Ví dụ về ca dao dân ca


  1. Ca dao là gì? Phân loại, đặc trưng của ca dao

    1. Ca dao là gì?

    Ca dao là những "lời thơ trữ tình dân gian, thường có sự kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người" (theo Ngữ văn 10, tập 1, trang 17. NXB Giáo dục).

    Qua đó, ta hiểu: Ca dao là thể loại trữ tình. Khi diễn xướng (hát, hò, diễn...), lời thơ của ca dao kết hợp với điệu nhạc nhằm diễn tả tâm tư, tình cảm của người lao động. Ca dao khi được diễn xướng còn được gọi là dân ca.

    2. Phân loại ca dao

    Dựa vào nội dung biểu hiện, ca dao có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ:

    - Những bài dao châm biếm, hài hước

    Ví dụ:

    "Chồng người đi ngược về xuôi,
    Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo."

    "Làm trai cho đáng sức trai,
    Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng."...

    - Những bài ca dao than thân

    Ví dụ:

    "Thân em như hạt mưa rào,
    Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
    Thân em như hạt mưa sa,
    Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày."

    - Những bài ca dao lao động

    Ví dụ:

    "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
    Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa."

    "Người ta đi cấy lấy công,
    Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
    Trông trời, trông đất, trông mây,
    Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
    Trông cho chân cứng đá mềm,
    Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng"...

    - Những bài ca dao tình yêu

    VÍ dụ:

    "Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
    Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua."

    "Yêu nhau từ thuở trăng tròn,
    Bây giờ trăng khuyết vẫn còn yêu nhau."...

    - Những bài ca dao về tình cảm gia đình

    VÍ dụ:

    "Công cha như núi Thái Sơn,
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
    Một lòng thờ mẹ, kính cha,
    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".


    "Anh em như thể tay chân,
    Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần."

    - Những bài ca dao về tình yêu quê hương, đất nước

    Ví dụ:

    "Ta về ta tắm ao ta,
    Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn."

    "Anh đi anh nhớ quê nhà,
    Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương."

    - Ca dao về quan hệ xã hội

    Ví dụ:

    "Con ơi nhớ lấy câu này,
    Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan."

    "Con vua thì lại làm vua,
    Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
    Bao giờ dân nổi can qua,
    Con vua thất thế lại ra quét chùa."

    3. Đặc trưng của ca dao

    - Nội dung ca dao:

    Ca dao diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước,...

    Nhân vật trữ tình trong ca dao chủ yếu là người lao động: người mẹ, người vợ, người chị ... giãi bày tâm tình trong quan hệ gia đình; người phụ nữ, người dân thường chia sẽ nỗi niềm buồn vui, thân ái trong cuộc sống, trong lao động, trong quan hệ xã hội; hoặc chàng trai, cô gái giao duyên, tình tự trong tình yêu đôi lứa...

    Tâm tư, tình cảm trong ca dao vô cùng phong phú nhưng là những tình cảm chung theo lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa phương, chứ không mang dấu ấn cá nhân như trong thơ trữ tình của văn học viết.

    Trong đó có các chủ đề chính là những tiếng hát than thân, những lời ca yêu thương tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa, cay đắng nhưng đằm thắm ân tình của con người Việt Nam và những bài ca dao hài hước thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động.

    Ca dao Việt Nam là cây đàn muôn điệu của tâm hồn nhân dân Việt Nam.

    - Nghệ thuật ca dao:

    + Lời thơ của ca dao thường ngắn gọn: có khi chỉ là một cặp lục bát, có những bài dài hơn nhưng đa phần đều không quá dài (từ 2 câu đến khoảng trên dưới 20 câu). Tuy ngắn gọn, nhưng mỗi bài ca dao đều thể hiện trọn vẹn một chủ đề, một hoặc nhiều nội dung tư tưởng mà tác giả dân gian gửi gắm.

    + Ca dao đa phần sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể (hơn 90%).

    Lục bát là thể thơ dân tộc, mỗi cặp lục bát (chính thể) có cấu trúc: câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng. Cũng có khi ca dao được biểu hiện dưới dạng lục bát biến thể: câu trên 6 tiếng, câu dưới dài hơn 8 tiếng (9, 10, 11, 12... tiếng).

    Ví dụ:

    "Anh đi anh nhớ quê nhà,
    Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương." (lục bát chính thể).

    "Yêu nhau tam, tứ núi cũng trèo,
    Thất, bát sông cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua." (lục bát biến thể).

