Tư tưởng yêu nước trong văn học Việt Nam cuối the kỷ 19

I. Nội dung

1. Nội dung yêu nước trong văn giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX

- Nội dung yêu nước xuất hiện những biểu hiện mới như ý thức về vai trò của người trí thức đối với đất nước (Chiếu cầu hiền - Ngô Thì Nhậm), tư tưởng canh tân đất nước (Xin lập khoa luật - Nguyễn Trường Tộ), tìm hướng đi mới cho cuộc đời trong hoàn cảnh xã hội bế tắc (Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Cao Bá Quát)...

- Những biểu hiện của nội dung yêu nước qua các tác phẩm và đoạn trích:

+ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu: Lòng căm thù giặc, nỗi xót xa trước cảnh đất nước bị giặc tàn phá.

+ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu): Sự biết ơn những người đã hi sinh vì Tổ quốc.

+ Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Chu Mạnh Trinh): Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước.

+ Vịnh khoa thi hương (Trần Tế Xương): Lòng căm thù giặc.

2. Trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX

- Chủ nghĩa nhân đạo trong giai đoạn này trở thành một trào lưu vì xuất hiện hàng loạt những tác phẩm có giá trị như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương...

- Những nội dung thể hiện trong văn học giai đoạn này là sự thương cảm trước bi kịch và đồng cảm với khát vọng của con người; khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm, lên án những thế lực tàn bạo chà đạp con người; đề cao truyền thống đạo lí, nhân nghĩa của dân tộc.

- Cảm hứng nhân đạo trong giai đoạn này cũng có những biểu hiện mới, hướng vào quyền sống của con người, nhất là con người trần thế (Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương); ý thức về cá nhân đậm nét hơn, ý thức về quyền sống cá nhân, hạnh phúc cá nhân, tài năng cá nhân.... qua các tác phẩm như Tự tình (Hồ Xuân Hương), Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ).

- Dẫn chứng các tác giả, tác phẩm tiêu biểu:

+ Truyện Kiều (Nguyễn Du) đề cao vai trò của tình yêu, biểu hiện cao nhất của sự đề cao con người cá nhân. Tình yêu không chỉ đem lại cho con người vẻ đẹp cuộc sống, qua tác phẩm, nhà thơ muốn đặt ra và chống lại định mệnh.

+ Trong Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), con người cá nhân được gắn liền với nỗi lo sợ tuổi trẻ, hạnh phúc chóng phai tàn do chiến tranh.

+ Thơ Hồ Xuân Hương là con người cá nhân bản năng khao khát sống, khao khát hạnh phúc, tình yêu đích thực, bày tỏ thẳng thắn những ước mơ của người phụ nữ với cá tính mạnh mẽ.

+ Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) là con người cá nhân nghĩa hiệp và hành động theo nho giáo.

+ Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) là con người cá nhân công danh, hưởng lạc ngoài khuôn khổ.

+ Thơ Tú Xương là nụ cười giải thoát cá nhân và sự khẳng định mình.

3. Giá trị phản ánh và phê phán hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

- Vào phủ chúa Trịnh là bức tranh chân thực về cuộc sống nơi phủ chúa, được khắc họa ở hai phương diện, cuộc sống thâm nghiêm giàu sang, xa hoa và cuộc sống ốm yếu, thiếu sinh khí của cha con nhà chúa.

- Trong mắt tác giả, Trịnh phủ thâm nghiêm và đầy uy quyền thế hiện ở những tiếng quát tháo, truyền lệnh, những tiếng dạ ran của kẻ hầu người hạ, ở những con người oai vệ và ở dáng vẻ khúm núm, sợ sệt của người ngoài. Phủ chúa là một thế giới riêng biệt, phải qua rất nhiều cửa gác, mọi việc đều phải qua quan truyền lệnh, chỉ dẫn. Thầy thuốc vào khám bệnh phải chờ, phải cúi lạy, phải nín thở...

Phủ chúa là nơi giàu sang, xa hoa từ nơi ở đến tiện nghi sinh hoạt, từ vật dụng đến đồ ăn thức uống. Cả vật và người đều phơi bày sự giàu sang, xa xỉ.

- Cuộc sống nơi Trịnh phủ rất thiếu sinh khí , đó cũng là nguyên nhân gây ra sự ốm yếu của thế tử Cán. Sự thâm nghiêm kiểu mê cung càng làm tăng âm khí nơi phủ chúa.

4. Giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

- Nổi bật nhất trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là nội dung đề cao đạo lí nhân nghĩa qua Truyện Lục Vân Tiên và nội dung yêu nước qua Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Chạy Tây và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

- Đóng góp nổi bật nhất của Nguyễn Đình Chiểu về nghệ thuật là tính chất đạo đức - trữ tình, màu sắc Nam Bộ qua ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật.

