Dđề cương ôn văn lớp 7 kì 2 năm 2023-2023 năm 2024

Nội dung Text: Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 7 năm 2022-2023 - Trường THCS Trần Văn Ơn

  1. PHÒNG GD ĐÀO TẠO QUẬN 1 TRƯỜNG THCS TRẦN VĂN ƠN ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ II NGỮ VĂN 7 NĂM HỌC 2022 – 2023 I. TRI THỨC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN : ( Bài 6 và bài 8) *. Ngữ liệu: Sử dụng ngữ liệu từ các văn bản ngoài chương trình SGK Yêu cầu: - Nhận biết được thể loại và đặc điểm thể loại - Nhận biết được từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,… - Chỉ ra được cảm xúc, tình cảm của người viết - Nêu được nội dung/chủ đề của văn bản - Rút ra được bài học và cách ứng xử được gợi ra từ văn bản,.. - ….. 1/ Văn nghị luận a. Khái niệm Văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống (nghị luận xã hội) được viết ra để bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, hay một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người. b. Đặc điểm Văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống có những đặc điểm sau: - Thể hiện rõ ý kiến khen, chê, đồng tình, phản đối của người viết đối với hiện tượng, vấn đề cần bàn luận. - Trình bày những lí lẽ, bằng chứng để thuyết phục người đọc, người nghe. Bằng chứng có thể là nhân vật, sự kiện, số liệu liên quan đến vấn đề cần bàn luận. - Ý kiến lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí. 2/ Văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động: a/ Về cấu trúc và đặc điểm hình thức - Về cấu trúc, loại văn bản này thường có 3 phần: Phần 1: Giới thiệu mục đích của quy trình thực hiện trò chơi hay hoạt động bằng một đoạn văn hoặc nhan đề bài viết (tên quy trình) (Ví dụ: Cách đọc sách hiệu quả…). Phần 2: Liệt kê những gì cần chuẩn bị trước khi thực hiện trò chơi hay hoạt động. Phần 3: Trình bày các bước cần thực hiện. Đối với trò chơi, đó là quy tắc, luật lệ, hướng dẫn cách chơi; đối với các hoạt động khác đó là thứ tự các bước thực hiện hoạt động. Một số văn bản có thể có thêm phần giải thích sự cần thiết của mỗi bước thực hiện - Về đặc điểm hình thức: loại văn bản này thường sử dụng các con số (1, 2, 3,...), từ ngữ chỉ thời gian (đầu tiên, tiếp theo, sau cùng,...) hoặc số từ chỉ số lượng chính xác (hai, ba,...) để giới thiệu trình tự thực hiện; từ ngữ miêu tả chi tiết cách thức hành động và một số thuật ngữ liên quan; sử dụng câu chứa nhiều động từ, cầu khiến để chỉ hành động hoặc yêu cầu thực hiện; dùng hình ảnh minh hoạ, sơ đồ chi dẫn, đề mục để tóm tắt thông tin chính; từ xưng hô ngôi thứ hai (ví dụ. bạn,..) để chỉ người đọc.
