Các phương pháp lựa chọn công nghệ thích hợp

Công nghệ thích hợp (tiếng Anh: Appropriate technology) là công nghệ đạt được các mục tiêu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với bối cảnh xung quanh.

Các phương pháp lựa chọn công nghệ thích hợp

Hình minh hoạ (Nguồn: brandeis)

Khái niệm

Công nghệ thích hợp trong tiếng Anh được gọi là appropriate technology.

Công nghệ thích hợp là công nghệ đạt được các mục tiêu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với bối cảnh xung quanh.

Căn cứ xác định

Căn cứ xác định công nghệ thích hợp

Sự thích hợp của một công nghệ không phải do bản chất của công nghệ đó quyết định, mà được quyết định bởi mục tiêu và các yếu tố của bối cảnh xung quanh công nghệ. 

Vì vậy, để xác định xem một công nghệ có thích hợp hay không người ta căn cứ vào mục tiêu đề ra đối với công nghệ, các yếu tố của bối cảnh xung quanh và thời gian.

Mục tiêu

Nói chung để thích hợp thì công nghệ phải phát huy tối đa được các tác động tích cực và hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực. 

Tuy vậy, một tác động cụ thể có thể là tích cực hoặc tiêu cực phụ thuộc vào việc ai là người đưa ra phán xét, chẳng hạn, công nghệ có mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao có thể là tốt đối với chủ doanh nghiệp vì phải trả chi phí lao động thấp hơn.

Nhưng đối với người đứng đầu tổ chức công đoàn của doanh nghiệp thì đó là một tác động tiêu cực vì khi chủ doanh nghiệp chuyển từ công nghệ sử dụng nhiều lao động sang công nghệ sử dựng ít lao động hơn thì sẽ có một số công nhân sẽ bị mất việc làm.

Nguyên tắc

Việc phát triển công nghệ thích hợp phải tuân thủ các nguyên tắc sau

- Cân đối: một chiến lược cân đối cần phát triển công nghệ trong các lĩnh vực có thể; điều này đảm bảo sự độc lập công nghệ và kéo theo là độc lập về kinh tế và chính trị. 

Chẳng hạn, nếu không phát triển công nghệ lúa gạo Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thiếu gạo thì chúng ta không thể mua được đủ ở đâu để đáp ứng cho nhu cầu trong nước.

- Không thiên vị: trong một quốc gia có rất nhiều nhóm dân cư với thu nhập chênh lệch nhau rất nhiều và khác biệt về rất nhiều khía cạnh khác vì vậy sự phát triển công nghệ phải xem xét đến quyền lợi của tất cả các nhóm dân cư trong xã hội.

- Liên tục phải xem xét lại: bối cảnh xung quanh và mục tiêu là các yếu tố liên tục biến đổi theo thời gian, vì vậy chiến lược phát triển công nghệ cũng phải liên tục được điều chỉnh.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản lí công nghệ, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế quốc dân)

Diệu Nhi

1. Khái niệm về công nghệ

Hiện nay có nhiều khái niệm về công nghệ, theo Ủy ban kinh tế và xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Economic and Social Commission for Asia and the Pacific – ESCAP) đưa ra: “Công nghệ là kiến thức có hệ thống về quy trình và kỹ thuật dùng để chế biến vật liệu và thông tin. Nó bao gồm kiến thức, kỹ năng, thiết bị, phương pháp và các hệ thống dùng trong việc tạo ra hàng hóa và cung cấp dịch vụ”. Trong luật khoa học và công nghệ của Việt Nam, quan niệm: “Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện, dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”.

Theo các khái niệm trên, công nghệ bao gồm 2 phần:

- Phần cứng: bao gồm các máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ, nhà xưởng.

- Phần mềm: bao gồm:

  • Con người: tức là đội ngũ lao động có sức khỏe, có kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm sản xuất, làm việc có kỷ luật và có năng suất cao.
  • Thông tin: đó là các phương pháp, quy trình bản vẽ, dữ liệu, thuyết minh, mô tả sáng chế, bí quyết, chỉ dẫn kỹ thuật, cataloge…
  • Tổ chức: bao gồm những bố trí, sắp xếp đào tạo đội ngũ, cơ chế điều hành, kiểm tra, chuẩn mực, lề lối quan hệ…

2. Các căn cứ lựa chọn công nghệ cho dự án.

Khi lựa chọn công nghệ cho dự án, phải dựa vào các điều kiện sau:

- Các yêu cầu về chủng loại sản phẩm, số lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm của dự án.