- Trước Nguyễn Đình Chiểu, văn học dân tộc chưa có một hình tượng hoàn chỉnh về người anh hùng nông dân nghĩa sĩ. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, hình tượng người anh hùng nông dân nghĩa sĩ mang vẻ đẹp bi tráng (đau thương, hào hùng). Tiếng khóc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tiếng khóc đau thương mà lớn lao, cao cả.

II. Phương pháp

1. Hình thức ôn tập

- Tổng kết về tác giả, tác phẩm văn học giai đoạn trung đại.

- Thuyết trình.

- Thảo luận nhóm.

- Viết báo.

2. Nắm được đặc điểm của bộ phận văn học từ đó tìm hiểu những tác phẩm cụ thể

Văn học giai đoạn này mang những đặc điểm riêng về tư duy nghệ thuật, quan niệm thẩm mĩ, bút pháp nghệ thuật và thể loại văn học…


Page 2

Tư tưởng yêu nước trong văn học Việt Nam cuối the kỷ 19

SureLRN

Tư tưởng yêu nước trong văn học Việt Nam cuối the kỷ 19

Chuyên đề: 

CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

Đề tài: 

CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX (nét độc đáo trong sự biến đổi của văn hóa Việt Nam)

MỤC LỤC

DẪN NHẬP…………………………………………………………………………………. 1

I. NHÀ NGUYỄN ĐỐI DIỆN VỚI CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP….. 2

II. CÁC KHUYNH HƯỚNG YÊU NƯỚC Ở VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

  1. Khuynh hướng yêu nước của các nhà Nho…………………………………….. 8
  2. Khuynh hướng yêu nước bằng cải cách, canh tân, đổi mới đất nước….. 9
  3. Khuynh hướng dân chủ tư sản……………………………………………………… 10

TÀI LIỆU THAM KHẢO ………………………………………………………………. 14

DẪN NHẬP

 Đất nước Việt Nam trải dài qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều thăng trầm, gắn liền quá trình dựng nước và giữ nước. Do đó, dựng nước và giữ nước đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước Việt Nam. Ý chí dựng nước và giữ nước ấy lại nảy sinh và phát triển trong cái khung xã hội Việt Nam cổ truyền, đó là Nhà – Làng – Nước, trên nền tảng kinh tế – xã hội: nông dân – nông thôn – nông nghiệp. Chính trong cái môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử ấy đã hình thành nên chủ nghĩa yêu nước Việt Nam – điểm nổi bật của bản sắc văn hóa Việt Nam, với nhiều sắc thái đặc thù.

Khác với quan niệm của nhiều quốc gia trong khu vực, ở Việt Nam “nước” luôn được đặt lên hàng đầu. Khái niệm “nước” ở Việt Nam thể hiện trên nhiều mặt. Ở khía cạnh thiên nhiên, địa lý, nước chỉ non sông, giang sơn gấm vóc, chỉ lãnh thổ biên cương. Nước còn bao gồm những tộc người, dân tộc và sự đoàn kết giữa các dân tộc trên mảnh đất đó. Từ đó, nước còn bao gồm gia đình, làng xóm, quê hương, quốc gia với những thiết chế chính trị kinh tế của mình. Nước còn gắn liền với văn hóa như phong tục, tập quán, ngôn ngữ, truyền thống lịch sử.

Do đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ gia đình, quê hương và mở rộng ra cả dân tộc, đất nước. Tạo thành một thứ chủ nghĩa yêu nước được “gia tộc hóa”. Từ đó hình thành một thứ ứng xử theo kiểu “thân tộc hóa” các quan hệ xã hội. Đó là nét biểu hiện độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cùng như các thành tố văn hóa khác, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có sự biến đổi theo sự biến thiên của lịch sử dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trải qua 5 giai đoạn đoạn: Giai đoạn Hùng Vương; Giai đoạn Bắc thuộc; Giai đoạn Lý – Trần; Giai đoạn Lê – Nguyễn; Giai đoạn Hồ Chí Minh.

Nếu chủ nghĩa yêu nước giai đoạn Hùng Vương thể hiện bằng huyền thoại, truyền thuyết mang tính chất anh hùng ca mộc mạc, giản dị; giai đoạn Bắc thuộc thể hiện sức sống quật khởi của dân tộc chống lại sự đồng hóa của kẻ thù; giai đoạn Lý Trần phản ảnh những chiến công hào hùng của dân tộc gắn liền với độc lập tự chủ của đất nước thì chủ nghĩa yêu nước giai đoạn Lê Nguyễn đạt đến trình độ cao ở tư tưởng của Nguyễn Trãi.

