Tại sao đặt vòng lại ra nhiều kinh nguyệt

Đặt vòng tránh thai là phương pháp tránh thai có độ an toàn cao, được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, việc đặt vòng có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn, một trong số đó là tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Triệu chứng rối loạn kinh nguyệt do đặt vòng tránh thai

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ đặt vào tử cung có tác dụng để ngừa thai. Dụng cụ này có nhiều hình dạng khác nhau, song hiện nay người ta chủ yếu sử dụng 2 loại chính đó là vòng tránh thai chữ T quấn dây đồng và vòng tránh thai nội tiết.

Vòng tránh thai nội tiết

Tại sao đặt vòng lại ra nhiều kinh nguyệt

Vòng tránh thai nội tiết có dạng hình chữ T, chiều dài khoảng 3.2cm. Người ta có thể nhìn thấy sự hiện diện của dụng cụ này nếu chụp Xquang vùng chậu.

Vòng tránh thai tiết ra một dạng progesterone tổng hợp gọi là levonorgestrel. Nó có tác dụng:

  • Làm cho dịch nhầy ở cổ tử cung trở nên quánh đặc: Điều này khiến tinh trùng gặp khó khăn khi bơi qua để tiếp cận với trứng.
  • Làm mỏng lớp niêm mạc tử cung: Trong trường hợp nếu trứng vẫn được thụ tinh, thì vòng tránh thai nội tiết còn làm cho lớp nội mạc tử cung mỏng đi (Nội mạc tử cung là môi trường để trứng đã thụ tinh bám vào và nuôi dưỡng). Nếu lớp lót của tử cung mỏng đi thì trứng sẽ không bám vào được.
  • Ngăn ngừa quá trình rụng trứng: Levonorgestrel có thể ngăn buồng trứng giải phóng trứng, không xảy ra quá trình thụ tinh.

Tốc độ phóng thích ban đầu của levonorgestrel mỗi ngày vào buồng tử cung là 20μg và sau 5 năm sẽ giảm xuống còn khoảng 11μg/ngày.

Hiện tại có 4 loại vòng tránh thai nội tiết phổ biến, chúng đều chứa cùng một lượng hormone nhưng thời hạn sử dụng sẽ khác nhau

  • Vòng tránh thai Mirena – lên đến 7 năm
  • Vòng tránh thai Liletta – lên đến 7 năm
  • Vòng tránh thai Kyleena – lên đến 5 năm
  • Vòng tránh thai Skyla – lên đến 3 năm

➤ Các loại vòng tránh thai có hàm lượng levonorgestrel càng cao thì hạn sử dụng càng dài. Sau khi đặt vòng tránh thai nội tiết vào tử cung thì nhiều chị em phụ nữ sẽ thấy hiện tượng trễ kinh và ít kinh nguyệt trong chu kỳ của mình.

Vòng tránh thai bằng đồng

Khác với vòng tránh thai nội tiết tố, vòng tránh thai bằng đồng không có tác dụng ngăn ngừa quá trình rụng trứng. Loại vòng tránh thai này hoạt động bằng cách ngăn không cho tinh trùng tiếp cận và thụ tinh với trứng và ngăn không cho trứng cấy vào nội mạc tử cung.

Một số chị em có thể gặp phải tình trạng rong kinh và ra nhiều máu hơn trong chu kỳ kinh nguyệt khi đặt vòng tránh thai bằng đồng.

Tại sao đặt vòng lại ra nhiều kinh nguyệt

Một số triệu chứng rối loạn kinh nguyệt khác mà họ có thể gặp phải là:

  • Chảy máu bất thường giữa kì kinh nguyệt
  • Đau bụng kinh nhiều hơn
  • Kì kinh dài ngắn thất thường

Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt do đặt vòng tránh thai

Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, vòng tránh thai khi đặt vào tử cung sẽ làm cho các hormone nội tiết mất cân bằng tạm thời, từ đó ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ là vấn đề tạm thời, khi cơ thể dần thích ứng với vòng tránh thai thì kinh nguyệt sẽ đều đặn trở lại.

Ngoài ra, khi chèn vòng tránh thai vào tử cung thì sẽ tạo ra phản ứng viêm niêm lớp nội mạc tử cung khiến cho lớp này bong tróc chậm, dẫn tới hiện tượng trễ kinh.

Vòng tránh thai được đưa vào tử cung khiến cho màng tử cung bị chèn ép và bào mòn cũng gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt với biểu hiện trễ kinh, rong kinh.

