Quân đội nhà Nguyễn gồm những thứ quân nào

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vũ khí là một trong những yếu tố quyết định đến sức mạnh của quân đội. Ngoài các loại vũ khí truyền thống, các chúa Nguyễn có những khẩu đại bác (thần công) và các loại vũ khí sát thương khác như súng trụ, súng cầm tay... Đến thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, vũ khí của chúa Nguyễn đã có những tiến bộ vượt bậc, “vũ khí của Đàng Trong đã lừng danh nổi tiếng khắp các nơi qua đường biển cũng như đường bộ” . Các loại vũ khí đã được sản xuất để phục vụ cho quân đội, xưởng đúc súng của chúa Nguyễn có sự giúp sức của kỹ thuật phương Tây thông qua João da Crux. Ngoài việc tự sản xuất vũ khí, các chúa Nguyễn đã mua được những loại vũ khí hiện đại của phương Tây, Nhật Bản và Trung Hoa để tăng cường sức mạnh cho quân đội. Bên cạnh đó, chúa Nguyễn còn tiến hành cho quân đi thu lượm các loại vũ khí của các con tàu đắm ở ngoài các hải đảo để về trang bị cho quân đội. Choisy cho biết rằng vũ khí thông thường của người lính là súng hỏa mai và gươm . Tác giả Nguyễn Thanh Nhã trong cuốn Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, đã nhận định: “Trong một đất nước thường xuyên có chiến tranh, các loại vũ khí và thiết bị quân sự dĩ nhiên được nhà cầm quyền và những người có khả năng trong dân chúng tìm kiếm” . Điểm yếu của quân đội chúa Nguyễn là ít về số lượng, yếu tố để khắc phục đó là các loại vũ khí được trang bị đầy đủ, từng bước được cải tiến và hiện đại. Bên cạnh chiến thuật tác chiến và kỷ luật quân đội, cùng các yếu tố khác. Vì vậy, quân đội Đàng Trong được đánh giá là hùng mạnh trong khu vực, điều đó được minh chứng trong chiến tranh với Đàng Ngoài (1626-1672), đội quân này đã 6 lần đẩy lùi quân chúa Trịnh và một lần vượt sông Gianh ra Bắc (chiếm được bay tám châu huyện của Nghệ An). Quân đội Đàng Trong đã từng đánh bại quân đội Hà Lan (1644) và đánh tan quân Anh sau khi chúng cho quân đánh chiếm Côn Đảo (1703) và từng bước mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. 2. CÁC LOẠI VŨ KHÍ ĐƯỢC SỬ DỤNG 2.1. Các loại vũ khí: giáo, mác, kiếm, đao, dao găm, cung tên, nỏ, máy bắn đá Các loại vũ khí như: giáo, mác, kiếm, đao, dao găm, cung tên, nỏ, máy bắn đá là những loại vũ khí truyền thống, đã được quân đội nước ta sử dụng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Đến thời chúa Nguyễn, các loại súng được dùng rất phổ biến trong quân đội, tuy nhiên vẫn không thể trang bị đủ hết nên việc sử dụng các loại vũ khí như đao, kiếm vẫn còn rất nhiều. Vì đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), đội quân túc vệ (cấm vệ quân) vẫn còn đeo kiếm bên mình như một vũ khí không thể thiếu, trong ghi chép của Pierre Poive, đã mô tả rất kỹ một loại kiếm được dùng trong quân đội Đàng Trong: “trong buổi tiếp kiến đầu tiên mà nhà vua cho vời chúng tôi, họ đã dàn quân theo đội hình chiến trận, với kiếm tuốt trần, tạo nên một cảnh tượng có gì đó thật oai nghiêm và hoành tráng... Những thanh gươm của họ dài và sắc, không có phần bảo vệ hình