Khu cách ly tập trung tại hà nội

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 14.11 đến 18h ngày 15.11, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 289 ca COVID-19 mới, trong đó có 47 ca ở cộng đồng, 178 ca ở khu cách ly, 64 ca trong khu phong tỏa. Đây là số ca mắc cao nhất trong 24 giờ được ghi nhận từ trước đến nay tại Hà Nội.

Khu cách ly tập trung tại hà nội
Khu cách ly tập trung phòng COVID-19. Ảnh: LĐO

Hiện Hà Nội đã cho phép một tỉ lệ nhỏ F1 cách ly tại nhà, còn lại vẫn áp dụng cách ly tập trung. Thống kê gần đây cho thấy số ca mới tại khu cách ly luôn cao nhất trong 3 nhóm ca mới của Hà Nội: Trong ngày 15.11, có đến 178/289 ca được ghi nhận ở khu cách ly, ngày 14.11 có 71/119 bệnh nhân ở khu cách ly; 13.11 có 76/146 bệnh nhân từ khu cách ly; ngày 12.11 ghi nhận 109/165 ca là trong khu cách ly...

Nhìn vào số liệu trên, một số ý kiến đặt vấn đề liệu có nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung hay không? Giải pháp nào có thể hạn chế sự "bùng nổ" số ca mắc mới, gây nguy cơ quá tải, vượt khả năng chăm sóc, điều trị của hệ thống y tế.

Về vấn đề cách ly các trường hợp F1 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng, Hà Nội nên mạnh dạn cho phép cách ly các trường hợp F1 tại nhà, thậm chí cả những trường hợp F0 thể nhẹ, không có triệu chứng.

Theo ông Nga, việc cho phép cách ly tại nhà sẽ đạt được nhiều mục đích. Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho bản thân họ, vì vào khu cách ly tập trung nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn. Thứ hai, đỡ tốn kém chi phí cho Nhà nước. Thứ ba, không gây nguy cơ lây lan cho người ở trong khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

“Nếu nhà họ có đủ điều kiện đảm bảo cách ly được thì nên để họ cách ly tại nhà. Ở nhà ấm áp hơn, tinh thần thoải mái hơn, điều kiện vệ sinh tắm rửa đầy đủ hơn, có thuốc điều trị sẽ hỗ trợ họ tốt hơn”- PGS Nga phân tích và cho rằng đối với những trường hợp nhà cửa không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì vẫn nên đưa họ đi cách ly tập trung, nhưng phải trên cơ sở tự nguyện.

Dịch bệnh tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, gần 10 ngày gần đây, Thủ đô liên tục ghi nhận số ca mắc trên 100 ca/ngày, tỷ lệ ca cộng đồng từ 11/10 đến nay khoảng hơn 30% tổng số ca mắc/ngày.

Việc truy vết, xét nghiệm được Hà Nội áp dụng quyết liệt để kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng, chủ động phòng dịch bùng phát từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, vấn đề cách ly F1 ra sao (ở nhà hay cách ly tập trung) đang có nhiều ý kiến tranh luận.

Hàng trăm F1 tại 10/10 phường ở quận Nam Từ Liêm đang cách ly tại nhà

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống sáng 15/11 liên quan thông tin một số F1 tại phường Trung Văn được cách ly tại nhà, ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm – cho biết đây không phải là các trường hợp thí điểm cách ly tại nhà của Sở Y tế Hà Nội mà quận làm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và TP Hà Nội. Theo đó, quận cho phép tất cả những trường hợp F1 thuộc 4 nhóm: người già, bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em mà gia đình có đủ điều kiện... được cách ly tại nhà.

"Đủ điều kiện" theo như ông Tuấn nói, là gia đình có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng, có người chăm sóc, thu gom rác thải đúng quy định...

Khu cách ly tập trung tại hà nội

Hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn có thể đảm đương được 60.000 - 70.000 trường hợp F1.