  2. b/ Cách triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản thông tin. Văn bản thông tin cỏ thể triển khai ý tưởng và thông tin theo một số cách sau: theo trật tự thời gian (trình bày thông tin theo thứ tự xuất hiện của sự vật, hiện tượng hay hoạt động); theo quan hệ nhân qủa (trình bày thông tin theo quan hệ ý nghĩa nhân quả bằng một số từ ngữ như: lí do (của)..., nguyên nhân (của)..., vì, nên, do đó,...)', theo mức độ quan trọng của thông tin (thông tin chính được ưu tiên trình bày trước hoặc được làm nổi bật bằng cách in đậm, tô màu, gạch dưới hoặc lặp đi lặp lại,...). Khi viết, người viết có thể kết hợp nhiều cách triển khai ý tưởng và thông tin, nhưng thường chọn một cách triển khai chính để làm nổi bật thông tin. Trong văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động, người viết thường chọn cách triển khai ý tưởng và thông tin theo trật tự thời gian để làm rõ quy tắc hoặc luật lệ của trò chơi qua việc hình bày thứ tự các bước II. TRI THỨC TIẾNG VIỆT ( Trong chương trình HK2) 1/ Liên kết trong văn bản a. Đặc điểm và chức năng - Liên kết là một trong những tính chất quan trọng của văn bản, có tác dụng làm cho văn bản trở lên mạch lạc, hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức. - Đặc điểm của một văn bản có tính liên kết: + Nội dung các câu các đoạn thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau. + Các câu các đoạn được kết nối với nhau bằng các phép liên kết phù hợp. b. Một số phép liên kết thường dùng + Phép lặp từ ngữ: Lặp lại ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước. + Phép thế: Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước. + Phép nối: Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước + Phép liên tưởng: Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước 2. Nói giảm nói tránh - Nói giảm nói tránh là biện pháp dùng cách diễn đạt tế nhị, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự. Ví dụ: Cô ấy trông thật xấu xí -> Cô ấy trông không được xinh lắm - Đặt câu có sử dụng phép nói giảm, nói tránh 3. Đặc điểm và chức năng của số từ - Số từ là những từ chỉ số lượng và số thứ tự của sự vật. - Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ thường đứng trước danh từ. Số từ chỉ số lượng bao gồm: Số từ chỉ số lượng chính xác (hai, ba, bốn,…), số từ chỉ số lượng ước chừng (vài, mươi, dăm,…). - Khi biểu thị số thứ tự của danh từ, số từ thường đứng sau danh từ (thứ hai, thứ ba,…). 4. Các cách mở rộng thành phần chính và trạng ngữ trong câu bằng cụm từ - Biến CN, VN và TN trong câu từ 1 từ thành 1 cụm từ. - Biến CN, VN và TN trong câu từ cụm từ có thông tin đơn giản thành cụm từ phức tạp có những thông tin cụ thể, chi tiết hơn. 2. Tác dụng - Tác dụng của việc mở rộng thành phần chính và trạng ngữ trong câu bằng cụm từ: làm cho thông tin của câu trở nên chi tiết, rõ ràng. III/ TẠO LẬP VĂN BẢN Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống ( vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng đạo đức, lối sống của con người) Đề 1: Viết bài văn nghị luận bàn về câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân.
  3. Đề 2: Viết bài văn nghị luận bàn về câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công. Dàn ý tham khảo: Đề 1: Viết bài văn nghị luận bàn về câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân.I. Mở bài: - Dẫn dắt vấn đề: Tình yêu thương con người la một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng và là yếu tố quan trọng giúp xây dựng một xã hội đoàn kết, văn minh. - Nêu vấn đề và khái quát ý nghĩa câu tục ngữ: Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã khuyên nhủ chúng ta về lối sống yêu thương lẫn nhau giữa người với người. II. Thân bài: 1. Giải thích - Thương người như thể thương thân: Yêu thương những người xung quanh như thương chính bản thân mình. - Câu tục ngữ khuyên chúng ta cần phải có lòng thương người, yêu thương đồng loại như yêu thương chính bản thân mình và người thân của mình. 2. Bàn luận - Trong cuộc sống, mỗi người không sống cô lập một mình mà sống trong một tập thể, một cộng đồng, vì vậy, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là một điều vô cùng cần thiết cho sự phát triển chung của xã hội. - Những người trong gia đình là những người có chung dòng máu, chung gốc gác, tổ tiên, cha mẹ, vì vậy yêu thương nhau là một lẽ đương nhiên bởi “máu chảy ruột mềm”. - Đến những người bạn bè, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” là những người tuy không cùng máu mủ, huyết thống, nhưng lại là những người vui cùng ta lúc ta vui, đồng cảm, giúp đỡ ta khi ta gặp khó khăn, đôi khi tình cảm giữa những người tưởng chừng như xa lạ đó lại cũng vô cùng sâu nặng, thân thiết. - Xa hơn, đến những con người không biết mặt, biết tên, khác miền khác dân tộc, nhưng tất cả lại cùng chung dòng máu Lạc Việt, cùng là con cháu Rồng Tiên, cũng được gọi với 2 tiếng thân thương: “đồng bào”. (Lấy bằng chứng cả nước chung tay hướng về giúp đỡ đồng bào miền Trung khỏi thiên tai bão lũ) - Lòng thương người không chỉ là yêu thương người thân ruột thịt, bạn bè làng xóm, đồng bào quê hương, mà rộng ra là yêu thương toàn nhân loại trên thế giới. - Lòng thương người, tương thân tương ai chính là gốc rễ của tình thân ái, của lòng nhân nghĩa – truyền thống quý báu của dân tộc ta. - Tình thân ái, lòng yêu thương con người chính là sợi dây bền chặt kết nối những con người xa lạ lại với nhau, kể cả những người con xa quê, lưu lạc nơi đất khách quê người, cũng luôn hướng về đồng bào tổ quốc. Điều này tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, tạo ra sức mạnh dân tộc to lớn, giúp ta đánh thắng mọi kẻ thù tàn bạo để có được hòa bình độc lập ngày hôm nay. (HS Nêu bằng chứng về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc để làm sáng tỏ những điều đã giải thích).