chữ thập trên chuôi kiếm. Bao gươm được sơn đỏ và bọc hai đầu bằng một mảnh vàng hoặc bạc mỏng dài khoảng 8 pounce [22cm]. Một sợi dây, xuyên qua những cái vòng gắn với hai đầu, được dùng để đeo gươm qua vai” . Kiếm, đao ngoài việc tự sản xuất, các chúa Nguyễn còn mua của người Nhật và phương Tây. Các loại vũ khí này chủ yếu dùng cho bộ binh, kỵ binh còn thủy binh được trang bị một dao găm và súng hỏa mai. Cung tên, nỏ cũng là một trong những loại vũ khí lợi hại trong quân đội thời chúa Nguyễn. Đây là loại vũ khí được sử dụng rất đa dạng, khá phổ biến trong quân đội thời kỳ này, nó gây ra nhiều tổn thất cho kẻ thù. Trong Hổ trướng khu cơ cho biết về việc làm và sử dụng loại nỏ: “Dùng một cái nỏ lớn, xoi rãnh đặt ba tên, dưới nỏ ở chính giữa lại làm một lỗ tròn to hơn 1 tấc. Lại dụng một cột gỗ ở cửa trại, gần chỗ hổ môn (chỗ cửa đêm đi lại vẽ hình còn hổ để tỏ uy mãnh), đầu cột dùng một cốt sắt tròn đóng vào 5 phân, cao hơn đầu cột 2 tấc. Rồi đem lỗ tròn dưới nỏ lòng vào cột sắt ấy, để tiện xoay chuyển. Đầu nỏ làm một cái vòng thau. Lại lấy hai sợi dây tơ nhỏ, một sợi giằng buộc vào bao của bên hữu, tạm thắt lại như cách thắt giải áo. Lùi lại đằng sau nỏ một lỗ chếch, lấy gỗ nhỏ cắm vào, nửa ở dưới nỏ nữa ở trên nỏ, để làm máy nỏ. Lại lấy một miếng gỗ đỡ ở đầu dưới máy nỏ ấy tạm cài vào bên cột máy. Rồi sau dương dây nỏ đặt vào trên máy, bên trên đặt ba tên để đợi dùng. Nếu kẻ gian vô ý xông vào, động phải dây tơ, nỏ tự xoay chuyển, rơi cái gỗ đỡ, dây nỏ bật lên, tên nỏ bắn ra” . Dựa trên tính hiệu quả của loại vũ khí này, nhà quân sự Đào Duy Từ cho vào phép giữ trại. Còn về cung tên có thể vừa phòng thủ vừa sử dụng đi chiến trận. Các loại vũ khí này do quân đội chúa Nguyễn tự sản xuất. Máy bắn đá là một loại vũ khí mà Đào Duy Từ trong Hổ trướng khu cơ xếp vào loại vũ khí giữ trại. Bên cạnh đó, loại vũ khí này còn có tính năng tấn công để phá các lũy và sát thương quân địch. Khối lượng đá bắn ra tuy thuộc vào số cần và dây kéo của máy bắn đá. 2.2. Các loại súng * Súng thần công

Súng thần công (hay còn gọi là Trọng pháo, đại bác) là một trong những vũ khí chiến lược dưới thời các chúa Nguyễn dùng để trang bị trên các chiến thuyền, đặt ở các chiến lũy, trên lưng voi chiến... Nước ta đã có những phát minh lớn trong việc phát triển vũ khí mà chính sử nhà Minh đã viết rằng họ đã học cách làm súng thần công của người Việt . Năm 1631, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đặt ty Nội pháo tượng: “Đặt ty Nội pháo tượng và hai đội Tả Hữu pháo tượng. Lấy dân hai xã Phan Xá, Hoàng Giang (thuộc huyện Phong Lộc, Quảng Bình) lành nghề đúc súng sung bổ vào (ty Nội pháo tượng 1 thủ hợp, 1 ty quan, 38 người thợ; hai đội Tả Hữu pháo tượng thì 12 ty quan, 48 người thợ” . Để đúc một khẩu súng thần công phải “dùng 12 khối sắt, 10 cân gang, tiền than 3 quan 5 tiền” . Số lượng súng thần công được đúc nhiều. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở các thành lũy trên đất Quảng Bình ở các pháo đài đều có đặt súng thần công và các hạng súng đạn chứa chất như núi .

