Dị giới ở ấn độ là gì năm 2024

Khi Manoj, 17 tuổi - được ghi nhận giới tính nữ khi ra đời - nói với gia đình rằng cậu cảm thấy mình là con trai và đem lòng yêu một cô gái, cậu suýt bị giết chết.

Cậu nói rằng cha mẹ đã không chấp nhận cậu, trói chân tay, đánh đập thậm tệ và nhốt cậu vào một góc nhà. Cha cậu dọa giết cậu.

"Bạo lực vượt xa bất cứ điều gì tôi tưởng tượng," cậu nói.

"Tôi đã nghĩ bất kể sự thật về tôi là gì, tôi sẽ được chấp nhận, sau tất cả, đây là gia đình của tôi. Nhưng cha mẹ tôi sẵn sàng giết tôi vì danh dự của họ."

Đối với một phụ nữ ở vùng nông thôn Ấn Độ, việc yêu cầu quyền xác định mình là đàn ông chuyển giới có thể dẫn đến sự trả đũa gay gắt.

Manoj cho biết cậu bị đuổi khỏi trường làng ở một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ - bang Bihar ở miền bắc - và bị ép kết hôn với một người đàn ông gấp đôi tuổi cậu.

"Tôi thậm chí đã nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình, nhưng bạn gái đã ở bên cạnh tôi vượt qua tất cả. Việc tôi còn sống và chúng tôi đang ở bên nhau là nhờ cô ấy đã không từ bỏ tôi", cậu nói.

Manoj năm nay 22 tuổi và đã trốn trong một thành phố lớn trong năm qua. Cậu và bạn gái, Rashmi, đang háo hức chờ đợi phán quyết của Tòa án Tối cao về đơn yêu cầu quyền kết hôn hợp pháp của họ.

Ấn Độ đã hợp pháp hóa quan hệ tình dục đồng tính vào năm 2018, nhưng hôn nhân đồng giới vẫn chưa được công nhận. Tòa án Tối cao đã xét xử 21 đơn yêu cầu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trong năm nay và dự kiến sẽ sớm đưa ra phán quyết.

Trong khi những người khác tranh luận về quyền kết hôn như một vấn đề bình đẳng, thì đơn của Manoj và Rashmi, được đệ trình chung với hai cặp vợ chồng và bốn nhà hoạt động vì nữ quyền LGBTQ+, khẳng định rằng hôn nhân là một lối thoát khỏi sự bạo hành tàn bạo về thể chất và tinh thần mà gia đình họ đã gây ra cho họ.

"Sự công nhận hợp pháp về mối quan hệ của chúng tôi là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống sợ hãi này," Manoj nói.

Ấn Độ có nửa triệu người chuyển giới, theo thống kê trong cuộc điều tra dân số gần đây nhất vào năm 2011, một con số mà các nhà hoạt động tin rằng là quá thấp.

Vào năm 2014, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng người chuyển giới được công nhận là giới tính thứ ba. Năm năm sau, Ấn Độ đã thông qua luật cấm phân biệt đối xử trong giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và hình sự hóa các hành vi phạm tội đối với họ, bao gồm lạm dụng thể chất, tình dục, tình cảm và kinh tế.

Nhưng bạo lực từ gia đình là một thử thách phức tạp.

Dị giới ở ấn độ là gì năm 2024

Chụp lại hình ảnh,

Koyel Ghosh là người quản lý của tổ chức Sappho for Equality

Những gia đình bạo lực

Hầu như các điều luật và xã hội đều coi gia đình theo huyết thống, hôn nhân hoặc nhận con nuôi là không gian an toàn nhất cho các cá nhân, luật sư Veena Gowda, người hoạt động vì nữ quyền ở Mumbai, cho biết.

"Ai trong chúng ta cũng biết về bạo lực gia đình, dù đó là bạo lực đối với vợ, con hay người chuyển giới. Nhưng vấn đề này cố tình bị coi là vô hình, vì việc nhìn thấy và thừa nhận đồng nghĩa với việc đặt câu hỏi về chính thể chế 'gia đình'," bà nói.

Bà Gowda là thành viên của hội đồng bao gồm một thẩm phán đã nghỉ hưu, các luật sư, học giả, nhà hoạt động xã hội và một nhân viên xã hội của chính phủ đã được nghe những lời khai chi tiết về bạo lực gia đình mà 31 người thuộc cộng đồng LGBTQ+ phải đối mặt trong một phiên điều trần kín.

Những phát hiện của hội đồng đã được công bố vào tháng 4/2023 trong một báo cáo có tiêu đề 'Apno ka bahut lata hai' (Chính chúng ta làm tổn thương chúng ta nhiều nhất) khuyến nghị rằng những người LGBTQ+ nên được trao quyền lựa chọn gia đình cho riêng mình.

“Nhìn thấy bản chất của bạo lực mà những người làm chứng phải đối mặt, điều đó đồng nghĩa với việc từ chối quyền được sống và sống trọn vẹn của họ nếu họ không có quyền lựa chọn gia đình của riêng mình, không bị bạo lực”, bà Gowda nói.

"Quyền kết hôn sẽ là một cách để tạo ra gia đình mới này và tái định nghĩa nó."

Vài tháng sau cuộc hôn nhân gượng ép, Manoj cố gắng quay lại với Rashmi, nhưng bị "chồng" của cậu theo dõi, người mà Manoj nói đã đe dọa tấn công tình dục cả hai người.

