Dũng chim xanh là ai

ANTĐ - Thời bấy giờ những vụ cướp bằng súng tạo bạo xảy ra khắp vùng Đông Nam bộ đã làm cho các trinh sát của ban chuyên án 510C phải đau đầu. Cùng với việc điều tra hiện trường, thông tin nhân chứng và tung trinh sát vào cuộc nhưng xem ra manh mối về băng cướp nguy hiểm vẫn không mấy khả quan. Họa sĩ Võ Tấn Thành vào cuộc, chân dung đối tượng dần dần lộ mặt, nút thắt quan trọng của chuyên án đã được tháo gỡ.

Dũng chim xanh là ai

Những đối tượng cướp tiệm vàng qua hình vẽ của họa sĩ Võ Tấn Thành

“Chính là hắn”

Theo lời họa sĩ Thành kể, lúc ấy trinh sát ban chuyên án đã lần lượt bố trí cho ông tiếp xúc với khoảng trên dưới 20 người, được xác định là nạn nhân của các vụ cướp táo bạo bằng súng. Những người này mô tả một trong những kẻ đã tấn công họ, có thể nói là cầm đầu băng cướp là người cao lớn, tóc dài. Những lời kể của các nạn nhân được họa sĩ ghi chép chi tiết, từ đó phác họa dần dần ra chân dung của kẻ gây án. Sau nhiều lần chỉnh sửa, các nạn nhân được mời lên để nhận dạng hung thủ qua ảnh thì họ cũng đã phải thốt lên rằng “chính là hắn”.

Tấm ảnh do họa sĩ Thành phác họa ra được ban chuyên án sử dụng để lần ra băng cướp khét tiếng. Từ bức ảnh các trinh sát đã rà soát, trích lục hàng loạt hồ sơ tội phạm thì phát hiện kẻ nghi vấn có khuôn mặt giống hệt chân dung mà họa sĩ Thành vẽ ra, đó là Nguyễn Chí Dũng (còn có tên gọi khác là Nguyễn Chí Thành, biệt danh Dũng “chim xanh”, SN 1966, ngụ xã Tân Khai, huyện Bình Long (huyện Hớn Quản ngày nay), tỉnh Bình Phước. Dũng “chim xanh” là võ sư huyền đai tam đẳng Taekwondo, từng là vận động viên của quân khu 7, là diễn viên đóng thế trong một số bộ phim võ thuật.  Dũng từng có hàng loạt các tiền án, tiền sự như: “trộm cắp tài sản”, “cướp tài sản”, “cố ý gây thương tích”… Đến cuối năm 1997 Dũng “chim xanh” ra tù và lang bat giang hồ mà không ai biết đi đâu.

Từ khi xác định chân tướng Dũng “chim xanh”, các trinh sát của ban chuyên án và của các tỉnh thành được huy động vào cuộc. Khoảng đầu tháng 6-2001 trên Quốc lộ 56 Dũng “chim xanh” lần ấy đã lọt vào ổ phục kích của 2 trinh sát Công an tỉnh Đồng Nai nhưng màn đấu súng của tên tội phạm liều lĩnh làm các trinh sát không thể tiếp cận và hắn đã trốn thoát trong gang tấc. Chỉ sau đó 1 tháng, Dũng “chim xanh” lại chạm trán với trinh sát của Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cũng như lần trước, Dũng chủ động nã đạn bắn vào chân 1 trinh sát và cũng tẩu thoát nhanh gọn. Trước những hành động táo tợn và ngày càng nguy hiểm của Dũng “chim xanh” cùng đồng bọn, ban chuyên án quyết định tung lượng lớn trinh sát ngày đêm vào cuộc, quyết giăng lưới bắt cho bằng được Dũng “chim xanh”. Qua nhiều ngày đêm truy lùng về gia đình của Dũng, trinh sát phát hiện tướng cướp này đang sinh sống với vợ con tại đường Trương Minh Giảng, phường 17, quận Gò Vấp. Sau những phi vụ “ăn hàng” táo bạo, Dũng lại về nhà sinh sống như bình thường nhưng đáng nói là hễ ra đường Dũng lại giắt súng ngắn trong người. Đến khoảng  giữa tháng 10-2001, vào một buổi sáng, Dũng dắt xe ra khỏi nhà chở con đi học như bình thường nhưng hắn không ngờ thời điểm đó tổ trinh sát đóng vai dân lao động đã kịp thời tiếp cận dùng vũ lực, quật ngã hắn và tra tay vào còng trong khi tên tướng cướp nguy hiểm này không kịp động thủ.

