Phạm thanh hùng bóng đá nữ là ai

Phạm thanh hùng bóng đá nữ là ai
Ông Phạm Thanh Hùng (bên trái HLV Park Hang-seo) trên khán đài sân Cẩm Phả, trận Than Quảng Ninh gặp Hà Nội, vòng 2 V-League 2020

Dù là Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh nhưng tên tuổi ông Phạm Thanh Hùng (SN 1964) chỉ được biết đến rộng rãi khi ông làm Trưởng đoàn Bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 30 cùng khoản thưởng khủng 3 tỷ đồng cho đội tuyển nữ. Trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, ông Hùng đã chia sẻ rất nhiều về bóng đá, thứ ông cho là đã ăn vào máu mình từ khi còn nhỏ.

Tôi không làm bóng đá theo cách ăn xổi

Tại SEA Games 30, với tư cách Trưởng đoàn Bóng đá nữ, ông đã chi tới 3 tỷ đồng từ tiền cá nhân để thưởng cho thày trò HLV Mai Đức Chung. Có người nói ông muốn đánh bóng tên tuổi, suy nghĩ của ông thế nào về việc này?

Tôi có dùng gì tới tên tuổi của mình đâu mà cần đánh bóng. Nếu dùng 3 tỷ đồng có thể đánh bóng được tên tuổi thì tôi nghĩ chắc nhiều người muốn chi lắm. Tôi thưởng cho các cầu thủ đơn giản vì thấy mình cần làm gì đó để động viên các em. Cầu thủ nữ của chúng ta tài năng, kiên cường, nhiệt huyết nhưng đa phần rất khó khăn trong cuộc sống. Tiếp xúc với các em nhiều mới thấy được điều đó, nhiều em ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc, được bao nhiêu lương thưởng là dành dụm gửi hết cho gia đình. Tôi muốn góp một chút sức nhỏ của mình để giúp đỡ và cũng coi như là tri ân các em.

So với bầu Hiển, bầu Đức, bầu Thắng, ông là người đến với bóng đá sau, ông nhận thấy vị trí của mình ở đâu so với họ?

Từ năm 2014, tôi tiếp quản ghế Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh và làm bóng đá tới bây giờ. Nói là không đóng góp được gì thì không đúng nhưng phần của tôi so với anh Hiển, anh Thắng hay anh Đức thì quá nhỏ bé. Anh Thắng có nhiều dấu ấn trong giai đoạn HLV Calisto cầm quân, còn anh Đức, anh Hiển đang thể hiện vai trò ở giai đoạn hiện nay, khi bóng đá Việt Nam thành công dưới thời HLV Park Hang-seo. Ai cũng thấy, nòng cốt của đội tuyển quốc gia phần lớn là quân của HAGL và Hà Nội. Các anh ấy như cây đa cây đề trong làng bóng đá và tôi học hỏi được rất nhiều.

Ông có thể chia sẻ đôi chút về hướng đi của mình khi làm bóng đá?

Nói ít làm nhiều là phương châm của tôi. Tôi cũng không làm theo cách ăn xổi mà muốn đi từ từ, từng bước một, bền bỉ. Than Quảng Ninh không mua sắm ồ ạt là vì thế. Chúng tôi chỉ mua cầu thủ thực sự cần và phù hợp. Còn lại ưu tiên cầu thủ trưởng thành từ đội trẻ. Như vậy đội mới có được nền móng tốt, thành công có thể lâu đến hơn nhưng đã đến rồi thì sẽ bền vững. Ngoài ra, tôi tâm niệm đã làm bóng đá là phải sạch, cầu thủ phải chơi đẹp, tiêu cực là tôi cho nghỉ. Ngay từ ngày đầu tiếp quản đội tôi đã quán triệt điều này. Rất may là tới giờ tôi chưa phải cho cầu thủ nào nghỉ.

Được biết, ngoài vai trò Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh, ông hiện cũng là Trưởng ban Bóng đá nữ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Trên cương vị này, ông có ý tưởng gì để giúp bóng đá nữ Việt Nam phát triển?

Bóng đá nữ của chúng ta kể từ sau thành công tại SEA Games 30 đã nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, mọi thứ đang dần khá lên. Nhưng để phát triển toàn diện, tạo bước đột phá thì bóng đá nữ rất cần mở rộng đào tạo trẻ. Số lượng các cháu tập bóng đá còn quá ít. Tới khi nào mỗi tỉnh thành, mỗi CLB đều phải có lò đào tạo trẻ riêng dành cho nữ thì cơ hội mới rộng mở. Ngoài ra, chúng ta phải tạo thêm sân chơi cho cầu thủ nữ, qua đó giúp các em trưởng thành hơn. Đương nhiên, để làm được điều này cần một chiến lược dài hơi, sự chung tay của toàn xã hội.