Quân đội nhà Nguyễn gồm những thứ quân nào

Một trong những loại súng thần công thời chúa Nguyễn

Người Đàng Trong được đánh giá là người rất khéo léo khi làm vũ khí, trong hồi ký của mình, Choisy viết: “Thật là hay khi thấy rằng người ta chỉ cung cấp cho họ tiêu thạch (salpêtre), lưu huỳnh, than đá, chì từng khối và các dụng cụ để họ tự làm lấy thuốc súng và đạn; điều này làm cho họ thành những người khéo léo nhất trong các dân tộc ở châu Á trong việc tinh chế thuốc súng” . Từ năm sau 1658, công nghệ đúc súng của chúa Nguyễn đã phát triển mạnh mẽ, một phần nhờ vào sự giúp đỡ của một người Bồ Đào Nha có tên là João da Crux. Đàng Trong phát triển mạnh ngoại thương nên chúa Nguyễn đã mua các loại vũ khí của các nước được xem là cường quốc về quân sự như Bồ Đào Nha, Hà Lan. Về việc mua các loại trọng pháo (súng thần công) theo tác giả Li Tana cho biết, chúa Nguyễn chủ yếu chỉ mua được của người Bồ Đào Nha còn lại ít khi được mua được của các nước khác: “Trước năm 1660, Đài Loan dưới quyền kiểm soát của người Hà Lan có thể là một nguồn cung cấp súng cho họ Nguyễn. Tuy nhiên, họ Nguyễn ít liên lạc với người Hà Lan, do đó không có mấy cơ may có được vũ khí từ Đài Loan. Thay vào đó, họ Nguyễn sử dụng người Bồ Đào Nha vừa để mua trọng pháo vừa mở lò đúc tại chỗ” . Một nghiên cứu của Launay cho biết thêm: “Ở Đàng Trong không thiếu đại bác được đem từ Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha và cả từ Ấn Độ, loại cuối này là thứ đẹp nhất của Đàng Trong” . James Bean, một mại biện người Anh đến Đàng Trong năm 1765, cho biết: “Vài khẩu trong những đại thần công đẹp nhất tôi đã từng thấy . Hiện nay còn khá nhiều súng thần công dưới thời chúa Nguyễn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.  Các chúa Nguyễn có một đội quân chuyên đi thu lượm các hóa vật ở các hải đảo thuộc chủ quyền của mình như Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Thổ Chu... Đây là những hòn đảo ngoài khơi mà các tàu thuyền nước ngoài thường bị bão dạt vào; ở đó có nhiều loại vũ khí,... giúp trang bị một phần cho quân đội chúa Nguyễn. Với sự phát triển vượt bậc về vũ khí nên mặc dù số quân của chúa Nguyễn ít hơn nhiều so với Đàng Ngoài nhưng vẫn có thể bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của mình cho đến năm 1774 và chống lại được các cuộc xâm chiếm của các nước phương Tây từ phía biển. Người nước ngoài đến Đàng Trong lúc bấy giờ đã so sánh một cách thú vị rằng: “Cả người Xiêm lẫn người Miến Điện đều không phát triển trọng pháo của họ thành một thứ vũ khí có hiệu lực thực sự. Xứ An Nam hay Đàng Trong là nước Đông Dương đã sử dụng loại vũ khí này một cách tốt nhất” . Về số lượng súng thần công, theo Pierre Poivre, đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát: “Có 