Giá trị của đường lối kháng chiến chống Pháp

Đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Theo thỏa thuận giữa các nước đồng minh thắng trận, quân đội Tưởng Giới Thạch vào đóng tại miền Bắc, quân Anh (theo sau là quân Pháp) vào đóng tại miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật (lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới), nhưng đều nuôi dưỡng ý đồ tiêu diệt lực lượng cách mạng và Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập chính quyền phản động tay sai. Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng: Sản xuất trì trệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết chưa khắc phục xong, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn rất phổ biến, các thế lực phản động ra sức hoạt động chống phá... "Giặc đói", "giặc dốt", "giặc ngoại xâm" đang đe dọa, vận mệnh dân tộc như "ngàn cân treo sợi tóc".

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp tiến công Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Tiếp đó, từ tháng 10/1945 - 1/1946, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm nhiều địa bàn quan trọng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, từng bước thiết lập hệ thống kìm kẹp tại cơ sở. Trong bối cảnh đó, để tránh phải đương đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một mặt nhân nhượng cho quân đội Tưởng Giới Thạch một số quyền lợi ở miền Bắc (nhận cung cấp lương thực, nhận tiêu tiền "quan kim", "quốc tệ" đã mất giá...), mặt khác kiên quyết phát động phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam chiến đấu, trực tiếp góp phần làm thất bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp.

Do gặp khó khăn ở chiến trường miền Nam, thực dân Pháp không đủ khả năng đánh chiếm ngay miền Bắc, buộc phải đàm phán với Tưởng Giới Thạch hòng tìm bước đi thích hợp. Cuối tháng 2/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết. Theo đó, thực dân Pháp nhượng bộ cho Tưởng Giới Thạch một số quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa... Ngược lại, quân Pháp sẽ ra miền Bắc thay thế quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất là chờ viện binh phát động chiến tranh. Để nhanh chóng gạt quân Tưởng về nước, đồng thời có thêm điều kiện chuẩn bị tiềm lực, ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp (Xanhtơni) bản Hiệp định sơ bộ, chấp thuận cho quân Pháp ra miền Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Tiếp đó, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước nhượng bộ cho Pháp thêm một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa ở Việt Nam. Tranh thủ thời gian hòa hoãn, nhân dân ta ra sức xây dựng lực lượng. Ngày 22/5/1946, Chính phủ ra sắc lệnh quy định Vệ quốc đoàn chính thức trở thành Quân đội quốc gia nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra, cách mạng còn có gần 1 triệu đội viên thuộc lực lượng dân quân tự vệ khắp cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh suốt chặng đường về sau.

Cuối năm 1946, sau khi có thêm viện binh, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích. Tháng 11/1946, chúng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường... đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do. Ngày 18 và ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiều ngày 19/12/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Khoảng 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, quân dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, trong đó Người khẳng định rõ: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!"…

Giá trị của đường lối kháng chiến chống Pháp

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi khắp cả nước. Đó là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta tại các thành phố, thị xã ở Bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng đánh địch. Chiến sự diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là trong các thành phố lớn. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại, nhưng với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", đồng bào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, từng góc phố. Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng. Trải qua gần 2 tháng liên tục chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, tổ chức nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài, lực lượng ta rút về hậu phương an toàn.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh đã xác lập đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính; trở thành ánh sáng soi đường cho dân tộc ta đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trên cơ sở đường lối đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genevơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Và 21 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã cắm lá cờ trên nóc Dinh độc lập, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đem lại độc lập thống nhất toàn vẹn cho đất nước.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta sau ngày 30/4/1975 đã đạt được những thành tự to lớn, quan trọng, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội của đất nước.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại và càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946); phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 và thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Thanh Sang

QPTD -Chủ Nhật, 19/12/2021, 10:24 (GMT+7)

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời chưa được bao lâu và đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Thực hiện mưu đồ xâm lược đó và được sự trợ giúp đắc lực của đế quốc Mỹ và Anh, thực dân Pháp đơn phương xóa bỏ tất cả các hiệp ước hòa bình đã ký với ta (Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946); đồng thời, tăng cường hoạt động quân sự, phá hoại công cuộc xây dựng hòa bình vừa mới được thiết lập của nhân dân ta.

Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ Nhất (19/10/1946), Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải thắng Pháp”1. Tháng 11/1946, quân Pháp gây hấn và khiêu khích ta ở Hải Phòng; đầu tháng 12/1946, gây hấn ở Thủ đô Hà Nội. Trắng trợn hơn, chiều 18/12/1946, chỉ huy quân Pháp gửi “tối hậu thư” đòi ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ. Đáp lại hành động đó và với thiện chí, khát vọng hòa bình, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiên trì đàm phán hòa bình với chính quyền Pháp, nhưng chúng ta “càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

Trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”2. Lời kêu gọi của Người đã khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc, tạo động lực thúc đẩy sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết và trí tuệ Việt Nam; với mọi thứ vũ khí sẵn có và tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Giá trị của đường lối kháng chiến chống Pháp
Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô bàn kế hoạch tác chiến trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, mặc dù tiềm lực kinh tế, quân sự và thực lực chiến tranh,… nghiêng về phía Pháp, nhưng chúng ta có ưu thế tuyệt đối về nhân tố chính trị - tinh thần. Nhân tố đó lại được thắp sáng bởi đường lối kháng chiến toàn dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; được nhân lên gấp bội từ tinh thần hiệu triệu của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Nhờ đó, chúng ta đã huy động, động viên mọi nguồn lực của đất nước, của dân tộc cho công cuộc kháng chiến. Cũng thông qua đó, lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng được rèn luyện trong chiến đấu, từng bước trưởng thành, phát triển và thực sự làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Đây là những vấn đề có tính cốt yếu, tạo cơ sở, nền tảng nhằm chuyển hóa so sánh lực lượng ta - địch trong chiến tranh, thực hiện càng đánh, càng mạnh, làm cho ta từ thế bị động, cầm cự chuyển sang thế chủ động về chiến lược để phản công, tiến công giành thắng lợi. Có thể khẳng định, cùng với đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm quật cường, bất khuất, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần Toàn quốc kháng chiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó cũng được coi là khởi nguồn để dân tộc ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm thần thánh của dân tộc.

Kế thừa và phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại trong hoạch định đường lối chiến tranh nhân dân, thực hiện tốt việc chuẩn bị về lực lượng, về thế trận, cách đánh,… đặc biệt, đã phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần, tư tưởng chiến lược cách mạng tiến công, tạo sức mạnh tổng hợp, lập nên những chiến công oanh liệt, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động, động viên toàn dân và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; kết hợp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh,… tạo thế và lực to lớn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh quốc tế, xây dựng đất nước phát triển.

Bảy mươi lăm năm đã trôi qua, nhưng tinh thần quật khởi của những ngày toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị, đã để lại nhiều bài học quý tiếp tục được kế thừa, phát huy trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và vận dụng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, biến chuyển nhanh chóng, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là tranh chấp chủ quyền biển, đảo,... diễn ra với nhiều hình thức, quy mô, tính chất căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là an ninh, an toàn không gian mạng, khủng bố, tội phạm, thiên tai, dịch bệnh,… diễn biến phức tạp. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra với nhiều biến thể mới, tác động tới nhiều quốc gia, trên các mặt đời sống xã hội. Đối với nước ta, qua hơn 35 năm đổi mới, thế và lực ngày càng được tăng cường, vị thế, uy tín trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen và diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường hoạt động chống phá bằng “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội,… với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện hơn.

Tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tập trung xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống; đồng thời, phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, những bài học trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là bài học phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần phải nắm vững và thực hiện nghiêm một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, do sớm hoạch định đường lối kháng chiến, kiến quốc đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc. Tinh thần đó được thể hiện rõ trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; đó cũng là cơ sở quan trọng để Đảng ta lãnh đạo lực lượng vũ trang và toàn dân thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần vận dụng bài học này vào quá trình xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Trước hết, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, triệt để cơ chế Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp quốc phòng. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; kịp thời chuyển hóa thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Những chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải được quán triệt sâu sắc đến mọi cấp, mọi ngành, lĩnh vực, cả hệ thống chính trị và toàn dân. Cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và hiệu quả; phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, phụ trách công tác quân sự, quốc phòng ở cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quan trọng này.

Hiện nay, mục tiêu xuyên suốt, không thay đổi của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, làm cho Quân đội mất phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu, xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, cùng với xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, toàn quân phải nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và toàn dân chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đặc biệt là thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Phải chú trọng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt của các thế lực thù địch; từ đó, có biện pháp phòng, chống hiệu quả, đảm bảo giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Hai là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Đoàn kết vốn là truyền thống quý báu và là sức mạnh vô cùng to lớn của dân tộc. Trong bối cảnh nước ta vừa mới giành được độc lập, tiềm lực kinh tế, quân sự còn nhỏ bé,… nguy cơ thù trong, giặc ngoài đe dọa thì đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của dân tộc. Vì thế, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân cho cuộc kháng chiến. Bằng sức mạnh tổng hợp đó, chúng ta đã kìm chân địch trong các đô thị thời gian dài, tạo điều kiện cho các cơ quan của Trung ương, Chính phủ và các tổ chức di chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng bài học quan trọng này trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân; trong đó, tập trung xây dựng và phát huy các tiềm lực: chính trị - tinh thần, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, đối ngoại của nền quốc phòng toàn dân. Vấn đề cốt lõi là, cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, phải tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên các khu vực, địa bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược.

