Vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học

Thứ Tư, 19/01/2022 | 17:22

Năm học 2021 - 2022,  ngành Giáo dục tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Khó khăn lớn nhất là từ đầu năm học đến nay, học sinh các cấp vẫn chưa được đến trường nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của các đơn vị trường học. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giáo dục đề ra.

Vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học

Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt kênh truyền hình vnEdu-Bạc Liêu.

VỪA DẠY HỌC VỪA CHỐNG DỊCH

Do đặc thù của ngành Giáo dục nên năm 2021 gắn liền với 2 năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022. Theo đó, trong thời điểm đầu của năm 2021 (thời điểm học sinh các cấp bước vào học kỳ II, năm học 2020 - 2021), dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất cao. Vì thế, ngành Giáo dục vẫn kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa dạy học, vừa chống dịch. Cũng trong năm học này, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với khối lớp 1, lớp 6.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, ngành Giáo dục vẫn gặt hái được thành công trong thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên và hoàn thành kế hoạch năm học. Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn được triển khai hiệu quả trong năm học 2020 - 2021.

Cũng trong năm học này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cũng chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19. Trong kỳ thi, Hội đồng thi và các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm thi. Với nỗ lực đó, Bạc Liêu không chỉ hoàn thành việc tổ chức thành công, an toàn cho kỳ thi mà còn tiếp tục góp mặt trong tốp 10 địa phương có điểm trung bình thi cao nhất nước. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp, Bạc Liêu có mặt trong tốp đầu.

Vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học

 Bà Đoàn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi trao máy tính bảng (do VNPT hỗ trợ) cho học sinh khó khăn học trực tuyến. Ảnh: C.K

Do tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp nên từ tháng 9/2021, Bạc Liêu phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cùng với các tỉnh phía Nam nên học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể đến trường trong năm học mới 2021 - 2022. Và, từ thời điểm đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp nên các trường học vẫn chưa thể “mở cửa”.

Từ tháng 10/2021, hàng chục ngàn người dân từ các địa phương có dịch trở về tỉnh nhà. Để đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung phòng bệnh COVID-19 cho người dân, gần như tất cả các cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh đều được trưng dụng làm khu cách ly tập trung nên các đơn vị trường học không còn nơi dành cho các hoạt động chuyên môn, quản lý của Ban giám hiệu.

Với những khó khăn đó, ngành Giáo dục đã uyển chuyển, tận dụng các cơ sở trường học của các điểm lẻ (không đáp ứng được yêu cầu làm khu cách ly tập trung) để hoạt động. Theo đó, nhiều đơn vị trường học, nhiều cấp học đã cùng gom về làm việc chung một địa điểm để nhường cơ sở vật chất lại cho các khu cách ly tập trung.

Việc trường học liên tục “đóng cửa” đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, quá trình dạy và học trực tuyến của các đơn vị. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, tập thể cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo và các em học sinh đã cố gắng vượt qua tất cả khó khăn để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ dạy và học trong tình hình chung do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học

 Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY VÀ HỌC

Từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã triển khai và đẩy mạnh việc dạy học qua Internet và trên truyền hình, đào tạo từ xa trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch. Với phương châm “không đến trường nhưng không dừng việc học”, nhiều địa phương, đơn vị trường học đã thực hiện có hiệu quả phương pháp giáo dục mới với hình thức trực tuyến.

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN, cho biết: “Năm 2021, ngành Giáo dục tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay đã hơn 4 tháng, có nghĩa là cả học kỳ I của năm học các trường vẫn chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp. Trong bối cảnh đó, ngành đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trường học đẩy mạnh công tác dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Tận dụng, ứng dụng tất cả các nền tảng Internet để phát huy tối đa khả năng của người dạy, người học. Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh công tác tập huấn chương trình, kiến thức, công nghệ dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên ở các cấp học nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu dạy và học trong tình hình mới”.

Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận là Sở GD-KH&CN đã phối hợp với VNPT Bạc Liêu xây dựng và ra mắt kênh truyền hình giáo dục. Kênh được phát trên nền tảng hệ thống MyTV của VNPT. Hệ thống này tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin hiện có của VNPT, tạo thành kênh truyền hình để Sở GD-KH&CN thông qua đó thực hiện ngay công tác giảng dạy và chủ động trong sắp xếp lịch truyền tải cho các cấp học, không phụ thuộc vào giờ phát sóng của kênh truyền hình Bạc Liêu (BTV).

Sau khi ra mắt, kênh sẽ hoạt động thường xuyên, liên tục ngay cả khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, đặt nền móng cho công tác giảng dạy và học tập về lâu dài của tỉnh. Với khả năng mở rộng sang nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng học khác nhau như: phổ cập kiến thức pháp luật, kiến thức các chuyên đề khác…

Tính đến thời điểm này, theo đánh giá, các mục tiêu giáo dục của học kỳ I, năm học 2021 - 2022 đã cơ bản hoàn thành. Đó là sự cố gắng rất lớn của cả đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và các em học sinh.

Năm 2021 khép lại với nhiều đổi mới và chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, ngành Giáo dục đã vượt qua khó khăn để đạt được nhiều kết quả tích cực. Tin rằng, trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay, với sự chuẩn bị chu đáo của ngành Giáo dục thì vào đầu tháng 2/2022 các em học sinh sẽ được trở lại trường để học trực tiếp.

CHÂU KHÁNH

Năm 2021 được xem là một năm học thật đặc biệt chưa từng xảy ra trong lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid bùng phát dữ dội trước thời điểm kết thúc năm học 2020 ở nhiều địa phương trong cả nước.

Vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học

Khai giảng online (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Lao động thủ đô)

Toàn ngành thực hiện nhiệm vụ kép

Học sinh được nghỉ hè sớm, nhiều trường học đã không kịp kết thúc năm học trực tiếp mà tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Chưa bao giờ học sinh lại có một kỳ nghỉ hè dài đến như vậy. Toàn ngành giáo dục gồng mình thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch an toàn, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Giáo viên được huy động cùng với ngành y tế tham gia các điểm test Covid, tiêm vắc-xin, làm tình nguyện viên mua đồ giúp dân, tiếp tế đồ ăn, thức uống cho các khu vực cách ly.

Cùng với đó, các trường học lên kế hoạch sẵn sàng dạy học trong bối cảnh dịch bệnh vẫn ngày một diễn biến phức tạp.

Linh hoạt trong việc tổ chức dạy học mùa dịch

Năm học mới đến nhưng nhiều địa phương vẫn không thể tựu trường. Lần đầu tiên nhiều tỉnh thành trong cả nước phải tổ chức lễ khai giảng online.

Bộ Giáo dục đã rất linh hoạt, phát huy tinh thần chủ động của các địa phương bằng việc giao quyền điều tiết thời gian năm học một cách linh động.

Từng sở giáo dục cũng để mỗi địa phương tự đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có kế hoạch tổ chức năm học một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Đó là việc, vừa dạy trực tiếp trong thế sẵn sàng nếu phát sinh dịch bệnh sẽ chủ động chuyển sang trực tuyến và khi địa bàn trở lại vùng xanh lại trở về dạy học trực tiếp.

Cùng lúc, kết hợp nhiều hình thức dạy học vừa dạy online, dạy học trên truyền hình, gửi bài trên zalo, email, giao bài tại nhà… với quyết tâm không để học sinh nào ở lại phía sau.

Đồng hành cùng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn

Việc dạy và học trực tuyến gặp không ít khó khăn như nhiều địa phương chưa có internet, đường truyền chậm, học sinh nghèo, khó khăn không có phương tiện theo học.

Bao khó khăn do dịch Covid đem lại, nhiều gia đình cạn kiệt kinh tế khi liên tục bị phong tỏa vì dịch, khó khăn lại chồng khó khăn ngỡ không thể triển khai hình thức học trực tuyến.

Bộ Giáo dục đã phát động phong trào “Sóng và máy tính cho em”, nhằm huy động mọi nguồn lực trong toàn xã hội chung tay ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập cho những học sinh nghèo, khó khăn.

“Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hướng tới phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.

Vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học

Đã có kinh nghiệm nên việc dạy học online nhanh chóng đi vào nề nếp

Dự kiến huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc; hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thực hiện học trực tuyến.

Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; Miễn phí 100% cước Internet di động khi sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến.

Kho học liệu của Bộ đang được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước”.[1]

Các địa phương đều hưởng ứng lời kêu gọi tổ chức quyên góp trong toàn ngành. Hàng trăm thiết bị được trao tận tay những học sinh cần giúp đỡ.

Giáo viên vừa dạy vừa học

Không chỉ lo cho việc học của các em, mỗi giáo viên cũng bắt đầu vừa dạy, vừa học để nâng cao trình độ công nghệ thông tin để những bài dạy hấp dẫn học sinh hơn. Chưa bao giờ, tinh thần học tập của giáo viên lại trở nên sôi nổi như vậy.

Giáo viên lớn tuổi học giáo viên trẻ, người rành công nghệ chỉ người mới biết sơ sơ. Những lớp tập huấn tại trường tại phòng cũng liên tục được mở để hỗ trợ các thầy cô.

Những cuộc thi thiết kế giáo án, bài giảng hay để bổ sung vào kho học liệu của Bộ Giáo dục với mục đích kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.

Tại thời điểm này, một số địa phương vừa sơ kết giữ kỳ 1, đã có những địa phương sơ kết học kỳ 1 với chất lượng giáo dục khá khả quan.

Năm 2021 sắp qua đi, nhìn lại chặng đường vừa qua của ngành giáo dục cũng có sự tự hào. Toàn ngành đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại về cả vật chất, tinh thần, điều kiện thực hiện để thích ứng, duy trì tốt việc dạy và học. Cùng với đó, là việc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đã có bước chuyển dài chưa từng có.

Có thể thấy, không thách thức nào là không thể vượt qua, không khó khăn nào không thể thực hiện. Toàn ngành vẫn đang nỗ lực hết mình trong các nhiệm vụ giáo dục. Hơn lúc nào hết, giáo dục vẫn đang rất cần sự chia sẻ, chung tay của toàn xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/thoi-su/phat-dong-chuong-trinh-song-va-may-tinh-cho-em-se-ho-tro-cho-15-trieu-hoc-sinh-952815.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết