Lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp dệt may

Đúng như lộ trình cổ phần hóa của Chính phủ, sau một loạt các đợt IPO tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng, tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là cái tên mới nhất được ấn định thời gian lần đầu tiên phát hành cổ phần ra công chúng vào ngày 22-7 tới đây.

Sau những kết quả IPO đáng thất vọng của các doanh nghiệp thuộc ngành cảng biển như cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cảng Nha Trang, cảng Đà Nẵng gần đây, các nhà đầu tư đang dành nhiều sự chú ý tới thương vụ IPO của Vinatex như một phép thử về mức độ triển vọng của ngành dệt may Việt Nam trước cơ hội gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, phần vốn nhà nước dự kiến giữ lại doanh nghiệp là 51% vốn điều lệ (tương đương 2.550 tỉ đồng), tiếp đến Vinatex sẽ bán đấu giá công khai 122 triệu cổ phiếu (tương đương 1.220 tỉ đồng, chiếm 24,4% vốn điều lệ). Một lượng vốn tương tự khoảng 24% vốn điều lệ dự kiến sẽ được bán cho ba đối tác chiến lược (một nhà đầu tư tài chính, một nhà sản xuất và một nhà phân phối hàng dệt may).

Đây là một điểm tương đối mới trong định hướng lựa chọn đối tác chiến lược của Vinatex so với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện IPO trước đây thường chỉ chọn một đến hai nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Có thể hình dung Vinatex rất mong muốn có một thế “kiềng ba chân” từ các đối tác chiến lược ở ba khía cạnh huy động vốn, công nghệ sản xuất và bán hàng hiệu quả.

Sẽ rất lý tưởng cho Vinatex nếu điều này trở thành hiện thực. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, một trong những bài toán hóc búa nhất của quá trình cổ phần hóa các DNNN là lựa chọn đối tác chiến lược. Có không ít các đợt IPO rơi vào tình trạng “ế ẩm” kể từ đầu năm đến nay khi không thể tìm được nhà đầu tư chiến lược, đã kéo theo sự mất niềm tin với công chúng đầu tư trong các đợt đấu giá công khai sau đó.

Mô hình hoạt động của Vinatex đi theo hướng xây dựng công ty có tính chất “holdings”, nghĩa là công ty mẹ không trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh mà doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ việc đầu tư tài chính tại các công ty con. Hiện Vinatex sở hữu bốn công ty TNHH một thành viên, 12 công ty con và 44 công ty liên kết. Dự kiến sau cổ phần hóa, Vinatex sẽ dần thoái vốn, đưa số công ty con giảm xuống 10 và số công ty liên kết giảm xuống chỉ còn 20.

Cổ phần hóa ngoài mục tiêu thay đổi mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả của tập đoàn thì một động lực quan trọng khác là nhu cầu về vốn để mở rộng hoạt động đầu tư.

Để đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đón đầu cơ hội từ TPP, Vinatex dự kiến sẽ đầu tư khoảng 11.500 tỉ đồng để trồng bông, kéo sợi và dệt nhuộm trong giai đoạn 2014-2017. Để đáp ứng các kế hoạch đầu tư này cần huy động một lượng vốn rất lớn và cổ phần hóa thành công có thể được xem là giải pháp hiệu quả cho mục tiêu trên.

Vốn nhà nước vẫn “quá bán”

Mặc dù triển vọng của ngành dệt may Việt Nam là khá tốt trong các năm tới nếu TPP được ký kết nhưng điều khiến không ít nhà đầu tư băn khoăn là lượng vốn nhà nước dự kiến tại tập đoàn này vẫn rất lớn (51% vốn điều lệ). Nhiều người đặt câu hỏi ngành dệt may không phải là lĩnh vực then chốt, không nắm giữ khoa học công nghệ đặc biệt hay liên quan đến an ninh quốc phòng, vậy tại sao Nhà nước vẫn nắm trên 50% cổ phần tại doanh nghiệp này?

Theo quyết định 37/2014/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18-6-2014 và có hiệu lực kể từ ngày 6-8-2014, việc đưa ra các tiêu chí phân loại DNNN để từ đó quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp đã chi tiết và rõ ràng hơn nhiều so với trước đây. Theo đó, danh mục các doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ sau cổ phần hóa được chia thành bốn nhóm: (1) Nhà nước nắm giữ 100% tổng số cổ phần; (2) Nhà nước nắm giữ trên 75% tổng số cổ phần; (3) Nhà nước nắm giữ từ 65-75% tổng số cổ phần; và (4) Nhà nước nắm giữ từ 50-65% tổng số cổ phần.

So với quyết định vẫn đang còn hiệu lực hiện nay chỉ quy định hai nấc tổng số cổ phần Nhà nước nắm giữ là 100% và trên 50% thì quyết định số 37 cho thấy sự tiến bộ nhất định mà Chính phủ hướng tới trong cơ cấu vốn các DNNN sau IPO. Tuy vậy, dù là trong quyết định đang còn hiệu lực hay quyết định mới được ban hành, đều không có tên ngành dệt may trong danh mục các doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ trên 50% vốn cổ phần. Do vậy vẫn chưa có câu trả lời thích đáng cho quyết định phải giữ phần vốn Nhà nước tại Vinatex ở mức 51% vốn điều lệ sau IPO.

Tất nhiên tỷ lệ phần vốn nắm giữ của Nhà nước tại Vinatex chỉ mang tính tạm thời và hoàn toàn linh động. Theo thời gian, nếu tình hình thuận lợi, Nhà nước có thể bán bớt cổ phần, giảm tỷ lệ nắm giữ. Nhưng nếu ngay từ đầu trong đề án IPO tại một tập đoàn có ngành nghề kinh doanh không thuộc lĩnh vực nhạy cảm như Vinatex mà yếu tố nhà nước vẫn hiển hiện một cách rõ nét thông qua tỷ lệ sở hữu ở mức “quá bán” thì nhà đầu tư có quyền nghi ngờ về khả năng thành công trong việc tìm đối tác chiến lược, bán hết số cổ phần đấu giá công khai và xa hơn nữa là thay đổi hoàn toàn cơ chế quản trị của doanh nghiệp này sau cổ phần hóa!