- Công suất của dự án được dự tính ở bước trước

- Các loại máy móc và dây chuyền công nghệ hiện có trên thị trường với các thông số kỹ thuật và kinh tế khác nhau có thể áp dụng cho dự án.

- Khả năng cung cấp đầu vào về vốn, vật tự, máy móc, nhân lực, nhất là tính chất của nguyên vật liệu được áp dụng.

- Trình độ hiện tại của công nghệ định áp dụng

- Yêu cầu về bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện lao động

- Các kết quả của tính toán, so sánh hiệu quả kinh tế của các phương án công nghệ.

3. Yêu cầu đối với công tác lựa chọn công nghệ cho dự án

Để sản xuất một sản phẩm có thể có nhiều công nghệ khác nhua. Sự khác nhau này thể hiện ở quy trình sản xuất, mức độ hiện đại, công suất, giá cả… Nhiệm vụ của người soạn thảo dự án là phải lựa chọn được công nghệ thích hợp. Một dây chuyền công nghệ được coi là thích hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay là:

- Cho phép sản xuất ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu.

- Cho phép sử dụng có hiệu quả những lợi thế so sánh của Việt Nam là: sức lao động, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu…

- Hạn chế tới mức tối thiểu việc sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng nhập khẩu.

- Nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.

- Giá cả công nghệ phải hợp lý, nếu là công nghệ nhập khẩu thì giá cả nên phù hợp với nguồn ngoại tệ khiêm tốn của đất nước.

- Phù hợp với kiến thức và trình độ khoa học của công nhân Việt Nam, nếu không phù hợp thì phải có kế hoạch đào tạo.

- Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Đối với những ngành kinh tế mũi nhọn nên lựa chọn công nghệ tiên tiến để đảm bảo sức phát triển cao của ngành.

- Ngoài ra, khi lựa chọn công nghệ cho dự án, người soạn thảo cần lưu ý những điểm sau:

- Nên xây dựng nhiều phương án với những đặc điểm khác nhau để lựa chọn công nghệ thích hợp.

- Cần chú ý đến việc đảm bảo quyền sở hữu công nghiệp và việc sử dụng tên hoặc các dấu hiệu thương mại hóa hàng hóa bởi đây là những yếu tố làm tăng cường sức tiêu thụ cho hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Chẳng hạn, việc sản xuất các động cơ điện, các hàng điện tử, các phương tiện vận chuyển, nếu sử dụng tên, nhãn hiệu quốc tế của nó thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu thụ.

- Về nguồn cung cấp công nghệ, có thể tìm kiếm thông tin thông qua chào hàng của các hãng cung cấp thiết bị, hoặc thông qua các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước đã từng có quan hệ với việc sản xuất sản phẩm mà dự án dự kiến sản xuất. Các tổ chức cố vấn kỹ thuật cũng thường là nguồn cung cấp thông tin có giá trị…

- Có thể mua công nghệ bằng một trong các hình thức sau: thuê, mua đứt, liên doanh với nhà cung cấp kỹ thuật… Với mỗi hình thức cần phải phân tích kỹ mọi mặt như lợi ích – chi phí? Có thuận lợi cho quá trình thanh toán không?...

4. Nội dung và trình tự lựa chọn công nghệ cho DA

Việc lựa chọn công nghệ cho dự án phải theo trình tự sau:

4.1 Định hướng trình độ hiện đại của công nghệ

Trước khi đi vào lựa chọn phương án công nghệ cần phải định hướng xem nên áp dụng công nghệ với mức độ hiện đại như thế nào. Với các dự án đầu tư mũi nhọn, có thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài và lớn, hiệu quả đảm báo và được đảm bảo nguồn vốn đầu tư thì nên đi ngay vào áp dụng công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ cần tránh sử dụng những công nghệ quá mới mẻ hoặc đang thử nghiệm. Một công nghệ hiện đại chưa hẳn lúc nào cũng là tốt nhất bởi các công nghệ này thường đòi hỏi chi phí rất lớn, đòi hỏi phải có một kiến thức và trình độ khoa học cao để sử dụng mà thường các nước đang phát triển như nước ta chưa có được.

Công nghệ hiện đại thường tạo ra một lượng sản phẩm lớn có thể vượt quá khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước hoặc vì có chất lượng quá cao nên giá thành quá đắt không phù hợp với thu nhập của đa số dân cư trong nước. Tuy nhiên, cũng không nên chọn những công nghệ đã lỗi thời, kém hiệu năng, tạo ra sản phẩm kém chất lượng.

4.2 Xác định dây chuyền công nghệ

Đối với các công nghệ được nhập khẩu toàn bộ thì với mỗi phương án công nghệ cần làm rõ các nội dung sau: phải mô tả đầy đủ các công đoạn, nguyên lý hoạt động về mặt kỹ thuật, các sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối cùng, chế độ làm việc cho phép đối với máy móc, trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, độ tin cậy của máy móc, độ chính xác yêu cầu, các phế thải và biện pháp xử lý, yêu cầu về an toàn kỹ thuật và an toàn lao động…

Sau đó, những người soạn thảo dự án phải so sánh các phương án công nghệ để chọn phương án tối ưu. Khi so sánh các phương án công nghệ có thể áp dụng một trong các phương pháp so sánh sau: phương pháp dùng một vài chỉ tiêu tài chính, kinh tế tổng hợp kết hợp với một hệ thống chỉ tiêu bổ sung; phương pháp dùng một chỉ tiêu tổng hợp không đơn vị đo để xếp hạng phương án; phương pháp giá trị - giá trị sử dụng…

Đối với công nghệ tự sáng tạo, có kết hợp sử dụng máy móc và thiết bị của nước ngoài, trong dự án phải mô tả rõ nguyên lý hoạt động và những điểm tương tự như ở trên, phải so sánh với một vài phương án khác và với phương án nhập ngoại hoàn toàn.

Kết thúc phần này, người soạn thảo dự án đã chọn được công nghệ cho dự án.

4.3 Xác định phương án tổ chức sản xuất

Ở phần này người soạn thảo phải dự kiến phương án tổ chức sản xuất của nhà máy sau này dựa trên cơ sở lý thuyết về tập trung hóa, chuyên môn hóa, hợp tác hóa và liên hợp hóa trong nội bộ nhà máy và đối ngoại, sao cho phương án công nghệ đã chọn được ở phần trên phát huy được hiệu quả cao nhất.

4.4 Xác định phương án cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật

 Vấn đề này còn được xem xét tiếp ở các bước sau, tuy nhiên ở bước này cần xác định trình độ cần thiết và các yêu cầu đặc biệt đối với cán bộ quản lý cũng như công nhân trực tiếp tham gia vận hành dây chuyền công nghệ

Sau khi tất cả các vấn đề liên quan đến lựa chọn công nghệ cho dự án đã hoàn tất, trong báo cáo nghiên cứu khả thi cần trình bày những nội dung sau:

- Tên công nghệ được lựa chọn và các đặc điểm chủ yếu của nó về công suất, trình độ hiện đại, chất lượng sản phẩm, mức tiết kiệm vật liệu và nhân công, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động… Tóm lại là sự thích hợp của công nghệ đối với mục tiêu của dự án và khả năng của chủ đầu tư.

- Về sơ đồ công nghệ, trong đó chỉ rõ các công đoạn, nguyên lý hoạt động, phương pháp mà con người sử dụng các công cụ lao động, để tác động lên đối tượng lao động theo lịch trình thời gian và di chuyển theo mặt bằng và không gian. Việc vẽ sơ đồ quy trình công nghệ còn giúp cho việc xác định tất cả các nhu cầu phục vụ cho sản xuất như: vị trí lắp đặt các thiết bị máy móc, khoảng cách giữa chúng, nhu cầu về hạ tầng cơ sở và các tiện nghi khác phục vụ cho quá trình sản xuất…

- Các yêu cầu về độ ẩm và nhiệt độ cũng như độ sạch của môi trường sản xuất, các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và an toàn lao động.

- Nguồn cung cấp công nghệ và phương thức chuyển giao công nghệ (nhượng quyền, mua tài liệu, tự nghiên cứu, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật qua chuyên gia, cử người đi đào tạo ở nước ngoài…). Đồng thời phải nêu rõ vấn đề tài chính trong chuyển giao công nghệ (trả dần từ lợi nhuận, dùng công nghệ để góp vốn, miễn phí…) cũng như phải nêu rõ tính hợp lý của giá mua công nghệ.

