Đánh giá tổng quan các ngành 2023 ở việt anm năm 2024

Vào thời điểm đại dịch COVID-19 ập tới, hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng bị tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, thương tổn lớn nhất chắc chắn phải kể tới Du lịch.

Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, trong “cơn lũ” suy thoái kinh tế hậu COVID-19 thì ngành du lịch Việt Nam không chỉ là phục hồi mà còn đang trên đà phát triển. Du lịch cũng là một trong số những ngành nghề hiếm hoi cho thấy dấu hiệu tích cực ở thời điểm hiện tại và rất có thể là trong cả thời gian tới.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2023 và Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023 vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố đã cho thấy, sự phục hồi ngoạn mục của các công ty lữ hành và hệ thống khách sạn dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Theo đó, bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2023 và Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2023 được xây dựng dựa trên các đánh giá, xếp hạng của 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính từ năm 2022 đến nay; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-12/2023.

Có thể khẳng định, ngành du lịch Việt Nam 2023 đã có những dấu mốc tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia, lượt khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Như vậy, dù chưa kết thúc năm nay 2023, nhưng ngành Du lịch đã vượt xa mục tiêu lần 1 (đón 8 triệu lượt khách quốc tế) và đạt trên 85% mục tiêu mới (đón 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế).

Trong tổng số hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 9,8 triệu lượt người, chiếm 87,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1,3 triệu lượt người, chiếm 11,9% và gấp 4,1 lần; bằng đường biển đạt 87,9 nghìn lượt người, chiếm 0,8% và gấp 102,8 lần.

Được biết, Chính sách thị thực (hay visa) thông thoáng tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn là một trong những lý do khiến 3 tháng gần đây khách nước ngoài đến Việt Nam liên tục tăng.

Hướng tới mục tiêu đón 14-15 triệu lượt khách năm 2024

Theo các báo cáo, dòng khách quốc tế có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt, khi tình hình thế giới trong năm có nhiều biến động như xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế ở các thị trường du lịch chính như Mỹ và châu Âu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn với giá cả phù hợp. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.

Trong khi đó, chuyên trang du lịch uy tín của Mỹ Travel off Path quảng bá rằng Việt Nam sở hữu nhiều cảnh đẹp đến khó tin và văn hóa phong phú... đồng thời là điểm đến hấp dẫn thứ 2 tại châu Á trong dịp nghỉ lễ cuối năm và đón năm mới.

Với những nỗ lực và cố gắng, ngành du lịch Việt Nam đã nhận “cơn mưa” giải thưởng tại Lễ trao giải World Travel Awards 2023 - Sự kiện được cho là tạo cơ hội rất tốt để các quốc gia quảng bá ngành du lịch ra toàn cầu.

Theo ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report, có 71,4% khách sạn tham gia khảo sát cho biết tổng số lượt khách mà họ phục vụ đã tăng trên 100% trong năm 2023 so với năm 2022. Điều này cho thấy, khả năng hồi phục mạnh mẽ của thị trường khách sạn tại Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng của ngành du lịch-khách sạn năm 2024, ông Vinh cho hay, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu sẽ đạt mục tiêu đón 14-15 triệu lượt khách nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh. Qua khảo sát doanh nghiệp ngành du lịch-khách sạn, có đến 66,7% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành này sẽ khả quan hơn một chút trong năm 2024.

Theo đó, chỉ tiêu về doanh thu là chỉ tiêu được các doanh nghiệp kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh nhất: 92,9% doanh nghiệp kỳ vọng chỉ tiêu này sẽ tăng trong năm 2024 và 85,7% doanh nghiệp tin tưởng vào sự tăng trưởng về lợi nhuận.

Tuy nhiên, song song với những điểm tích cực nêu trên, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Điển hình như tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực của ngành. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm,...

Nếu như vào thời điểm cách đây gần 2 năm, khách nội địa được cho là “đòn bẩy” để kích cầu, phục hồi ngành du lịch sau COVID-19 thì cho tới thời điểm hiện tại lại ghi nhận những sự suy giảm rõ rệt.

Nhìn lại cùng kỳ năm 2022, khi thị trường inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) còn yên ắng, thị trường nội địa đã đạt mức phục hồi vượt ngưỡng 2019.(101 triệu lượt so với 95 triệu lượt). Tuy nhiên, cho tới tháng 11 năm nay, con số dừng lại ở khoảng 99 triệu lượt khách nội địa.

Theo chuyên trang Booking.com thì một trong số những bất ngờ lớn từ nhu cầu của khách nội địa đó là việc chuyển hướng sang đi du lịch nước ngoài. Theo đó, Thái Lan đã trở thành điểm đến yêu thích của gần 1 triệu du khách Việt Nam trong năm 2023. Xứ sở chùa vàng có nhiều nét tương đồng về địa lý, văn hóa, thậm chí, Việt Nam còn nhỉnh hơn Thái về khía cạnh thiên nhiên. Nhưng thay vì chọn Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang… khách Việt lại "quay xe" chọn Phuket, Chiang Mai, Bangkok…

Ngoài Thái Lan thì các điểm đến ưa thích tiếp theo của một bộ phận du khách Việt Nam là: Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Singapore và Vương quốc Anh.

Cũng theo Booking.com thì top 10 điểm du lịch được người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2023 đó là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Sapa và Mũi Né.