều, không xử lý được, có giá trị lớn và nợ xấu chưa giảm nhanh, nhất là trong điều kiện bên bảo đảm không hợp tác, phối hợp với ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm, trả nợ.