Mã giám sinh là ai

100 Bài văn mẫu lớp 9 LỚP 9 

BÀI LÀM 

Kẻ đầu tiên mở đường dẫn lối, đưa cuộc đời Kiều rơi vào bị kịch chắc hẳn không phải ai khác ngoài Mã Giám Sinh. Biết tin gia đình Kiều gặp khó khăn, đang cần một khoản tiền lớn để cứu cha, hắn đã đến vờ hỏi cưới nàng về làm vợ lẽ nhưng thực chất đây là cuộc mua người, hắn mua Kiều để đưa vào lầu xanh. Qua đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” ta có thể thấy rõ bộ mặt của bọn buôn thịt bán người, mà cụ thể ở đây là bộ mặt thật của kẻ có tên là Mã Giám Sinh.

Nếu như Kiều, Vân, Kim Trọng, Từ Hải,… những nhân vật chính diện được Nguyễn Du dùng hình ảnh ước lệ tượng trưng để khắc họa thì trái lại, những nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh, Tú Bà thì lại được ông sử dụng bút pháp tả thực để lột tả hết cái bộ mặt xấu xa của chúng. Qua đó, ta thấy sự tài tình, tài hoa trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du. Chính điều này đã tạo nên thành công cho các sáng tác của ông và giúp Nguyễn Du trở thành đại thi hào của dân tộc. Khi tới nhà Kiều, Mã Giám Sinh đã tự giới thiệu về mình:

Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh” 
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.

Vị khách tự giới thiệu mình là sinh viên trường Quốc Tử Giám, sau đó giới thiệu quê hương, bản quán. Hai chữ “rằng” được sử dụng liền trong hai câu thơ mặt nào đã nói lên tính cách của hắn. Hắn là người thô lỗ, là bề dưới mà lại ăn nói trống không, huống hồ gì hắn còn đang nói chuyện với người chuẩn bị cũng là cha của mình. Cách nói chuyện ấy không có chút nào là nho nhã, thanh lịch của một người có học. Quê quán mà Mã Giám Sinh giới thiệu thật mông lung, mơ hồ, chỉ giới thiệu cho có nhưng thực chất, hắn sống ở Lâm Truy, “Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề”. Hắn ta chủ ý giới thiệu như thế để bịp bợm, che giấu đi nguồn gốc xuất thân thật của mình. Cả hai câu giới thiệu chỉ biết được một thông tin duy nhất là hắn mang họ Mã. Lời giới thiệu ấy đã chứa đựng điều gì mờ ám về con người này.

Tiếp theo, Nguyễn Du hướng ngồi bút của mình đến ngoại hình của người này:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. 

Nhân cách y dần được hé lộ. Cái “nhẵn nhụi” của mày râu gợi lên một ấn tượng dung tục, tầm thường, cái “bảnh bao” của quần áo gợi lên một tính cách giả dối. Cái tài của Nguyễn Du là không miêu tả dài dòng mà đi sâu vào những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu, chọn lọc thể hiện được thần thái của nhân vật. Hình dáng bên ngoài chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn. Một loạt từ phỏng đoán đứng cạnh nhau: quá, trạc, ngoại làm cho khó có thể xác định được tuổi tác, chỉ biết là ngoài bốn mươi vậy mà cách ăn mặc còn cố tỏ ra trẻ trung.

Chỉ một câu “Trước thầy sau tớ lao xao”, Nguyễn Du đã tô đậm cái cung cách đi hỏi vợ lạ đời của Mã Giám Sinh. Hắn đi hỏi vợ mà kéo theo cả bầy người như đến bắt người. Họ đều là những kẻ vô học, ra vào nhà Kiều như cái chợ, gây sự náo loạn, đó là cách hành xử vô lễ.

Tiếp đến là các hành động của hắn: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Cái lối “ngồi tót” là cách ngồi của quân chuyên buôn người. Cái ghế đấy là ghế dành riêng cho chủ nhà hoặc những vị khách quý, vậy mà hắn nhảy lên ngồi một cách vô tư, thái độ coi thường mọi người. Hành động ấy, thái độ ấy là của kẻ tiểu nhân vô học. Chỉ qua vài chi tiết, chân tướng Mã đã dần bộc lộ.

Khi bà mối dẫn Kiều ra, lúc này bản chất thật của hắn mới được bộc lộ rõ nét, đó là bản chất của bạn lái buôn lọc lõi:

Đắn đo cân sắc cân tài, 
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.” 