1200  khẩu súng thần công, tất cả đều bằng đồng, đặt xung quanh cung điện ngài. Những khẩu súng này đều là những loại pháo trận với những đường kính nồng khác nhau, mang các dấu hiệu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng đặc biệt có 4 khẩu thần công dài 19 pieds [6m] mang ký hiệu của xứ Đàng Trong và đẹp một cách trang nhã. Trên những khẩu súng này trang trí hình con rồng là biểu tượng của nhà vua, hình con nhân sư, hình những con báo được chế tác một cách rất tinh xảo, một bàn tay trông giống như thật đang cầm một lưỡi sét và ánh chớp tóe lửa với câu khẩu hiệu: Ostendunt tela parentem [Họ giương cao những ngọn giáo tổ tiên]. Chúng [được đặt] ở trên bệ bằng gỗ đen như mun, với một lỗ trổ ở trên và khảm một miếng đồng mạ vàng dày gấp đôi. Hầu hết tất cả những khẩu súng khác [được đặt] ở trên repiquest hoặc một hình chữ thập bằng gỗ xù xì. Thời điểm đúc các súng này là từ 1650 đến 1660, và tên của người thợ đúc [kim loại] được viết tắt” .  * Súng cầm tay Trước hết có thể kể đến súng hỏa mai, là loại súng rất phổ biến trong quân đội chúa Nguyễn. Cristoforo Borri đã đề cập đến loại súng này như sau: “Người Đàng Trong tinh xảo và có kinh nghiệm sử dụng, họ vượt cả người châu Âu đến nổi họ chẳng làm gì khác mà chỉ ngày ngày bắn đạn giả và rất lấy làm hãnh diện. Vì thế họ tự cho là có thế lực đến nỗi vừa thấy những chiếc tàu của châu Âu chúng ta cập bến của họ thì liền bắn súng để thách thức, nhưng người chúng ta biết rằng chẳng địch lại được súng của chúng ta, nên người của chúng ta hết sức tránh né tầm bắn. Người của chúng ta theo kinh nghiệm, ta có thể chắc chắn bắn vào chỗ nào ta muốn với súng của mình, còn họ với súng hỏa mai là một thứ gậy thì không nhằm bắn trúng được” . Súng hỏa mai được quân đội chúa Nguyễn sử dụng rất thành thạo, trong các trận chiến đều có sự xuất hiện của loại súng này. Trong hình thức chờ đón nguyệt thực thì binh lính và dân ở Đàng Trong đã mang rất nhiều súng hỏa mai ra để làm xua đuổi. Ngoài ra, loại súng này còn được dùng để trang bị đặt trên các lũy ở Quảng Bình, cách từ 5 đến 3 trượng lập một pháo đài, trên đặt một khẩu súng nòng lớn , ngoài ra cứ một trượng đặt một khẩu súng trụ, lại kèm một khẩu súng tay . Có lẽ đây cũng là một trong những loại súng mà tướng cầm quân dưới thời chúa Nguyễn sử dụng, cho thấy độ chính xác của nó rất cao, cộng với tài thiện xạ của người sử dụng. Trong một trận đánh với quân Đàng Ngoài, Nguyễn Hữu Dật đã bắn rơi tướng của chúa Trịnh từ trên mình voi xuống đất . Dưới thời các chúa Nguyễn, để đúc 10 cây súng cầm tay cần dùng 30 khối sắt, 30 cân gang và 10 quan tiền than .  