CLB Than Quảng Ninh là đội bóng có bản sắc ở V-League, cũng được xếp vào hàng ông lớn nhưng lại chưa thể vô địch, theo ông đội bóng của mình còn thiếu điều gì?

Như tôi nói ở trên, những năm qua, tôi cùng lãnh đạo đội bóng tập trung gây dựng nền tảng cho đội bóng. Bước đầu đã có kết quả nhưng để vô địch thì còn thiếu nhiều thứ. Cái thiếu lớn nhất của Than Quảng Ninh là nguồn cầu thủ kế cận. Hà Nội FC sở dĩ duy trì được sự thống trị của mình là nhờ họ đào tạo trẻ rất tốt, lực lượng vì vậy có chiều sâu và chất lượng.

Từ cậu bé vào sân chui tới Chủ tịch CLB

Phạm thanh hùng bóng đá nữ là ai
Ông Phạm Thanh Hùng (phải) và HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam Mai Đức Chung tại SEA Games 30

Suốt những năm gắn bó với bóng đá, ông ấn tượng nhất với cầu thủ nào?

Tôi ấn tượng với tất cả những cầu thủ mình từng tiếp xúc. Mỗi cầu thủ đều có nét riêng nhưng điểm chung là đam mê trái bóng tròn mãnh liệt, tôi cũng đam mê bóng đá nên dễ dàng tìm được sự đồng cảm.

Ông được biết đến là người khá điềm tĩnh, đã khi nào ông trách mắng nặng lời hay nổi giận với các cầu thủ?

Kể từ khi làm bóng đá, tôi chưa lần nào nổi nóng với cầu thủ của mình, tôi cũng cho rằng đó không phải là phương pháp hay. Than Quảng Ninh có khẩu hiệu “Kỷ luật - Đồng tâm”, mọi cầu thủ hay các thành viên đội bóng đều tự giác thực hiện, tạo nên khối thống nhất.

Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ với bóng đá?

Kỷ niệm thì nhiều lắm nhưng đáng nhớ nhất hẳn là từ những năm bẩy mấy. Ngay khi còn nhỏ tôi đã mê bóng đá, thần tượng đội Than Quảng Ninh với các anh Hùng A, Hùng B. Mỗi cuối tuần, mẹ cho mấy hào không đủ để đi ô tô nên tôi mua chai nước rồi cuốc bộ hơn 20km từ Cẩm Phả xuống Hạ Long xem Than Quảng Ninh thi đấu ở sân Hòn Gai.

Đến nơi cũng không có tiền mua vé nên cứ đứng ngoài rồi nhờ các chú lớn tuổi dắt vào. Từ thời điểm đó tôi đã ước khi lớn lên có thể làm điều gì đó cho bóng đá Việt Nam. Không ngờ sau này tôi lại được quản lý đội bóng mình từng thần tượng. Vậy nên, tôi dốc hết tâm sức để làm mà không mưu cầu gì cả.

Ông đã nghĩ tới việc ngày nào đó sẽ rời xa bóng đá hay chưa?

Tôi chưa nghĩ tới điều này, càng làm bóng đá tôi càng ham. Nói thế nào được nhỉ, giờ bóng đá còn nhiều hơn cả máu chảy trong người tôi. Tôi từng mất niềm tin vào bóng đá nhưng chứng kiến tình yêu bóng đá của người dân Quảng Ninh tôi đã tự nhủ phải xây dựng cho tỉnh nhà một đội bóng mạnh, đẹp đẽ để xứng đáng với tình cảm đó.

Cảm ơn ông!

Khởi nghiệp từ buôn đài cát sét

Ông Phạm Thanh Hùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao. Bố ông - cụ Phạm Văn Tuyển là người từng đoạt chức Vô địch giải Cờ tướng miền Bắc năm 1969. Trong các anh chị em của ông Hùng nhiều người tham gia hoạt động thể thao như: Phạm Thanh Thủy, Phạm Thị Thanh Thúy, Phạm Thị Ngọc Thanh. Ngay từ lúc nhỏ, ông Hùng đã được hướng theo học bóng bàn, tập luyện ở Hải Dương. Tuy nhiên, tập được vài năm, do cảm thấy không phù hợp nên ông Hùng xin bố cho nghỉ để vừa đi học vừa… kinh doanh.

“Khi tôi hơn 10 tuổi, Quảng Ninh có phong trào đi buôn tàu. Tàu tây cập cảng với đủ loại hàng hóa cũ mới. Tôi không có nhiều tiền nên cứ đi theo các chú, các bác, giúp họ vận chuyển hàng. Thấy mình nhanh nhẹn, họ bán cho vài cái đài cát sét với giá rẻ rồi tôi đem bán lại kiếm lời. Dần dần tôi có vốn, buôn bán thêm nhiều thứ khác rồi hình thành nên công việc kinh doanh như hiện tại”, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh kể.

Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang. Ông Hùng cũng là cổ đông chính của Công ty CP Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc.

