Sính ngoại có nghĩa là gì

Bệnh sính ngoại ngữ

(ĐCSVN) - Hiện nay, nhiều bạn trẻ hiện đang có xu hướng thích “khoe” ngoại ngữ nên trong một câu, một đoạn hội thoại cứ liên tiếp dùng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, tuy thiếu chính xác. Đây được xem như một “bệnh” sính ngoại ngữ dễ gây phản cảm cho người nghe.

Sính ngoại có nghĩa là gì

Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn

Mới đây, tôi gặp lại cô bạn thời học phổ thông. Tay bắt mặt mừng vì cả hai đều khác xưa rất nhiều. Nhưng câu chuyện của chúng tôi cứ như bị chặt vụn từng mẩu vì chốc chốc bạn tôi lại nói xen kẽ bằng tiếng Anh, khiến tôi rất khó cảm thụ nội dung câu chuyện.

Lần sau, cô bạn đó rủ tôi cùng đi đến một công ty liên doanh nước ngoài để xin việc. Tại đây, có hai người phỏng vấn, một người nước ngoài, một người Việt Nam. Khi người Việt phỏng vấn, bạn tôi trả lời bằng tiếng Việt nhưng vẫn không quên xen những câu tiếng Anh. Ít phút sau đến lượt người nước ngoài phỏng vấn bằng tiếng Anh, cô ta lại nói tiếng Anh thỉnh thoảng xen từ tiếng Việt. Kết thúc hai cuộc phỏng vấn, bạn tôi được thông báo kết quả: “Công ty chúng tôi có nhiều đối tác nước ngoài, thường xuyên đi công tác châu Âu nên cần người thành thạo tiếng Anh. Chúng tôi lại đang làm ăn tại Việt Nam, công nhân, môi trường văn hóa là Việt Nam nên cũng rất cần người thành thạo tiếng Việt. Chị chưa đáp ứng được hai yêu cầu đó.”

Cũng tại văn phòng công ty trên, tôi có dịp chứng kiến một số bạn trẻ khác đến tham gia phỏng vấn. Nhiều bạn nói tiếng Anh rất nhanh nhưng chốc chốc lại đệm câu tiếng Việt. Đặc biệt, khi trả lời phần hiểu biết về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Việt lại rất nghèo vốn từ để diễn tả, nên nội dung khô khan và không thể hiện được tình cảm với đất nước, con người Việt Nam.

Chờ khi kết thúc, tôi xin ít phút trò chuyện với những người chủ trì buổi phỏng vấn. Chị Thanh, người chủ trì phỏng vấn cho bết: Các bạn dự tuyển đều trả lời rằng rất yêu quê hương Việt Nam nhưng lại nói sai tiếng Việt quá nhiều. Trường hợp dùng từ không đúng ngữ cảnh cũng khá phổ biến, dẫn đến sai mục đích, nếu trong đàm phán mà sai như thế thì nguy hại lắm. Có bạn lại lạm dụng tiếng Anh quá mức khi nói về những bản sắc văn hóa Việt Nam. “Là người Việt Nam thì trước hết cần phải sử dụng thành thạo tiếng Việt đã, nếu không thạo thì sao có thể khẳng định là rất yêu quê hương được. Hơn nữa không thạo tiếng Việt sẽ khó mà diễn dịch chính xác ra tiếng Anh được”, người chủ trì phỏng vấn nói.

Chị Thanh còn chia sẻ thêm: Hồi học ở Singapore, chị đã trả lời thành thạo bằng tiếng Anh các yêu cầu của ban giám khảo một cuộc thi. Nhưng ngay sau đó, có vị giám khảo hỏi lại: Em hãy nói lại những nội dung vừa nãy bằng tiếng Việt? Vị giám khảo này đề nghị bằng tiếng Việt rất rõ ràng, khiến chị ngạc nhiên. Ngay khi trả lời xong bằng tiếng Việt, vị giám khảo mỉm cười: Em nói tiếng Anh khá tốt, nhưng em là người Việt Nam sang đây học tập. Em có ý định về nước công tác, vậy em phải yêu và thành thạo tiếng mẹ đẻ nữa chứ.