Do vòng tránh thai bị đặt lệch vị trí hoặc bị tuột… cũng có thể dẫn đến chậm kinh, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, đau bụng dưới…

Nên làm gì để đặt vòng tránh thai an toàn, hạn chế ảnh hưởng tới kinh nguyệt

Hầu như tình trạng rối loạn kinh nguyệt do đặt vòng tránh thai chỉ là vấn đề chỉ là tạm thời và sẽ chấm dứt trong vòng 2 – 3 tháng sau khi đặt vòng.

Lưu ý trước khi đặt vòng tránh thai:

  • Phụ nữ cần tham khảo kỹ lưỡng tư vấn của chuyên gia y tế để cân nhắc lựa chọn loại vòng tránh thai phù hợp nhất với mình.
  • Thực hiện thủ thuật đặt vòng tại bệnh viện, phòng khám phụ khoa uy tín, bác sĩ làm việc chuyên nghiệp, tận tình.
  • Không được đặt vòng tránh thai khi đang có bệnh viêm nhiễm đường sinh dục.
  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về vấn đề vệ sinh vùng kín, sử dụng thuốc và kiêng kị sau đặt vòng, để đảm bảo dụng cụ này hoạt động tốt, phát huy hiệu quả tránh thai tốt nhất.

Lưu ý sau khi đặt vòng tránh thai:

  • Cả vòng tránh thai nội tiết và vòng tránh thai bằng đồng đều có thể gây ra đôi chút khó chịu cho phụ nữ ở thời điểm bác sĩ đặt nó vào tử cung của họ.
  • Nhiều người có thể cảm thấy hơi đau, chảy ít máu hoặc chóng mặt ngay sau khi được đặt vòng tránh thai. Nếu những triệu chứng này kéo dài quá 30 phút thì cần phải thông báo cho bác sĩ biết để xử lý kịp thời.
  • Một số ít trường hợp, tử cung không phù hợp với vòng tránh thai. Thiết bị này có thể trượt khỏi tử cung hoặc làm tổn thương thành tử cung. Nếu xảy ra điều đó thì cần phải tháo ra ngoài. Phụ nữ nên lựa chọn phương pháp tránh thai khác.
  • Mặc dù rất hiếm, nhưng có thể xảy ra nguy cơ mang thai ngoài tử cung và nhiễm trùng sau khi đặt vòng.
  • Sau khi đặt vòng tránh thai, cần chú ý cách vệ sinh vùng kín hằng ngày sạch sẽ, phòng ngừa viêm nhiễm.
  • Tránh quan hệ vợ chồng ít nhất 2 tuần kể từ khi đặt vòng.
  • Tái khám định kỳ đúng hẹn của bác sĩ để kiểm tra sự hoạt động bình thường của vòng tránh thai.

1 số tình trạng khi đặt vòng tránh thai có thể gặp phải.

  • Ra nhiều máu trong chu kỳ, thời gian kéo dài quá 6 tháng từ lúc đặt vòng.
  • Bị đau khi quan hệ tình dục
  • Dịch âm đạo tiết ra có mùi hôi (dấu hiệu viêm nhiễm)
  • Có triệu chứng giống như mang thai
  • Bị đau bụng kéo dài
  • đau bụng
  • Sốt và ớn lạnh (dấu hiệu của nhiễm trùng)

Có thể bạn muốn biết:

Fanpage Dạ Hương: https://www.facebook.com/dahuonghoalinh

Tác giả: Đỗ Ngọc Diễm Quỳnh

Có phải vòng tránh thai có thể giúp phụ nữ không còn phải trải qua kỳ kinh nguyệt hàng tháng không?

Nội dung chính của bài viết:

  • Vòng tránh thai là dụng cụ nhỏ có hình chữ T và được đưa vào tử cung để tránh mang thai ngoài ý muốn. Dụng cụ này còn được sử dụng để làm giảm mức độ và thời gian ra máu cho những trường hợp bị rong kinh.
  • Vòng tránh thai nội tiết có thể làm cho kinh nguyệt ra ít và nhanh hết hơn, thậm chí không có kinh. Trong đó vòng tránh thai mạ đồng lại thường làm cho kinh nguyệt ra nhiều hơn và gây đau bụng dữ dội hơn.
  • Sau khi đặt vòng tránh thai, cần đến gặp lại bác sĩ ngay khi gặp những hiện tượng như: kinh nguyệt ra nhiều bất thường; sốt; ớn lạnh; đau bụng, đâu đầu dữ dội; đau khi quan hệ; dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu; có vết loét trong âm đạo; da hoặc lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng.
  • Sau khi đặt vòng tránh thai, nếu không xảy ra sự cố thì vẫn nên đi tái khám định kỳ hàng năm để bác sĩ xác nhận vị trí vòng tránh thai.