- Danh  mục các thiết bị trong dây chuyển công nghệ kèm theo mẫu mã và các đặc tính cơ bản

- Các yêu cầu về công trình phụ trợ cần thiết cho công nghệ đã chọn: phương án cung cấp nước, thoát nước, cung cấp điện, hơi cho sản xuất, phương án giải quyết thông tin, vận chuyển… từng phương án đã chọn cần mô tả cơ sở tính toán, có sơ đồ kèm theo.

- Các tác động về môi trường của công nghệ (nếu có), biện pháp xử lý và chi phí cần thiết cho xử lý.

- Các yêu cầu về cán bộ quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất

- Phương án tổ chức sản xuất.

- Tổng chi phí mua sắm công nghệ thiết bị và chi phí duy trì (trong đó ghi rõ nhu cầu vốn trong nước, ngoại tệ) của phương án đã chọn.

5. Lựa chọn thiết bị máy móc

Trường hợp dự án không mua công nghệ toàn bộ mà chỉ mua thiết bị lẻ thì việc lựa chọn thiết bị cho dự án cần tuân thủ nguyên tắc sau:

5.1 Các nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn thiết bị máy móc

- Nhu cầu của thị trường với sản phẩm

- Nguồn nguyên liệu đầu vào của sản xuất.

- Khả năng tài chính, ngoại tệ (đối với máy móc nhập khẩu)

- Nguồn cung cấp thiết bị máy móc (trong nước, hay nước ngoài)

- Chính sách bảo hộ mậu dịch của Việt Nam

5.2 Tiêu chuẩn để lựa chọn thiết bị máy móc cho dự án

- Nhà cung cấp thiết bị máy móc có uy tín để đảm bảo tính tốt bền, chất lượng cao của thiết bị máy móc.

- Phù hợp với công suất của dự án

- Đảm bảo tính đồng bộ của thiết bị máy móc

- Cho phép sản xuất ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

- Máy móc phải thích hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam về thời tiết, khí hậu, độ ẩm, về năng lượng sử dụng, về trình độ tay nghề của công nhân điều khiển…

- Phụ tùng đơn giản dễ kiếm và có thể sử dụng những phụ tùng thay thế dễ dàng

- Giá cả và hình thức thnah toán hợp lý

5.3 Mô tả máy móc và liệt kê trang thiết bị

Sau khi đa chọn được loại máy móc thiết bị cho dự án, phải lập bảng liệt kê mô tả đầy đủ theo các căn cứ để lựa chọn. Trong bảng liệt kê phải sắp xếp các thiết bị máy móc thành các nhóm sau đây:

- Máy móc thiết bị chính trực tiếp sản xuất

- Thiết bị phụ trợ

- Thiết bị vận chuyển, bốc xếp, băng chuyền

- Thiết bị và dụng cụ điện

- Máy móc và thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng, dụng cụ, phòng thí nghiệm.

- Thiết bị và dụng cụ bảo dưỡng, sửa chữa, phụ tùng thay thế

- Thiết bị an toàn, bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy.

- Các loại xe đưa đón công nhân, xe con, xe tải

- Các máy móc, thiết bị khác

Giá mua các loại thiết bị này có thể sử dụng bảng hiện giá (ProFormainvoice) hoặc tham khảo các thông tin qua các cơ quan đại diện, các chuyên gia kỹ thuật. Để có thể mua được thiết bị mong muốn với giá phải chăng nên dùng phương thức đấu thầu. Giá này bao gồm chi phí sản xuất, chi phí mua bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, tên hiệu thương mại, chi phí huấn luyện chuyên môn, chi phí lắp ráp, vận chuyển… Đối với máy nhập, dùng giá CIF

+ Chi phí bảo hiểm, bốc dỡ, vận chuyển đến tận nhà máy

Nếu chi phí lắp đặt máy móc thiết bị tính tách riêng thì có thể ước lượng từ 1-15% hay hơn nữa tùy thuộc vào loại thiết bị và tính chất phức tạp của việc lắp đặt.

Nếu thời gian giao máy trên 18 tháng thì phải dự kiến tốc độ trượt giá.

Giáo trình Lập Dự Án Đầu TưPGS.TS. Nguyễn Bạch Nguyệt  (quantri.vn biên tập và số hóa)