Bản chất của nhà nước la gì

  • Bản chất nhà nước
  • Phân chia giai cấp và sự xuất hiện nhà nước
  • Đặc điểm và chức năng của nhà nước 
  • Kiểu nhà nước 
  • Hình thức nhà nước

Bản chất nhà nước

Xã hội loài người đã trải qua một thời kỳ không có nhà nước và pháp luật, đó là thời kỳ cộng sản nguyên thủy. Trong thời kỳ này, do trình độ phát triển hết sức thấp kém của lực lượng sản xuất cho nên con người cùng sống chung, cùng lao động và cùng hưởng thụ những thành quả do lao động chung mang lại. Mọi người đều bình đẳng trong lao động và hưởng thụ, xã hội không phân biệt kẻ giàu người nghèo, không có sự phân chia thành giai cấp. 

Cơ sở kinh tế của xã hội cộng sản nguyên thuỷ tạo ra hình thức tổ chức xã hội là thị tộc – tổ chức cơ sở đầu tiên của xã hội loài người. Thị tộc là một tổ chức lao động sản xuất, một bộ máy kinh tế xã hội. Sự phát triển của xã hội cộng với các yếu tố tác động khác đòi hỏi thị tộc phải mở rộng quan hệ với các thị tộc khác, dẫn đến sự xuất hiện các bào tộc và bộ lạc bao gồm nhiều bào tộc hợp thành. 

Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, quyền lực chưa tách khỏi xã hội mà gắn liền với xã hội, hoà nhập với xã hội. Để tổ chức và quản lý thị tộc, xã hội đã hình thành hình thức Hội đồng thị tộc bao gồm tất cả những người lớn tuổi trong thị tộc với quyền hạn rất lớn.

Tổ chức quản lý bào tộc là Hội đồng bào tộc bao gồm các tù trưởng, thủ lĩnh quân sự của các thị tộc, với các nguyên tắc tổ chức quyền lực tương tự như nguyên tắc tổ chức quyền lực của thị tộc nhưng có sự tập trung cao hơn. Hội đồng bộ lạc là hình thức tổ chức quản lý của bộ lạc với nguyên tắc tổ chức quyền lực tương tự như thị tộc và bào tộc nhưng mức độ tập trung quyền lực cao hơn nữa.

Như vậy, trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ đã xuất hiện và tồn tại quyền lực nhưng đó là quyền lực xã hội xuất phát từ xã hội và phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội. Những người đứng đầu thị tộc, bào tộc, bộ lạc không có đặc quyền, đặc lợi nào, họ cùng sống, cùng lao động và hưởng thụ như mọi thành viên khác và chịu sự kiểm tra của cộng đồng.

Phân chia giai cấp và sự xuất hiện nhà nước

Sự phát triển của lực lượng sản xuất và năng suất lao động xã hội đã làm thay đổi cơ cấu tổ chức xã hội của xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Sau ba lần phân công lao động xã hội, chế độ tư hữu xuất hiện đã phân chia xã hội thành kẻ giàu, người nghèo, hình thành hai giai cấp cơ bản là chủ nô và nỗ lệ.

Một xã hội mới với sự phân chia giai cấp và sự đấu tranh giai cấp đòi hỏi phải có một tổ chức quyền lực mới, ngõ hầu có thể dập tắt được các cuộc xung đột giai cấp, tổ chức quyền lực đó là nhà nước. Như vậy, nhà nước xuất hiện một cách khách quan, “một lực lượng nảy sinh từ xã hội, một lực lượng tựa hồ như đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng trật tự”. 

Nhà nước ra đời và tồn tại trong xã hội có giai cấp, do đó thể hiện bản chất giai cấp sâu sắc. Bản chất giai cấp của nhà nước thể hiện trước hết ở chỗ, nhà nước là bộ máy cưỡng chế đặc biệt nằm trong tay giai cấp thống trị, là công cụ sắc bén để duy trì sự thống trị giai cấp.

Trong các xã hội bóc lột, các nhà nước của giai cấp bóc lột nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản) đều có bản chất chung là bộ máy thực hiện nền chuyên chính của giai cấp bóc lột là giai cấp chiếm thiểu số trong xã hội. Ngược lại, các nhà nước xã hội chủ nghĩa là bộ máy củng cố địa vị lãnh đạo và bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, lực lượng chiếm đa số trong xã hội, trấn áp những lực lượng thống trị cũ đã bị lật đổ và những phần tử chống đối, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, bình đẳng. 

