Bình luận của đinh văn quế tội 139 năm 2024

Tháng 6-2008, ông NVH đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng N. để vay 450 triệu đồng. Để đảm bảo cho số tiền vay này, ông H. đã thế chấp giấy đỏ mảnh đất có diện tích gần 700 m2 tọa lạc tại quận 12 (TP.HCM).

Thế chấp “ảo”

Sau khi vay tiền, đến hạn, ông H. không thanh toán nên Ngân hàng N. đã tiến hành phát mãi tài sản thế chấp. Đến lúc này Ngân hàng N. và cơ quan thi hành án mới phát hiện ra trước khi ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, trong hai năm 2006 và 2007, ông H. đã phân lô một phần mảnh đất của mình rồi bán cho 14 người bằng giấy tay, thậm chí có cả hình thức chuyển nhượng có công chứng.

Như vậy, tính đến lúc thế chấp cho ngân hàng, diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông H. không còn được đủ 700 m2 như trong giấy tờ. Chưa hết, sau khi thế chấp cho ngân hàng, ông H. tiếp tục phân lô bán giấy tay toàn bộ diện tích đất còn lại cho nhiều người khác.

Sau khi phát hiện ra vụ việc, Ngân hàng N. đã khởi kiện ông H. ra TAND quận 12 để tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Ra tòa, ông H. thừa nhận nợ, cam kết sáu tháng sau sẽ trả nên hai bên hòa giải thành. Tuy nhiên, sau đó quyết định công nhận hòa giải thành của TAND quận 12 đã bị Hội đồng Giám đốc thẩm TAND TP.HCM hủy vì không đưa những người mua đất của ông H. vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hiện vụ việc đang được TAND quận 12 thụ lý, giải quyết lại.

Bình luận của đinh văn quế tội 139 năm 2024

Phạm tội lừa đảo?

Việc đem giấy tờ đất đã bán đem thế chấp ngân hàng hay thế chấp cho người khác vay tiền, sau đó không chịu trả nợ như trên đã xảy ra khá phổ biến.

Theo hai luật sư Trần Ngọc Quý và Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM), đúng ra các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý hình sự người thế chấp vay tiền không trả trong những trường hợp này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Bởi lẽ người thế chấp đã có thủ đoạn gian dối với ý thức chiếm đoạt tài sản rất rõ ràng, đã thỏa mãn cấu thành tội lừa đảo…

Đồng tình, Thẩm phán Nguyễn Thành (Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng) phân tích thêm: Hành vi khai báo giai dối nhằm thế chấp để vay vốn hoặc sau khi vay vốn đem nguồn tài sản thế chấp đi bán là sai trái. Tài sản đã thế chấp thì không còn là tài sản sở hữu của bên thế chấp mà mọi quyết định về định đoạt nó phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Nếu một người đã gian dối để vay tiền rồi lại tiếp tục đem đất đi bán tiếp thì cần thiết phải bị xử lý về tội lừa đảo….

Hay chỉ là quan hệ dân sự?

Trái với luồng quan điểm trên, một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM lại có suy nghĩ khác.

Theo ông, đúng là việc đem tài sản đã bán đi thế chấp là hành vi gian dối. Tuy nhiên, nếu chỉ có một mình hành vi gian dối không thôi thì không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo. Điều quan trọng là cơ quan bảo vệ pháp luật phải chứng minh cho được hành vi gian dối đó nhằm vào mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó, trên thực tế rất khó để chứng minh mục đích chiếm đoạt của những người thế chấp vay tiền. Bởi lẽ nếu đương sự gian dối, phía ngân hàng hay bên nhận thế chấp vẫn có thể lấy lại tiền bằng cách phát mãi tài sản thế chấp, có điều vụ việc sẽ rắc rối, kéo dài hơn do vướng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

ThS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng những vụ việc như thế này chỉ là tranh chấp dân sự. Ông Tuấn lý giải: Nếu đương sự không bỏ trốn, không sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, thừa nhận nợ và cam kết trả nợ (sau đó có trả hay không lại là chuyện khác) thì không có dấu hiệu về tội lừa đảo… hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS).

“Chẳng hạn trong vụ của ông H., về mặt pháp lý, quyền sử dụng đất có diện tích gần 700 m2 mà ông này dùng để thế chấp cho ngân hàng không mất đi. Ngân hàng vẫn có quyền thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự, do đó ngân hàng không bị thiệt hại gì. Người bị thiệt hại là những người mua đất giấy tay với ông H. nhưng đó lại là một quan hệ khác” - ông Tuấn nhận xét.

Phải đảm bảo hai hành vi khách quan

Để xác định một người có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không cần đảm bảo hai hành vi khách quan và bắt buộc (cần và đủ): hành vi dùng thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Việc xác định hành vi gian dối không khó nhưng việc xác định hành vi chiếm đoạt thì không dễ. Khi xác định người vay có chiếm đoạt hay không cần căn cứ vào các tình tiết cụ thể của từng vụ việc, mối quan hệ giữa người vay với người cho vay, mục đích, động cơ của người vay về việc sử dụng số tiền vay như thế nào...

Theo tôi, cần phải phân biệt như sau:

- Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã sử dụng tiền đó vào mục đích phạm tội như buôn lậu, đánh bạc, đưa hối lộ... dẫn đến mất khả năng trả nợ thì phải coi là chiếm đoạt.

- Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã dùng số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác không đúng với thỏa thuận với người cho vay (kể cả kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp) dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì cũng không coi là chiếm đoạt. Nếu hành vi sử dụng tiền vay cấu thành một tội độc lập như tội sử dụng trái phép tài sản hoặc tội cho vay lãi nặng thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng đó.

- Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền dùng số tiền đó kinh doanh hợp pháp nhưng do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ thì không coi là chiếm đoạt; nếu bỏ trốn thì mới coi là chiếm đoạt.

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Không phải quan hệ dân sự

Quan hệ dân sự phải là quan hệ có ý thức tự nguyện, ngay thẳng, hợp pháp ngay từ đầu. Trong trường hợp này, ông H. đã có ý thức gian dối ngay từ đầu nhằm chiếm đoạt tài sản nên không phải quan hệ dân sự mà có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi ngay từ đầu, ông H. biết rõ nguồn tài sản này không còn là của mình hoặc đã chuyển nhượng cho đối tượng khác nhưng khéo léo tạo sự tin cậy hoặc sự thiếu sâu sát của ngân hàng để thế chấp vay tiền.

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM, Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

Có ý thức chiếm đoạt

Ông H. đã đem bán đất từ trước khi đi thế chấp cho ngân hàng nên không còn đơn thuần là quan hệ dân sự nữa. Việc ông H. thế chấp đất không còn thuộc quyền sử dụng của mình là hành vi gian dối. Nguồn tài sản thế chấp này nhằm đảm bảo cho toàn bộ số tiền vay nhưng trên thực tế thì nguồn thế chấp này không còn nên hoàn toàn có thể khẳng định ý thức chiếm đoạt của ông H. chứ không phải suy đoán.