Nếu thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh Sơn La và địa phương trong những năm gần đây

CÁC NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LỤY CỦA MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

  Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh  xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ. Ở Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh. Tỷ số giới tính khi sinh đã có dấu hiệu gia tăng từ năm 1999, tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng và trở thành thách thức lớn với công tác dân số và nỗi lo lớn với các nhà hoạch định chính sách. Kết quả các nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, có ba nhóm nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như sau:

Nhóm nguyên nhân cơ bản

Việt Nam là một quốc gia châu Á có nền văn hoá truyền thống, trong đó tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu trong tâm thức nhiều người và trở thành một phần của nền văn hoá truyền thống Việt Nam. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.

Nhóm nguyên nhân phụ trợ:

- Hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển. Ở các khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, họ cần sự chăm sóc về y tế. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái, mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Người già vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai. - Do nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình. Ở nhiều vùng nông thôn, các công việc nặng nhọc đều đòi hỏi sức lao động cơ bắp của nam giới. Chính vì vậy, con trai vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. - Những chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới chưa thật thỏa đáng cũng góp phần thúc đẩy một số phụ nữ chủ động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. - Những chuẩn mực xã hội mới như gia đình qui mô nhỏ mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con cũng tạo áp lực giảm sinh. Trong khi đó, các cặp vợ chồng vừa mong muốn có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Đây là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. 

Nguyên nhân trực tiếp: 

Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh và áp dụng một số kỹ thuật sau khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính thai nhi, kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính (nếu là thai trai thì để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi). Thực tế cho thấy, nhu cầu và mong muốn con trai của các cặp vợ chồng dù lớn đến đâu cũng chỉ có thể thực hiện được với sự trợ giúp của cán bộ y tế. Trong những năm qua, hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng ở Việt Nam ngày càng tốt hơn. Trang thiết bị hiện đại, đội ngũ hành nghề y, dược trong và ngoài công lập có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao. Sự phát triển này, một mặt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân, mặt khác cũng làm nảy sinh tình trạng lạm dụng các kỹ thuật như siêu âm, phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính, tác động tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ở Việt Nam, Pháp lệnh Dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm.

Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh:

Nam giới khó kết hôn, kết hôn muộn, thậm chí là không thể kết hôn do không tìm được bạn đời dẫn đến phải tìm cô dâu là người nước ngoài. Trong khi việc kết hôn với người nước ngoài cũng có nhiều vấn đề nảy sinh như: khác biệt lớn về văn hóa, ngôn ngữ… sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đối với gia đình, phân biệt đối xử và mất bình đẳng giới; Nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, dễ dẫn đến gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ… tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội. Ngoài ra, do gia đình nhà chồng hoặc người chồng muốn có con trai, khi người vợ không sinh được con trai theo ý muốn, người chồng bỏ rơi hoặc ly dị vợ; gia đình chồng ép người chồng bỏ rơi vợ, hay cặp vợ chồng đẻ được con gái, cho con gái đi làm con nuôi…

Toàn thể nhân dân hãy nghiêm túc thực hiện Pháp lệnh Dân số để góp phần làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh!

Vương Thị Huyền 

Nếu thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh Sơn La và địa phương trong những năm gần đây

Cần sự chung tay của toàn xã hội, đưa TSGTKS về mức tự nhiên. Ảnh: A.Ngọc

Vẫn là tâm lý cố sinh con trai để nối dõi tông đường

Anh Lò Văn Sơn - bản Chậu, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, dù đã ngấp nghé 40, nhưng chưa có con trai. Mà theo quan niệm người Thái, đàn ông, con trai mới là trụ cột gia đình. Nếu không có con trai thì nhà đó coi như “lép vế”. Gia đình lại có mình anh là con trai nên ngày nào ông bà cũng thúc giục vợ chồng anh “phải cố”. Trước sức ép của bố mẹ, anh em họ hàng, anh Sơn và vợ buộc lòng phải cố đẻ thêm một đứa nữa. Thật may mắn, lần này là một cậu con trai. Với anh, giờ đây có nhắm mắt xuôi tay cũng không còn phải tủi hổ với tổ tông, họ mạc.

