Đánh giá câu chuyện thi gvcn giỏi cấp tiểu học

Hội thi giáo viên chủ nhiệm (GVCN) giỏi do Phòng GD-ĐT Tam Kỳ tổ chức là dịp để các giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố trao đổi kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm.

Chia sẻ kinh nghiệm

Bên cạnh công tác giảng dạy, GVCN lớp là người gần gũi nhất đối với học sinh trong mọi hoạt động, sinh hoạt ở nhà trường. Đặc biệt là trong bối cảnh bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, bên cạnh phụ huynh và nhà trường, GVCN càng có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Tâm Hiền - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ cho biết, hội thi GVCN giỏi được phòng tổ chức 2 năm một lần, không chỉ là dịp để đánh giá thực trạng, năng lực, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên mà còn phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, từ đó tăng cường năng lực chuyên môn và năng lực quản lý của giáo viên. Cô Trương Thị Thanh Dương, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền cho hay, hội thi là cơ hội để giáo viên thể hiện năng lực và trao đổi kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm, từ đó có cách giáo dục học sinh tốt hơn. “Qua hội thi, tôi có thêm kinh nghiệm về cách giáo dục, dạy dỗ học sinh, chia sẻ về cách xử lý tình huống sư phạm và những câu chuyện có thật trong công tác chủ nhiệm lớp của các giáo viên” - cô Dương nói.

Đánh giá câu chuyện thi gvcn giỏi cấp tiểu học
Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ trao giải nhất cho 2 thí sinh đoạt giải tại cuộc thi “Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi” cấp thành phố. Ảnh: C.N

Trong khi đó, cô Trần Thị An - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền nhận định, với người làm công tác chủ nhiệm, có kinh nghiệm là điều rất tốt, nhưng quan trọng nhất vẫn là cái tâm người thầy giáo. Người thầy có cái tâm mới dành thời gian quan tâm sâu sát học sinh, nắm rõ hoàn cảnh từng em, đặc biệt là những học sinh khó khăn, học sinh cá biệt để từ đó có hình thức giáo dục phù hợp, hướng đến mục đích cuối cùng là giúp học sinh trở thành người tốt. Thầy Nguyễn Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ nhận xét, những câu chuyện về người thật, việc thật trong quá trình làm công tác chủ nhiệm mà các thầy cô mang đến hội thi tuy khác nhau về tình huống, diễn biến nhưng đều có một điểm chung là thấm đẫm tình yêu thương, tình thầy trò. Điều đó cũng cho thấy sự tâm huyết và quan tâm của giáo viên nói chung, GVCN nói riêng đối với học trò và với nghề giáo.

Tình thương và trách nhiệm    

Trao danh hiệu “Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố” cho 119 giáo viên
Hội thi GVCN giỏi năm học 2015-2016 do Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ tổ chức từ ngày 19 đến 24.5 thu hút 26 giáo viên cấp tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố tham gia. Thí sinh dự thi trải qua 2 nội dung thi. Phần thi viết về kỹ năng chủ nhiệm lớp với những kiến thức và cách ứng xử trong công tác chủ nhiệm với thời gian 60 phút. Ở phần thi kể chuyện, mỗi thí sinh kể lại một việc làm có ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân trong công tác chủ nhiệm lớp và trả lời câu hỏi do Ban giám khảo đưa ra có liên quan đến nội dung câu chuyện.
Kết quả, Ban Tổ chức trao 4 giải nhất cho các cô Dương Thị Thu Hương (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu), Lê Thị Xuân Thủy (Trường Tiểu học Nguyễn Hiền); Nguyễn Thị Hà Đông (Trường THCS Lý Tự Trọng) và Bùi Thị Thanh (Trường THCS Lý Thường Kiệt). Ngoài ra, còn trao 8 giải nhì, 14 giải ba cho các thí sinh khác. Dịp này, Phòng GD-ĐT Tam Kỳ còn trao danh hiệu “Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp thành phố” cho 119 giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn.

Câu chuyện về cậu học sinh cá biệt của thầy Lương Văn Nhiều, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân kể tại hội thi đã để lại nhiều ấn tượng đối với người nghe. Bốn mươi năm đứng trên bục giảng cũng là chừng ấy năm thầy Nhiều làm công tác chủ nhiệm lớp với nhiều tình huống: học sinh lười học, trốn học đi chơi, đánh nhau, nói dối cha mẹ để xin tiền chơi game... Đáng nhớ nhất là trường hợp của học sinh Đ.V.P. Năm học 2014 - 2015, thầy Nhiều chủ nhiệm lớp 5, trong đó có em P. là học sinh cá biệt, bị khuyết tật trí tuệ. P. không chịu học và thường xuyên chọc phá, không cho các bạn cùng lớp theo dõi bài và tỏ ra chống đối GVCN. Thầy Nhiều tìm hiểu nguyên nhân thì được biết cha mẹ P. ly hôn, em ở với bà nội, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ đó, thầy dành nhiều thời gian quan tâm đến P. cả trong giờ học lẫn giờ chơi. Sau một thời gian cùng học, cùng chơi, gần gũi chia sẻ, P. dần tiến bộ. Mỗi cố gắng, dù nhỏ, của P. được thầy kịp thời biểu dương trước lớp. Đáng mừng, chỉ sau một học kỳ, P. tiến bộ rõ rệt và bây giờ đã trở thành học sinh ngoan ở cấp THCS. Thầy Nhiều đúc kết: “Để giáo dục học sinh trong các trường hợp như vậy, ngoài vai trò người dạy học thuần túy, giáo viên còn phải đóng vai trò của một nhà tâm lý học. Giáo dục học sinh bằng tất cả tình thương của người thầy và của một người thân trong gia đình, học sinh sẽ nhanh tiến bộ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà Đông - giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng kể về những “chuyến đò” gian nan mà hạnh phúc khi làm công tác chủ nhiệm. Cô Hà Đông nhớ lại T.H.Q., học  sinh lớp 8 mà cô chủ nhiệm năm học 2012-2013. Q. nghịch có tiếng, lưu ban 2 năm, gia đình không quan tâm. Vậy mà sau những thủ thỉ, tâm tình của cô giáo chủ nhiệm, Q. trở thành học sinh ngoan. Sau khi học xong lớp 9, không có điều kiện đến trường, Q. đã vào TP.Hồ Chí Minh học nghề và thường xuyên gọi điện hỏi thăm cô chủ nhiệm cũ. Mỗi khi về quê, Q. đều đến thăm cô. Q. tâm sự: “Em thay đổi và biết ơn cô Hà Đông vì sự hy sinh của cô. Dù có con nhỏ, bận bịu và vất vả nhưng cô vẫn còn dành thời gian lo lắng cho một người như em”.

CHÂU NỮ