Đáng nói là khi nhập trại, Dũng “chim xanh” lỳ lợm không khai báo, đôi lúc khi được cho xem bức ảnh mà họa sĩ Thành phác họa ra chân dung của hắn từ những lời khai của các nạn nhân, mặt có biến sắc nhưng Dũng vẫn im thin thít. Thậm chí Dũng 2 lần có ý định vồ vào các ổ điện trong những lần được hỏi cung nhằm tự sát nhưng ý định của hắn không thành công. Cuối tháng 3-2003 Dũng “chim xanh” đã phải lĩnh án tử hình. Có lẽ trước khi xuống mồ sâu, tướng cướp Dũng “chim xanh” vẫn không ngờ rằng, người đã đưa hắn ra trước ánh sáng pháp luật lại là một người họa sĩ. 

Tái hiện băng cướp hàng loạt tiệm vàng 

Liên tiếp sau đó họa sĩ Võ Tấn Thành đã giúp lực lượng công an khám phá những vụ án chấn  động, mà theo lời ông kể trong đó có vụ băng cướp hàng loạt tiệm vàng gây chấn động miền Tây xảy ra trong giai đoạn năm 2009.

Một buổi chiều đầu tháng 5-2009, 4 tên cướp có trang bị  vũ trang đã xông vào tiệm vàng Lan Anh ở TX.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang khống chế nhân viên, cướp đi hơn 200 lượng vàng; lúc tháo chạy khi bị người dân truy đuổi 1 trong 4 tên đã nã  đạn về phía sau làm ông Nguyễn Văn Bảy bị  thương. Ban chuyên án được xác lập và mời họa sĩ Võ Tấn Thành vào cuộc phá án. Theo lời họa sĩ Thành kể, lúc bấy giờ ông và con trai, Võ Tấn Phát cùng các trinh sát của ban chuyên án lặn lội khắp nơi. Cũng như những lần trước những lời kể của nhân chứng được ông ghi chép cẩn thận từng chi tiết, và những phác thảo chân dung các tên cướp được vẽ lên trong đầu. Lần lượt họa sĩ Thành đã vẽ ra khuôn mặt các tên cướp làm cho những nạn nhân, nhân chứng trong vụ cướp thảng thốt “chính là tụi nó, giống hệt!”. Những chân dung có được ban chuyên án đã nhận định có thể nhóm cướp đến từ Campuchia và tổ chức truy lùng.

Trong khi ban chuyên án Công an tỉnh Kiên Giang cùng Bộ Công an đang điều tra vụ cướp tiệm vàng Lan Anh thì  bất ngờ  đầu tháng 7-2009 có 1 vụ cướp tương tự xảy ra khi 6 tên cướp dùng súng ập vào khống chế nhân viên của tiệm vàng Quốc Thắng ở  thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cướp đi 300 lượng vàng. 1 ban chuyên án khác được xác lập của Công an tỉnh An Giang. Do nhận định có thể băng nhóm này đã gây ra vụ cướp ở tiệm vàng Lan Anh trước đó nên ảnh nhân dạng do họa sĩ Thành vẽ ra nhanh chóng được sao chép, chuyển giao cho ban chuyên án vụ cướp tiệm vàng Quốc Thắng nhằm phục vụ công tác điều tra, truy xét…

Từ đó, ban chuyên án Công an tỉnh An Giang đã rà soát nhanh và chỉ vài ngày sau đã phối hợp cùng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia tóm gọn 1 băng nhóm tình nghi, trong đó đối tượng cầm đầu được xác định là Sing Hênh; tuy nhiên chúng chối phăng. Ban đầu ban chuyên án có đưa những đoạn clip vụ cướp tiệm vàng Lan Anh cho những tên cướp để đấu tranh nhưng đổi lại những tên lỳ lợm vẫn không nhận tội. Cuối cùng, cán bộ lãnh đạo của ban chuyên án vào phòng hỏi cung, đối mặt với Sing Hênh và trên tay cán bộ này có cầm tấm ảnh chân dung của chính Sing Hênh do họa sĩ Thành đã vẽ ra theo lời kể của các nhân chứng, Sing Hênh tái mặt, nói lắp bắp “cán bộ biết rồi! Tôi không còn gì để giấu nữa!”. Sau đó Sing Hênh và đồng bọn đã khai ra là “tác giả” của 2 vụ dùng súng cướp tiệm vàng Lan Anh và Quốc Thắng như nói trên. Có lẽ đến giờ, Sing Hênh và đồng bọn cũng đang thắc mắc rằng, không biết người nào đã gặp mặt chúng, đã vẽ nên chân dung của chúng. 