Chính từ suy nghĩ của những người Thái như bố mẹ anh Sơn, mà nhiều năm qua, tỷ lệ giới tính khi sinh tại các địa phương trong tỉnh Sơn La bị chênh lệch nghiêm trọng. Năm 2017, huyện Bắc Yên là 134 trẻ nam/100 trẻ nữ; Mai Sơn 126/100, Mường La 117/100… Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) không chỉ xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa mà ở thị trấn, thị tứ cũng khá phổ biến. Riêng Mai Sơn là huyện có TSGTKS cao so với các huyện khác trong tỉnh 126/100, tăng 6 điểm phần trăm so với năm 2016.

Qua rà soát cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS là do quan niệm lạc hậu phải có con trai để nối dõi tông đường, để thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ; đàn ông mới là trụ cột gia đình. Vì vậy, nhiều gia đình đã lựa chọn giới tính trước sinh thông qua các dịch vụ, nhất là dịch vụ siêu âm. Ở vùng sâu, vùng xa, người dân không được tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm thì dẫn đến tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều để sinh được con trai.

Hiện nay, việc tiết lộ giới tính trước sinh tại các cơ sở siêu âm khá phổ biến. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng MCBGTKS ở Sơn La, cũng như các địa phương khác trong cả nước. Hành vi này là vi phạm pháp luật, được quy định trong Pháp lệnh Dân số, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003 và Nghị định Chính phủ số 114, ban hành tháng 10 năm 2006.

Tại Sơn La, việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lựa chọn giới tính trước sinh gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La, cho đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa phát hiện và xử lý được một trường hợp vi phạm nào, việc kiểm tra mới chỉ mang tính hình thức, qua loa đại khái…

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Theo thống kê của Chi cục Dân số tỉnh Sơn La, trong 5 năm tới, Sơn La sẽ có khoảng 5.000 – 7.000 thanh niên “ế vợ”; trong 10 - 15 năm tiếp theo, con số “ế vợ” sẽ lên đến hàng chục nghìn người…

Những năm qua, những người làm công tác dân số ở tỉnh Sơn La đã nỗ lực hết mình, song việc kiểm soát TSGTKS ở tỉnh vẫn chỉ luẩn quẩn trong vòng nghịch lý “can thiệp sâu, giảm chậm”. Tại nhiều địa phương, mặc dù cán bộ dân số tuyên truyền vận động nhiều lần, nhiều cặp vợ chồng vẫn quyết định sinh bằng được bé trai, chấp nhận mọi hình thức xử phạt.

Theo nhiều cán bộ chức trách ở Sơn La, để kiểm soát tốt tình trạng MCBGTKS ở Sơn La, trước mắt, cần kiểm soát tốt việc các trung tâm y tế công lập, đặc biệt là các phòng khám y tế tư nhân chấp hành quy định của pháp luật về việc chẩn đoán, tiết lộ giới tính trước sinh. Bên cạnh đó, cần có những hình phạt thích đáng đối với các cơ sở siêu âm tiết lộ giới tính thai nhi trước khi sinh.

Là địa phương đặc thù miền núi, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhiều dân tộc thiểu số còn tồn tại những hủ tục lạc hậu, Sơn La xác định: Một trong những giải pháp trọng tâm vừa cấp bách, vừa lâu dài, là truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Mai Sơn cho biết: Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, việc quan trọng là làm thay đổi nhận thức của người dân về lĩnh vực này. Điều đó cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Hiện nay, mạng lưới trên 3.600 cộng tác viên dân số tiếp tục được duy trì ở 100% số tổ, bản, tiểu khu trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, để kiểm soát được tình trạng MCBGTKS, từng bước đưa TSGTKS ở Sơn La về gần mức cân bằng tự nhiên, thì riêng ngành Dân số không thể làm được. Theo ông Nguyễn Đinh Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Sơn La: Thứ nhất, cần có sự phối hợp chỉ đạo của các cấp chính quyền cơ sở và phải tiến hành thường xuyên liên tục. Thứ hai, phải có sự đầu tư về con người, đó là biên chế cho thanh tra, dân số, y tế. Thứ 3, phải đầu tư về kinh phí để mua thiết bị truyền thông, phục vụ cho công tác truyền thông sinh động và đầy đủ.

MCBGTKS sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Vì vậy, rất cần sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng và toàn xã hội.

T.Lan – H.Luận