Hành vi của sinh viên về sức khỏe sinh sản

admin 15 Tháng Mười Một, 2019 Dự án, Tin tức

Trong khuôn khổ Dự án  thí điểm “Giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho sinh viên Đại học Thái Nguyên”, hoạt động nghiên cứu cơ bản về “Nhận thức, thái độ và thực hành của sinh viên Đại học Thái Nguyên về Sức khoẻ sinh sản và tình dục” được Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) phối hợp với Ban quản lý dự án tại Đại học Thái Nguyên tổ chức thực hiện từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2019. Đây là hoạt động được triển khai tại 5 trường thành viên thuộc đại học Thái Nguyên gồm Sư phạm, Y-dược, Nông lâm, Công nghiệp và Khoa Quốc tế. Các đối tượng nghiên cứu bao gồm tất cả sinh viên (nam và nữ, bao gồm dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh) đang theo học tại Đại học Thái Nguyên; Lãnh đạo Hội sinh viên/Đoàn Thanh niên, Trung tâm hợp tác Quốc Tế (ICC), thuộc Đại học Thái Nguyên, Giảng viên nòng cốt của các trường thành viên tham gia dự án thuộc Đại học Thái Nguyên, Cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường thành viên tham gia dự án thuộc Đại học Thái Nguyên.

Mục đích nghiên cứu nhằm đánh giá nhận thức, thái độ và các thực hành về tình dục và tình dục an toàn của nam và nữ sinh viên tại bốn trường và một khoa trực thuộc Đại học Thái Nguyên để từ đó xây dựng chương trình giáo dục nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và có hành vi đúng đắn để bảo vệ sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục của bản thân.

Các mục tiêu nghiên cứu bao gồm: 1)Đánh giá thực trạng nhận thức, thái độ, hành vi về sức khỏe sinh sản và tình dục của sinh viên Đại học Thái Nguyên; 2) Tìm hiểu nhu cầu kiến thức, kỹ năng và phương pháp giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục cho sinh viên ĐH Thái Nguyên; 3) Đề xuất những kiến nghị cho nội dung và phương pháp giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục trong giai đoạn can thiệp của dự án trên cơ sở tìm hiểu những mô hình truyền thông hiệu quả đã và đang được thực hiện tại Thái Nguyên; 4) Cung cấp dữ liệu đầu vào cho các cuộc giám sát và đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ của dự án

Phương pháp nghiên cứu được áp dụng bao gồm cả phương pháp trưng cầu ý kiến online qua Bảng hỏi được thiết kế sử dụng trên google docs nhằm thu thập các thông tin về kiến thức, thái độ, hành vi của sinh viên về sức khỏe sinh sản và tình dục; và phương pháp phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm tập trung nhằm củng cố các ghi nhận, phân tích của nghiên cứu nói chung.

Vấn đề Đạo đức Nghiên cứu luôn được CGFED và dự án đặt lên hang đầu. Nghiên cứu chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận của Ban lãnh đạo của đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên. Các đối tượng tự nguyện tham gia nghiên cứu và có thể dừng cuộc phỏng vấn bất cứ lúc nào. Mọi thông tin được giữ bí mật và chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

admin 30 Tháng Ba, 2020 Dự án, Tin tức

Với 3.860 sinh viên tham gia khảo sát online, chiếm khoảng 19,9% tổng số sinh viên của 04 trường đại học thành viên và Khoa Quốc Tế (19.433), kết quả khảo sát cho thấy sự chưa đầy đủ trong nhận thức của sinh viên Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) về Sức khoẻ sinh sản (SKSS), sức khoẻ tình dục (SKTD). Cụ thể:

  • Nhận thức của sinh viên về các khái niệm, thuật ngữ về tình dục, đa dạng tính dục còn hạn chế:
    • Chỉ có 31% tổng số sinh viên trả lời đúng câu hỏi “Theo bạn, SKSS là gì?”;
    • Hầu hết sinh viên (86%) đồng nhất khái niệm tình dục với hành vi quan hệ tình dục;
    • 97% sinh viên biết về tình dục khác giới, tỷ lệ nhận thức về các hình thức khác thấp hơn;
    • Sinh viên biết đến xu hướng tình dục đồng tính, song tính nhưng lại không hiểu thuật ngữ “dị tính” là để chỉ sự hấp dẫn với người khác giới (chỉ 15.8% sinh viên biết về tình dục dị tính);
    • Chỉ có 51% các bạn cho rằng, tình dục an toàn còn bao gồm “không để xảy ra mang thai ngoài ý muốn” với tỉ lệ lần lượt: năm 1: 55,3%, năm 2: 52,4%, năm 3: 49,6%, năm 4: 49,4%.
  • Gần một nửa sinh viên được khảo sát không biết tới các BPTT hiện đại, như:thuốc diệt tinh trùng, miếng dán tránh thai, màng ngăn âm đạo. Biện pháp tránh thai được sinh viên có nghe nói đến nhiều nhất là vòng tránh thai (71.5%), nhưng thuốc diệt tinh trùng là lại biện pháp ít được các bạn biết tới nhất (51.8%). Sinh viên biết sử dụng bao cao su nam nhiều nhất nhưng sự tự tin trong việc sử dụng nó đúng cách lại ít nhất (90.4% so với 28.4%).
  • Nhật thức của sinh viên ĐHTN về HIV/AIDS vẫn khá hạn chế. HIV/AIDS là bệnh lây truyền qua đường tình dục được sinh viên có khả năng kể ra nhiều nhất, tuy nhiên mới gần một nửa sinh viên hiểu được chính xác khái niệm HIV (46.9%) và các nguy cơ lây truyền qua các giao tiếp thông thường: 22% sinh viên cho rằng có nguy cơ cao và 47% cho rằng có nguy cơ thấp với hành vi ăn uống cùng người nhiễm HIV/AIDS; 20,4% cho có nguy cơ cao và 46,8% cho có nguy cơ thấp khi ở chung phòng với người nhiễm HIV, hay việc bắt tay vẫn có 6,1% nguy cơ cao và 20,9% cho là nguy cơ thấp.

Bên cạnh đó, tín hiệu đáng mừng là sinh viên ĐHTN có nhận thức tương đối tốt về các biện pháp phòng ngừa lây truyền HIV: 87,7% cho rằng phải sử dụng BCS trong QHTD; 78% nghĩ rằng phải khám bệnh định kỳ; đồng thời 77,7% cho rằng phải kiểm tra ngay khi có dấu hiệu bất thường; 74% nghĩ rằng chung thuỷ một vợ một chồng, một bạn tình và 64,4% cho rằng cần phải vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục trước và sau khi QHTD.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về  giới tính, thành phần dân tộc, năm học của sinh viên trong nhận thức  về SKSS, SKTD.

Được thực hiện trong khuôn khổ dự án thí điểm “Giáo dục sức khoẻ sinh sản và tình dục cho sinh viên Đại học Thái Nguyên”, các phát hiện và kết quả nghiên cứu sẽ sở để xây dựng chương trình giáo dục tình dục nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và hành vi đúng đắn cho sinh viên liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục.

Video liên quan

Chủ đề