    + Ngôn ngữ ca dao gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ.

    Ngôn ngữ trong ca dao là ngôn ngữ của nhân dân lao động, nên gần gũi, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngôn ngữ ca dao không có tính nghệ thuật. Ngược lại, ca dao sử dụng rất nhiều những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ, những cách biểu đạt đậm chất văn chương.

    Ví dụ:

    "Yêu nhau từ thuở trăng tròn,
    Bây giờ trăng khuyết vẫn còn yêu nhau."....

    "Hỡi cô tát nước bên đàng,
    Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi."

    + Lối diễn đạt bằng một số hình thức mang đậm sắc thái dân gian.

    Ca dao có những cách biểu đạt mang sắc thái dân gian, như hình thức đối đáp, cách xưng hô "mình" – "ta", những lời hô gọi, cảm thán đậm cảm xúc:

    Ví dụ:

    "- Đố anh chi sắc hơn dao,
    Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời?
    - Em ơi mắt sắc hơn dao,
    Bụng sâu hơn biển, trán cao hơn trời."

    "Khi nào trạch đẻ ngọn đa,
    Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình."

    4. Phân biệt ca dao, dân ca

    Hiểu một cách đơn giản, ca dao là phần lời thơ của dân ca. Còn dân ca là ca dao có kèm theo sự luyến láy của điệu nhạc. Ca dao để đọc, ngâm, còn dân ca để hát, diễn xướng.

    Ví dụ:

    Ca dao:

    "Còn duyên ngồi gốc cây thông,
    Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa."

    Dân ca:

    "Còn duyên (là duyên) ngồi gốc (gốc) cây thông,
    Hết duyên (là duyên) ngồi gốc (gốc) cây hồng (là hồng) hái hoa..."



    (ca dao kết hợp với phần nhạc trở thành dân ca)​


    5. Vai trò của ca dao trong cuộc sống

    - Ca dao trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Hoài Thanh từng nhận xét: "Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homerơ đến Kinh Thi, đến ca dao Việt Nam, thơ ca có một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại, nó ra đời từ những buồn vui của loài người và sẽ làm bạn với con người cho đến ngày tận thế."

    Ca dao có thể nói, là tiếng nói đầu tiên của "cây đàn tâm hồn" con người kể từ khi con người bước ra khỏi bóng tối của đời sống nguyên thủy, biết mở rộng tâm hồn, lắng nghe tiếng vọng của đời và cất lên những lời thì thầm của trái tim biết buồn vui, yêu ghét...

    Như vậy, ca dao, với người xưa, là nơi giãi bày tình cảm, nỗi lòng sâu kín.

    Qua thời gian, ca dao vẫn giữ nguyên giá trị trường tồn. Với con người thời nay, ca dao là dòng suối mát lành nuôi lớn tuổi thơ ta qua những lời ru của bà, của mẹ.Với sự ra đời của nhiều thể loại nhạc khác, hát ru không còn giữ vị thế "độc tôn" như trước, nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò của hát ru đối với tâm hồn thơ trẻ. Ca dao - dân ca là những bài học làm người đầu tiên dạy con trẻ biết "một lòng thờ mẹ, kính cha", "cho tròn chữ hiếu mới là đạo con", biết "anh em như thể tay chân", biết "bầu ơi thương lấy bí cùng"... Đó là lí do mà tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị đã cho rằng hát ru là "những bài hát hay nhất thế gian."

    - Ca dao còn dạy chúng ta nhiều bài học về cuộc sống.

    + Ca dao dạy ta biết yêu lao động, trân quý sức lao động của con người:

    "Cày đồng đang buổi ban trưa,
    Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
    Ai ơi bưng bát cơm đầy,
    Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần."

    + Ca dao dạy ta biết yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào:

    "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ."

    "Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
    Người trong một nước phải thương nhau cùng."

    "Bầu ơi thương lấy bí cùng,
    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."

    + Ca dao còn dạy chúng ta biết yêu thương quý trọng gia đình, quý trọng những tình cảm thiêng liêng, cao cả mà gần gũi, ấm áp:

    "Công cha như núi Thái Sơn,
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
    Một lòng thờ mẹ, kính cha,
    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con."

    "Anh em như thể tay chân,
    Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần."

    + Ca dao dạy chúng ta biết thủy chung, son sắt trong tình yêu:

    "Muối ba năm muối đang còn mặn,
    Gừng chin tháng gừng hãy còn cay.
    Đôi ta nghĩa nặng tình dày,
    Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa."