Họ trốn đến ga xe lửa gần nhất và lên chuyến tàu đầu tiên sắp rời bến nhưng cậu kể rằng họ đã bị gia đình tìm thấy và đưa về nhà để đánh đập.

Rashmi kể lại: “Anh ấy bị buộc phải ký vào một 'bức thư tuyệt mệnh' đổ lỗi cho tôi về cái chết của anh ấy.

Sự kháng cự của Manoj đồng nghĩa với việc cậu bị nhốt lại và bị lấy điện thoại di động.

Chỉ sau khi Rashmi liên hệ với một nhóm nữ quyền LGBT và cảnh sát địa phương, họ mới có thể được bảo vệ và thoát khỏi ngôi nhà của gia đình Manoj.

Họ chuyển đến một nơi trú ẩn của chính phủ dành cho người chuyển giới nhưng phải chuyển đi ngay sau đó vì Rashmi không phải là người chuyển giới.

Dị giới ở ấn độ là gì năm 2024

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ấn Độ là quê hương của hàng triệu người LGBTQ+

Trốn thoát và sống sót

Manoj đã được ly hôn. Nhưng các hệ thống hỗ trợ giúp thoát khỏi các gia đình bạo lực và xây dựng cuộc sống mới cho cậu thì rất ít.

Koyel Ghosh, người sử dụng "họ" (they hoặc them) làm đại từ nhân xưng, là người được ủy thác quản lý của Sappho for Equality, tổ chức đấu tranh vì quyền của LBT (Lesbian-Bisexual-Transmasculine: người Đồng tính nữ - Lưỡng tính - Chuyển giới) đầu tiên ở miền đông Ấn Độ được thành lập cách đây hai thập niên. Họ nhớ rõ vào năm 2020, họ nhận được một cuộc gọi đến đường dây trợ giúp về một cặp vợ chồng đã chạy trốn đến một thành phố ở miền đông Ấn Độ nhưng sau đó phải ngủ trên lối đi bộ trong bảy đêm.

Koyel nói: “Chúng tôi thuê một chỗ và sắp xếp họ ở đó để họ có nơi trú ẩn tạm thời trong ba tháng và có thể tập trung vào việc kiếm việc làm vì đó là cách duy nhất họ có thể xây dựng cuộc sống mới”.

Ngoài sự kỳ thị của xã hội, mối đe dọa bạo lực gia đình, nền giáo dục không phù hợp và hôn nhân ép buộc, nhiều người chuyển giới còn phải vật lộn để tìm được việc làm ổn định.

Cuộc điều tra dân số gần đây nhất của Ấn Độ cho thấy tỷ lệ biết chữ của họ là 49,76%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 74,04% của cả nước.

Theo một cuộc khảo sát trên 900 người chuyển giới ở Delhi và Uttar Pradesh của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia vào năm 2017, 96% trong số đó đã bị từ chối việc làm hoặc bị ép làm ăn xin và bán dâm.

Tổ chức Saphho đã thành lập một nơi trú ẩn để giúp các cặp vợ chồng chạy trốn xây dựng lại cuộc sống của họ - 35 cặp vợ chồng đã được tạm trú tại đó trong hai năm qua.

Đó là công việc khó khăn. Koyel nhận được ba đến năm cuộc gọi khẩn cấp hàng ngày và thường xuyên liên hệ với mạng lưới luật sư hỗ trợ để tìm giải pháp.

“Tôi đã nhận được những lời đe dọa giết, đối mặt với đám đông bạo lực trong làng, sự thù địch trong đồn cảnh sát vì tôi cũng cởi mở với danh tính lập dị của mình và họ không thể chấp nhận điều đó”, Koyel cho biết.

Khi Asif, một người chuyển giới và bạn gái của anh, Samina, tìm đến Koyel, họ đang ở đồn cảnh sát địa phương tại một ngôi làng ở miền đông Ấn Độ.

Samina cáo buộc rằng các cảnh sát đã gọi cô là người bị thiến và nói rằng lẽ ra cô nên chết đi thay vì công khai mối quan hệ của mình.

Từ những người bạn thời thơ ấu rồi trở thành người yêu, họ đã trốn khỏi gia đình hai lần trước đó nhưng đều bị đưa về. Đây là cơ hội cuối cùng để trốn thoát và họ cần được hỗ trợ.

"Chỉ khi Koyel đến, hành vi xấu xa của cảnh sát mới dừng lại. Một sĩ quan cấp cao đã khiển trách đàn em của họ vì định kiến và thiếu hiểu biết về luật pháp với tư cách là công chức," Samina nói.

Cặp đôi này hiện đang sống an toàn tại một thành phố lớn, họ đồng khởi kiện với Manoj và Rashmi tại Tòa án Tối cao.

"Bây giờ chúng tôi đang hạnh phúc. Nhưng chúng tôi cần mảnh giấy đó, giấy chứng nhận kết hôn, để gia đình và cộng đồng không còn phải sợ bị phạt hoặc sợ hành động của cảnh sát", Asif nói.

"Nếu Tòa án Tối cao không giúp chúng tôi, chúng tôi có thể phải chết. Chúng tôi sẽ không bao giờ được chấp nhận như hiện tại, sẽ luôn chạy trốn, luôn sợ bị chia cắt", anh nói.