Ngoài súng hỏa mai, trong quân đội chúa Nguyễn còn sử dụng một loại súng khác gọi là súng gỗ. Hỗ trướng khu cơ chép về loại súng này: “Phàm súng đồng súng gang, người đời dễ biết, còn phép làm súng gỗ, chưa ai biết cả. Người làm tướng không nên không xét mà dùng. Sai thợ mộc lấy gỗ rất bền làm thành hình súng, thành rất dày, lòng rất rộng. Phần sau ống súng ước độ 1 thước thì trong lòng để nguyên. Bèn xẻ dọc ra làm hai mảnh. Lại lấy các thứ vôi, phân voi, mật, đất thó hòa lãn với nhau đem bôi vào lòng súng, cốt cho trơn, xong rồi ghép hai mảnh lại thành một khẩu súng. Lại lấy vôi, nhựa trám, nhựa thông, mật hòa lẫn nhau gắn vào chỗ hai mảnh ghép nhau, rồi lấy dây sắt cuộn đánh đai thân súng lại cho chắc chắn. Lại xoi một lỗ cho ngòi thuốc vào. Nhồi đạn và thuốc súng vào để bắn, không khác gì súng đồng súng gang” . Dưới thời chúa Nguyễn cũng đã bắt đầu có những khẩu súng lục do các thương nhân phương Tây làm quà biếu cho chúa, như trường hợp của James Bean đã tặng cho chúa Nguyễn Phúc Khoát 2 khẩu súng lục. So với các loại súng cầm tay đương thời thì súng lục của phương Tây hiện đại hơn rất nhiều. * Súng máy  Thoạt nghe súng máy có vẻ rất hiện đại nhưng trong Hổ trướng khu cơ, Đào Duy Từ chép về loại súng này khá thô sơ: “Phàm người đánh giỏi có thể lấy ít mà địch nhiều, lấy yếu mà địch mạnh. Ví như ở chỗ đồng bằng nội rộng, quân giặc trăm vạn như sông cuộn biển sôi mà đến, thì nên dùng súng máy mà bắn, giặc tất tan gãy. Cách làm: Trước hết làm ba khẩu súng to, mỗi khẩu trước lấy gỗ nhỏ bó làm một bó to 2 thước dài 6 thước để làm cái cốt súng. Lại lấy gỗ rắn to 2 thước dài 5 thước 5 tấc, trên bằng dưới nhọn, đặt vào sau cái cốt để làm đáy súng. Lại lấy rơm trấu, phân voi trộn vào đất gan trâu, luyện thành bùn để đắp ngoài cốt súng và đáy súng dày 3 tấc. Lại lấy da trâu bao kín ngoài đất, lấy dây gai buộc lại cho chặt. Lại lấy đất luyện nhỏ trước đắp vào bên ngoài da trâu, dày 2 tấc. Lại lấy thanh tre đặt thẳng ở ngoài lần đất, ghép liền cho kín, ngoài lấy dây sắt mà buộc. Xong rồi mới lấy cái cốt ra. Lại lấy dùi sắt dùi lỗ, cho ống sắt nhỏ vào để làm lỗ ngòi. Ba khẩu súng đều làm như thế. Xong rồi, sai thợ làm đạn dây sắt, mỗi viên đạn đường kính 1 thước 5 tấc 5 phân, cưa làm hai mảnh, mỗi mảnh đục bỏ ruột sắt đi bằng cái chén, chính giữa dùi một lỗ, lấy giây sắt mà buộc, tả chẳng sang hữu, hữu chẳng sang tả, rồi đem dây sắt vặn lại thành một khối để vào trong lòng hai mảnh, sao cho hai mảnh hợp lại thành một hòn đạn thì tốt. Bấy giờ mới lấy thuốc súng nạp vào đáy súng, lại lấy đạn dây sắt nạp vào trên súng. Ba khẩu súng đều làm như thế...” . Có vẻ nó như một loại súng thần công nhưng lại được làm kết hợp các loại dụng cụ thô sơ như đất, da trâu, phân voi... cùng với các loại nguyên liệu dùng để đúc súng thần công như gang, sắt, thuốc súng. Nhưng ở loại súng này lại có ba nòng nên khi bắn ra làm cho tính tiêu diệt kẻ địch cao hơn.