    + Ca dao còn bồi dưỡng cho chúng ta nhiều bài học quý báu về cách đối nhân, xử thế, về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống:

    "Chồng giận thì vợ bớt lời,
    Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê."

    " Chớ than phận khó ai ơi!
    Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây."

    Tất cả những bài học nhân văn đó, những tư tưởng tình cảm đó, dù đời xưa hay đời nay vẫn luôn là những bài học sâu sắc, đáng giá, có ý nghĩa lâu bền. Như vậy, ca dao có vai trò vô cùng quan trọng lời ăn tiếng nói, trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức.. cho con người. Có thể nói, ca dao (dân ca) góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện nhân cách con người, rèn luyện, bồi đắp những tư tưởng, tình cảm, lối sống cao đẹp, lành mạnh.


    6. Tâm thế đọc ca dao

    Giống nhiều thể loại văn học dân gian khác là tác phẩm thường gắn liền với diễn xướng trong cộng đồng, mỗi bài ca dao thường ra đời trong một môi trường cuộc sống cụ thể (môi trường lao động, môi trường sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng...). Nhân vật trữ tình hát lên, hoặc ngâm, hoặc ru, hoặc thủ thỉ... thường hướng tới một đối tượng cụ thể: bà ru cháu, mẹ ru con, chàng trai tỏ tình, thở than với cô gái, những người lao động hát cho nhau nghe...

    Do đó, khi đọc mỗi bài ca dao, chúng ta nên tưởng tượng đó là một cuộc trò chuyện, tâm tình trong một khung cảnh cuộc sống cụ thể. Chúng ta cũng có thể hóa thân vào nhân vật, hoặc cộng hưởng với các cung bậc của "cây đàn tâm hồn" của nhân vật trữ tình – ta sẽ hiểu thấm thía, sâu sắc hơn đời sống tình cảm của họ, những tâm tư sâu kín trong tâm hồn họ, và việc đọc – hiểu tác phẩm sẽ thuận lợi hơn.

    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng mười 2021

  2. Vài nét về chủ đề ca dao trong sách giáo khoa Ngữ văn 10

    Ca dao hài hước



    Ca dao là tiếng nói của tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi và nhiều mối quan hệ khác. Ca dao còn là tiếng hát than thân, những lời ca yêu thương tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa cay đắng nhưng đằm thắm ân tình bên gốc đa, sân đình, giếng nước. Bên cạnh đó còn là những lời ca hài hước thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động.

    Nằm trong chùm ca dao hài hước nhưng lại phảng phất ý vị than thân, những bài ca dao mở đầu bằng mô típ "Chồng người", "Làm trai" là những bài ca dao tiêu biểu. Chủ thể của những bài ca dao này thường là người phụ nữ, có thể vì hủ tục phong kiến "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" mà lấy phải những đức ông chồng chẳng được như "chồng người", chẳng đáng mặt kẻ "làm trai".

    Người chồng trong quan niệm xưa là người trụ cột của gia đình, là người đứng ra lo toan, gánh vác mọi việc lớn lao trong nhà. Tuy nhiên, không phải người đàn ông nào cũng đảm đương được trách nhiệm đó. Xã hội xưa không hiếm những kẻ làm chồng mà lười biếng, yếu đuối, không có chí tiến thủ, thậm chí ăn bám vợ, trở thành gánh nặng cho vợ con.

    Người vợ nào không may mắn lấy phải ông chồng như vậy thì cả cuộc đời phải chịu vất vả, thiệt thòi.

    Những bài ca dao dưới đây chính là tiếng lòng của những người phụ nữ bất hạnh ấy. Dù có chọn hình thức biểu đạt hài hước, hóm hỉnh, nhưng mỗi bài ca dao, là mỗi tiếng thở dài ngao ngán của người vợ than thở về sự thực rất đáng buồn.

    Những bài ca dao mở đầu bằng Chồng người


    - Chồng người đánh Bắc dẹp Đông,
    Chồng em ngồi bếp giương cung bắn ruồi.

    - Chồng người đi ngược về xuôi,
    Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

    - Chồng người bể Sở sông Ngô,
    Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần.

    - Chồng người thổi sáo thổi tiêu,
    Chồng em ngồi bếp húp siêu bỏng mồm.

    Những bài ca dao mở đầu bằng Làm trai


    - Làm trai cho đáng nên trai,
    Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.