Trong nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lịch sử dân tộc Việt đứng trước sự biến thiên to lớn, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cũng có sự biến đổi. Và giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được coi là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa yêu nước thời Lê – Nguyễn sang chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, nét độc đáo trong sự biến đổi bản sắc văn hóa Việt Nam.

I. NHÀ NGUYỄN ĐỐI DIỆN VỚI CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP

Vào giữa thế kỷ XIX, trước sự xâm lăng của chủ nghĩa tư bản Pháp, vấn đề canh tân cải tổ đất nước hay thủ cựu giữ nguyên trở thành vấn đề sống còn của đất nước. Tuy nhiên, tư tưởng thủ cựu của nhà vua, của các triều thần và của nho sĩ trong nửa cuối thế kỷ XIX đã dẫn đến việc Việt Nam rơi vào tay chủ nghĩa thực dân Pháp.

Năm 1847, Pháp đã một lần nổ súng ở Đà Nẵng, nhưng điều kiện nước Pháp khi đó đã không cho phép thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhà Nguyễn đã không thấy được nguy cơ mất nước để lo canh tân đất nước, đề phòng họa xâm lăng. Các triều đại vua nhà Nguyễn vẫn lo chăm chút, xây dựng cung điện, “trọng nông, ức thương”, cho phương Tây là “ngoại di”, hơn là cải tổ, canh tân đất nước.

Mặc dù, vấn đề duy tân đất nước luôn được lên bàn chính sự, song tư tưởng chính thống của triều đình nhà Nguyễn vẫn là xưa hơn nay, nay thua xưa, quân tử làm chính sự phải theo phép cũ, trừ hại hơn hưng lợi. Tuy triều đình có đưa người đi học hỏi những thành tựu khoa học kỹ thuật ở các nước phương Tây, nhưng vẫn giữ tư tưởng “nội hạ ngoại di”.

Một số nho sĩ theo tư tưởng hòa hoãn muốn tranh thủ hòa với Tây để duy tân đất nước. Xu hướng duy tân này do Nguyễn Trường Tộ khởi xướng từ năm 1861. Sau ông còn có Đinh Văn Điền, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ.v.v… Các ông vạch rõ dã tâm xâm lược của chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc, An Độ, Nam Dương và của cả thực dân Pháp ở nước ta. Vì thế, để không bị mất nước, theo các ông, triều Nguyễn phải thủ hòa, đồng thời lập tức canh tân đất nước. Các ông đã đệ trình lên triều đình nhiều cải cách quan trọng, rộng khắp trên mọi lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, văn hóa, giáo dục, tôn giáo.v.v… nhưng triều Nguyễn vẫn không thực hiện. Những đề nghị cải cách này ngày càng được các sĩ phu yêu nước đặt ra cấp bách cùng với quá trình mở rộng xâm lược của thực dân Pháp.

Cùng với tư tưởng canh tân, vấn đề “hòa” hay “chiến” trở thành đề tài đấu tranh tư tưởng và đấu tranh chính trị sôi nổi của tầng lớp sĩ phu triều Nguyễn. Và sau trở thành cuộc đấu tranh chính trị giữa nhân dân và triều đình và giữa các triều thần mà sau phát triển thành phong trào kháng Pháp mạnh mẽ trong những thập niên cuối thế kỷ XIX.

Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam bằng vũ trang. Đứng trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, 2000 quân triều đình đóng tại đây được lệnh án binh bất động. Nguyễn Tri Phương – vị tướng xuất sắc nhất của nhà Nguyễn – được cử làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam chỉ huy toàn bộ mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng cũng chỉ tập trung xây dựng phòng tuyến phòng thủ, thực hiện chính sách vườn không nhà trống để bao vây, cô lập quân Pháp. Trong 5 tháng, quân Pháp bị cầm chân tại chỗ, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh thất bại. Song nhà Nguyễn vẫn giữ nguyên thái độ “hòa hoãn”. Trong khi đó, tại cung điện Huế, cuộc chiến “thủ để hòa” hay “chủ chiến” giữa các triều thần nhà Nguyễn diễn ra gay gắt. Phái “thủ để hòa” chủ trương đào hào đắp lũy để cố thủ, hy vọng “trì cửu” cho quân Pháp mệt mỏi mà rút về. Phái này cho rằng “họ ở xa ta, nên không thôn tính được ta” và “vì ta lạnh nhạt với họ nên họ mới đánh ta”… Một bộ phận khác của phái “thủ để hòa” chủ trương tạm thời hòa hoãn, tập trung canh tân đất nước, mở rộng quan hệ với bên ngoài để chống lại nguy cơ bị xâm lược.

Sa lầy ở Quảng Nam, đầu năm 1859, thực dân Pháp chuyển hướng đánh chiếm phía Nam, âm mưu lấy đó làm bàn đạp xâm chiếm toàn bộ Việt Nam. Mất nước đã trở thành một thực tế ngay trước mắt, nhưng triều đình nhà Nguyễn vẫn không có thái độ tích cực để chuẩn bị chiến đấu. Do vậy, hệ thống phòng thủ của triều đình từ Vũng Tàu đến Nhà Bè nhanh chóng bị phá vỡ, rồi đến sự thất thủ của thành Gia Định sau vài giờ chống cự.

Sau đó, trong suốt quá trình xâm lược của thực dân Pháp, Nhà Nguyễn đã bỏ qua nhiều cơ hội đánh đuổi quân xâm lược.

Chiếm được đồn Gia Định lần thứ I, nhưng quân Pháp lại gặp khó khăn từ cuộc kháng chiến của nhân dân Gia Định. Lúc này, số quân Pháp còn lại ở Đà Nẵng bị thương vong trầm trọng vì dịch bệnh. De Genouilly phải rút quân ra Đà Nẵng, chỉ để lại ở Sài Gòn 3 trung đội và 1 chiến thuyền. Thế nhưng quân địch vẫn yên ổn trước kế sách án binh bất động của quân triều đình.

Cuối 1859, cuộc chiến tranh Trung – Pháp bùng nổ, đại bộ phận quân Pháp tại Việt Nam bị huy động sang Trung Quốc. Số quân còn lại khoảng 1000 gồm quân Pháp và Tây Ban Nha kéo vào Gia Định, đóng trải dài trên phòng tuyến từ Thị Nghè đến Gò cây Mai. Số quân triều Nguyễn đóng tại đây không dưới 10 ngàn dưới quyền chỉ huy của Tôn Thất Cát án binh bất động. Cơ hội tiêu diệt quân xâm lược đã bị bỏ qua do chính sách hòa hoãn của triều đình Huế.

Trong khi đó, Nguyễn Tri Phương, chấp hành đúng đường lối của triều đình, đã cho xây dựng tuyến phòng thủ từ Sài Gòn đến Chợ Lớn với đồn Chí Hòa làm trung tâm nhằm ngăn chặn âm mưu mở rộng địa bàn chiếm đóng của quân Pháp.

Hậu quả là ngày 7.2.1861, quân Pháp trở lại Gia Định với một lực lượng hùng mạnh hơn trước với 150 tàu chiến và 5000 quân nổ súng tấn công đại đồn Chí Hòa. Gia Định lọt vào tay Pháp. Nguyễn Bá Nghi, quan tứ trụ triều đình thuộc phái chủ hòa vào Nam cùng 5.000 quân đóng ở Biên Hoà vẫn kiên trì thương thuyết. Chỉ từ tháng 3.1861 – 3.1862, 3 tỉnh miền Đông lọt vào tay quân Pháp.

Tháng 11.1873, quân Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ I. Phong trào kháng Pháp của nhân dân Bắc Kỳ nổi lên mạnh mẽ. Ngày 21.12.1873, nghĩa quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc đã phục kích tiêu diệt Garnier tại Cầu Giấy làm cho quân Pháp đóng tại Hà Nội và các địa phương lân cận hoang mang. Nhưng ngay lúc đó, triều đình điều động các toán nghĩa quân lên vùng thượng du đối phó với phong trào khởi nghĩa của nhân dân.

Không những vậy, triều Nguyễn còn thẳng tay đàn áp phong trào kháng Pháp của nhân dân. Thực sự quân Pháp không gặp khó khăn nhiều từ quan quân của triều đình mà chủ yếu là do các cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước. Cuộc kháng chiến của nhân dân Quảng Nam đã buộc địch phải chuyển hướng vào phía Nam, thay đổi kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh sang chinh phục từng gói nhỏ.

Vào Gia Định, chúng cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt của nhân dân ta. Cư dân 39/40 làng quanh thành đều sơ tán, đốt nhà để cô lập địch, buộc chúng phải rút xuống tàu sau khi dùng mìn phá huỷ thành Gia Định.

Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông, Pháp lâm vào khó khăn do phong trào kháng chiến của nhân dân ta. Quân số giảm sút do thương vong, bệnh tật, thiếu lương thực, tinh thần sa sút. Lúc này chính là lúc đánh đuổi quân thù thì triều đình lại quay sang ký hòa ước với Pháp.