Mặt khác, trong xã hội có giai cấp, nhà nước không chỉ là người đại diện cho giai cấp thống trị, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị mà, ở một mức độ nhất định, còn là người đại diện cho lợi ích chung của xã hội. Nói một cách khác, bên cạnh tính giai cấp là mặt cơ bản thể hiện bản chất của nhà nước, thì tính xã hội cũng là một đặc trưng thuộc về bản chất của nhà nước.

Đặc điểm và chức năng của nhà nước 

Nhà nước là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng của xã hội, là sản phẩm của một chế độ kinh tế – xã hội nhất định. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng quy định sự phát triển của nhà nước. Tuy nhiên, sự phát triển của nhà nước không chỉ phụ thuộc vào sự biến đổi của cơ sở kinh tế mà còn được quy định bởi các điều kiện và yếu tố khác như: tương quan lực lượng giai cấp, mức độ gay gắt của các mâu thuẫn xã hội, các đảng phái chính trị, các quan điểm chính trị – pháp lý v.v… Ngược lại, nhà nước cũng tác động mạnh mẽ đến cơ sở kinh tế, đến những điều kiện và quá trình phát triển của sản xuất xã hội cũng như các hiện tượng xã hội khác. 

Để thực hiện và bảo vệ lợi ích của mình, ngoài việc tổ chức ra nhà nước, giai cấp thống trị còn thành lập hoặc sử dụng các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, trong đó đáng chú ý nhất là các đảng phái chính trị. So với các tổ chức đó, nhà nước giữ vị trí trung tâm bởi chỉ có nhà nước mới có những thiết chế đặc biệt với các phương tiện vật chất đi kèm như quân đội, cảnh sát, toà án, nhà tù v.v… mà nhờ đó nó có thể tác động một cách mạnh mẽ và toàn diện đến đời sống xã hội. 

 So với các tổ chức khác trong xã hội, nhà nước có những đặc điểm sau đây: 

Một là, nhà nước thiết lập một quyền lực công đặc biệt. Để thực hiện quyền lực, nhà nước có đội ngũ công chức chuyên làm nhiệm vụ quản lý; họ được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước và hình thành một bộ máy cưỡng chế để duy trì địa vị của giai cấp thống trị. 

Hai là, nhà nước phân chia dân cư theo lãnh thổ, thành các đơn vị hành chính không phụ thuộc chính kiến, huyết thống, giới tính, nghề nghiệp v.v… Việc phân chia này quyết định phạm vi tác động của nhà nước trên quy mô rộng lớn nhất. 

Ba là, nhà nước có chủ quyền quốc gia mang nội dung chính trị – pháp lý, thể hiện quyền tự quyết của nhà nước về đối nội và đối ngoại, không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. 

Bốn là, nhà nước ban hành pháp luật và thực hiện sự quản lý bằng pháp luật đối với toàn xã hội. Là người đại diện chính thống cho xã hội, nhà nước thực hiện sự quản lý xã hội bằng pháp luật – các quy định do chính nhà nước quy đặt ra và bắt buộc mọi người thực hiện. Bi Bản chất của nhà nước còn được thể hiện trong chức năng của nó. 

Chức năng của nhà nước là phương diện hoạt động chủ yếu của nhà nước nhằm thực hiện những nhiệm vụ đặt ra cho nhà nước. Căn cứ vào phạm vi hoạt động, chức năng của nhà nước được chia thành chức năng đối nội và chức năng đối ngoại:

– Chức năng đối nội là những mặt hoạt động chủ yếu trong nội bộ đất nước như: bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trấn áp những phần tử chống đối, bảo vệ chế độ chính trị – xã hội, xây dựng và phát triển đất nước…

– Chức năng đối ngoại thể hiện những mặt hoạt động của nhà nước trong quan hệ với các nhà nước trên thế giới và các dân tộc khác như: phòng thủ đất nước, chống sự xâm lược từ bên ngoài, thiết lập mối bang giao với các quốc gia khác. 

Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, nhà nước sử dụng nhiều hình thức và phương pháp hoạt động khác nhau. Các hình thức hoạt động chủ yếu của nhà nước là hoạt động lập pháp (xây dựng luật), hoạt động hành pháp (tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật) và hoạt động tư pháp (bảo vệ pháp luật). Các phương pháp thực hiện chức năng của nhà nước rất đa dạng, nhưng nhìn chung, các nhà nước đều sử dụng hai phương pháp chủ yếu là thuyết phục và cưỡng chế. Tuỳ thuộc vào bản chất của nhà nước và đặc điểm cụ thể của mỗi nước mà các nhà nước sử dụng các phương pháp này một cách khác nhau. 

Chức năng, nhiệm vụ của nhà nước cũng như hình thức và phương pháp hoạt động của nó được thực hiện thông qua bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương được lập ra theo những nguyên tắc chung thống nhất, tạo ra một cơ chế đồng bộ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

Cơ quan nhà nước là những bộ phận tạo thành bộ máy nhà nước. Đặc điểm cơ bản để phân biệt cơ quan nhà nước với các tổ chức khác là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nghĩa là những nhiệm vụ, quyền hạn mà nhà nước trao cho nó. Yếu tố cơ bản của thẩm quyền là quyền nhân danh nhà nước ra những quyết định có tính chất bắt buộc, các chủ thể có liên quan phải thi hành.

Kiểu nhà nước 

Bản chất của nhà nước trong những thời kỳ lịch sử khác nhau là rất khác nhau. Để phân biệt chúng, khoa học lý luận chung về nhà nước và pháp luật đưa ra khái niệm kiểu nhà nước. 

Kiểu nhà nước là tổng thể các dấu hiệu cơ bản đặc thù của nhà nước, thể hiện bản chất và những điều kiện tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Lịch sử xã hội có giai cấp đã tồn tại bốn hình thái kinh tế – xã hội: chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa. Tương ứng với bốn hình thái kinh tế – xã hội đó là bốn kiểu nhà nước – kiểu nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa. 

Các kiểu nhà nước chủ nô, phong kiến, tư sản tuy có những đặc điểm riêng về bản chất, nhiệm vụ, chức năng, nhưng đều mang một đặc điểm chung – kiểu nhà nước bóc lột. Kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa có sứ mệnh lịch sử là xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội. 

Phạm trù “kiểu nhà nước không những chỉ ra những điểm đặc thù của các nhà nước mà còn cho thấy xu hướng phát triển của chúng. Cũng như sự thay thế các hình thái kinh tế – xã hội, sự thay thế kiểu nhà nước này bằng một kiểu nhà nước khác là một quá trình lịch sử tự nhiên. Đó là quá trình tất yếu khách quan, được thực hiện thông qua một cuộc cách mạng xã hội. Kiểu nhà nước sau bao giờ cũng tiến bộ và hoàn thiện hơn kiểu nhà nước trước nhưng vẫn có sự kế thừa nhất định.

Hình thức nhà nước

Bản chất của nhà nước chỉ rõ quyền lực nhà nước thuộc về ai, phục vụ lợi ích cho giai cấp nào, và nếu kiểu nhà nước thể hiện những dấu hiệu cơ bản, đặc thù của nhà nước thì hình thức nhà nước nói lên cách thức tổ chức quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp), tức là phương thức chuyển ý chí của giai cấp thống trị thành ý chí của nhà nước.

Đó là cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, trình tự thành lập các cơ quan nhà nước, xác định vị trí, vai trò của mỗi cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện quyền lực chính trị, quy định mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau cũng như việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước phạm vi quốc gia và trên phạm vi từng vùng, từng địa phương của quốc gia đó. Hình thức nhà nước do bản chất của nhà nước quy định. 

Hình thức nhà nước bao gồm hai yếu tố chủ yếu: hình thức chính thể và hình thức cấu trúc. Ngoài ra, chế độ chính trị cũng là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hình thức nhà nước.

Hình thức chính thể là cách thức tổ chức và trình tự thành lập các cơ quan có quyền lực cao nhất của nhà nước cùng với mối quan hệ giữa các cơ quan đó. Hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hoà. 

