Ngũ phúc lâm môn nghĩa là gì năm 2024

“Năm nào nhà bả không treo chữ Phúc này, ông "vuốt" lộ liễu quá Bảy ơi!”, Sáu thợ mộc đúng là khắc khẩu với Bảy thợ hồ. Song, sau khi “dìm” Bảy thợ hồ, Sáu thợ mộc lại thắc mắc: “Phúc là do mình tạo ra trong cách ăn ở, đối nhân xử thế mà năm nào đến Tết thì nhà bà mới treo chữ Phúc còn ngày thường thì lại cất đi. Sao lạ vậy Tám?”.

“Cái ông này, vậy cũng hỏi. Năm mới, ai cũng muốn mọi điều mới mẻ, tốt đẹp đến với mình, nên treo chữ Phúc trong nhà, hay dành tặng cho nhau khi Tết đến xuân về là thể hiện nguyện cầu thánh thần, tổ tiên ban cho sự hạnh phúc, cũng như Ngũ Phúc lâm môn “Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh”. Nghĩa là: giàu, sang, sống lâu, sức khoẻ, tốt và bình an. Cái này không phải tôi suy diễn đâu nghen, nó có sự tích lưu truyền trong dân gian rồi trở thành tập tục ngày Tết. Không tin, ông hỏi chú Ba thử coi!”.

Biết chị Tám “bí” đường giải thích nên mới nhờ đến mình, chú Ba bốc xếp nhanh miệng: “Ðúng rồi, tục treo chữ Phúc là ảnh hưởng từ văn hoá Trung Hoa mà theo truyền thuyết bắt nguồn từ thời Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế khai quốc của triều nhà Minh. Thuở đó, các cô gái thuộc dòng danh gia vọng tộc đều được bó chân, nhưng Hiếu từ Cao Hoàng hậu (tên tục Mã Ngọc Hoàn) xuất thân là con nhà nghèo nên bàn chân rất to.

Trong dịp Tết, Chu Nguyên Chương cải trang đi thị sát dân tình. Ðến một trấn nhỏ ngoại thành, nhà vua nhìn thấy đám đông đang xúm lại, nói, cười huyên náo, chế nhạo về bức hoạ người con gái tay ôm quả dưa hấu, để lộ đôi bàn chân rất to. Nghĩ rằng, họ đang cười chê, biếm hoạ ác độc về bàn chân của Mã Hoàng hậu, nên khi trở về cung, vua đã phái mấy quan viên thân tín đến trấn đó, ghi vào sổ đen tên người vẽ tranh và những người đứng chế giễu bức tranh. Riêng những người không tham gia thì dán chữ Phúc trước nhà để phân biệt. Sau đó, Chu Nguyên Chương đã phái đại binh tiến về trấn kia, đập phá và cướp sạch của cải những nhà không có dán chữ Phúc. Từ đó về sau, cứ Tết đến xuân về, mọi người hay dán chữ Phúc lên cửa nhà mình, lâu dần trở thành tập tục”.

“Lâu nay thấy người treo chữ Phúc, cứ tưởng đó chỉ đơn thuần là sự nguyện cầu trong năm mới. Giờ nghe chú nói tôi mới biết có truyền thuyết ly kỳ đến thế. Ủa mà chú Ba, hình như bà Tám treo chữ Phúc bị ngược kìa”, Bảy thợ mộc có ý chế nhạo chị Tám không biết chữ Hán.

Ngũ phúc lâm môn nghĩa là gì năm 2024

Chữ Phúc được treo trong nhà vào ngày Tết cầu mong mọi điều tốt lành.

“Con Tám nó không sai đâu Bảy ơi, treo chữ Phúc ngược cũng có nhiều giai thoại khác nhau”, thấy Bảy thợ hồ có vẻ hí hửng nên chú Năm xe ôm lên tiếng bênh vực chị Tám. Chạm ly với chú Ba và nốc cạn ly rượu tất niên, chú Năm chậm rãi giải thích:

Theo truyền thuyết, Mã Hoàng hậu vốn là người rất nhân từ, nên khi biết chuyện Chu Nguyên Chương cho dán chữ Phúc để phân biệt và trừng trị dân đen, bà đã kêu Thái giám nhanh chóng thông báo cho tất cả các nhà dân trong trấn kia phải dán một chữ Phúc trên cổng, trước lúc bình minh. Song, trong lúc vội vã lại không biết chữ nên không ít gia đình đã dán ngược chữ Phúc. Ngày hôm sau, phát hiện ra nhà nào cũng dán chữ Phúc. Ðiều này đã khiến Chu Nguyên Chương tức giận, lệnh cho cấm quân tịch thu hết tài sản và bắt giữ hết những nhà có dán chữ Phúc ngược.

Một lần nữa, Mã Hoàng hậu lại nghĩ cách để cứu dân. Bà đến gặp nhà vua và tâu rằng, chữ Phúc dán ngược là “Phúc đảo” mà “đảo” là đồng âm với “đáo”. Những người trong trấn đó chắc biết hôm nay Hoàng thượng tới chơi, nên đã cố ý dán ngược chữ Phúc, tỏ ý là nhà có Phúc đến. Nghe Hoàng hậu phân tích có đạo lý nên vua lệnh cho thả người. Từ đó, hướng đến những điều tốt lành trong năm mới, người ta đã dán ngược chữ Phúc.

Tóm lại, trong tiếng Hán, chữ Phúc (Phước) mang đến nghĩa no đầy, hạnh phúc, may mắn. Dán ngược chữ Phúc cũng là sự mong muốn năm mới mang đầy đủ ý nghĩa là Phúc tới, dán ngược trước cửa nhà thì Phúc đáo tiền môn, treo thuận trong nhà là Phúc lâm môn.

“Bây giờ thì tôi đã hiểu hết ý nghĩa sâu xa của chữ Phúc đầu năm rồi. Ðể tôi điện thoại, kêu thằng Ðực chạy mua ngay mấy chữ Phúc về treo trong nhà”, Sáu thợ mộc sốt sắng.

“Ừ, ông kêu nó mua 6 chữ đi, chia đôi tôi 3 chữ còn ông 3 chữ. Mình không cầu Ngũ Phúc thì cũng mong muốn có Tam đa “Phúc - Lộc - Thọ” chớ. Vậy hé Sáu”, hiếm thấy khi nào mà Bảy thợ hồ lại thân mật với Sáu thợ mộc như lúc này.

“Dạ xin mời tất cả nâng ly, chúc đoàn kết bữa tiệc tất niên và cầu mong mọi người, mọi nhà luôn đầy Phúc và thuận hoà trong năm mới”, anh Tám chủ nhà nâng cốc rồi bắt nhịp: “Nào, một, hai, ba… vô”./.