Hắn mang tài sắc của Kiều ra để cân đo đong đếm xem Kiều có thực sự mang lại lời cho hắn không. Trước khi đưa ra quyết định mua nàng, hắn đã bắt nàng thử tài đánh đàn và làm thơ, khi nào làm hắn vừa ý thì mới mua. Đúng là những kẻ độc ác, là người với người mà chúng lại đối xử quá tàn nhẫn. Lẽ ra cái tài ấy của nàng phải được trân trọng, đề cao thì ở đây lại bị mang ra bán như mớ rau ngoài chợ mà tên mua hàng ở đây là một kẻ vô nhân tính. Trước mắt người đọc chỉ còn lại một hiện thực trần trụi đáng sợ: Mã Giám Sinh – tên tú ông bán thịt buôn người đã lộ nguyên hình 

Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

 Hắn o ép Kiều đến bước đường cùng, hắn muốn tài sắc của Kiều hơn cả những người nghệ sĩ chuyên nghiệp mà giờ đây, sau hồi mua tới bán lui, hắn còn mặc cả từng đồng, từng xu một, Kiều càng thêm nhục nhã, đau đớn. Cuối cùng hắn mua Kiều chỉ với giá bốn trăm, vậy là cuộc mua bán này hắn đã quá lời, Kiều đã làm giàu cho hắn.

Miêu tả Mã Giám Sinh là một ví dụ điển hình cho cái tài miêu tả nhân vật của Nguyễn Du. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, bộ mặt thật của tên họ Mã đã hiện lên trần trụi, làm cho mọi người ghê rợn. Tác giả đã chọn những chi tiết đắt giá nhất để miêu tả, khắc họa tính cách nhân vật. Hắn đích thị là một kẻ buôn người, xảo trá, lọc lõi, giả dối và bủn xỉn,…

Cảnh “Mã Giám Sinh mua Kiều” đã thể hiện cái tâm và cái tài của Nguyễn Du. Qua nhân vật Mã Giám Sinh, nhà thơ đã tố cáo, lên án và khinh bỉ những kẻ buôn thịt bán người trong xã hội. Tài, sắc của người phụ nữ trở thành một món hàng, nhân phẩm của họ bị chà đạp xuống vũng bùn nhơ mà không bao giờ có thể rửa sạch được.

Nguồn website giaibai5s.com

Thành công của Nguyễn Du trong Truyện Kiều không chỉ ở tấm lòng nhân đạo cao cả, tình yêu thương vô hạn đối với con người mà còn thể hiện ở thái độ căm ghét đối với lũ người đe tiện, hèn hạ, vô nhân tính trong xã hội phong kiến đương thời. Trong đó, nhân vật Mã Giám Sinh là bức chân dung đầu tiên xuất hiện trong Truyện Kiều với những thói xấu, sự đê tiện, vô văn hóa, một kiểu con buôn điển hình.

Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều nằm ở phần đầu thư hai Gia biến và lưu lạc, mở đầu kiếp đoạn trường của người con gái họ Vương. Sau khi gia đình Kiều bị tên bán tơ vu oan, Vương Ông và Vương Quan bị bọn sai nha bắt giữ, đánh đập dã man. Nhà cửa cũng bị chúng lục soát, của cải bị vơ vét đi hết. Vì để có đủ tiền cứu cha và em ra khỏi tình cảnh khốn khổ đó, Thúy Kiều đã quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha và gia đình thoát khỏi tai họa. Đoạn này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều qua mai mối mách bảo. Tác giả miêu tả thật kĩ lưỡng bức chân dung của nhân vật Mã Giám Sinh bằng những lời lẽ khinh bỉ nhất:

Gần miền có một mụ nào,

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.

Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,

Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.

Viễn khách là khách ở xa đến. Mã Giám Sinh nghĩa là Giám Sinh họ Mã. Giám Sinh là tên học trò ở Quốc Tử Giám, trường lớn ở kinh đô thời xưa. Giám Sinh cũng có khi chỉ chức giám sinh người ta mua của triều đình. Giới thiệu Mã Giám Sinh, ngay từ đầu, tác giả đã mập mờ tung tích như chính cái bản chất đê tiện, đớn hèn của hắn.

Bút pháp hiện thực miêu tả nhân vật phản diện Mã Giám Sinh hoàn chỉnh cả về diện mạo và tính cách. Hắn có lời nói cộc lốc, vô văn hóa, con nhà thất học, hoàn toàn ngược lại với danh tính mà hắn đã giới thiệu. Khi được hỏi, hắn trả lời nhát gừng, không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi:

Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,

Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Trước thầy sau tớ lao xao,

Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.

Cái nhố nhăng, kịch cỡm và dối trá cũng thể hiện ngay trên dung mạo của hắn. Dù đã ngoài bốn mươi cái tuổi “quá niên trạc ngoại tứ tuần” nhưng Mã Giám Sinh vẫn cô tỏ ra trẻ trung “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” để đi cưới vợ. Với diện mạo của một gã trai râu cạo “nhẵn nhụi” (từ “nhẵn nhụi” thường được dùng cho đồ vật hơn là con người), ăn mặc “bảnh bao”, đỏm dáng, chải chuốt thái quá, có thể nói là diêm dúa, thành lố bịch, giả dối, không có dáng của một bậc chính nhân quân tử.

Cảnh thầy tớ nhặng xị, nhâng nháo: “trước thầy sau tớ lao xao”. Có lẽ đây đều cùng một phường buôn người nên thầy tớ không phân minh, lễ nghi không được tuân giáo. Khi vào nhà, cử chỉ của hắn thật thô lỗ, quen thói “thị của khinh người”:

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,

Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.

Ghế trên là ghế dành cho bậc cao niên, trưởng bối, là chỗ ngồi tôn kính. Mã Giám Sinh đi hỏi vợ là hàng con cháu mà lại ngồi vào đó, không những bất kính mà cử chỉ thì rất nhanh và sỗ sàng của con nhà vô học, bất phúc. “Ngồi tót” là một từ ngữ rất tượng hình miêu tả hành động vô văn hóa ấy. Chi tiết này đã tố cáo Mã Giám Sinh đích thực là một kẻ vô học, tồi bại.

Về bản chất, nhân vật Mã Giám Sinh là điển hình của bản chất con buôn lưu manh với đặc tính giả dối, bất nhân vì tiền. Giả dối từ lai lịch xuất thân mù mờ. Mã Giám Sinh xuất hiện trong vai người có học đi mua tì thiếp, tên họ và quê quán đều chẳng mấy rõ ràng. Mã Giám Sinh có thể hiểu là học sinh trường Quốc Tử Giám. Cũng có thể là chức giám sinh mua được của triều đình. Lại thêm không rõ hắn thuộc loại nào. Hắn giới thiệu quê ở xa “viễn khách” mà lại nói “cũng gần”. Như vậy, hắn đã hai lần nói dối để che dấu tung tích và dễ bề lừa gạt. Đến tướng mạo, tính danh cũng giả dối, tuổi tác đã nhiều nhưng lại cố tỏ ra tô vẽ ra cho trẻ, ra vẻ thư sinh, phong lưu, lịch sự mà “trước thầy sau tớ lao xao” rất láo nháo, ô hợp.

Bản chất bất nhân vì tiền của nhân vật Mã Giám Sinh bộc lộ qua cảnh mua bán Thúy Kiều. Bất nhân trong hành động, thái độ đối xử với Kiều lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nhan sắc, tài hoa của Kiều, hắn coi Kiều như một món hàng, coi sắc, tài của nàng chỉ như giá trị của hàng hóa cái có thể khiến hắn kiếm lời.

Đắn đo cân sắc cân tài,

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.

Sau khi đã đắn đo cân sắc, cân tài, ép đàn “ép cung cầm nguyệt”, thử tài thơ “thử bài quạt thơ”. Bằng lòng vừa ý, hắn mới “tùy cơ dắt dìu”. Bất nhân trong tâm lý lạnh lùng, vô cảm trước gia cảnh của Kiều và tâm lý mãn nguyện, hơm hĩnh: “tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”. Lời nói lúc đầu nghe có vẻ văn hoa, lịch sự, biết người biết của: “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều – Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”. Nhưng chỉ được có một câu và sự mua bán vẫn lộ liễu:

Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

Với con buôn, tiền nong là chuyện sinh tử nên đến lúc này hắn buộc phải nói nhiều đến việc mặc cả, dìm giá, tìm cách mua hàng với giá “hời nhất”. Hắn lập tức giở thói “cò kè bớt một, thêm hai” đến “giờ lâu” mới “ngã giá”. Câu thơ gợi cảnh kẻ mua, người bán đưa đẩy món hàng. Túi tiền được cởi ra, thắt vào, nâng lên, đặt xuống. Chi tiết mặc cả một cách đê tiện và trắng trợn, vừa thể hiện thực chất màn kịch “lễ vấn danh” chỉ là cảnh buôn thịt bán người trắng trợn, vừa tố cáo Mã Giám Sinh đích thị là kẻ buôn người lọc lõi đáng ghê tởm. Cái mặt nạ hỏi vợ của hắn lúc đã rơi tuột từ lúc nào.

Nhân vật phản diện Mã Giám Sinh được miêu tả bằng ngôn ngữ trực diện, bút pháp hiện thực. Nguyễn Du kết hợp nghệ thuật kể chuyện với miêu tả cảnh ngoại hình, cử chỉ, ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật hoàn hảo cả về diện mạo và tính cách, rất cụ thể, sinh động, mang ý nghĩa khái quát về một hạng người giả dối, vô học, bất nhân trong xã hội. Tất cả làm nổi bật bản chất con buôn lọc lõi của hắn. Vì tiền, y sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm con người lương thiện.

Mã Giám Sinh mua Kiều là một bức tranh hiện thực về xã hội đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du trên cả hai phương diện: vừa lên án các thế lực xấu xa, tàn bạo vừa thương cảm, xót xa trước sắc đẹp, tài năng, nhân phẩm của người phụ nữ bị chà đạp. Đoạn trích còn cho thấy tài năng, nghệ thuật của Nguyễn Du: miêu tả nhân vật phản diện bằng ngòi bút hiện thực, khắc họa tính cách nhân vật qua diện mạo, cử chỉ (khác với nhân vật chính diện bằng bút pháp ước lệ lý tưởng hóa nhân vật).

Mã giám sinh là ai
Ảnh minh họa (Nguồn internet)