Chính thể quân chủ là hình thức chính thể trong đó quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ hoặc một phần vào tay một cá nhân người đứng đầu nhà nước (nguyên thủ quốc gia) hình thành theo nguyên tắc truyền ngôi (thế tập). Vua, hoàng đế, quốc trưởng là nguyên thủ quốc gia của các nước theo chính thể này. Nhà nước theo chính thể quân chủ gọi là nhà nước quân chủ. Chính thể quân chủ được chia thành quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế. 

Quân chủ tuyệt đối là hình thức chính thể quân chủ, trong đó nguyên thủ quốc gia (vua, hoàng đế) có quyền lực vô hạn. 

Trong các nhà nước theo chính thể quân chủ hạn chế thì quyền lực tối cao của nhà nước được trao một phần cho người đứng đầu nhà nước, còn một phần được trao cho một cơ quan cao cấp khác (như nghị viện trong nhà nước tư sản hoặc hội nghị đại diện đẳng cấp trong nhà nước phong kiến). Chính thể quân chủ hạn chế trong các nhà nước tư sản gọi là quân chủ lập hiến (quân chủ đại nghị).

Trong các nhà nước tư sản theo chính thể quân chủ lập hiến, quyền lực của nguyên thủ quốc gia (vua, nữ hoàng) bị hạn chế rất nhiều. Với tư cách nguyên thủ quốc gia, Nhà vua chỉ mang tính chất tượng trưng, đại diện cho truyền thống, cho sự thống nhất của quốc gia, không có nhiều quyền hành trong thực tế, “Nhà vua trị vì nhưng không cai trị”. Chính thể quân chủ lập hiến theo mô hình đại nghị đang tồn tại ở nhiều nước tư bản phát triển như Nhật Bản, Vương quốc Anh, Thụy Điển v.v… do những nguyên nhân lịch sử nhất định. 

Chính thể cộng hoà là hình thức chính thể, trong đó quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về một cơ quan được bầu ra trong một thời hạn nhất định. Nhà nước theo chính thể cộng hoà gọi là nhà nước cộng hoà. Chính thể cộng hoà có hai hình thức chủ yếu là cộng hoà quý tộc và cộng hoà dân chủ.

Cộng hoà quý tộc là hình thức chính thể, trong đó cơ quan đại diện là do giới quý tộc bầu ra. Chính thể này chỉ tồn tại ở kiểu nhà nước chủ nô và nhà nước phong kiến.

Cộng hoà dân chủ là hình thức chính thể, trong đó người đại diện là do dân bầu ra. Chính thể này tồn tại ở tất cả bốn kiểu nhà nước đã có trong lịch sử, với khái niệm “dân chủ” rất khác nhau. Chính thể cộng hoà dân chủ là hình thức tổ chức chính quyền nhà nước phổ biến nhất hiện nay ở các nhà nước tư sản. Chính thể cộng hoà trong các nhà nước tư sản có hai biến dạng: cộng hoà đại nghị và cộng hoà tổng thống. 

Trong chính thể cộng hoà đại nghị, nghị viện là một thiết chế quyền lực trung tâm. Nghị viện có vị trí, vai trò rất lớn trong cơ chế thực thi quyền lực nhà nước. Ở đây, nguyên thủ quốc gia (tổng thống) do nghị viện bầu ra, chịu trách nhiệm trước nghị viện. Chính phủ do các đảng chính trị chiếm đa số ghế trong nghị viện thành lập và chịu trách nhiệm trước nghị viện, nghị viện có thể bỏ phiếu không tín nhiệm chính phủ.

Vì vậy, trong các nước này, nghị viện có khả năng thực tế kiểm tra các hoạt động của chính phủ còn tổng thống hầu như không trực tiếp tham gia giải quyết các công việc của đất nước. Hiện nay, Cộng hoà liên bang Đức, Cộng hoà Áo, Cộng hoà Italia v.v… là những nước tổ chức theo chính thể cộng hoà đại nghị. 

Trong chính thể cộng hoà tổng thống, nguyên thủ quốc gia (tổng thống) có vị trí và vai trò rất quan trọng. Tổng thống do nhân dân trực tiếp (hoặc gián tiếp thông qua đại cử tri) bầu ra. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu chính phủ. Chính phủ không phải do nghị viện thành lập. Các thành viên chính phủ do tổng thống bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước tổng thống.