Dũng chim xanh là ai

Họa sĩ Võ Tấn Thành và Đại tá Phạm Ngọc Hiền - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an

Họa sĩ Võ Tấn Thành cho biết, việc vẽ chân dung tội phạm tưởng đơn giản nhưng lại là khó nhất, nguyên nhân chính là nhiều khi nhân chứng vì quá sợ hãi hoặc tranh tối tranh sáng không nhìn rõ, không nhớ rõ được chân dung tội phạm để có thể tả chi tiết. Ngoài ra, với “tuyệt chiêu” phác họa nhân dạng qua lời kể, của thân nhân, họa sĩ Thành đã phục dựng thành công hàng trăm chân dung liệt sĩ và những người đã qua đời từ nhiều chục năm trước, không còn hình ảnh để thờ. Ông tiết lộ, phương pháp này là tổng hợp các kỹ thuật chuyên sâu của các ngành giải phẫu mặt, tâm lý học và khoa học kỹ thuật hình sự để xây dựng kết cấu gương mặt chuẩn người Việt Nam. “Chiến công” được coi như đỉnh cao là họa sĩ đã tái hiện hoàn hảo chân dung từ bức ảnh chụp xương hộp sọ. Được biết cách đây vài năm, họa sĩ Võ Tấn Thành công trình nghiên cứu “giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung”, Đại tá Phạm Ngọc Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an đánh giá, họa sĩ có rất nhiều cố gắng trong suy nghĩ, sáng kiến, tìm được những mẫu hình cơ bản dạng người Việt Nam. Đóng góp có hiệu quả cao cho công tác miêu tả và nhận dạng chân dung, áp dụng tốt cho nhiệm vụ truy lùng tội phạm.

Hoàng “lựu đạn”: Đẩy “nợ đời” cho 2 bà vợ và 5 con

Ông trùm giang hồ từng cầm đầu một băng cướp tàn bạo, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những người dân lương thiện. Sau nhiều giai thoại, không ít người đã gọi y là bản sao của tướng cướp cô đơn Điền Khắc Kim. Tuy nhiên, số phận những người thân từng gắn bó với ông trùm Dũng “chim xanh” đang phải sống trong cảnh nghiệt ngã.

Tan nát gia đình

Người trong giang hồ kể lại, Nguyễn Chí Dũng, SN 1966, biệt hiệu Dũng “chim xanh”, vừa có khả năng bắn súng bằng hai tay bách phát bách trúng, vừa có tài dùng dao kiếm “thần sầu”. Dũng được dân giang hồ tôn sùng cũng bởi một thân võ nghệ hơn người. 10 tuổi, hắn vác dao đuổi chém trọng thương đám thanh niên trong ấp chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt. Ở võ đường, gã được coi là nhân tài, đệ tử cưng của thầy, có thể nối nghiệp sư phụ xưng hùng xưng bá. Mù quáng đi theo vị võ sĩ xấu xa, Dũng bỏ ngoài tai mọi lời răn dạy làm người lương thiện của cha mẹ. Ước mơ của Dũng sau này là làm đại ca như ông thầy, phải có đàn em, kẻ hầu người hạ. Gia đình Dũng đã quyết định đi kinh tế mới về huyện Hớn Quảng (tỉnh Sông Bé cũ), mục đích là giúp Dũng “chim xanh” đoạn tuyệt với cái võ đường chuyên đẻ ra những tên tội phạm.

Vậy nhưng đến vùng đất mới, Dũng cũng không khiến cha mẹ yên tâm. 14 tuổi, Dũng lập băng nhóm, dưới trướng có đến vài chục tên đàn em nhí. Để nuôi quân, Dũng phải đi trộm cắp, cướp giật. Những việc làm tội lỗi của con trai không qua mắt được ông Duyên (cha ruột Dũng). Dạo ấy mỗi lần Dũng về nhà, ông lại dốc hết tâm can khuyên nhủ. Nhẹ nhàng không được, ông phải dùng đến cả đòn roi. Nhưng cha càng cố công giáo dục, Dũng lại càng ngang bướng. Sau này vì cha mẹ quản lý gắt gao, hắn bỏ nhà đi biệt tăm, năm thì mười họa mới về thăm mẹ một lần. Bà Lê Thị Vui, mẹ Dũng, trú tại ấp 1, xã Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, kể lại: “Ngày Dũng bỏ đi, tôi đã khóc thương và mong con đến sưng đôi mắt. Ông nhà tôi cũng day dứt, hối hận vô cùng. Ông ấy vẫn tưởng vì mình đánh đập nên Dũng sinh lòng oán hận. Bởi thế nên sau cái đêm mưa gió nó bỏ đi, ông nhà tôi cũng dừng hết công việc, xuôi ngược tìm con”. Ba năm nặng nề trôi đi, vợ chồng bà Vui thấy dài như một thế kỷ. Còn Dũng thì ngược lại, chẳng hề quan tâm đến nỗi lo lắng của những người thân.