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng “thế trận lòng dân” phải hết sức coi trọng xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc và trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thường xuyên gần dân, trọng dân, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Muốn vậy, các cấp, các ngành phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm cho mọi người dân nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Toàn quân phải thực hiện tốt công tác dân vận, củng cố, nâng cao mối quan hệ đoàn kết quân dân; đồng thời, coi trọng kỷ luật dân vận nhằm giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ và Quân đội. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng nhằm giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Giá trị của đường lối kháng chiến chống Pháp
Nguồn: binhphuoc.gov.vn

Ba là, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân; trong đó, Quân đội nhân dân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Vì thế, khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, với khoảng thời gian rất ngắn, chúng ta đã hình thành được 27 trung đoàn ở miền Bắc và 30 đơn vị vũ trang tập trung cấp chi đội và tiểu đoàn ở Nam Bộ với quy mô trên 85 nghìn người. Đây thực sự là cơ sở, tiền đề quý giá để lực lượng vũ trang ta không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; là nhân tố giữ vai trò quyết định thắng lợi ngay từ những ngày đầu và suốt quá trình kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bài học về tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ), trong đó tập trung xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị gắn bó máu thịt với nhân dân, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân luôn được giữ vững và phát huy. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Chú trọng xây dựng Quân đội cả về con người và vũ khí, trang bị; trong đó, xây dựng con người là trung tâm, nhân tố quyết định trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị và điều kiện của đất nước; đồng thời, phát triển cân đối giữa các lực lượng, phù hợp với thế trận phòng thủ trên các vùng, miền và hướng chiến lược của đất nước. Trong đó, ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược, trọng điểm. Tiếp tục xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, bảo đảm chất lượng, nhất là chất lượng về chính trị, khả năng tác chiến trong các tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”; có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trước hết là chất lượng về chính trị; tổ chức biên chế tinh, gọn, chặt chẽ; trang bị, vũ khí phù hợp; được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương, cơ sở.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo theo Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; sát thực tế chiến đấu, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến, tổ chức biên chế, sự phát triển của vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, xây dựng niềm tin vào cách đánh, vũ khí, trang bị hiện có. Đặc biệt, tập trung tạo sự chuyển biến về chất lượng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại; huấn luyện, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, diễn tập đối kháng trong các môi trường và tác chiến khu vực phòng thủ, làm cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của Quân đội. Cùng với đó, Quân đội phải thực hiện tốt chức năng “Đội quân chiến đấu, Đội quân công tác” trong thời bình, sẵn sàng cùng với nhân dân ứng phó kịp thời, hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, mặc dù so sánh về tiềm lực kinh tế, quân sự cũng như trình độ tác chiến của ta còn kém địch, song bằng thế trận được tạo lập và xây dựng rộng khắp, hiểm hóc, linh hoạt, chúng ta đã kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt và đập tan chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc địch phải đánh lâu dài, sa lầy và thất bại.

Vận dụng bài học đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới” và Nghị định số 21/2019/NĐ/CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh vững chắc. Tập trung xây dựng đồng bộ, toàn diện các tiềm lực trong khu vực phòng thủ; trong đó, quan tâm xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Thực hiện tốt việc kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, biển, đảo, nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Quan tâm ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng công trình phòng thủ trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, hậu cần, kỹ thuật, khu vực phòng thủ then chốt, sở chỉ huy các cấp, chốt chiến dịch gắn với phòng thủ dân sự, tạo lập thế trận rộng khắp, liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc giữa các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố với phòng thủ quân khu và trên từng hướng chiến lược, sẵn sàng cho các tình huống quốc phòng, an ninh.

Quan điểm chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân là quan điểm cơ bản, nhất quán trong đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, thể hiện tập trung, sâu sắc quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng, quan điểm thực tiễn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải được quán triệt, nhận thức đúng. Quan điểm này xác định lực lượng quần chúng và yếu tố chính trị - tinh thần là sức mạnh to lớn quyết định thắng lợi của chiến tranh. Chính vì vậy, cần chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, phát huy nhân tố con người, đồng thời từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng quốc phòng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân hiện nay cần gắn với tổ chức, bố trí lực lượng với xây dựng các tiềm lực của đất nước, sẵn sàng triển khai, chuyển hóa các tiềm lực thành thực lực quốc phòng một cách đồng bộ theo ý định, kế hoạch chiến lược trên toàn lãnh thổ, bảo đảm thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Trên các hướng, địa bàn chiến lược, cần bố trí lực lượng cân đối, hợp lý giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, lực lượng của địa phương và bộ đội chủ lực, giữa các quân chủng, binh chủng, lực lượng, ngành; tạo thế trận tổng hợp, vững chắc, phát huy tối đa sức mạnh của các lực lượng, bảo đảm khả năng tác chiến trên mọi môi trường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến năm nay trong điều kiện thời gian đã lùi xa, tình hình thế giới, trong nước đã có nhiều thay đổi, song giá trị, ý nghĩa cùng những bài học rút ra từ Toàn quốc kháng chiếnđến nay vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, không chỉ là cơ sở để xây dựng niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, truyền thống yêu nước, phát huy ý chí tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là động lực, quyết tâm để chúng ta phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhất là các phương châm, giải pháp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tướng, TS. PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
____________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 133.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.