Ở các nước theo chính thể cộng hoà tổng thống, sự phân định giữa các quyền lập pháp và hành pháp rất rõ ràng: tổng thống và các bộ trưởng có toàn quyền trong lĩnh vực hành pháp, nghị viện có quyền lập pháp; nghị viện không có quyền lật đổ chính phủ, tổng thống không có quyền giải tán nghị viện trước thời hạn. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và một số nước Châu Mỹ la tinh là những quốc gia tổ chức nhà nước theo chính thể cộng hoà tổng thống. 

Ngoài chính thể cộng hoà đại nghị và cộng hoà tổng thống, hiện nay còn tồn tại một hình thức cộng hoà “lưỡng tính nghĩa là vừa mang tính chất cộng hoà đại nghị, vừa mang tính chất cộng hoà tổng thống. Chính thể cộng hoà “lưỡng tính” có những đặc điểm cơ bản sau:

– Nghị viện do nhân dân bầu ra. 

– Trung tâm bộ máy quyền lực là tổng thống. Tổng thống cũng do dân bầu, có quyền hạn rất lớn kể cả quyền giải tán nghị viện, quyền thành lập chính phủ, hoạch định chính sách quốc gia. 

– Chính phủ có thủ tướng đứng đầu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổng thống, chịu trách nhiệm trước tổng thống và nghị viện. 

Cộng hoà Pháp và một số nước Châu Âu là những nước tổ chức theo chính thể cộng hoà “lưỡng tính”. 

Chính thể cộng hoà cũng tồn tại ở các nước xã hội chủ nghĩa (Việt Nam, Cu Ba, Trung Quốc, Lào v.v…) với những tên gọi khác nhau về quốc hiệu (cộng hoà, cộng hoà dân chủ, cộng hoà xã hội chủ nghĩa v.v…) tuỳ thuộc đặc điểm lịch sử của mỗi nước.

Hình thức cấu trúc nhà nước phong kiến

Hình thức cấu trúc nhà nước là sự cấu tạo nhà nước thành các đơn vị hành chính – lãnh thổ và xác lập các mối quan hệ giữa các đơn vị ấy với nhau cũng như giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Có hai hình thức cấu trúc nhà nước chủ yếu là hình thức nhà nước đơn nhất và hình thức nhà nước liên bang. 

Nhà nước đơn nhất là nhà nước có chủ quyền chung, có một hệ thống pháp luật thống nhất, có một quốc hội và một hệ thống cơ quan nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương. Các đơn vị hành chính – lãnh thổ thường bao gồm tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường) hoạt động trên cơ sở các quy định của chính quyền trung ương, Việt Nam, Trung Quốc, Pháp… là những nhà nước theo hình thức cấu trúc đơn nhất. 

Nhà nước liên bang là nhà nước được hình thành từ hai hay nhiều nhà nước thành viên (hoặc nhiều bang) hợp lại. Trong nhà nước liên bang, ngoài các cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước chung cho toàn liên bang, hệ thống pháp luật chung của liên bang, thì mỗi nhà nước thành viên còn có hệ thống cơ quan nhà nước và hệ thống pháp luật riêng của mỗi nhà nước thành viên.

Nói một cách khác, trong nhà nước liên bang, không chỉ liên bang có dấu hiệu nhà nước mà mỗi nhà nước thành viên ở những mức độ nhất định, cũng có dấu hiệu nhà nước, tuy dấu hiệu đó không đầy đủ theo khái niệm nhà nước như nguyên nghĩa của nó. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hoà liên bang Đức, Cộng hoà liên bang Nga vv… là những nhà nước liên bang.

Chế độ chính trị 

Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, cách thức, phương tiện mà cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước. Nhân tố chủ đạo trong chế độ chính trị là phương pháp cai trị và quản lý xã hội của giai cấp cầm quyền. Phương pháp và cách thức đó trước hết xuất phát từ bản chất của nhà nước, mặt khác còn phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử của mỗi quốc gia khác nhau. Chế độ chính trị của các nhà nước trong lịch sử rất đa dạng nhưng tựu trung lại thì có hai loại chính: chế độ phản dân chủ (chế độ chuyên chế của chủ nô và phong kiến, chế độ phát xít) và chế độ dân chủ (chế độ dân chủ quý tộc, chế độ dân chủ tư sản, chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa).