Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

.

Cập nhật lúc: 03:20, 17/06/2021 (GMT+7)

Thời gian qua, mặc dù đã được tuyên truyền và nhận thức của người dân được nâng lên nhưng tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không theo khuyến cáo vẫn diễn ra phổ biến ở các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.

Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Nông dân xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc phun thuốc dưỡng trái thanh long. Ảnh: L.AN

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người nông dân, làm gia tăng chi phí sản xuất, việc lạm dụng thuốc BVTV còn gây hệ lụy cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.

* Dùng nhiều, ít kiểm soát

Thuốc BVTV là một trong những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Nó góp phần bảo vệ cây trồng, ngăn chặn dịch hại, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng lạm dụng thuốc BVTV gây hại cho sức khỏe của cộng đồng và môi trường.

Xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) có tổng diện tích hơn 500ha thanh long. Trong đó, chỉ có hơn 10ha thanh long được chăm sóc theo quy trình sạch (VietGAP), còn lại nông dân tự chăm sóc theo kinh nghiệm. Tình trạng mùi hôi do xịt thuốc BVTV cho thanh long xuất hiện hầu hết các tháng trong năm.

Ông M.A. (xã Xuân Hưng) cho biết, gia đình ông có gần 1ha thanh long, trung bình 7 ngày ông xịt thuốc/lần. Khi thì ông dùng thuốc trừ nấm, diệt sâu bọ, diệt cỏ; khi thì thuốc trừ bệnh nám cây, thối cành; cũng có khi là thuốc dưỡng tai, kích thích trái. “Tôi sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo kinh nghiệm, chia sẻ của các chủ vườn và hướng dẫn của người bán. Tôi biết xịt thuốc nhiều tốn kém, mùi hôi độc hại nhưng không xịt thì cây chết, quả xấu thương lái không mua” - ông A. chia sẻ.

Tại xã Thanh Bình - vùng trồng chuối lớn nhất H.Trảng Bom có hàng chục cửa hàng vật tư nông nghiệp. Ở đây có đủ loại thuốc BVTV nội lẫn ngoại nhập. Giám đốc HTX Thanh Bình Lý Minh Hùng cho biết, tình trạng nông dân địa phương sử dụng thuốc BVTV không theo khuyến cáo vẫn phổ biến. Tuy nhiên, do được bao túi ny-lông để tránh côn trùng đốt và rám nắng nên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Mặc dù vậy, để đảm bảo chất lượng các lô hàng xuất khẩu, định kỳ hằng quý, ông đưa mẫu đất, nước, trái chuối đi kiểm nghiệm các thành phần độc hại, trong đó có thành phần thuốc BVTV tồn dư. 

Anh Trần Minh Tuấn, thành viên Tổ hợp tác sầu riêng xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, các tổ viên đang dùng thuốc BVTV hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học rất thấp. Quá trình sử dụng thuốc BVTV hóa học, nhiều nông dân chưa tuân thủ đúng hướng dẫn về liều lượng, mang đồ bảo hộ, chưa cách ly đủ số ngày nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đầu ra, sức khỏe người làm vườn và cả môi trường không khí xung quanh.

* Phát triển các mô hình sản xuất sạch

Những năm qua, Đồng Nai triển khai nhiều chương trình, mô hình sản xuất sạch nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và hướng đến phát triển bền vững vùng sản xuất nông nghiệp. Đó là các cánh đồng lớn, các chuỗi liên kết nông nghiệp, quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông sản xuất khẩu.

ThS Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (H.Trảng Bom) cho rằng, tình trạng sử dụng thuốc BVTV không theo khuyến cáo, thuốc có độ độc cao, pha trộn nhiều loại thuốc để phun đã giảm đáng kể so với trước. Theo ông Hà, để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc BVTV. Loại bỏ dần những loại thuốc BVTV hóa học gây hại cho môi trường và sức khỏe con người ra khỏi danh mục cho phép, tuyên truyền và khuyến khích nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học. Cùng với đó, cần xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Trên thực tế, hiện có khá nhiều cá nhân, tập thể có nhiều cách làm sáng tạo để giảm sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Châu (xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) đã trồng cỏ đậu trong vườn sầu riêng để hạn chế sâu bệnh và nâng cao năng suất cây trồng.

