Nội dung quyển sách nhật ký Đặng Thùy Trâm

Qua từng trang, từng trang nhật ký, hình ảnh một cô gái Hà Nỗi sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh vì không muốn sống hoài, sống phí những năm tháng thanh xuân hiện lên sống động, gần gũi. Với lý tưởng sống đã chọn, chị đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm. Trong nhật ký của chị có một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội.

Nội dung quyển sách nhật ký Đặng Thùy Trâm

“Đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa rồi”.

Quyển nhật ký mất 35 năm để trở về, tôi rất xúc động khi đọc bức thư của người cựu lính Mỹ – người lưu giữ quyển nhật ký đã kể lại hành trình đưa nó trở về với người nhà của chị, mang những tình cảm thương nhớ, sự kiên cường của chị trong suốt những năm tháng ở chiến trường về với những người thân thương.

Mỗi câu chuyện qua từng trang nhật ký là những vòng quay của bánh xe lịch sử đưa người đọc trở lại với chiến trường xưa. Những bức thư chị viết vội về nhà “giữa tiếng phản lực gào xé không gian” gom góp lại những thương nhớ khôn nguôi về gia đình ở miền Bắc đã làm thành sức mạnh giúp chị vững vàng kề vai sát cánh cùng đồng đội giữa chiến trường ác liệt ghê gớm ấy, bám trụ một bệnh xá huyện nho nhỏ cho đến ngày chị hy sinh.
Tôi là một người con của miền Nam, đọc quyển sách này vào những ngày nắng nóng tháng tư càng làm cho cảm xúc trong tôi dâng trào, tôi biết ơn và vô cùng trân trọng những gì mình được hưởng hôm nay. Những ngày này của 45 năm trước, chúng ta đang đi vào thời khắc của lịch sử, của nền hòa bình, độc lập, tự do mà hàng triệu đồng bào đã dùng chính xương máu của để đổi lấy.

Xuyên suốt quyển nhật ký là những câu chữ mộc mạc xen lẫn chút lãng mạn chứa đựng tình cảm sâu nặng của chị cùng những người đồng chí mà chị đã xem họ như anh chị em của mình; vất vả nguy hiểm đi xem bệnh trong đêm, chị vui mừng rơi nước mắt mỗi khi có một ca bị thương được chị cứu sống, chị đau xót cho hoàn cảnh gia đình tang thương của đồng đội mình; rồi lại bàng hoàng khi nghe tin đồng đội hy sinh, chị mang nỗi căm hận chiến tranh đã gây ra cảnh thương vong tàn khốc, giết chết những người thanh niên còn đang hừng hực sức sống của tuổi đôi mươi.

“Thùy ơi! Bi quan đấy ư? Hãy nhìn lại đi, bên cạnh Thùy có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ của họ cho cách mạng, họ ngã xuống mà chưa hề được hưởng hạnh phúc. Sao Th. lại nghĩ đến riêng tư? Đừng nhìn ra Bắc, hãy nhìn ở đây, ở mảnh đất còn nóng bỏng đạn bom, đau thương và khói lửa này”.

Chị rời gia đình từ miền Bắc để vào Nam công tác, cùng những người đồng chí sinh hoạt, chiến đấu ở chiến trường trong hoàn cảnh thiếu thốn, nguy hiểm cận kề nhưng những điều đó cũng không dập tắt được ngọn lửa trong tim chị. Chị gác lại những riêng tư vụn vặt để toàn tâm cho công tác. Tình yêu đôi lứa là tình yêu nhỏ, chị chỉ mang theo một ít nỗi nhớ về nó để hòa vào tình yêu đất nước bao la. Buồn khổ nhưng không bi thương. Tôi không thấy bất kì sự tiêu cực nào qua những lời chị kể. Câu chữ của chị toát lên niềm tin yêu hy vọng mãnh liệt vào cách mạng, tin vào chiến thắng cho dân tộc, tin một ngày thực sự độc lập tự do; như những lời mà người lưu giữ quyển nhật ký đã cảm nhận về chị: “Tôi không hiểu nổi bắt nguồn từ đâu mà một người con gái có thể nhìn thấy cái đẹp của màu xanh giữa chiến trường mịt mù bom đạn, vì sao cô ấy có thể nghe nổi bản giao hưởng êm đềm khi quân Mĩ gần như luôn bám sát sau lưng”.