Trước đó, kế hoạch Thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 29/10 cũng nêu rõ, Hà Nội áp dụng cách ly tại nhà đối với các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi (trẻ em); có người chăm sóc. Các F1 còn lại thực hiện cách ly tập trung theo quy định.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện quận có phường Phú Đô là "vùng đỏ" - nguy cơ rất cao - duy nhất ở Hà Nội. Trong phường cũng có những F1 thuộc 4 nhóm đối tượng trên đây đủ điều kiện được cách ly tại nhà.

Có trường hợp trẻ em là F1 thì "nghiễm nhiên" được cách ly tại nhà, cần có người chăm sóc. Do đó, mẹ của bé (cũng là F1) được cách ly tại nhà để chăm sóc con. Họ rất thoải mái với điều đó...

Không chỉ riêng phường Trung Văn, Phú Đô mà tất cả 10 phường ở quận đều áp dụng như thế. Hiện có hàng trăm F1 ở quận Nam Từ Liêm đang được cách ly tại nhà, theo ông Tuấn.

Tại quận Hà Đông, bà Lê Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Y tế quận - cũng cho biết từ đầu tháng 11, người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi (trẻ em) là F1 có đủ điều kiện cũng được cách ly tại nhà.

Ngoài việc gia đình phải "đủ điều kiện" như trên đây, quận Nam Từ Liêm còn thiết lập kết nối giữa các F1 với hệ thống y tế địa phương. Ông Tuấn cho rằng đây coi như là dịp tập dượt chuẩn bị cho việc trạm y tế lưu động theo dõi điều trị F0 không triệu chứng khi TP triển khai.

Cho rằng việc triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà là rất cần thiết, ông Tuấn đưa ra ví dụ thực tế: Hiện quận Nam Từ Liêm có 4 khu cách ly tập trung (gồm 2 khách sạn cách ly tổ bay/người nhập cảnh/F1 và 2 khu cách ly do chính quyền quản lý) đang quản lý khoảng 400 người.

Hôm qua, quận kích hoạt khu cách ly tập trung tại trường THPT Trí Đức, chỉ 1 ngày nhận 120 trường hợp. "Với tần suất này, chỉ 3 ngày thôi là có thể quá tải. Nhân sự rất thiếu, quận đang huy động y tế tư nhân vận hành hai khu cách ly tập trung" - ông Tuấn cho hay quận đang trình công văn đề nghị Sở Y tế và UBND TP cho phép thí điểm cách ly F1 tại nhà ngoài 4 đối tượng nêu trên.

Đồng quan điểm này, một số chuyên gia đề nghị thành phố nên tính tới phương án quản lý F1, F0 tại nhà sớm với những bước đi phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Bởi cách ly F1 tại nhà giúp người bị cách ly đỡ tốn kém, bớt bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, chưa kể dự phòng tình huống lây chéo nếu trong khu cách ly tập trung không tuân thủ.

Hiện nhiều nhà dân Hà Nội đủ điều kiện, đủ cơ sở vật chất để cách ly ở nhà. Hệ thống y tế cơ sở và chính quyền từ thôn, xóm, tổ dân phố đủ năng lực, có thể giám sát, theo dõi người cách ly. Điều quan trọng khác là người cách ly phải tự cam kết thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch, không di chuyển trong cộng đồng làm lây lan dịch bệnh.

CDC: Khu cách ly tập trung ở Hà Nội vẫn đảm đương được đến 70.000 F1

Dù diễn biến dịch phức tạp, khó lường, nhưng Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, phương châm của thành phố là F1 ở quận, huyện, thị xã nào thì cách ly tập trung trên địa bàn của quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là "cánh tay nối dài" của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.

Lý giải cho việc Hà Nội chưa có chủ trương cách ly F1 tại nhà, ông Khổng Minh Tuấn cho biết:

Hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn có thể đảm đương được 60.000 - 70.000 trường hợp F1. Bên cạnh đó, Thủ đô có đặc thù đất chật người đông, không bảo đảm an toàn khi cách ly tại nhà. Do đó, chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, thành phố mới tính đến phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.

Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết thêm, tới đây, TP sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động. Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà bởi các trạm y tế lưu động này không cố định, không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng.

Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhận lực, trang thiết bị, thuốc để sẵn sàng thiết lập thêm trạm y tế lưu động.

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị COVID-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị.

Ngoài ra, hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…