“6 năm nay, tôi không tốn tiền mua thuốc diệt cỏ, thuốc trừ nấm, thi thoảng có mua thuốc trừ sâu. Tôi đã trồng cây cỏ đậu để giảm xói mòn và giữ độ ẩm cho đất. Cây cỏ đậu không hút phân của cây sầu riêng, trái lại rễ của nó tạo ra vi sinh vật, côn trùng có lợi cho cây trồng và đất”.

Ông Trần Công Minh, chủ vườn mít hữu cơ hơn 10ha tại xã Hiếu Liêm, (H.Vĩnh Cửu) cho rằng, sử dụng phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học chi phí cao hơn, nhưng sức khỏe của người làm vườn và người tiêu dùng được đảm bảo; tuổi thọ của cây cũng dài hơn, đất đai đỡ chai cứng hơn. Sản phẩm sạch dễ tiêu thụ và bán được giá cao hơn so với mít trồng và chăm sóc thông thường.

Ở một số vùng trồng rau sạch quy mô nhỏ, nông dân tự ủ thuốc trừ sâu bệnh bằng các nguyên liệu thiên nhiên như: rượu, tỏi, ớt, lá xoan. Ngoài ra, còn có các mô hình như nuôi kiến vàng bắt sâu cho cây ca cao tại H.Trảng Bom; trồng hoa để thu hút các loài côn trùng có khả năng tấn công và tiêu diệt sâu bệnh gây hại trên cây lúa ở H.Long Thành.

Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 6-5-2016 của Chính phủ quy định việc xử phạt những hành vi phạm trong dùng thuốc BVTV như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với một trong các hành vi sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn ghi trên nhãn, không thu gom, không để đúng nơi quy định bao gói sau khi sử dụng. Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc không có tên trong danh mục cho phép. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm. Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc cấm. Phạt bổ sung tiêu hủy và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Lê An

Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.

Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều so với các nước trong khu vực. Trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi từ 500-700 triệu USD để nhập thuốc bảo vệ thực vật. Trong số này, 48% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19 nghìn tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh, khoảng trên 16 nghìn tấn. Khối lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên 1ha cây trồng mỗi năm ở Việt Nam lên đến 2kg, trong khi một số nước khác trong khu vực chỉ từ 0,2-1 kg/ha. Còn theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại trong khi lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Trong khi đó, người dân hoàn toàn không có ý thức xử lý lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn lại trên vỏ bao bì. Có tới hơn 65% những người dân được hỏi khẳng định họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc. Thực tế này đang khiến cho môi trường ở khu vực nông thôn xuống cấp nhanh chóng. Không những thế, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc trừ sâu, phân bón còn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đối với sức khỏe con người cũng như tàn phá nghiêm trọng đất đai, đồng ruộng, khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và độ màu mỡ của đất giảm đe dọa đến nền nông nghiệp bền vững. Mặt khác, khi các loại thuốc bảo vệ thực vật bị lạm dụng cũng có nghĩa là các sản phẩm nông nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng dư thừa lượng hóa chất - một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hàng hóa nông nghiệp nước ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập trong khi bà con nông dân thường có kiến thức hạn chế về các loại hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu hiệu quả và an toàn, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí. 30% người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định như không đảm bảo lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nồng độ. Tuy nhiên, để khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác là điều rất khó, một phần vì thói quen của người nông dân, mặt khác vì hiện nay, sự biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng sâu bệnh rất dễ bùng phát. Để tránh dịch bệnh lây lan, nhà nông thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu như một liệu pháp dập dịch nhanh chóng nhất mà không nghĩ đến hậu quả về lâu dài của nó. Hiện đại đa số nông dân vẫn dựa vào thuốc bảo vệ thực vật hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt rất thấp. Trong khi đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong bảo vệ thực vật chậm được nhân rộng... nên việc mất an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn cứ tồn tại.

Nhằm hạn chế tình trạng sử dụng quá nhiều, quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của các loại hóa chất bảo vệ thực vật đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, từ đó có ý thức sử dụng một cách hợp lý, không nên quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, các địa phương nên vận động và hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sinh thái hữu cơ và tìm thị trường cho các sản phẩm sinh thái hữu cơ vừa tốt cho đất đai, sức khỏe con người và môi trường nông thôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, loại bỏ dần các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các chương trình IPM, ICM, chương trình canh tác lúa cải tiến, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới./.

Phương Mai