Cũng có lúc chị bất lực, hổ thẹn vì chứng kiến những ca thương nặng vì không cứu được ngã xuống mà như chị đã viết: “Mình như tên lính bại trận giơ hai tay để cho kẻ thù tước bỏ vũ khí”. Chị miêu tả nỗi căm thù của chị cũng nóng bỏng như ánh nắng mùa hè tháng tư chói chang ở miền Nam. Mỗi đoạn nhật kí được chị ghi chép lại ngày một nhiều hơn đồng nghĩa với việc đồng đội ngã xuống trước mắt chị cũng nhiều lên. Chị là bác sĩ đồng hành trên chiến trường cho nên chị là người cảm nhận chân thật hơn ai hết sự nghiệt ngã khốc liệt của chiến tranh. Việc chứng kiến bệnh nhân cũng là đồng đội của mình lần lượt ra đi khiến nỗi xót xa trong chị ngày một dâng trào, chị căm phẫn và đã biến sự căm phẫn đó thành sức mạnh và lý do để kiên cường tiếp tục. Dẫu cho có những lúc bất lực và đau xót nhưng chị chưa bao giờ cho phép mình gục ngã; “Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thùy ơi! Hãy ghi đi, ghi cho đầy đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay. Và ở những ngày cuối của cuộc đấu tranh sinh tử này, mỗi sự hy sinh càng đáng ghi, đáng nhớ nhiều hơn nữa”.

“Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con cũng cay đắng vì không được sống tiếp cuộc sống hòa bình hạnh phúc mà mọi người trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc. Cho nên có ân hận gì đâu!”

Chị hy sinh khi đang cố bảo vệ những đồng chí đang bị thương của mình. Chị sống đầy trách nhiệm, gan lì đến tận giây phút cuối cùng.

Mười năm trước, tôi khi đó với tâm hồn và tư duy của một cô học sinh lớp 9, lần đầu tiên đọc quyển sách này, tôi xúc động và rất nể phục chị. Mấy ngày nay lại có cơ duyên đọc lại nó một lần nữa, quyển sách đã cũ, những con chữ vẫn nằm yên đó, tôi hôm nay đã 25 tuổi rồi. Khi đọc lại, nội dung bên trong đó dẫn dắt tôi qua từng cung bậc cảm xúc, tôi xúc động trước những dòng tâm sự của chị, tôi đồng tình với lý tưởng của chị, tôi khâm phục lựa chọn của chị và hơn hết tôi chiêm nghiệm được những giá trị sâu sắc đằng sau những dòng chữ đó. Tôi nghĩ rằng, trong những năm tháng sau này, một ngày nào đó khi lại một lần nữa lật mở từng trang sách, đọc lại từng dòng chữ này, tôi sẽ lại xúc động, lại cảm thấy tràn trề năng lượng và nhiệt huyết của tuổi trẻ; tôi sẽ lại thầm cảm ơn chị, và cảm ơn người đã giữ lại cuốn nhật ký của chị khỏi ngọn lửa thiêu đốt của chiến tranh, để người mẹ già trước khi từ giã cuộc đời có thể tận tay sờ vào và cảm nhận những tâm tình của con gái bà.

Chị đã nằm xuống hơn nửa thế kỉ, nhưng tinh thần của chị, ngọn lửa mà chị đã thắp lên từ đó mãi mãi cháy sáng và sẽ còn lan tỏa hơn nữa đến chúng ta. Chị đã để lại một thông điệp vô cùng giá trị: hãy thật giỏi trong chuyên môn của chính mình; mang tài trí cùng với tinh thần nhiệt huyết và sức trẻ để cống hiến cho Tổ quốc, cho cuộc đời. Thời chiến bom đạn là giặc, thời bình dịch bệnh là giặc. Tôi đọc về chị – một người bác sĩ anh dũng tận tâm. Tôi nghĩ đến những ngày này, nghĩ đến những bác sĩ đang kiên cường chiến đấu, cống hiến hết mình ở tuyến đầu chống lại cơn dịch bệnh. Tôi hy vọng những người bạn đang đọc bài viết này luôn luôn khỏe mạnh; cầu chúc cho tất cả chúng ta vượt qua được tình hình khó khăn hiện tại, phía trước nghênh đón cuộc sống an vui và giữ mãi được sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

– Jolie Teng

“8.4.68

Mổ một ca ruột thừa trong điều kiện thiếu thốn. Thuốc giảm đau chỉ có vài ống Novocaine nhưng người thương binh trẻ không hề kêu la một tiếng. Anh còn cười động viên mình – nhìn nụ cười gượng trên đôi môi khô vì mệt nhọc, mình thương anh vô cùng. Rất đau xót rằng sự nhiễm trùng trong ổ bụng không do ruột thừa vỡ. Tìm kiếm gần một giờ không thấy nguyên nhân, mình đành đóng lại, cho đặt dẫn lưu và đổ kháng sinh trong ổ bụng. Nỗi băn khoăn của một người thầy thuốc + nỗi thương xót mến phục người thương binh ấy làm mình không thể yên bụng. Vuốt nhẹ mái tóc anh, mình muốn nói với anh rằng: với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó là điều đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc.”