Từ lời khuyên của vị giám khảo trên, chị Thanh đã bổ sung vốn từ tiếng Việt, rèn luyện thành thạo cách phát âm, ngữ pháp… tiếng Việt. Khi về nước thi tuyển vào Công ty hiện nay đang làm, chị đã được tuyển chọn với đánh giá rất cao của ông giám đốc trực tiếp phỏng vấn chị.

Những chia sẻ trên cho thấy, việc học và sử dụng ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập hiện nay là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là không nên quá sính ngoại ngữ mà xem nhẹ sử dụng tiếng Việt. Đặc biệt, trong một bộ phận các bạn trẻ hiện đang có xu hướng thích “khoe” ngoại ngữ nên trong một câu, một đoạn hội thoại cứ liên tiếp dùng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, nhưng tiếng nào cũng thiếu chính xác, thậm chí là sai nghiêm trọng, khiến người nghe (nhất là những người lớn tuổi) rất khó chịu.

Mới đây, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã gây phản cảm khi trao giấy khen cho học sinh giỏi năm học 2015- 2016 viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng phần tiếng Anh lại bị sai nghiêm trọng cả về ngữ pháp và từ vựng.

Theo các nhà ngôn ngữ học, trong môi trường người Việt với nhau, nếu lạm dụng tiếng Anh sẽ khiến người nghe không những không hiểu mà còn ức chế, không muốn tiếp tục cuộc hội thoại. Chỉ nên sử dụng một số từ tiếng Anh thông dụng được mà mọi người đều biết và thường xuyên dùng nhưng cũng không nên lạm dụng như kiểu dùng xen kẽ nói trên.

Trong trường hợp liên quan đến thuật ngữ khoa học, nếu dùng tiếng Việt sẽ không diễn tả được hết nội dung, lúc đó việc dùng ngoại ngữ để thay thế là cần thiết và đúng lúc đúng chỗ.

Thi hào Tagor trong lần góp ý cho tập thơ viết bằng tiếng Anh của một thanh niên, đã hỏi: Mẹ đẻ của anh là người vùng nào? Chàng thanh niên thưa: Dạ là người bang Punjab (Ấn Độ). Thi hào Tagor nói ngay: Thế thì ý kiến đầu tiên của tôi là anh hãy làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ trước đã, chưa vội làm bằng tiếng Anh. Chúng ta viết ra ấn phẩm gì thì cũng phải hướng tới người vùng mình, dân tộc mình trước./.

Bùi An

Sính từ ngoại - mốt hay là... “bệnh” ?

Ngoại ngữ ngày càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống người dân, đặc biệt là tại các đô thị hiện đại, có trình độ dân trí cao. Bên cạnh việc sử dụng ngoại ngữ như một công cụ hỗ trợ hữu ích trong công việc, học tập..., đã xuất hiện hiện tượng sính ngoại ngữ qua cách sử dụng tiếng lóng, tiếng bồi một cách vô tội vạ, gây phản cảm, đánh mất tính thẩm mỹ...