2.3  Các loại vũ khí khác

Ngoài các loại vũ khí trên, để sử dụng một cách linh hoạt và nhằm vào từng chiến trường, từng đối tượng tác chiến, dưới thời chúa Nguyễn, nhà quân sự Đào Duy Từ  còn cho biết nhiều loại vũ khí như: Hỏa Cầu (Quả nổ, trái phá): “Phép hỏa cầu là phép thần của người Tây Dương. Trong lúc đưa quân đi đánh giặc, hai bên bày thành thế trận, ta đem súng phi thiên mà bắn, quả nổ tung ra, rơi đến đâu quả nổ nổ ra, mảnh sắt tung tóe bốn mặt, dẫu gươm giáo choáng trời, cờ xí lấp đất cũng chỉ một lát là tan nát hết” . Quả nổ dùng đại bác (súng thần công) để bắn, nên nó cũng được xem như một loại đạn, nhưng nó rất đặc biệt là một quả mẹ và ba quả con nên tính sát thương rất cao. Quả Mù (Yên Cầu): “Phàm khi hai bên giao chiến, trận thế tương đương, ta đứng đầu gió mà thả khói phân lang thuốc đọc thì địch hẳn tránh được, dù có bài thuốc thảm độc cũng không làm hại được. Cho nên tiên công có bí pháp chế ra quả mù nạp vào súng phi thiên mà bắn đến gần dinh giặc, lửa nổ khói độc phát ra, giặc dù có phép độn tàng hình, chỉ tróng khoảnh khắc đều chết đứng cả” . Đây là một loại khí đọc làm ngạt kẻ địch. Cũng giống như quả nổ, quả mù thường dùng đại bác để bắn để tăng cường tính năng sử dụng của loại vũ khí lợi hại này. Hỏa Đồng: là một loại vũ khí thường gây thiệt hại đối phương bằng cách đốt lửa, dẫn đến hỏa hoạn hoặc chết cháy, chết bỏng kẻ địch. Hỏa tiễn: có hai loại một loại dùng cung để bắn gọi là hỏa tiễn đơn (bắn mỗi lần một mũi tên), còn một loại cần dùng bệ phóng gọi là hỏa tiễn ống lúc bắn ra bao gồm nhiều mũi tên. Nó có tính sát thương rất cao, “ví dụ như lúc cướp trại giặc, vượt vòng vây, đánh giáp mặt ở đường hẹp, cùng trận ngựa liên hoàn, trận voi chắn đường, nên dùng tên lửa mà đánh thì cái cũng tan” . Điểm chung của các loại vũ khí này đều rất cần diêm tiêu và lưu huỳnh. Để có được các nguyên liệu chế tạo thuốc súng, các chúa Nguyễn phải mua ở nước ngoài như Nhật Bản, Trung Hoa và một số nước phương Tây. Điều đó giúp cho chúa Nguyễn có đủ nguyên liệu để chế tạo thuốc súng và các loại thuốc nổ khác nhau. Vũ khí đóng một vai trò quan trọng đối với quân đội nên thường xuyên được các chúa Nguyễn cho tiến hành kiểm duyệt vũ khí. Việc kiểm duyệt được tiến hành từ ở các Ty cho đến các dinh. Nếu chúa Nguyễn không tiến hành kiểm duyệt vũ khí thì sẽ cho quân tập trận để biết được vũ khí nào cùn sắc, dùng được. Nhưng bắt đầu từ đời chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738), trong những năm nắm quyền của mình không thấy chúa cho kiểm duyệt khí giới. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát thì các hoạt động này cũng không thấy diễn ra. Điều này dẫn đến sự đi xuống của nhiều loại vũ khí trong đó có súng thần công là một loại vũ khí quan trọng nhất trong các phương án tác chiến của quân đội chúa Nguyễn.  Sau khi làm thất bại âm mưu tiêu diệt Đàng Trong của chính quyền Đàng Ngoài (1672), đất nước hưởng cảnh thái bình nên việc binh bị ít được quan tâm: “Bấy giờ trong nước yên bình đã lâu, ít dùng binh” . Có lẽ vì không còn chiến trận với Đàng Ngoài nên việc quân sự được ít chú trọng hơn. Còn đối với các nước ở phía Nam như Champa, Chân Lạp thì ngày càng suy yếu.  