    - Làm trai cho đáng nên trai,
    Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con.

    - Làm trai cho đáng sức trai,
    Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.

    - Làm trai cho đáng nên trai,
    Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào.

    Những bài ca dao này nhấn mạnh hai kiểu người trái ngược giữa "chồng người" và "chồng em", hai sự đối lập trời vực giữa "đánh Bắc dẹp Đông", "đi ngược về xuôi", "bể Sở sông Ngô" - tung hoành ngang dọc, thỏa chí tang bồng và "ngồi bếp sờ đuôi con mèo", "rang ngô cháy quần" - quanh quanh quẩn quẩn hết ngày này sang ngày khác làm những việc vô bổ, vô ích và đáng cười. Đó còn là sự trái ngược giữa kẻ làm trai theo quan niệm truyền thống với kẻ làm trai trong thực tế: "Vét niêu", "ăn vụng", "gánh hai hạt vừng", tham ăn...

    Họ là những kẻ làm trai mà không đáng mặt nam nhi, những đức ông chồng mà không thể là chỗ dựa đáng tin cậy của vợ con và xã hội. Người vợ chỉ còn biết thở dài, ngao ngán cho duyên phận hẩm hiu, không may. Vì thế, âm hưởng của những bài ca dao trên vừa trào lộng, châm biếm, vừa da diết, trữ tình.

    Nét đặc sắc nghệ thuật của chùm ca dao trên là sử dụng thủ pháp đối lập, tương phản (chồng người - chồng em) ; sử dụng cấu trúc đòn bẩy (dùng hình ảnh đẹp ở câu trên để nhấn mạnh hình ảnh xấu ở câu dưới) và từ ngữ cường điệu, ngược nghĩa..


    Ca dao, dân ca là tấm gương phản ánh chân thực, sâu sắc và cảm động đời sống tâm hồn của người dân lao động nghèo. Đọc chùm ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa, chúng ta phần nào cảm nhận được điều đó.

    Những bài ca dao mở đầu bằng Thân em


    - Thân em như thân cây thầu dầu,
    Ngoài tươi trong héo giữa sầu tương tư.

    - Thân em như quả cau khô,
    Người thanh tham mỏng, người thô tham dày.

    - Thân em như trái bần trôi,
    Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.

    - Thân em như giếng giữa đàng,
    Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

    - Thân em như hạt mưa rào,
    Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

    Thân em như hạt mưa sa
    Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày..

    Người than thân trong chùm ca dao trên là người phụ nữ. Những hình ảnh so sánh: Cây thầu dầu, quả cau khô, trái bần trôi, giếng giữa đàng, hạt mưa.. giàu tính gợi hình biểu cảm gợi lên thân phận bấp bênh, chìm nổi, bị phụ thuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

    Người phụ nữ than thở vì họ lo âu cho thân phận con gái của mình chẳng biết cuộc đời rồi sẽ đi về đâu. Họ không có quyền quyết định số phận của mình. Mọi buồn, vui, sướng, khổ, hạnh phúc, bất hạnh đều phụ thuộc vào người khác.

    Mối lo của người phụ nữ xuất phát từ những định kiến, quan niệm cổ hủ: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, xuất giá tòng phu.. Họ không được tự do lựa chọn người mình yêu, không được chọn người bạn đời mà mình mơ ước. Đó chính là căn nguyên của mọi nỗi bất hạnh. Một khi đã lấy chồng, người con gái chẳng khác nào "chim vào lồng", "cá cắn câu". May mắn thì lấy được người chồng biết yêu thương, trân trọng. Không may thì lấy phải kẻ bạc bẽo, lạnh lùng. Hình ảnh "người thanh", "người k hôn " trong phép đối lập với "người thô", "người phàm" là để chỉ hai kiểu người chồng đó.

    Tiếng hát than thân là tiếng lòng cất lên từ những cuộc đời còn nhiều khổ cực, đắng cay của người lao động, nhất là những người phụ nữ thấp cổ bé họng, gần như không có tiếng nói trong xã hội xưa. Những lời than thân ấy được thể hiện bằng nghệ thuật riêng, đậm đà màu sắc dân gian, đậm tính dân tộc, rất đáng đọc, đáng nghe và đáng suy ngẫm.

    Ca dao yêu thương tình nghĩa

    Ca dao là tiếng lòng của người bình dân Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa. Ca dao không chỉ là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời còn nhiều éo le, ngang trái, ca dao còn là tiếng hát yêu thương tình nghĩa đằm thắm ân tình của người lao động. Đọc ca dao, nhất là những bài ca dao tình nghĩa - chúng ta không chỉ thêm hiểu, thêm yêu mà còn tự hào về kho tàng văn hóa, kho tàng đạo lí Việt Nam mà lớp lớp con cháu khai thác, tiếp nhận mãi mãi không vơi cạn.

    Những bài ca dao về tình cảm gia đình


    Tình cảm vợ chồng:

    - Muối ba năm muối đang còn mặn
    Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
    Đôi ta nghĩa nặng tình dày
    Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

    Gừng cay muối mặn là biểu tượng cho tình nghĩa thủy chung chồng vợ. Ấy là hai vị rất đậm (cay, mặn) và không phai nhạt theo thời gian. Dù chín tháng, ba năm hay muôn đời sau, gừng không phai vị gừng, muối không nhạt vị muối. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao khẳng định tình cảm vợ chồng của mình cũng mãi mãi nồng đậm như muối, như gừng vậy. Các con số trong bài ca dao không được dùng theo nghĩa đen. Chúng chỉ khoảng thời gian rất lâu. Qua các con số ấy, tác giả khẳng định: tình nghĩa vợ chồng sẽ luôn bền vững với thời gian. Nếu có phải cách xa nhau thì chỉ có cái chết. (Ba vạn sáu ngàn ngày là 100 năm - chỉ một đời người).

    Bài ca dao làm theo thể thơ tự do: hai câu đầu ở dạng song thất, hai câu sau là cặp lục bát biến thể với câu trên sáu tiếng, câu dưới mười ba tiếng diễn tả tình cảm mênh mông, dạt dào, sâu nặng của con người.

    Nằm trong chủ đề này, còn rất nhiều những bài ca dao khác:

    - Muối mặn ba năm còn mặn,
    Gừng cay chín tháng còn cay.
    Dù ai xuyên tạc lá lay,
    Sắt son nguyện giữ lòng này thủy chung.
    - Tay nâng chén muối đĩa gừng,
    Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.
    - Râu tôm nấu với ruột bầu,
    Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
    - Qua đình ngả nón trông đình,
    Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.
    - Chồng em áo rách em thương,
    Chồng người áo gấm xông hương mặc người...

    Những bài ca dao về tình yêu đôi lứa


    - Khăn thương nhớ ai,
    Khăn rơi xuống đất.
    Khăn thương nhớ ai,
    Khăn vắt lên vai.
    Khăn thương nhớ ai,
    Khăn chùi nước mắt.
    Đèn thương nhớ ai,
    Mà đèn không tắt.
    Mắt thương nhớ ai,
    Mắt ngủ không yên.
    Đêm qua em những lo phiền,
    Lo vì một nỗi không yên một bề...

    Tình yêu thường đi liền với nỗi nhớ. Tình yêu càng sâu sắc thì nỗi nhớ càng mãnh liệt. Có biết bao bài ca dao đã nói lên tiếng lòng nhung nhớ của đôi lứa trong tình yêu:

    Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
    Như đứng đống lửa,như ngồi đống than.

    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
    Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?

    Người về gửi áo lại đây
    Phòng khi em nhớ cầm tay đỡ buồn.


    Nằm trong chủ đề tình yêu, nỗi nhớ, bài ca dao "Khăn thương nhớ ai" là lời của một cô gái đang thương nhớ người yêu. Cô gái ấy không trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ của mình mà gửi gắm vào các hình ảnh biểu tượng: khăn, đèn, mắt.

    Cô gái hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi mắt nhưng thực ra là để hỏi chính nỗi lòng mình. Một nỗi nhớ mãnh liệt, bồn chồn, cứ khắc khoải dâng lên nối tiếp, dồn dập kéo dài suốt một đêm không ngủ.

    Vì thương nhớ người yêu nên cô lặng lẽ khóc thầm:

    "Khăn lau nước mắt"

    Câu ca dao biểu đạt vô cùng xúc động nỗi nhớ dâng trào trong lòng cô gái. Người ta khóc khi đau, cô gái khóc cả khi nhớ. Tình yêu có những quy luật chẳng thể lí giải được.
    Vì thương nhớ người yêu, cô trằn trọc thao thức cả đêm không ngủ:

    "Đèn thương nhớ ai
    Mà đèn không tắt"

    Hai câu trên khiến ta hình dung nỗi nhớ dai dẳng, kéo dài, không bao giờ nguôi trong lòng cô gái. Cô gái không chỉ nhớ ban ngày, mà nhớ cả khi màn đêm buông xuống. Tình yêu mà, nỗi nhớ đâu kể ngày đêm.