Sau khi ký kết hiệp ước Nhâm Tuất (1862), với cớ là phong trào kháng Pháp vẫn còn tiếp diễn, và với âm mưu tiếp tục thôn tính 3 tỉnh miền Tây, Pháp đã đề nghị triều Nguyễn cho người Pháp cai quản 3 tỉnh miền Tây. Triều đình chỉ còn biết yêu cầu Phan Thanh Giản “nói phải trái để giặc đừng tấn công”. Mặt khác, vua Tự Đức ra lệnh cho quan quân không được chứa chấp nghĩa quân từ miền Đông sang ẩn náu, không được mộ nghĩa.

Chấp hành lệnh của triều đình, Phan Thanh Giản đã ra lệnh cho nghĩa quân ở các tỉnh Gia Định hạ khí giới, nộp súng đạn cho Pháp. Đáp lại mong muốn của giặc Pháp và triều đình, nhân dân khắp nơi vẫn hăng hái chống Pháp. Họ thành lập những đội nghĩa binh dưới sự lãnh đạo của các quan lại theo tư tưởng độc lập dân tộc. Việc Trương Định nhận phong soái từ nhân dân và ở lại cùng nghĩa quân chiến đấu đã thể hiện sự chọn lựa cũng như quyết tâm chống Pháp của nhân dân ta dù cho triều đình không đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân. Chính triều Nguyễn đã tự từ bỏ vai trò lãnh đạo nhân dân trong cuộc đấu tranh chống xâm lăng của dân tộc.

Từ chính sách “hoà hoãn”, thỏa hiệp nhà Nguyễn ngày càng tiến sâu đến bước “đầu hàng”. Đầu năm 1862 những thất bại ở các thuộc địa khác đẩy chính phủ Pháp vào thời điểm khủng hoảng nặng nề. Giữa lúc đó, triều đình Huế đã cử phái bộ do Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào thương thuyết để ký kết hòa ước với Pháp. 5.6.1862, Hiệp ước Nhâm Tuất được ký kết với 12 điều khoản rất nặng nề.

Hiệp ước Nhâm Tuất về thực chất là sự đầu hàng từng bước của triều đình Huế. Bằng việc ký kết hiệp ước, triều đình Huế đã phản bội lại nhân dân, tự từ bỏ vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta – điều mà chưa có một triều đình nào trong lịch sử phong kiến Việt Nam từng làm.

Từ 18 – 24-6-1867, quân Pháp đã chiếm xong 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Triều đình Huế chỉ cử Trần Tiễn Thành vào Nam thương thuyết xin chuộc lại tỉnh Biên Hòa và vùng Gò Công, xin bỏ nợ chiến phí nhưng mọi yêu cầu đã bị Pháp bác bỏ. Điều này cho thấy triều Nguyễn khiếp sợ trước sức mạnh của Pháp như thế nào.

Ngày 21-12-1873, nghĩa quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc đã phục kích tiêu diệt Garnier tại Cầu Giấy. Đáng lý phải vui mừng thì triều đình lại điều động các toán nghĩa quân lên vùng thượng du đối phó với phong trào khởi nghĩa của nhân dân. Đồng thời, ngày 15-3-1873, triều đình Huế đã ký với Pháp “Hiệp ước Hòa bình và liên minh” (Hiệp ước Giáp Tuất). Hiệp ước là sự thừa nhận của triều đình sự đô hộ của Pháp trên một phần đất nước.

Trước những thất bại về quân sự, ngày 25-8-1885, triều Nguyễn buộc phải ký với Pháp hiệp ước Harmand chia Việt Nam thành 3 miền: Nam Kỳ từ Bình Thuận trở vào là thuộc địa của Pháp. Trung Kỳ từ Khánh Hòa đến đèo Ngang theo chế độ nửa bảo hộ với sự tồn tại của triều đình Huế. Bắc Kỳ từ đèo Ngang trở ra theo chế độ bảo hộ. Đồng thời mọi hoạt động đối ngoại của Việt Nam phải thông qua Pháp kể cả quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Quyền cai trị của triều đình Huế chỉ giới hạn ở Trung Kỳ và phải được sự chuẩn y của Khâm sứ Pháp. Đây thực chất là hiệp ước đầu hàng hoàn toàn của nhà Nguyễn trước thực dân Pháp.

Ngày 6-6-1884, Pháp buộc triều đình Huế ký thêm hiệp ước Patenotre với nội dung chính là Pháp nhấn mạnh thêm quyền thay mặt cho triều đình Huế trong quan hệ ngoại giao.