Đáng nói hơn, hiện tượng đó nay đã thành “bệnh”, một “căn bệnh” khó chữa! Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không bao giờ là chuyện cũ. Sorry mày nha, tối qua papa với mama cắt cơm, money hết sạch, chứ không thì tao đi overnight với tụi bây rồi. Từ đây tới chiều có chương trình gì, “phôn” cho tao một tiếng. See you!”. Đoạn nói chuyện qua điện thoại này được ghi lại tại một quán cà phê. Nếu không có chút vốn tiếng Anh, người nghe không thể biết người trong cuộc nói gì. Mốt của “dân chơi” Dùng từ ngoại nay đã trở thành mốt của đa số “dân chơi”. Trong bất kỳ tình huống nào, trò chuyện với bất cứ ai..., họ đều có thể dùng những từ tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí tiếng Hoa mà họ biết. Trong những lần đến khu vực ăn uống gần Lăng Cha Cả, quận Tân Bình - TPHCM, nơi tụ tập của một bộ phận lớn dân đi đêm, người viết bài này được nghe nhiều câu nói, trong đó Tây – Tàu lẫn lộn, nghe cứ rối như canh hẹ: - Thằng cha đó trông giống gay (ám chỉ người đồng tính-PV) quá mày ơi, ngộ thấy chẳng manly (đàn ông) chút nào. - Cần gì manly. Biết galant (ga-lăng) và nhiều money (tiền) là OK rồi. Có tiếng chen ngang: - Thôi đi mấy you (bạn). Mấy you dòm lại cái body (cơ thể) của mình coi, có sport (dáng khỏe, thể thao) chút nào đâu mà chê người ta. Ăn lẹ rồi go (đi). Stay up late (thức khuya) kiểu này hoài thì skinny (ốm lòi xương) cả đám. Đến bất cứ quán cà phê - bar nào, vũ trường nào, bạn cũng thể nghe những câu như thế. Biết từ nào dùng từ đó, dù có chắp vá, giả cầy bao nhiêu đi nữa, nhưng miễn là hiểu được thì “dân chơi” nạp ngay vào bộ nhớ, dùng riết và trở nên phổ biến. Lắm khi, khả năng sử dụng ngoại ngữ làm tiếng đệm còn là thước đo mức độ sành điệu của “dân chơi” (?). Giới trí thức cũng... “mắc bệnh” Điều đáng nói hơn nữa là một bộ phận lớn học sinh - sinh viên cũng có hiện tượng sính dùng từ ngoại. Khi điều kiện học tập ngày càng thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh tiếng Anh ngày càng được phổ biến, bệnh sính dùng từ ngoại của học sinh - sinh viên ngày càng trầm trọng, không chỉ tại trường học mà trong cuộc sống gia đình, trong giao tiếp với ông bà, ba mẹ, anh chị em... Trong nhiều lần ngồi quán phê ven đường gần một trường đại học ở quận 3 - TPHCM, người viết nghe thấy rất nhiều từ “ngoại” được dùng xen lẫn trong các cuộc trò chuyện của sinh viên, nhiều lúc phải nhờ người trong cuộc giải thích lại những từ chuyên môn khó, đại loại: - Ông G. dạy amateur (nghiệp dư) hết chỗ nói. Ít ra phải gai (guide – hướng dẫn) tụi mình viết phần foreword (lời mở đầu), còn content (nội dung) và decor (trang trí) thì mình tự lo cũng được. - Hơi đâu mà wait (chờ), lo mà cày đi chứ il (ông ta) chạy sô dữ lắm. Thằng nào cũng làm solo chứ riêng gì mày. Tuy nhiên, khi có mấy du khách quốc tế hỏi đường về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (cách đó không xa), không ai trong số họ có thể nghe – hiểu để trả lời. Cả bọn cứ ngớ người ra. Không chỉ vậy, giới lao động cổ trắng cũng không miễn dịch được bệnh sính từ ngoại khi trò chuyện tại công sở, qua điện thoại hay tiếp khách... Không dùng tiếng lóng hay tiếng bồi, nhưng loại ngôn ngữ mà giới nhân viên công sở sính dùng cũng mang tính chắp vá, thậm chí bạ đâu dùng đó, dễ gặp nhất là trong những cuộc giao tiếp qua điện thoại. Chẳng hạn như: “Partners (đối tác) của tụi em chiều nay sẽ tới thành phố, em book (đặt) 2 single room (phòng đơn) nhé. Coi như em đã confirm (xác nhận) luôn rồi đó, chị khỏi cần phải check (kiểm tra) lại”. Hoặc: “Anh có thể arrange (sắp xếp) cho em một appointment (cuộc hẹn) với director (giám đốc) được không, em cần interview (phỏng vấn) ảnh một số điều về mấy cái projects (dự án) ở Vũng Tàu. Merci (cảm ơn) anh rất nhiều”... Bạn tôi, một nữ nhân viên điều hành du lịch, cũng mắc “chứng” này. Có lần bị tôi nhắc, cô ta buột miệng: “Sorry (xin lỗi)! Làm gì mà ông complain (rầy) tui hoài vậy”. Quả thật, bệnh sính từ ngoại rất khó trị. Chatroom - nơi ngôn ngữ bị bóp méo thô bạo!