Tuy nhiên, trải nghiệm của mỗi phụ nữ khi dùng vòng tránh thai là khác nhau vì phản ứng của cơ thể với vòng tránh thai còn phụ thuộc vào một số yếu tố. Dưới đây là một số điều bạn cần biết về biện pháp kiểm soát sinh sản này.

1. Vòng tránh thai giúp chấm dứt kinh nguyệt?

Vòng tránh thai có thể giúp phụ nữ không còn phải trải qua kỳ kinh nguyệt hàng tháng? Không phải lúc nào vòng tránh thai cũng giúp chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt. Điều này còn phụ thuộc vào mức độ và thời gian ra máu vào kỳ kinh mỗi tháng trước khi đặt vòng tránh thai.

Một nghiên cứu đã được thực hiện vào năm 2016 trên 1.800 phụ nữ sử dụng vòng tránh thai Mirena. Sau một năm, những người mà ban đầu chỉ bị ra máu kinh ít hoặc nhanh hết đã ngừng kinh nguyệt hoàn toàn. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ dừng kinh nguyệt hoàn toàn sau khi đặt vòng tránh thai ở những người có kinh nguyệt ra ít và ngắn là 21% trong khi tỷ lệ này ở những người có kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài chỉ là 5%.

2. Còn tùy thuộc vào loại vòng tránh thai

Có bốn loại vòng tránh thai nội tiết là Mirena, Kyleena, Liletta và Skyla trong khi chỉ có một loại vòng tránh thai mạ đồng là ParaGard. Mỗi loại lại có ảnh hưởng khác nhau đến kinh nguyệt.

Vòng tránh thai nội tiết có thể làm cho kinh nguyệt ra ít và nhanh hết hơn. Một số người thậm chí còn không bị hành kinh trong thời gian sử dụng.

Mặt khác, vòng tránh thai mạ đồng lại thường làm cho kinh nguyệt ra nhiều hơn và gây đau bụng dữ dội hơn. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài vĩnh viễn mà chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Kinh nguyệt thường sẽ trở lại bình thường sau khoảng 6 tháng.

3. Vòng tránh thai nội tiết

Các biện pháp tránh thai nội tiết như vòng tránh thai có thể làm mất kinh nguyệt. Trong thời gian đầu, kinh nguyệt có thể ra nhiều hơn bình thường nhưng sau đó sẽ ít đi.

Trong 6 tháng đầu

Trong 3 đến 6 tháng đầu tiên sau khi đặt vòng tránh thai nội tiết, kinh nguyệt hàng tháng sẽ có sự thay đổi, ví dụ như không diễn ra đều đặn như trước, ra máu giữa chu kỳ hoặc kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường.

Số ngày hành kinh cũng có thể tạm thời tăng lên. Khoảng 20% những người dùng vòng tránh thai nội tiết có kinh nguyệt kéo dài từ 8 ngày trở lên trong vài tháng đầu sau khi đặt.

Từ 6 tháng trở đi

Sau 6 tháng đầu, kinh nguyệt sẽ ra ít hơn và số chu kỳ kinh nguyệt một năm cũng sẽ giảm, có nghĩa là không còn có kinh nguyệt đều đặn hàng tháng nữa. Nhiều người nhận thấy rằng kinh nguyệt trở nên khó đoán hơn so với trước đây.

Cứ 5 trường hợp dùng vòng tránh thai nội tiết thì lại có 1 trường hợp mà kinh nguyệt không còn diễn ra hàng tháng sau 1 năm sử dụng.

4. Vòng tránh thai mạ đồng

Vòng tránh thai mạ đồng không chứa nội tiết tố nên sẽ không gây ra những thay đổi về thời gian diễn ra kỳ kinh hàng tháng nhưng có thể sẽ khiến người dùng ra máu kinh nhiều hơn trước, ít nhất là trong thời gian đầu sử dụng.

Trong 6 tháng đầu

Trong vòng từ 2 đến 3 tháng đầu tiên đặt vòng tránh thai mạ đồng, kinh nguyệt sẽ ra nhiều hơn và cũng kéo dài hơn so với trước. Bên cạnh đó, nhiều người còn bị đau bụng kinh dữ dội hơn.