Mặc dù chỉ phải đối đầu với sự nhu nhược, yếu hèn của triều đình Huế, nhưng thực dân Pháp đã phải mất 26 năm (1858 – 1885) mới hoàn thành kế hoạch xâm lược Việt Nam. Đây chính là kết quả của sự đấu tranh kiên cường, anh dũng của nhân dân ta, điều mà nhà Nguyễn đã không thực hiện được. Trước bối cảnh đất nước gặp cơn khủng hoảng, tầng lớp sĩ phu cùng nhân dân đã thể hiện lòng yêu nước của mình với những thang bậc khác nhau.

II. CÁC KHUYNH HƯỚNG YÊU NƯỚC Ở VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

  1. Khuynh hướng yêu nước của các nhà Nho

Nhà Nho – những người được nuôi dưỡng trong cái nôi Nho học, thấm nhuần ý thức hệ Nho giáo và tư tưởng quan chủ phong kiến. Họ vận dụng những khái niệm của Nho học để thể hiện lòng yêu nước của mình, đồng thời phê phán những kẻ hại dân, hại nước. Tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu. Ông coi trọng ái quốc hơn trung quân, cho rằng dân có thể không theo ý kiến sai trái của vua vẫn có thể được coi là trung quân. Vì vậy, ông hết lòng ca ngợi Trương Định. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ông từng viết rằng “làm người sao nỡ phụ quê hương”, sống theo giặc là nhục nhã, trả nợ nước thì danh thơm muôn thưở. Tầng lớp sĩ phu này luôn trăn trở trước thời cuộc. Trước vận nước, họ suy nghĩ, trăn trở trước câu hỏi muốn cứu dân cứu nước phải làm gì? Họ thấy khó có thể thắng Pháp, nhưng họ vẫn đề cao chính khí, nghĩa khí của những bậc anh hùng. Bảo thủ gạt bỏ máy móc tinh xảo, khoa học kỹ thuật của phương Tây.

Một số nhà Nho là quan lại của triều đình nhà Nguyễn, phẫn uất trước cảnh nước mất, nhà tan đã tuẫn tiết hoặc về quê ở ẩn. Số khác mộ quân khởi nghĩa dứt khoát đứng về phía nhân dân chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, trung quân đồng nghĩa với ái quốc, nhiều sĩ phu đứng lên khởi nghĩa “vua tốt, vua giỏi thì dân theo, vua xấu, vua kém dân cũng phải theo, đánh đổ vua dù là vua Kiệt, vua Trụ cũng là đắc tội lớn nhất vì vua là gốc của nước, nước có vua bạo ngược vẫn hơn không có vua”. Phong trào Cần Vương lan khắp nước kéo dài đến cuối thế kỷ XIX. Cuối cùng, do sức yếu thế cô, phong trào đi vào thế hòa hoãn rồi thất bại. Sự thất bại của phong trào Cần Vương không chỉ nói lên thế và lực của phong trào, sự yếu kém về tổ chức lực lượng và sự nhụt chí của triều đình nhà Nguyễn mà còn là sự không phù hợp của ý thức hệ trong điều kiện lịch sử mới.

  1. Khuynh hướng yêu nước bằng cải cách, canh tân, đổi mới đất nước

Những người yêu nước theo khuynh hướng này cho rằng để có điều kiện đánh thắng Pháp trước hết phải cải cách kinh tế, quốc phòng, giáo dục, văn hóa. Các nhà cải cách đã nhìn nhận được sự lạc hậu của nước mình so với thế giới phương Tây, bởi vậy cần phải đổi mới nhiều mặt để thoát khỏi nghèo nàn. Theo họ, làm giàu không thể chỉ bằng nông nghiệp, mà cần phải khai thác tài nguyên từ rừng, từ biển, phát triển thương nghiệp để phát triển đất nước. Họ chỉ ra sự bảo thủ của nền giáo dục Nho giáo, sự lạc hậu về văn hóa, phong tục tập quán và chỉ ra những cái tiến bộ của văn minh phương Tây mà chúng ta cần học hỏi. Họ cho rằng yêu nước phải làm cho nước giàu, binh mạnh mới đuổi kịp các nước tiên tiến, đánh đuổi được bọn ngoại xâm, bài trừ được các hủ tục lạc hậu. Những nhà cải cách tiêu biểu có Đặng Huy Trứ (1825 – 1874), Phạm Phú Thứ (1821 – 1882) và Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871).

Đặng Huy Trứ cho rằng muốn thắng Pháp ta phải có tàu to súng lớn, từ đó phải lập cục dạy nghề và đẩy mạnh buôn bán (lập ty bình chuẩn).

Phạm Phú Thứ cũng đề nghị mở mang buôn bán, phải học và tiếp thu khoa học kỹ thuật, cải tiến giáo dục.