Rời nhà, hắn thấy bản thân chẳng khác nào được “tháo cũi sổ lồng”. Bỏ luôn băng nhóm cướp giật cũ, Dũng mò về võ đường năm xưa tìm sư phụ. Tại đây, Dũng được thầy dạy cho đủ mánh khóe bước chân vào giang hồ. Biệt tài bắn súng bằng hai tay cũng là “vốn liếng” vị võ sĩ này truyền lại cho gã.

Sau này khi trở về nhà, Dũng từng kể cho bà Vui chuyện được sư phụ lo lót cho làm vận động viên và võ sư taekwondo tại Trung tâm thể dục thể thao quận Tân Bình, TP HCM. Khoảng thời gian này, sư phụ Dũng bị tai nạn giao thông và qua đời. Từ đó, võ đường và băng nhóm của vị này cũng sớm tan rã. Rời võ đường, Dũng trở về nhà. Lần đầu gặp con sau hơn ba năm, bà Vui như vỡ òa niềm vui vì thấy Dũng cao lớn, vạm vỡ.

Sinh thời, Dũng luôn khiến mẹ phải sống trong nỗi buồn phiền. Chỉ một thời gian ngắn sau ngày trở về và “chém gió” với cha mẹ, Dũng đã sa chân vào con đường tội lỗi, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân lương thiện.

Dũng chim xanh là ai

Dũng “chim xanh”- trùm giang hồ khét tiếng một thời. Ảnh: TL

Phụ tình mẹ, Dũng “chim xanh” khiến cha uất ức đến chết

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Nguyễn Chí Dũng chưa bao giờ khiến bà Vui được thanh thản. Gặp người viết, bà Vui tâm sự: “Sinh con ra, tôi cũng mong nó trở thành người tốt, làm điều có ích cho xã hội. 9 đứa con của tôi thì hết 8 đứa biết khắc phục hoàn cảnh, nghe lời cha mẹ. Chỉ duy nhất thằng Dũng, hết bỏ nhà đi bụi rồi lại cướp bóc. Nhiều lần, tôi đã coi nó không phải con mình. Thế nhưng “máu chảy ruột mềm”, tôi vẫn không bỏ được nó”. Bà nhớ lại, chỉ có một lần duy nhất được vui vẻ, hy vọng khi Dũng trở về khoe đang làm diễn viên và cán bộ tại Trung tâm thể thao quận Tân Bình. Lần đó, Dũng còn hứa hẹn khi nào công việc ổn định, sẽ mở một võ đường riêng và đón cha mẹ xuống thành phố phụng dưỡng. Đêm nằm tâm sự với bà Vui, Dũng thủ thỉ: “Từ nhỏ con luôn khiến cha mẹ buồn phiền. Phần đời còn lại của hai người, con sẽ phụng dưỡng, báo đáp công ơn, chuộc hết những lầm lỗi năm xưa”.

Dũng chim xanh là ai

Bà Vui kể về đứa con tội lỗi. Ảnh: Khoát Nguyễn

Nhưng rồi những lời hứa hẹn ấy cũng nhanh chóng bị Dũng ném vào hư không. Năm 1985, bà Vui bàng hoàng nhận được tin Dũng bị CQCA bắt vì đột nhập vào một nhà dân ở quận Thủ Đức, TP HCM trộm tài sản. Thời điểm bị bắt, trên người Dũng còn có một khẩu súng Colt 45 và 7 viên đạn. Lần đầu tiên “xộ khám”, Dũng phải ngồi bóc lịch gần 4 năm. Ở quê nhà biết tin con trai, những hy vọng nhỏ nhoi vừa nhen lên của vợ chồng bà Vui bị dội một gáo nước lạnh. Cũng vì buồn phiền, ông Nguyễn Chí Duyên (cha Dũng) lâm bệnh nặng. Mỗi lần vợ đến bên giường chăm sóc, ông Duyên lại nghẹn ngào tự trách bản thân. Ông luôn nghĩ chuyện năm xưa Dũng bỏ đi là lỗi của mình. Mỗi khi khỏe lại, đôi chân không còn run rẩy, ông lại nằng nặc đòi đi tìm đứa con trai ương bướng về nhà. Nhìn chồng đau bệnh, luôn khắc khoải về Dũng, bà Vui xót xa khuyên: “Mình thương nó nhưng nó lại không chịu hiểu, có đi tìm nữa cũng không thấy. Hai thân già chúng ta phải giữ gìn sức khỏe chứ chẳng trông mong gì được đâu”.