“25.5.68

Những ngày u uất của tâm hồn. Có gì đè nặng trên trái tim ta? Đâu phải chỉ có một nỗi buồn của vết thương rỉ máu của con tim đó đâu? Mà còn có những gì nữa kia? Những sự thiếu công bằng vẫn còn trong xã hội, vẫn diễn ra hàng ngày; vẫn có những con sâu, con mọt đang gặm dần danh dự của Đảng, những con sâu mọt ấy nếu không bị diệt đi nó sẽ đục khoét dần lòng tin yêu với Đảng. Rất buồn mình chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng để đấu tranh cho đến cùng. Có lẽ vì thế mà những người đó vẫn chần chừ không dám kết nạp mình mặc dù tất cả Đảng viên trong chi bộ và rất nhiều người có trách nhiệm trong huyện, trong tỉnh này đã đôn đốc, thúc giục việc giải quyết quyền lợi chính trị cho mình. Càng nghĩ càng buồn. Muốn tâm sự với những người thân về nỗi bực tức ấy nhưng rồi mình lại lặng thinh. Nói ra liệu có ai hiểu hết cho mình hay không? Có ai phải sống những ngày nặng nề, u uất như mình hay không? Sống giữa yêu thương mà không hề cảm thấy hạnh phúc, bởi vì luôn luôn có người ghen ghét trước lòng yêu thương mà nhiều người đã dành cho mình. Đã đành rằng đời bao giờ cũng có hai mặt tốt và xấu, không bao giờ có toàn một mặt tốt, vậy mà sao Thuỳ cứ xót xa cay đắng mãi hở Thuỳ?”

“14.7.69

Hôm nay là ngày sinh của ba, mình nhớ lại ngày đó giữa bom rơi đạn nổ. Mới hôm qua một tràng pháo bất ngờ đã giết chết năm người và làm bị thương hai người. Mình cũng nằm trong làn đạn lửa của những trái pháo cực nặng ấy. Mọi người còn chưa qua cái ngạc nhiên lo sợ. Vậy mà mình vẫn như xưa nay, nhớ thương, lo lắng và say tự đè nặng trong lòng. Ba má và các em yêu thương, ở ngoài đó ba má và các em làm sao thấy hết được cuộc sống ở đây. Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc.”

“19.5.70

Được thư mẹ, mẹ của con ơi, mỗi dòng chữ, mỗi lời nói của mẹ thâm nặng yêu thương, như những dòng máu chảy về trái tim khao khát nhớ thương của con. Ôi! Có ai hiểu lòng con ao ước được về sống giữa gia đình, dù chỉ là giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc ôtô đưa con vào con đường bom đạn. Nhưng con vẫn ra đi vì lí tưởng. Ba năm qua, trên từng chặng đường con bước, trong muôn vàn âm thanh hỗn hợp của chiến trường, bao giờ cũng có một âm thanh dịu dàng tha thiết mà sao có một âm lượng cao hơn tất cả mọi đạn bom sấm sét vang lên trong lòng con. Đó là tiếng nói của miền Bắc yêu thương, của mẹ, của ba, của em, của tất cả. Từ hàng lim xào xạc trên đường Đại La, từ tiếng sóng sông Hồng dào dạt vẽ đến cả âm thanh hỗn tạp của cuộc sống Thủ đô vẫn vang vọng trong con không một phút nào nguôi cả.”

“10.6.70

Chiều nay sao buồn da diết. Phải chăng vì đây là thời gian cuối cùng anh có thể đến thăm em trước lúc lên đường, nhưng thời gian ấy đã trôi đi và như vậy là không gặp anh trước khi chia tay. Chia tay – những cuộc chia tay trên mảnh đất khói lửa này ai mà biết được ngày gặp lại như thế nào, có hay là không có. Lẽ nào anh lại làm thinh ra đi sao, anh trai thân quý?

Nhưng nỗi buồn còn vì lá thư của mẹ, lá thư ngắn ngủi, cố giấu nỗi đau buồn và thương nhớ nhưng nỗi đau buồn ấy vẫn toát lên dù chỉ trong một vài chữ mẹ chưa cân nhắc kỹ trước khi viết. Mẹ yêu ơi, con hiểu lòng mẹ héo hon, đau xót khi con của mẹ còn phải lăn mình trong lửa đạn, những lá thư của con, của các em gởi đến mẹ chỉ nói lên một phần vạn sự gian khổ ác liệt vậy mà mẹ đã lo lắng như vậy. Nếu như mẹ biết được con và các em đã trải qua những ngày ác liệt như thế này thì mẹ sẽ nói sao? Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần.

Dĩ nhiên lòng con bao giờ cũng ao ước được trở về với mẹ, với ba với miền Bắc ngàn vạn yêu thương.”

Nếu bạn yêu thích cuốn sách, cảm thấy nội dung lôi cuốn, phù hợp với nhu cầu đọc của bản thân thì hãy mua SÁCH BẢN QUYỀN để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản, để lại cho bạn đọc những nhận xét chân thật nhất về cách hành văn, chất lượng sách.