Các hội thảo toán học ở hà nội năm 2024

Ngày 24 tháng 5 năm 2014, trường đại học Hồng Đức phối hợp với Viện Toán học Việt Nam và trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp liên trường với chủ đề: “Toán giải tích và ứng dụng”. Hội thảo diễn ra 02 ngày, tại nhà Điều hành, cơ sở chính trường Đại học Hồng Đức.

GS.TSKH. Vũ Ngọc Phát - Viện Toán học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tới dự Hội thảo có GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam; GS.TSKH. Nguyễn Văn Mậu – Chủ tịch Hội đồng Khoa học trường đại học KHTN, Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng nhà trường; TS. Nguyễn Văn Đường - Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TSKH. Vũ Ngọc Phát - Viện Toán học Việt Nam và gần 50 giáo sư, phó giáo sư đầu ngành thuộc các lĩnh vực toán học, các nhà toán học, các nghiên cứu sinh đến từ các viện, trường đại học khác như: Viện Toán học, trường đại học Sư phạm Hà Nội, trường đại học Bách khoa, đại học Mỏ địa chất, đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đại học Khoa học Tự nhiên, đại học quốc gia Hà Nội, đại học Thái Nguyên, đại học Huế, đại học Quốc gia TP. HCM, cao đẳng sư phạm Nha Trang, ... Về phía trường Đại học Hồng Đức có TS. Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Hoàng Nam – Phó Hiệu trưởng. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của giảng viên, học viên cao học, sinh viên thuộc chuyên ngành Toán học trong toàn trường.

TS. Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo tiến hành trong 2 ngày, buổi sáng ngày 24/5, hội thảo tập trung tại hội trường để nghe 8 báo cáo mời của các giáo sư, các nhà toán học đầu ngành về những lĩnh vực nghiên cứu mới, những công trình nghiên cứu có giá trị trong toán giải tích và ứng dụng. Buổi chiều 24/5, hội thảo chia thành 2 tiểu ban, được trình bày tại 2 phòng hội thảo khác nhau. Trong chương trình của Hội thảo, đại biểu được lắng nghe hơn 30 tham luận thuộc nhiều lĩnh vực của Toán giải tích và ứng dụng do các nhà Toán học có uy tín trình bày. Các báo cáo có hàm lượng khoa học cao, có tính thời sự, thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều vấn đề được Hội thảo đưa ra thảo luận, trao đổi sôi nổi, tạo nên không khí tranh luận học thuật sôi nổi trong các buổi hội thảo. Ngày 25/5, hội thảo trao đổi, thảo luận về việc đào tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo thạc sỹ các chuyên ngành toán. Đây cũng là dịp để các học viên cao học chuyên ngành toán học có dịp gặp gở, giao lưu, trao đổi chuyên môn, học thuật, hỏi đáp những thắc mắc về những vấn đề nghiên cứu trong quá trình làm luận văn thạc sỹ.

Hội Toán học Hà Nội là tổ chức chính trị xã hội tự nguyện của đội ngũ trí thức hoạt động chuyên ngành toán học. Hội là nơi hội tụ nối kết các nhà toán học, các thầy cô giáo dạy toán, các nhà nghiên cứu ứng dụng toán và những người yêu thích toán học trên địa bàn Thủ đô nhằm thúc đẩy sự nghiệp toán học phát triển.

Hội là một trong 36 hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành của Thành phố, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội. Hội được thành lập tương đối sớm so với các hội khoa học kỹ thuật khác của Thành phố (Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội thành lập ngày 9 tháng 12 năm 1982, Hội Toán học Hà Nội thành lập ngày 27 tháng 6 năm 1987). Hội được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bảo trợ. Sở đã tạo điều kiện cho Hội hoạt động như phòng làm việc, phòng họp, hội trường, các phương tiện thông tin liên lạc,… Sở đã dành một phòng làm việc cho Hội ở tầng 3 nhà 81 Thợ Nhuộm. Hai hội trường lớn của Sở là Hội trường 23 Quang Trung và Hội trường tầng 4 nhà 81 Thợ Nhuộm là nơi diễn ra sinh hoạt Câu lạc bộ của Hội Toán hàng tháng trong năm học (sinh hoạt vào chiều thứ 6 tuần 3 của tháng) đến nay sinh hoạt câu lạc bộ vẫn sử dụng 1 trong 2 hội trường trên.

Từ ngày thành lập đến nay, Hội Toán học Hà Nội đã khắc phục khó khăn từng bước xây dựng tổ chức và triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ được ghi trong điều lệ của Hội. Hiện nay Hội đã có hơn 800 hội viên với 20 chi hội cơ sở đang làm công việc nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học tại các viện, các trường đại học, cao đẳng và phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lực lượng này đã tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội: Nghiên cứu ứng dụng và phổ biến toán, tham gia các xemina, các hội thảo khoa học sinh hoạt câu lạc bộ, bồi dưỡng và động viên sinh viên, học sinh giỏi toán…, đã có những đóng góp tích cực vào chương trình phát triển kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật của Thủ đô.

Chủ tịch Hội qua các nhiệm kỳ như sau:

· Nhiệm kỳ 1 (1987 - 1993): GS. TSKH. Phạm Hữu Sách (Viện Toán học)

· Nhiệm kỳ 2 (1993 - 1998) và Nhiệm kỳ 3 (1998 - 2003): GS. TSKH. Trần Văn Nhung (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

· Nhiệm kỳ 4 (2003 - 2008): GS. TSKH. Nguyễn Văn Mậu (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội).

· Nhiệm kỳ 5 (2008 - 2013): GS. TSKH. Nguyễn Văn Mậu (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội).

Hoạt động của Hội ở mỗi nhiệm kỳ có những nét tiêu biểu riêng, ghi dấu ấn cho nhiệm kỳ đó. Tuy nhiên những hoạt động chủ đạo như nghiên cứu ứng dụng giảng dạy toán, tổ chức các xemina, các hội thảo khoa học, sinh hoạt câu lạc bộ… thì hầu như các nhiệm kỳ đều duy trì thường xuyên:

- Xemina toán của các chi hội sinh hoạt đều đặn, nghiêm túc, có chất lượng được nhiều hội viên tham gia. Tiêu biểu là xemina toán liên trường viện của Chi hội Trường ĐHKHTN, thu hút cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cũng như các trường trung học phổ thông của Hà Nội tới dự, sinh hoạt đều dặn vào thứ 5 hàng tuần. Năm nay Xemina đang chuẩn bị tiến hành Lễ kỷ niệm trọng thể 20 năm ngày thành lập.

- Hội thảo khoa học, một hoạt động bổ ích đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán. Hội thảo của Hội được tổ chức ít nhất 1 lần/năm. Tại các hội thảo này, hội viên của Hội hoặc các chi hội báo cáo kết quả nghiên cứu mới của mình, trao đổi, thảo luận, có tác dụng thúc đẩy việc nghiên cứu của mỗi hội viên. Qua hội thảo hàng năm, nhiều công trình khoa học có giá trị được công bố trên các tạp chí quốc tế và quốc gia.

- Hoạt động câu lạc bộ là hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức toán nâng cao dân trí, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho hội viên được Hội hết sức quan tâm. Ngay nhiệm kỳ đầu, Hội đã xây dựng câu lạc bộ toán của Hội. Đối tượng tham gia câu lạc bộ là giáo viên đang giảng dạy của các trường phổ thông Hà Nội, các sinh viên toán của các trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Sư phạm Hà Nội và các hội viên khác. Mấy năm sau có thêm giáo viên các tỉnh Hoà Bình, Vĩnh Phúc cùng tham dự. Câu lạc bộ được duy trì cho đến nay. Câu lạc bộ đã đón nhận nhiều GS., nhiều nhà toán học trong và ngoài nước đến trình bày các chuyên đề thiết thực. Những thông tin mới nhất được cập nhật trong các kỳ sinh hoạt. Các GS. Phan Đức Chính, GS. Nguyễn Văn Mậu đưa đoàn học sinh giỏi toán đi thi Olympic toán quốc tế hàng năm khi trở về đã đến câu lạc bộ thông báo về cuộc thi và kết quả của đoàn; GS. Hà Huy Khoái, Viện Toán học đã thông báo kịp thời về lời giải bài toán Fecmat; GS. Federic Phạm (Cộng hòa Pháp) đã thuyết trình về hình bao họ đường cong phẳng; GS. Nguyễn Đình Trí báo cáo về hội nghị giảng dạy toán quốc tế ở Canada (1992), Đại hội toán học quốc tế tại Zurich (1994), Beclin (1998)… Có những buổi thuyết trình, số hội viên đến dự sinh hoạt tại hội trường 200 chỗ đông không đủ ghế, phải kê thêm ghế băng để ngồi. Cùng với câu lạc bộ của các giáo viên dạy toán, Hội còn giúp một số trường tổ chức câu lạc bộ toán của học sinh gây hứng thú học toán cho học sinh.

Nhiệm kỳ 1 vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Hội Toán ngoài hoạt động chuyên môn còn tổ chức viết, in và phát hành sách về toán. Hội mở một cửa hàng bán các sản phẩm của Hội tại phố Nguyễn Thái Học để tự gây quỹ. Lúc đó Hội đã mở tài khoản tại Ngân hàng Hoàn Kiếm, song kết quả còn hạn chế nên đã ngừng các hoạt động này.

Hoạt động tiêu biểu ở nhiệm kỳ 2 và nhiệm kỳ 3 là mở rộng quan hệ quốc tế. Thông qua các GS. có uy tín quốc tế, Hội đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà toán học Pháp, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Một số cơ sở đào tạo quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam cũng thường xuyên quan hệ với Hội Toán học Hà Nội. Hội đã mời các nhà toán học ở Okinawa (Nhật Bản) sang trao đổi về chuyên môn, thuyết trình tại câu lạc bộ và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi. Hội đã trao đổi hai chiều với Hội Toán học Matxcơva, Tokyo, Ki-ép, Paris và khối Francophony. Hội đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội của Thủ đô. Nhiệm kỳ 2, một đồng chí trong ban chấp hành Hội đã được bầu là đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố, đó là GS. TSKH. Nguyễn Văn Thu, Phó Chủ tịch Hội. Nhiệm kỳ 3, GS. TSKH. Trần Văn Nhung, Chủ tịch hội được bầu là Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa tiếp theo. Khóa đó Mặt trận Tổ quốc thành phố giới thiệu 2 ứng viên ở cùng đơn vị bầu cử để nhân dân lựa chọn và bầu: đồng chí Trần Văn Nhung, chủ tịch Hội Toán và 1 đồng chí Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội. Kết quả là đồng chí Nhung của Hội Toán học đã thắng cử. Đó là niềm tự hào của Hội Toán học Hà Nội.

Nhiệm kỳ 4 , đồng chí chủ tịch Hội đã tạo nhiều điều kiện giúp Hội đẩy mạnh các hoạt động như bố trí địa điểm để bồi dưỡng giáo viên chuyên toán trong cả nước, thi học sinh giỏi toán Hà Nội mở rộng bằng tiến Anh, in ấn các tài liệu,… Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ này là: - mở rộng các xemina toán, các hội thảo khoa học đến với giáo viên trung học phổ thông của các tỉnh miền trung du và Tây Bắc; - quan tâm nhiều đến việc bồi dưỡng giáo viên toán dạy các trường chuyên của các tỉnh trong toàn quốc (tổ chức bồi dưỡng hè hàng năm tại Trường ĐHKHTN); - bồi dưỡng khích lệ học sinh say mê học toán bằng các hoạt động thi Olympic Toán Hà Nội mở rộng bằng tiếng Anh bắt đầu từ năm 2005, thi Olympic Singapore mở rộng bắt đầu từ năm 2004 để giúp thầy và trò làm quen với hội nhập; - tổ chức và đưa các đoàn học sinh của Hà Nội (2 lần), Vĩnh Phúc (1 lần) đi dự Olympic khoa học quốc tế; - tổ chức trại hè Hùng Vương cho các trường THPT chuyên của khu vực miền núi phía Bắc; - mở trang web của Hội (http://www.hms.org.vn) để trao đổi thông tin, hội nhập quốc tế…

Hoạt động của Hội ngày càng phong phú qua từng nhiệm kỳ. Vị trí và vai trò của Hội ngày càng được khẳng định không chỉ trong giới toán học mà trong các ngành, các giới của địa phương. Hội được sự ủng hộ của lực lượng xã hội nên mặc dù không có kinh phí nhưng Hội vẫn tổ chức được nhiều hoạt động có hiệu quả. Đó là niềm vui và sự thành công của Hội.

Trong nhiệm kỳ tới, với những kinh nghiệm hoạt động, Hội Toán học Hà Nội tin tưởng sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành quả đã đạt được, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân Thủ đô đối với Hội.