  4. 3. Lật lại vấn đề - Vẫn còn những trường hợp vô tâm, ích kỉ, “khác máu tanh lòng”, bán nước hại dân,… - Những người lợi dụng lòng thương của mọi người để trục lợi… - Cần lên án, phê phán những người có lối sống ích kỉ, hẹp hòi III. Kết bài: - Khẳng định lại giá trị câu tục ngữ: Tình yêu thương con người chính là bài học quý giá mà ông cha ta răn dạy con cháu đời sau. - Liên hệ bản thân: Chúng ta cần xây dựng và phát huy tình cảm tốt đẹp này bởi nó chính là kim chỉ nam quan trọng giúp hình thành những tình cảm, lối sống cao đẹp khác. Đề 2: Viết bài văn nghị luận bàn về câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công. I. Mở bài: - Trong cuộc sống, tất cả mọi người đều mong muốn đạt được thành công, nhưng thực tế trước khi đến với thành công ta thường phải trải qua khó khăn, thậm chí thất bại. - Giới thiệu trích dẫn câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công. II. Thân bài 1. Giải thích : - Thất bại: làm việc hỏng, gặp khó khăn khi làm việc, chưa đạt được mục đích đề ra. - Thành công: đạt được mục tiêu đã đề ra - Mẹ: những bài học, kinh nghiệm được rút ra từ thất bại. => Câu tục ngữ khẳng định những sai lầm, thất bại là bài học, kinh nghiệm để con người đạt được mục tiêu, vươn tới thành công. 2. Bàn luận - Con đường ta đi thường phải qua những khó khăn, vấp ngã … Đường đời, đường tới mục tiêu cũng không chỉ có bằng phẳng, thuật lợi mà còn có những thử thách, thậm chí là hiểm nguy… - Thành công không dễ dàng có được mà phải chinh phục được tất cả những vượt chướng ngại vật ấy. - Người vừa gặp thất đã vội bỏ cuộc, không cố gắng rút ra bài học, kinh nghiệm để tiếp tục hành trình chinh phục mục tiêu thì chắn chắn sẽ thất bại. - Ngược lại, biết suy ngẫm, phân tích đúng – sai, ưu điểm – hạn chế để rút ra bài học, kinh nghiệm và tiếp tục hành trình hướng tới thì sẽ thành công. - Yếu tố quan trọng để thành công sau thất bại: sự tự nhận thức và ý thức cao của con người; ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống; lòng kiên trì, can đảm đối mặt với thử thách và chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình… (HS nêu bằng dẫn chứng trong thực tế cuộc sống hoặc sách báo để chứng minh điều đã giải thích) 3. Lật lại vấn đề - Phê phán những người tự ti, dễ bỏ cuộc, không nhận thức được chính mình. - Hậu quả: họ sẽ mãi sống trong sợ hãi, không dám làm bất cứ việc gì hết sức mình. III. Kết bài
  5. - Khẳng định: Câu tục ngữ là lời khẳng định, lời khuyên vô cùng bổ ích đặc biệt là với những ai đang trên hành trình chinh phục mục tiêu. - Mỗi người cần nhìn nhận thất bại một cách sáng suốt, tỉnh táo và lạc quan để hướng về tương lai tốt đẹp, phải có lòng kiên trì theo đuổi ước mơ, hoài bão, chiến thắng nỗi sợ bản thân. - Bài học hành động: nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện bản thân; khắc phục những hạn chế và phát huy ưu điểm của bản thân ----- CHÚC CÁC EM THI TỐT-----