Bộ cục của Literature review

Trong phần Tổng quan nghiên cứu, tác giả cần trình bày cơ sở lý luận cốt lõi của nghiên cứu (theoretical core of an article). Phần Tổng quan nghiên cứu là sự trình bày, phân loại và đánh giá những nghiên cứu khác đã viết gì về một chủ đề cụ thể (Belcher, 2019). Từ “Literature review” có nghĩa là xem xét lại những bài viết có trước để đưa ra quan điểm, “literature” = specialist texts/ information written by experts, “review” (re + view) = think again.

Mục đích của phần Tổng quan nghiên cứu là:

- Xem xét lại những nhà nghiên cứu khác đã có những nghiên cứu/phát hiện gì về một lĩnh vực cụ thể;

- So sánh và đối chiếu quan điểm các tác giả khác nhau về một vấn đề;

- Nhóm hoặc phân loại những vấn đề mà các nhà nghiên cứu rút ra kết luận giống nhau;

- Lưu ý các vấn đề mà các nhà nghiên cứu còn bất đồng;

- Chỉ ra những khoảng trống trong nghiên cứu;

- Xác định và giới hạn vấn đề bạn muốn nghiên cứu;

Đặt nghiên cứu của bạn trong bối cảnh với các nghiên cứu hiệu tại (rất quan trọng) (Davies & Beaumont, 2011; USC Libraries, n.d.).

Một phần Tổng quan nghiên cứu tốt không chỉ tóm tắt lại những công trình nghiên cứu trước đây. Trong Tổng quan nghiên cứu, bạn phải đánh giá có phê phán (critically evaluate), tổ chức lại (re-organise) và phân tích tổng hợp (synthesise) những công trình nghiên cứu của những người khác (Belcher, 2019).

Do đó, để viết tốt được và viết tốt phần Tổng quan nghiên cứu, bạn cần đọc sâu và rộng. Lưu ý, bạn cần tìm những bài viết cập nhật nhất (trong vòng 3-5 năm) liên quan đến vấn đề mà bạn nghiên cứu và trước tiên nên tìm ở tạp chí bạn dự định gửi bài.

Cấu trúc của một phần Tổng quan nghiên cứu có thể được trình bày như sau:

- Tổng quan về chủ đề, vấn đề hoặc lý thuyết đang được xem xét, cùng với các mục đích của phần Tổng quan nghiên cứu;

- Các định nghĩa/khái niệm liên quan đến vấn đề nghiên cứu;

- Phân loại các nghiên cứu thành các chủ đề hoặc danh mục (ví dụ: các nghiên cứu hỗ trợ một vị trí cụ thể, những nghiên cứu đối lập và những nghiên cứu đưa ra phương pháp thay thế hoàn toàn);

- Giải thích, đánh giá về mỗi nghiên cứu giống nhau hoặc khác nhau như thế nào;

- Kết luận về phần nào được xem xét tốt nhất trong tranh luận, có sức thuyết phục nhất và có đóng góp lớn nhất cho sự hiểu biết và phát triển về lĩnh vực nghiên cứu (USC Libraries, n.d.).

Như vậy, có thể xây dựng phần Tổng quan nghiên cứu theo 4 bước như sau:

Bước 1. Xây dựng vấn đề - chủ đề hoặc lĩnh vực nào đang được xem xét và vấn đề thành phần của nó là gì?

Bước 2. Tìm kiếm tài liệu - tìm tài liệu liên quan đến chủ đề đang được nghiên cứu.

Bước 3. Đánh giá dữ liệu - xác định tài liệu nào đóng góp đáng kể vào sự hiểu biết về chủ đề này.

Bước 4. Phân tích và giải thích - thảo luận về những kết quả và kết luận của những nghiên cứu thích hợp (USC Libraries, n.d.).

Phần Tổng quan nghiên cứu có thể được trình bày: theo trình tự các sự kiện, theo thời gian xuất bản các công trình nghiên cứu, theo chủ điểm, theo phương pháp nghiên cứu và theo cách thức riêng của bạn.

Khi bạn viết phần Tổng quan nghiên cứu, bạn lần lưu ý: sử dụng bằng chứng, chỉ chọn những điểm quan trọng nhất trong mỗi nguồn tài liệu để làm nổi bật phần tổng hợp, sử dụng trích dẫn trực tiếp “…” một cách hợp lý, tóm tắt và tổng hợp, giữ giọng văn của riêng bạn, và luôn nhớ trích dẫn khi diễn giải (paraphrasing) ý kiến của các nhà nhiên cứu khác (USC Libraries, n.d.).

Lưu lý là phần Tổng quan nghiên cứu thường chiếm ¼ (một phần tư) bài báo. Như vậy, với bài viết có độ dài 4000-8000 từ thì phần Tổng quan nghiên cứu có thể có độ dài tương ứng là 1000-2000 từ.

Tài liệu tham khảo

Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: A guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.