Việc huấn luyện quân đội và kiểm duyệt khí giới từ đời chúa Nguyễn Phúc Chú trở về sau không thấy đề cập dẫn đến những loại vũ khí nào còn sử dụng được và không sử dụng được không thể nắm bắt được. Đây là một điều tối kỵ nhất trong binh pháp khi các khí giới không thể kiểm soát được để bổ sung và tăng cường. Nếu có chiến trận xảy ra thì vũ khí khó lòng sử dụng được. Vì vậy, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát các thương nhân phương Tây đã đánh giá rằng: “Người của xứ Đàng Trong không để ý, hoặc là không biết đến việc sử dụng những khẩu súng này cho có ích. Chẳng có khẩu súng nào bắn được 6 phát và hầu hết các viên đạn đều không vừa đường kính nòng. Số binh lính còn lại thì không đáng để ý đến. Họ phục vụ triều đình khi có chiến tranh và vô kỷ luật vào thời bình. Đặc biệt, họ không biết sử dụng các loại súng cầm tay. Vào thời chiến, binh lính dùng một vài cây súng hỏa mai của Trung Hoa, dùng một ít lưu huỳnh và nitrat kali để làm thuốc súng” . Đây cũng là nhận định của nhà nghiên cứu A.Reid, tác giả cho rằng đại bác lúc này đã trở thành “phương tiện để tăng thêm tinh thần và bày tỏ uy lực siêu phàm của quốc gia hơn là một vũ khí để tiêu diệt đối phương” . Với hoàn cảnh quản lý một lãnh thổ nằm “trong vòng vây” của những thế lực có thể gây tổn hại cho mình, từ thời chúa Nguyễn Hoàng cho đến chúa Nguyễn Phúc Chu việc võ bị đều được đặt lên hàng đầu. Trong đó, việc tăng cường trang bị vũ khí cho quân đội luôn được chú trọng. Từ thời chúa Nguyễn Hoàng, bên cạnh rèn đúc, lượm, nhặt, các chúa Nguyễn còn tiến hành mua các loại vũ khí, các nguyên liệu chế tạo vũ khí của các nước để trang bị cho quân đội. Điều đó đã giúp cho cho quân đội chúa Nguyễn rất thành thạo trong việc sử dụng các loại vũ khí. Các nhà truyền giáo, thương nhân đến Đàng Trong thời kỳ này trong hồi ký của mình đã đánh giá rất cao quân đội chúa Nguyễn. Nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Chú trở về sau, các loại vũ khí đã đi xuống và đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát thì các loại vũ khí chiến lược như thần công, súng hỏa mai bị các thương nhân phương Tây đến Đàng Trong lúc này đánh giá là những thứ đồ để trang trí, đạn thì không vừa với nòng súng... Sự xuống cấp của vũ khí cộng với các yếu tố kém cõi khác như kỷ luật quân đội,... đã làm cho chúa Nguyễn thất bại trước sự tấn công của Đàng Ngoài năm 1774, một thế lực mà trước đây họ đã giành thắng lợi. Rồi liên tiếp thất bại trước khởi nghĩa Tây Sơn.
Tóm tắt: Vũ khí là một trong những yếu tố quyết định đến sức mạnh của quân đội; Đoan quận công Nguyễn Hoàng là người biết rất rõ về điều đó, trước khi vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, ông đã chỉ huy hàng chục cuộc chinh chiến. Ngoài các loại vũ khí truyền thống như gươm, giáo, cung tên..., các chúa Nguyễn đã có được những khẩu đại bác (thần công) và các loại vũ khí sát thương khác. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, vũ khí của chúa Nguyễn đã có những tiến bộ vượt bậc. Các loại vũ khí đã được sản xuất để phục vụ cho quân đội, lúc này xưởng đúc súng của chúa Nguyễn đã có sự giúp sức của công nghệ phương Tây đó là người Bồ Đào Nha.  Ngoài việc tự sản xuất vũ khí, các chúa Nguyễn đã mua được những loại vũ khí hiện đại của phương Tây và của Nhật Bản, Trung Hoa để tăng cường sức mạnh của quân đội. Bên cạnh đó còn tiến hành thu lượm các loại vũ khí của các con tàu đắm ở các đảo ngoài biển của Đàng Trong.