Đa đảng là gì

.

Cập nhật lúc: 07:38, 01/02/2022 (GMT+7)

(LĐ online) - Như đã nói ở bài trước, không phải đến bây giờ Hà Sĩ Phu mới thể hiện thái độ nặng “mùi” khoe chữ nghĩa, thường “quy nạp không hoàn toàn”, suy đoán và định kiến, “cả vú lấp miệng em” nhằm vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Dễ hiểu thôi vì Hà Sĩ Phu đã tuyên bố: “Chia tay ý thức hệ” mà! Lần này, lấy cớ tranh luận đề tài “Tiên học Lễ hậu học Văn”, Hà Sĩ Phu kích động: “và do đó, cái cần phải bãi bỏ càng sớm càng tốt chế độ độc tài toàn trị mà đảng này áp đặt lên toàn bộ đất nước chứ không chỉ bãi bỏ câu khẩu hiệu vốn đã bị xếp xó…”. Những luận điệu đó không mới, thường được phát ra từ cửa miệng của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đa nguyên, đa đảng.

Có thể nói, ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng. Đó là điều khẳng định dứt khoát có cơ sở khoa học.

Trước hết, nhìn từ góc độ lý luận, chế độ đa nguyên, đa đảng xuất hiện rất sớm từ đầu thế kỷ XVIII. Thời điểm đó, giai cấp tư sản đóng vai trò là lực lượng tiến bộ, tích cực đi tiên phong trong đấu tranh chống phong kiến, bảo vệ quyền bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do dân chủ tư sản. Chủ nghĩa đa nguyên - một trường phái triết học xã hội tư sản do nhà triết học Đức Christian Wolff (1679 - 1754) đề xuất đầu thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa đa nguyên phủ định tính thống nhất của thế giới, cường điệu cái riêng, phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp; chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng phái này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. 

Vì thế, đây là học thuyết phi mác xít, không thể áp dụng quan điểm này vào chủ nghĩa xã hội được. Bởi lẽ, nó sẽ dẫn tới hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân, thập chí có nguy cơ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Và như thế, chủ nghĩa đa nguyên là sản phẩm của giai cấp tư sản với thế giới quan phi khoa học, trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, ở Việt Nam không có chỗ đứng cho chủ nghĩa đa nguyên - một thứ cơ sở lý luận cho việc thực hiện chế độ đa đảng.

Thứ hai, trên phương diện thực tiễn: 92 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo đất nước là bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đánh dấu một dấu son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tồn tại là quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử, là kết quả của quá trình chuẩn bị đẩy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của các chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Điểm qua một số giai đoạn lịch sử: Thời kỳ 1930 - 1945, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không cần thêm bất cứ một tổ chức, đảng phái chính trị nào khác lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau thành lập Đảng, từ cao trào Xô viết Nghệ tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945, mặc dù có lúc cách mạng bị dìm trong máu lửa. Chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta bị xóa bỏ, một kỷ nguyên mới mở ra, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - đó chính là công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, không ai phủ nhận được.

Trong cuộc trường chinh 30 năm (1945 - 1975), kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và Cuộc Tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một lần nữa lịch sử và Nhân dân lại lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ này, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, hai đảng này chưa bao giờ đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam mà đều ủng hộ, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau này (1988) hoàn toàn tự nguyện giải tán. 

Từ sau năm 1975 đến nay, nền chính trị nhất nguyên với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được củng cố, phát triển đã một lần nữa khẳng định tính tất yếu khách quan: Đảng Cộng sản Việt Nam được lịch sử giao phó sứ mệnh nắm quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam mà không cần sự tồn tại của nhiều Đảng. Với bản lĩnh, trí tuệ, “là đạo đức, là văn minh”, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, vượt qua khủng hoảng về kinh tế - xã hội đang phát triển năng động. Liên hệ hiện nay, năm 2021, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh. Với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, Đảng và Nhà nước Việt Nam có nhiều chủ trương, quyết sách đồng bộ; vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân đã chặn đứng sự hoành hành của đại dịch Covid-19. 

Đất nước đang thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với cuộc sống “bình thường mới”; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, nhất là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Chính thực tế này đã khẳng định, ở Việt Nam hiện nay không cần đa đảng. 