Sau 6 tháng đầu

Mức độ ra máu vào kỳ kinh thường giảm sau khoảng 3 tháng và trở lại như bình thường. Nếu kinh nguyệt vẫn ra nhiều sau 6 tháng thì cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

5. Đặt vòng tránh thai khi đang có kinh nguyệt

Thông thường, đa số phụ nữ đều tránh đi khám phụ khoa trong ngày đèn đỏ nhưng đặt vòng tránh thai thì khác. Các bác sĩ đều khuyên nên tiến hành đặt vòng tránh thai trong thời gian có kinh nguyệt.

Tại sao lại như vậy? Là bởi điều này sẽ giúp tạo sự thoải mái. Mặc dù vòng tránh thai có thể được đặt vào bất cứ thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng cổ tử cung sẽ mềm hơn và mở rộng hơn trong thời gian hành kinh. Điều này giúp cho việc đặt vòng tránh thai sẽ dễ dàng hơn cho bác sĩ và thoải mái hơn cho bạn.

Ngoài ra, việc đặt vòng tránh thai trong thời gian có kinh nguyệt còn giúp đảm bảo là bạn đang không mang thai vì một khi đã mang thai thì không thể đặt vòng tránh thai nữa.

Việc đặt vòng tránh thai khi mang thai sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi, ví dụ như:

  • Nhiễm trùng
  • Sảy thai
  • Sinh non

6. Vòng tránh thai nội tiết cho hiệu quả ngay lập tức nếu đặt trong kỳ kinh

Việc đặt vòng tránh thai nội tiết trong thời gian hành kinh sẽ giúp tạo sự bảo vệ ngay lập tức. Vòng tránh thai nội tiết sẽ phát huy công dụng tức thì sau khi được đưa vào trong kỳ kinh nguyệt.

Nếu đặt vòng tránh thai nội tiết vào những khoảng thời gian khác trong chu kỳ kinh thì sẽ phải mất khoảng 7 ngày thì vòng mới bắt đầu phát huy tác dụng. Trong thời gian này, bạn sẽ cần sử dụng các biện pháp tránh thai bổ sung, ví dụ như bao cao su khi quan hệ tình dục.

7. Vòng tránh thai mạ đồng cho hiệu quả bất cứ lúc nào

Vì đồng có thể trực tiếp ngăn cản sự thụ thai nên loại vòng tránh thai này sẽ bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi được đưa vào cơ thể, cho dù là ở thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt.

Thậm chí có thể đặt vòng tránh thai mạ đồng trong thời gian lên đến 5 ngày sau khi quan hệ tình dục để tránh mang thai ngoài ý muốn. Do đó, đây còn có thể được coi là một biện pháp tránh thai khẩn cấp bên cạnh thuốc tránh thai đường uống.

8. Những dấu hiệu cần đi khám

Sau khi đặt vòng tránh thai, cần đến gặp lại bác sĩ ngay khi gặp những hiện tượng như:

  • Kinh nguyệt ra nhiều bất thường sau 6 tháng đầu
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau bụng dữ dội
  • Đau khi quan hệ
  • Dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu
  • Có vết loét trong âm đạo
  • Đau đầu dữ dội
  • Da hoặc lòng trắng mắt chuyển màu vàng (bệnh vàng da)

9. Cần làm gì nếu kinh nguyệt vẫn không đều sau 1 năm?

Kinh nguyệt thường sẽ trở nên đều đặn trở lại bình thường sau một năm kể từ khi đặt vòng tránh thai. Chỉ có một số rất ít người dùng bị ngừng kinh nguyệt hoàn toàn khi dùng vòng tránh thai nội tiết.

Nếu như không có kinh trong 6 tuần trở lên thì hãy đến gặp bác sĩ để xét nghiệm thử thai.

Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính thì thường sẽ không cần phải đi khám lại trừ khi bắt đầu có dấu hiệu mang thai hoặc các triệu chứng bất thường khác.

10. Cần làm gì sau khi đặt vòng tránh thai?

Sau khi đặt vòng tránh thai, bạn không phải làm gì thêm cả. Chỉ cần kiểm tra sợi dây mỗi tháng một lần để đảm bảo vòng tránh thai vẫn ở đúng vị trí. Khi đặt vòng, bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách kiểm tra.

Nếu không thấy sợi dây thì cần thông báo cho bác sĩ. Mặc dù có thể là sợi dây chỉ bị cuộn lên trên những cũng có khả năng là vòng tránh thai đã thay đổi vị trí. Bác sĩ sẽ kiểm tra và điều chỉnh lại nếu cần thiết.

Nếu không xảy ra sự cố thì vẫn nên đi tái khám định kỳ hàng năm để bác sĩ xác nhận vị trí vòng tránh thai.