Đến khi Dũng trở về, chưa kịp mừng vui thì cha mẹ hắn phải đón nhận tin xấu. Cú sốc quá lớn khiến ông Duyên không gượng được dậy nữa. Một chiều muộn đầu tháng 2 (tức sau ngày Dũng “xộ khám” chưa đầy ba tháng), ông Duyên lặng lẽ ra đi, mang theo nỗi buồn chất chứa về đứa con tù tội. Bà Vui kể, trước khi mất, chồng còn cố nắm lấy tay bà, giọng thều thào: “Tôi đi trước, các con đành nhờ bà vậy. Mấy đứa lấy chồng, lấy vợ, có cuộc sống ổn định rồi thì không nói, nhưng thằng Dũng là đứa khiến tôi không an tâm. Dũng gây ra tội lỗi gì thì cũng là con của vợ chồng mình. Nó thành ra như vậy lỗi do chúng ta không dưỡng dục đàng hoàng. Tôi đi rồi thì bà nhất định phải kéo nó về nẻo thiện”.

Những nỗi đau chồng chất ập đến khiến bà Vui tưởng chừng không thể trụ vững. Sau một trận ốm liệt giường, bà Vui phải cố gắng lắm mới gượng dậy nổi. Nghĩ đến lời trăng trối của chồng, bà tự hứa sẽ bằng mọi cách kéo Dũng ra khỏi vũng bùn tội lỗi. Bà Vui nhớ lại: “Lúc đó tôi nhẩm tính thời điểm Dũng mãn hạn tù thì cũng bước sang tuổi 23. Tôi nghĩ hay kiếm cho nó một mối, biết đâu khi lập gia đình Dũng sẽ nền tính lại”.

Nghĩ là làm, bà Vui sang nhà hàng xóm lựa lời ướm hỏi cô gái Nguyễn Thị Hiền. Trong ấp, Hiền nổi tiếng là thiếu nữ thùy mị, nết na. Hai gia đình cũng khá rất thân thiết với nhau. Hàng ngày, Hiền thường sang đỡ đần bà Vui những việc vặt trong nhà. Nhiều lần tỉ tê tâm sự, bà Vui ngỏ ý muốn cô làm con dâu. Sau khi đoạn tang chồng, bà đã mang trầu cau sang nhà thưa chuyện với mẹ Hiền, ngỏ ý muốn kết tình thông gia.

Khi chấp nhận trầu cau dạm hỏi của bà Vui, mẹ Hiền cũng hy vọng con rể tương lai sẽ thay đổi sau 4 năm “ăn cơm cân, mặc áo số”. Từ đó mỗi lần đi trại thăm Dũng, bà Vui thường kéo cả Hiền theo. Năm cuối cùng Dũng “chim xanh” thụ án, bà Vui tạo điều kiện cho hai người gặp mặt nhau. Thế nhưng trái với những gì mẹ mong muốn, Dũng một mực từ chối cuộc hôn nhân sắp đặt này. Hiền là người chịu nhiều tổn thương nhất. Cô vừa đau đớn vì Dũng không chấp nhận tình cảm, vừa ê chề khi ngày cưới đã ấn định còn bị hủy bỏ. Dù vẫn còn tình cảm với Dũng nhưng trước sức ép của người thân, cô đành phải đi tìm hạnh phúc khác.

Năm 1989, khi mới ra tù được 5 tháng, Dũng lại vác khẩu súng carbin đi cướp. CA huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (cũ, nay là tỉnh Bình Phước và Bình Dương) bắt về hành vi cướp tài sản. Dũng phải thụ án 24 tháng tù tại trại Bến Lớn, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, khiến bà Vui gần như tuyệt vọng.

Dũng chim xanh là ai
Chém nhau loạn xạ trong quán nhậu, 1 người chết
Bị vây bắt, táo tợn cướp lại hàng lậu ngay tại đường biên
Dũng chim xanh là ai
Chủ nhà nghỉ 9x bị "thượng đế" xông đến bóp cổ cướp tài sản