Nguyễn Trường Tộ chủ trương cải cách toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, giáo dục, quốc phòng, ngoại giao, văn hóa, phong tục. Ông cho rằng theo thời, tùy thời và phải xuất phát từ thực tế. Không thể hoài cổ như Nho giáo, mà mọi suy nghĩ và hành động phải hướng vào hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ lại gặp phải hạn chế khi ông chưa nhận thấy rõ dã tâm xâm lược cướp nước của thực dân Pháp. Ông cũng đã đánh giá sai thực chất của giáo sĩ phương Tây, những người lợi dụng đức tin để phục vụ cho mưu đồ xâm lược của thực dân. Trong khi đó, Nguyễn Trường Tộ lại đánh giá quá cao vũ khí và dũng khí của quân xâm lược. Ngược lại, với quân dân Việt Nam, ông lại đánh giá thấp tinh thần yêu nước, ý chí quật khởi – cái đã được hun đúc từ ngàn đơi. Nguyễn Trường Tộ cũng không thấy được những yêu cầu cấp thiết của quần chúng nhân dân, đó là yêu cầu giảm dịch, bớt tô, có ruộng cày, cho nên những đề nghị cải cách của ông đã không đề cập đến những yêu cầu đó.

Có thể nói: những nhà Nho chủ trương cải cách, duy tân lại là những nhà Nho thuộc phái chủ hòa, còn những nhà Nho chủ chiến thì lại là những người bảo thủ, không muốn đổi mới.

  1. Khuynh hướng dân chủ tư sản

Trước những thành công to lớn của phong trào duy tân ở Nhật Bản, Trung Quốc đã làm cho các nước Châu Á “bừng tỉnh”. Nhất là sau năm 1868, Nhật Bản duy tân chống lại các thế lực cản trở sự phát triển trong nước, tiến theo con đường tư bản chủ nghĩa và đủ sức chống lại các nước phương Tây. Điều này đã ảnh hưởng đến tầng lớp sĩ phu yêu nước ở Việt Nam. Các sĩ phu thấy rằng Nhật Bản cũng là dân da vàng, có hoàn cảnh giống nước ta, Nhật Bản duy tân thành công, tại sao ta không thành công? Sự hấp thụ tân học để giải quyết vấn đề lịch sử đặt ra, xem đó là vũ khí lý luận mới trong quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp, tức là hệ tư tưởng tư sản đã manh nha trong các sĩ phu phong kiến tư sản hóa dẫn đến sự phát triển rầm rộ các phong trào mang màu sắc thời đại tiêu biểu như Việt Nam Quang Phục Hội, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du v.v…

Các nhà nho yêu nước thời kỳ này chú trọng đến vai trò của văn hóa tư tưởng. Họ công khai tuyên chiến với ý thức hệ phong kiến lạc hậu, cổ hủ. Tố cáo chính sách ngu dân của thực dân xâm lược. Đả kích kịch liệt tư tưởng Nho giáo. Phê phán cách học, cách thi, hệ thống những giá trị luân lý rời xa cuộc sống của xã hội. Đề cao khoa học kỹ thuật và lấy tính hiện đại của văn minh xã hội làm phương châm cứu nước. Các nhà Nho yêu nước đã phác họa hình ảnh con người mới, mẫu người: yêu nước quật cường, yêu đồng bào, ghét cường quyền, trọng danh dự, trọng nghĩa vụ, thông minh, can đảm, lấy quyền lợi chung của tổ quốc, nhân dân đặt trên lợi ích cá nhân… Cuộc đấu tranh chống thực dân và tay sai phong kiến lồng trong cuộc đấu tranh xây dựng nền văn hóa mới làm xuất hiện những khuynh hướng sau: hoặc lấy cường quốc Nhật Bản làm tấm gương để canh tân đất nước, hoặc dựa vào văn minh Pháp để xây dựng, phục hưng dân tộc. Những phong trào này gắn liền với tư tưởng yêu nước của các nhà chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Những năm đầu thế kỷ XX, Phan Châu Trinh đã tiếp thu những tư tưởng mang tính khai sáng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, tư tưởng của Rousseau, Montesquieu. Từ năm 1920, ông đã lên án chế độ quân chủ, chế độ vua quan nhà Nguyễn thối nát, bán nước hại dân, đề xướng tư tưởng dân chủ mặc dù còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân bản truyền thống. Trên cơ sở kế tục truyền thống cải cách, canh tân đất nước, ông đề ra chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Ông cho rằng nếu không đập tan được nền quân chủ thì dẫu có khôi phục đất nước cũng không phải là hạnh phúc cho dân. Bởi vậy cần chú trọng khai hóa cho đồng bào hơn là bạo động để rồi đi đến thất bại, dân bị khủng bố từ đó nhuệ khí thâm nhụt. Tư tưởng đấu tranh “ôn hòa” xuất hiện ở Phan Châu Trinh cũng bắt nguồn từ việc ông khẳng định nguyên nhân mất nước nằm trong sự mất đạo đức, mất luân lý. Do vậy, muốn cứu nước, cứu dân phải chấn chỉnh đạo đức, luân lý, giáo dục và loại trừ bạo lực cách mạng ra khỏi tư tưởng yêu nước.

Vì vậy, Phân Châu Trinh chủ trương dựa vào Pháp để chống quân chủ hủ lậu, dựa vào Pháp để cầu tiến bộ dần dần, dần dần yêu cầu cải cách cho đến khi được bình đẳng với Pháp.

Gần giống chủ nghĩa yêu nước ôn hòa của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng chủ trương “dục tốc bất đạt”, muốn theo một đường lối cách mạng công khai gồm ba yếu tố: phát triển trường học, mở mang báo chí, hoạt động ở nghị trường. Nhưng rồi cũng chính Huỳnh Thúc Kháng cũng nhận ra rằng: “không có, không thể có con đường cách mạng công khai bằng trường học, báo chí và nghị trường”, tuy rằng ba nơi ấy đều là trận địa đối với người yêu nước.

 Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền và nhiều sĩ phu khác đúng đắn hơn khi chủ trương phục Việt chỉ có thể là đánh đuổi giặc Pháp bằng bạo động. Tìm mọi cách để xây dựng một mặt trận thống nhất tất cả các lực lượng yêu nước chống Pháp. Duy Tân hội theo đường lối quân chủ để tập hợp các lực lượng thân sĩ, quan lại… Thơ văn Quang Phục hội hô hào đoàn kết toàn dân. Phan Bội Châu kêu gọi tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo. Thế nhưng, Phan Bội Châu – lãnh tụ Duy Tân hội rồi Quang Phục hội – vẫn chưa tìm thấy lực lượng nòng cốt đông đảo có thể thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc.

Như vậy, chủ nghĩa yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX phát triển mạnh mẽ, phong phú, đa dạng và đặc sắc. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước đều đi đến thất bại vì xác định chưa đầy đủ nguyên nhân mất nước, chưa tìm đúng con đường cứu nước và chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt để giải phóng dân tộc.

Các sĩ phu yêu nước vẫn “giữ” một thế giới quan hạn hẹp, chưa nhận thức đúng bản chất của chủ nghĩa tư bản nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Phan Bội Châu và các đồng chí của mình lúc đầu đã tin vào Nhật mà cầu viện. Ông mê nhưng sau thì tỉnh, còn Phan Châu Trinh thì mê đến tận cuối đời khi muốn dựa vào Pháp mà cầu tiến, mà thực hiện cách mạng văn minh, mà chống quân chủ hủ lậu. Vì không đề ra mục tiêu đánh đổ thực dân Pháp nên chủ trương của Phan Châu Trinh là phản đối bạo động cách mạng, không cần khởi nghĩa mà chỉ cần học, học mãi học cho thật giỏi thì tây sẽ nể phải xem ngang hàng, cuối cùng trả lại độc lập. Sai lầm này rất có lợi cho thực dân Pháp và có hại cho phong trào giải phóng dân tộc.         

Tiếp nối truyền thống yêu nước từ ngàn đời, những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước sự xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp, chủ nghĩa yêu nước lại nổi lên thành làn sóng mới. Làn sóng đó không chỉ đơn thuần là những cuộc khởi nghĩa vũ trang kháng Pháp, nó còn là những áng thơ văn, những tư tưởng chính trị, những xu hướng cứu nước khác nhau. Tuy rằng phần lớn các trào lưu đều tan rã, nhưng tất cả đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử Việt Nam. Là bài học quý báu, đã được các nhà cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh vận dụng một cách sâu sắc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa lịch sử Việt Nam chuyển sang một trang mới. Ngày 3-2-1930, chính Đảng vô sản ở Việt Nam ra, đưa cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo của thời đại. Chủ nghĩa yêu nước lúc này là chủ nghĩa yêu nước của nhân dân, không bị hạn chế. Yêu nước gắn liền với mục tiêu độc lập dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam tập II, Nxb. Giáo dục, H. 2000.
  2. Đặng Huy Vận – Chương Thâu, Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX, Tủ sách trường ĐHTH, Nxb. Giáo dục, H. 1961.
  3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, Khoa Triết học, TpHCM 2005.
  4. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, tập 1, Nxb. KHXH, HN – 1973.
  5. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, tập 2, Nxb. KHXH, HN – 1973.
  6. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Ban KHXH thành ủy xuất bản, Tp.HCM. 1990.