Tham gia vào một chatroom (nơi gặp gỡ của những người tán gẫu qua mạng) bất kỳ, coi như bạn đã lạc vào thế giới của tiếng lóng và ngôn ngữ lai căng. Trong thế giới này, không chỉ tiếng Việt, tiếng Anh được vay mượn một cách vô tội vạ mà còn bị bóp méo hết sức thô bạo! Trước đây, để đỡ mất thời gian, nhiều từ tiếng Anh được gõ tắt theo những nguyên tắc nhất quán của nó, rất dễ hiểu. Chẳng hạn, từ you được gõ thành u, about được gõ tắt thành abt, từ equipment được gõ tắt thành eqmt, wonderful trở thành wndfl; hay mother (mẹ), father (cha) được gọi thân mật là mom, dad... Còn bây giờ, tiếng Anh trong thế giới của chat đã biến tướng đến mức không thể hiểu nổi. Từ hello (chào) coi như đã hết thời, thay vào đó là hi hoặc hey nhưng “dân chat” ít khi gõ như vậy, chỉ đánh số 2 (đồng âm với từ “hi”). Câu chào quen thuộc “Nice to see you” (Rất vui khi được làm quen với bạn) bị biến thành “9 2 c u”. Hiểu được nó, phải nghĩ... nát óc! Gần đây, nhiều chủ dịch vụ Internet có cài thêm phần mềm “chống nói bậy”, nếu ai dùng những từ bậy bạ trong quá trình chat (như sexy, đ.m, mẹ kiếp...) thì sẽ bị phần mềm này phát hiện, chủ dịch vụ sẽ tống cổ người đó ra khỏi tiệm ngay. “Dân chat” quái hơn, qua mặt phần mềm kiểm duyệt bằng cách gõ thành sexxy hoặc đ.cm... Nói chung, chat là một thế giới ảo và ngôn ngữ ở đây cũng thuộc dạng... ảo. Điều hiển nhiên là nếu ai đã bị bệnh sính từ ngoại trong thế giới này thì trong cuộc sống thực tế, bệnh này sẽ càng trầm kha. DƯƠNG QUANG ------------------------------------------ PGS –TS Trịnh Sâm, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM: Nên dùng ngoại ngữ đúng chỗ, đúng lúc Việc dùng ngoại ngữ theo kiểu “sính chữ” là đáng chê trách. Thật buồn khi hiện nay không chỉ "dân chơi" mà cả những bạn trẻ học hành đến nơi đến chốn cũng sính từ ngoại, có người còn cho đó là sự... hiếu học. Tôi nhớ một lần, tại một cuộc thi tầm cỡ quốc gia nhưng có người vẫn cố tình nói lơ lớ tiếng mẹ đẻ, thi thoảng thêm vào mấy từ ngoại ngữ. Tôi cố gắng cắt nghĩa và buồn lòng khi không thể giải thích khác hơn, với người ta đó là một sự làm sang bản thân mình. Người này thấy lạ, người kia tiếp nhận và vô tình như thế trở thành trào lưu. Việc sính dùng từ ngoại của một bộ phận thanh niên hiện nay đều do tầm nhận thức của họ. Những người giỏi và cực giỏi ngoại ngữ sẽ biết dùng đúng nơi đúng chỗ, không kiểu “khoe chữ” như thế. Tôi lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến lối sống của xã hội. Người xưa có câu “lời nói, gói bạc” nghĩa là lời nói thể hiện cách ứng xử, nhận thức... Trường hợp sính từ ngoại mọi nơi, mọi lúc, không phân biệt vị thế giao tiếp xã hội mà nói năng thì quả là nguy kịch, khiến thẩm mỹ ngôn ngữ sẽ bị mai một dần dần. Hiện tượng này nếu không được định hướng, nếu cứ kéo dài sẽ tạo ra nhiều điều phiền toái cho sự trong sáng của tiếng Việt. Về mặt thẩm mỹ học, điều đó cũng không phải là một hiệu ứng tốt. Thực tế, người này nói, người kia nói và khi đã trở thành thói quen ngôn ngữ thì rất khó sửa. Bệnh ngôn ngữ có thể là bệnh truyền nhiễm nếu thiếu biện pháp khắc phục. Lời ăn tiếng nói gắn liền với hành vi, cách sống. Thanh niên giờ cần phải nhận thức đâu là hay, đâu là dở để mà chỉnh sửa. Họ cần phải xem ngoại ngữ là một phương tiện, cánh cửa sổ để thu nhận tri thức của nhân loại nhưng không dùng từ bừa bãi và càng không được cho sự chắp ghép ngôn ngữ là cách đánh bóng, làm sang, tăng lên sự trí thức của bản thân.

MỸ DUNG ghi