    Vì thương nhớ người yêu, ban đầu cô còn bóng gió hỏi khăn, hỏi đèn. Nhưng sau đó, không nén được nỗi lòng, cô gái hỏi thẳng bản thân mình: "Mắt thương nhớ ai - Mắt ngủ không yên?" Đây là hai câu thơ rất hay trong kho tàng ca dao Việt Nam. Rõ ràng cô gái ngủ không yên lại đổ thừa cho đôi mắt. Cách nói ý nhị vừa thể hiện sự e ấp, nữ tình, vừa kín đáo bộc lộ tình yêu, nỗi nhớ trào dâng mãnh liệt trong lòng người con gái đang yêu.

    Tình yêu, nỗi nhớ thường gắn với tâm trạng lo âu về một sự không may nào đó. Cô gái trong bài ca dao này cũng vậy: "Đêm qua em những lo phiền - Lo vì một nỗi không yên một bề". Cô gái rơi từ cảm xúc thương nhớ đến lo âu. Đó cũng là trạng thái tâm lí thường thấy của một tình yêu sâu đậm: vì yêu nên sợ xa cách, vì yêu nên sợ chia lìa. Mối lo của cô gái là có cơ sở. Bởi trong xã hội phong kiến xưa, bao hủ tục ràng buộc khiến người con gái không được lựa chọn người mình yêu làm chồng: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, trọng nam khinh nữ... Điều đó khiến cô không khỏi "lo phiền". Hình ảnh cô gái "lo phiền", trằn trọc suốt một đêm không ngủ có nét tương đồng với hình ảnh nhân vật trữ tình đứng bên bờ ao trong bài ca dao:

    Đêm qua ra đứng bờ ao,
    Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.

    - Còn cô gái trong bài ca dao:

    Ước gì sông rộng một gang
    Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.

    lại có một ước muốn kì quặc: ước sông chỉ nhỏ hẹp vừa bằng gang tay để mình bắc cây cầu dải yếm cho người nhung nhớ qua chơi với mình. Cô gái muốn tạo con đường ngắn nhất, hẹp nhất để rút ngắn khoảng cách giữa cô và "chàng".
    Cây cầu là hình ảnh biểu tượng thường xuất hiện trong ca dao. Có khi cây cầu ấy là cành hồng:

    "Hai ta cách một con sông,
    Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang."

    có khi là ngọn mồng tơi:

    "Gần đây mà chẳng sang chơi,
    Để em ngắt ngọn mồng tơi làm cầu."

    Nếu dòng sông là hình ảnh tượng trưng cho những thế lực ngăn cách tình yêu thì cây cầu lại là phương tiện để vượt qua sự ngăn cách ấy.

    Cũng như cành hồng, ngọn mồng tơi... cây cầu của cô gái trong bài ca dao này hết sức kí quặc - cầu dải yếm chứ không phải cầu bình thường. Đó là hình ảnh phi lí. Cả con sông một gang tay cũng phi lí. Phi lí nhưng lại diễn tả rất có lí những mong mỏi, khát khao cháy bỏng trong lòng cô gái đang mong nhớ người yêu. Khi nỗi nhớ thương trào dâng mãnh liệt thì mọi xa cách đều gần lại, mọi trắc trở đều có thể vượt qua, mọi con đường đến với nhau đều thơ mộng, dễ dàng. Con sông kia ngăn cách đôi bờ bao nhiêu không rõ. Nhưng trong tình yêu, nỗi nhớ của cô gái, nó trở nên ngắn hẹp, nhỏ xinh, thật duyên dáng. Và chiếc cầu bắc qua sông - cầu dải yếm mới mềm mại, êm ái và hấp dẫn, mời gọi biết bao nhiêu...

    Chàng trai nào có được người bạn tình mang nỗi nhớ, niềm thương khắc khoải, mãnh liệt như thế, thật hạnh phúc vô cùng.

    Dẫu chỉ là một ước mơ nhưng bài ca dao là lời tâm sự chân thành của một cô gái đang nhung nhớ người yêu. Tình cảm của người con gái ấy đẹp, táo bạo mà lại tinh tế, ý nhị biết bao...

    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng mười 2021

  • kiến thức
  • văn học

Chủ đề