Những vấn đề Hà Sĩ Phu đề cập ở phần cuối của bài viết vẫn là một trong những luận điệu tuyên truyền được các thế lực thù địch tập trung tung hô, cổ xúy nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để “có dân chủ và phát triển” (!?). Họ cho rằng “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài” (?!); Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ “thực sự” (?!)… 

Nhiều người đã biết, dân chủ là phạm trù lịch sử, xuất hiện khi có nhà nước vì mỗi nền dân chủ phải gắn với một nhà nước nhất định, được pháp luật quy định. Dân chủ còn tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Thực tế cho thấy, thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo hoàn toàn không đồng nghĩa với mất dân chủ, kém phát triển và dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng. 

Trên thế giới hiện nay, có không ít những nước đa đảng, nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là những nước nghèo, kém phát triển; ngược lại cũng có những nước chỉ một đảng lãnh đạo, nhưng dân chủ vẫn được bảo đảm, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống Nhân dân sung túc. Điều đó minh chứng là đa nguyên, đa đảng không phải là cứu cánh cho dân chủ và sự phát triển, càng không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn.

Các lập luận của những người muốn thực hiện đa đảng ở Việt Nam thường lấy “thực tiễn” ở các nước tư bản để minh chứng, dẫn tới một số người do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin nên đã ít nhiều tin vào những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch mà ngộ nhận tưởng rằng cứ nhiều đảng cạnh tranh thì sẽ dân chủ hơn, xã hội phát triển hơn.

Nếu nhìn sang một số nước tư bản hiện nay, nhất là nước Mỹ với sự tồn tại 112 đảng nhưng chỉ có hai đảng (Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa) thay nhau cầm quyền. Tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập, nhưng xét về bản chất chỉ là một đảng - đảng của giai cấp tư sản. Vì thế, dù Đảng Dân chủ hay Cộng hòa nắm quyền, cũng đều là đảng của giai cấp tư sản, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản; dân chủ ở Mỹ không có gì khác là nền dân chủ tư sản, nền dân chủ chỉ dành cho một bộ phần thiểu số, một số ít người trong xã hội. 

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân - yếu tố bản chất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thập chí chỉ là 1% dân số nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới ¾ nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào “99 chống lại 1” diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước. Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không cần thiết” (Tạp chí Cộng sản số 966 - Tháng 5 năm 2021). 

Chính người Mỹ, Paul Mishler - Giáo sư trường Đại học bang Indiana đã chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng phân hóa xã hội ở Mỹ: “Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học… đều do lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra; nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là Đảng Cộng hòa hay Dân chủ” (Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 7 (106) 2009.tr.87-89).

Quan điểm một đảng thì mất dân chủ, cản trở sự phát triển, còn đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển là sai trái. Đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này.

Nếu theo lập luận của các “nhà dân chủ” đòi đa nguyên, đa đảng thì Malaisia, Singapore là những nước có một đảng duy nhất cầm quyền mấy chục năm qua lại là những nước mất dân chủ hay sao ?

Dân chủ và phát triển không tỷ lệ thuận với số lượng các đảng mà quốc gia đó có. Điển hình như hiện nay, Acmenia có khoảng 40 đảng, Hà Lan 25 đảng, Na uy 23 đảng… nhưng rõ ràng ta không thể kết luận nước này dân chủ hơn nước kia từ số lượng đảng đang có. Ở Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền, còn 8 đảng phái dân chủ khác, nhưng vẫn chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở Cuba, Lào cũng chỉ có một đảng cầm quyền. Trên thế giới hiện nay có hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng. Điều đó cho thấy rằng chế độ chính trị do một đảng cầm quyền không phải là đặc điểm chỉ có ở các nước đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo và càng không phải các nước theo chế độ một đảng sẽ không có dân chủ, đất nước không phát triển!

Xin trích bài viết của người dân xứ Đạo là ông Trần Mạnh Tường - Chánh Trương Xứ Cách Tâm, xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đăng trên số Báo Nhân Dân số 24192 ngày 20/01/2022: “92 năm qua kể từ ngày thành lập (3/2/1930 - 3/2/2022), Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy tụ sức mạnh đoàn kết, niềm tin của tất cả các giai cấp, giai tầng và của toàn dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập chủ quyền được giữ vững, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống mọi mặt của Nhân dân được cải thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế…”. 

Như vậy, vấn đề chủ yếu đối với một đảng cộng sản cầm quyền là cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và theo pháp luật trên cơ sở giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức của đảng, của cán bộ, đảng viên và gắn bó máu thịt với Nhân dân. 

Vì lẽ phải, vì sự trường tồn của quốc gia - dân tộc, tựa vào lòng người, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vững mạnh, tự tin, vững bước trên con đường đã chọn.

HÀ PHÚC LÂM