Không có sự phân biệt giữa đội tuyển nam và nữ

Sau tấm vé dự World Cup của đội tuyển nữ Việt Nam, đông đảo người hâm mộ thể hiện sự cảm phục các cô gái vàng.

Nhiều ý kiến cho rằng bóng đá nữ không được đầu tư như bóng đá nam nhưng lại hoàn thành mục tiêu World Cup trước. Vậy thực hư câu chuyện này thế nào?

Đội tuyển Việt Nam về nước ngày 10/2. Ảnh VFF

Theo thông tin Báo Giao thông có được, mỗi năm Tổng cục TDTT đều hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với các đầu mục cụ thể như: Tiền công, tiền ăn cho các đội tuyển tập huấn, thi đấu hay tiền vé máy bay di chuyển.

Với nguồn ngân sách này, đội tuyển nữ và đội tuyển nam nhận mức hỗ trợ như nhau theo quy định của ngành thể thao.

Ngoài ra, việc cải tạo cơ sở vật chất, thuê chuyên gia, chi phí ăn ở khi tập huấn nước ngoài, tổ chức thi đấu… đều do VFF huy động từ nguồn xã hội hóa.

Một lãnh đạo VFF khẳng định, mọi chế độ dành cho các đội tuyển nữ Việt Nam đều giống đồng nghiệp nam, không có sự phân biệt nào.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hùng, Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF cho rằng, nói bóng đá nữ không được quan tâm đầu tư là chưa chính xác.

“Trong điều kiện của mình, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, VFF đều có sự phân bổ sao cho phù hợp từ cấp đội tuyển quốc gia các cấp đội tuyển trẻ.

Ngoài đầu tư trọng điểm cho đội tuyển nữ quốc gia, VFF đã và đang duy trì thường xuyên hai đội dự tuyển nữ quốc gia để cùng các CLB tạo nguồn kế cận cho đội tuyển quốc gia.

Bên cạnh đó, kinh phí huy động được còn được sử dụng tổ chức các giải bóng đá nữ quốc gia”, ông Hùng thông tin.

Riêng về phần các CLB, VFF chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn và định hướng phát triển chứ chưa thể hỗ trợ kinh phí.

“Một số đội bóng nữ có nhà tài trợ ổn định nhưng số khác lại khá bấp bênh. Với những đội bóng như vậy, chúng tôi nỗ lực vận động thêm sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân”, ông Hùng nói thêm.

Dù vậy, bản thân ông Hùng cũng thừa nhận, về tổng thể, mức độ quan tâm của xã hội với bóng đá nữ ít hơn nhiều so với bóng đá nam nên đòi hỏi bóng đá nữ có điều kiện ngang bóng đá nam là điều rất khó.

Lãnh đạo VFF chào mừng HLV Mai Đức Chung và các học trò về nước sau chiến tích giành vé dự World Cup

Phải biến bóng đá nữ thành sản phẩm hot

Nói về giải pháp để phát triển bóng đá nữ Việt Nam trong tương lai, ông Hùng nhấn mạnh đây không thể là bài toán của một tổ chức hay cá nhân nào mà phải cần sự chung tay của Chính phủ, ngành thể thao, VFF và toàn xã hội.

“Các cầu thủ nữ thiệt thòi nhưng nỗ lực lại ít được ghi nhận. Ngay như khi đón đội tuyển từ Ấn Độ trở về, có rất ít người hâm mộ góp mặt.

Tôi cho rằng dự World Cup có thể là thời cơ tốt để bóng đá nữ Việt Nam thu hút thêm sự đầu tư và quan tâm từ xã hội. Vấn đề là chúng ta cần một chương trình hành động cụ thể”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và tài trợ VFF đánh giá, muốn bóng đá nữ phát triển, nhận được nhiều nguồn lực từ xã hội thì bản thân bóng đá nữ phải trở thành sản phẩm hot.

“Hiện nay bóng đá nữ chưa có sự phát triển rộng khắp như bóng đá nam mà chỉ tập trung ở một vài địa phương. Tính phổ biến ít thì đương nhiên sự quan tâm cũng ít. Thậm chí các bậc phụ huynh còn ngại cho con gái theo đuổi đam mê.

Tôi rất kỳ vọng đề án bóng đá học đường do Bộ GD&ĐT và VFF nghiên cứu, triển khai sẽ tạo tiền đề để bóng đá nữ được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành.

Khi thật sự có sự quan tâm của xã hội, bóng đá nữ sẽ dễ thu hút tài trợ, có nguồn tài chính để tái đầu tư chuyên sâu, nâng cao từ kỹ năng tới thể chất”, ông Thành phân tích.

Cũng theo ông Lê Văn Thành, VFF sẽ hướng tới xây dựng các gói sản phẩm đặc biệt gắn liền với đội tuyển nữ để đẩy mạnh việc marketing, vận động tài trợ, trong đó chiến dịch World Cup 2023 là trọng tâm.