Davies, W. M., & Beaumont, T. J. (2011). Literature review. Parville: The University of Melbourne. https://library.unimelb.edu.au/__data/assets/pdf_file/0008/1924109/Literature_Review.pdf

USC Libraries. (n.d.). Organizing your social sciences research paper. https://libguides.usc.edu/writingguide/literaturereview

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36) 

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Thông thường một bài báo khoa học có cấu trúc như sau

1. Tiêu đề bài báo (Title): Chỉ tên bài báo, số lượng từ trong tiêu đề bài báo tùy theo quy định từng tạp chí, thông thường từ 10-18 từ phản ánh nội dung đề cập trong bài báo. Dưới tiêu đề bài báo thường là tên tác giả, tập thể tác giả, email, cơ quan công tác, ngày nhận bài báo và ngày chấp nhận đăng bài báo.

Bộ cục của Literature review
2. Tóm tắt (Abstract): Số lượng từ phần này tùy theo quy định của từng tạp chí, thông thường là 100-250 từ. Tóm tắt bài báo thường phải thể hiện vấn đề/mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, thời gian, số liệu dùng cho nghiên cứu, kết quả tác giả mới tìm ra, và kết luận. Tất cả được trình bày hết sức ngắn gọn, cô đọng. Dưới tóm tắt là từ khóa (Key words) gồm 3 - 5 từ quan trọng có tần suất lặp lại nhiều.

3. Giới thiệu (Introduction): Đây là phần dẫn nhập, phần này thường nói về cơ sở, lý do, tầm quan trọng của vấn đề tác giả muốn nghiên cứu và cấu trúc của bài báo. Quan trọng nhất là tác giả phải nêu rõ câu hỏi nghiên cứu của mình (research question).

4. Lược sử về nghiên cứu trước đây (Literature review): Một số bài báo khoa học gộp mục này với mục giới thiệu (introduction) bên trên, tùy vào ý đồ tác giả, cũng có nhiều trường hợp tách riêng. Phần này tác giả phải nêu những nghiên cứu quan trọng trước đây trên thế giới đã làm liên quan đến vấn đề mình nghiên cứu. Tác giả phải chỉ ra các nghiên cứu trước đã đi tới đâu, đạt kết quả gì? Những gì còn thiếu, chưa hoàn chỉnh, hoặc bị sai lệch? kể cả về mặt lý thuyết (theoretically) và thực nghiệm (empirically), từ đó tìm cách bổ sung, hoàn chỉnh, điều chỉnh thể hiện sự đóng góp mới của tác giả cho sự phát triển khoa học.

Nếu nghiên cứu của tác giả đề cập đến một vấn đề lý thuyết hoặc thực nghiệm hoàn toàn mới chưa ai nghiên cứu thì phần này chỉ cần nói đến vấn đề riêng tác giả cũng có thể gộp vào phần giới thiệu. Trong thực tế, có rất ít các nghiên cứu như vậy, phần lớn được phát triển từ các nghiên cứu trước đó.

5. Phương pháp và số liệu dùng cho nghiên cứu (Methodologies and Data): Phần này đề cập nghiên cứu sử dụng phương pháp gì. Chẳng hạn như phân tích định tính (qualitative analysis), phân tích định lượng (quantitative analysis), mô tả (descriptive), thực nghiệm (empirical study)... tùy từng công trình, mục tiêu, lĩnh vực nghiên cứu để chọn cho phù hợp và số liệu/dữ liệu nào. Đây là công cụ giúp tác giả trả lời câu hỏi nghiên cứu của bản thân đưa ra.

6. Kết quả và thảo luận (Results and Discussion): Phần này tác giả chỉ ra, giải thích và thảo luận về các kết quả mình mới tìm thấy mà nghiên cứu trước chưa tìm ra hoặc phản bác lại kết quả của các nghiên cứu trước, hoặc bổ sung thêm để hoàn thiện về lý thuyết hoặc thực nghiệm cho các nghiên cứu trước đây đã đề cập ở mục lược sử (Literature review). Nói cách khác, đây chính là câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu ở mục Giới thiệu - Introduction.

7. Kết luận (Conclusion): Phần kết luận tổng lược kết quả nghiên cứu, nêu bật ý nghĩa khoa học của kết quả nghiên cứu, ứng dụng của chúng vào thực tế cuộc sống, hoặc giúp cho việc hoạch định chính sách ra sao (đóng góp (contribution) của nghiên cứu), ưu nhược điểm của nghiên cứu như thế nào, và những định hướng cho các nghiên cứu liên quan trong tương lai.

8. Tài liệu tham khảo (References): Mục này gồm các tài liệu có trích dẫn hoặc là cơ sở quan trọng cho việc phân tích logic của nghiên cứu đề cập trong bài báo. Xin lưu ý, phần này cần trình bày theo tiêu chuẩn các tạp chí đưa ra. Trên thế giới thậm chí xuất hiện các trường phái khác nhau về tiêu chuẩn cho việc viết mục tài liệu tham khảo như trường phái Đại học Chicago, Mỹ.

9. Lời cám ơn (Acknowledgements) nếu có: Là lời cám ơn tới các cơ quan, tổ chức tài trợ, các cá nhân có đóng góp, giúp đỡ cho việc viết và hoàn thiện bài báo.

Trên đây là cấu trúc (structure) của một bài báo khoa học thông thường, trong thực tế có thể có thay đổi chút ít. Khi nộp (submit) bản thảo bài báo (manuscript) của mình cho tạp chí nào tác giả cũng hết sức lưu ý về các yêu cầu trình bày một bài báo khoa học tạp chí đó cả về cấu trúc lẫn định dạng (format), kẻo bị từ chối.

Bộ cục của Literature review