Chuyên đề văn hóa 2d nhật bản soul 1

[Thaihabooks] Truyện đem lại nhiều bài học giá trị về tình người, cách đối nhân xử thế. Nó là chiếc cầu nối hoàn hảo, đưa thế giới văn học gần gũi và tiếp cận thế hệ trẻ một cách tự nhiên nhất. Kể từ khi phát hành, truyện thúc đẩy văn hóa đọc của giới trẻ lên cao hơn.

Người viết không phải là fan của light novel Nhật hiện đại, cũng chẳng phải là con mọt sách. Do đó, người viết còn khập khiễng trước trào lưu xuất bản light novel rầm rộ tại nước mình, ngay cả khi NXB Thái Hà thông báo sắp phát hành “Cô Gái Văn Chương”, một light novel nổi tiếng đến từ Nhật Bản. Ấn tượng ban đầu của người viết về quyển sách này rât nhạt nhòa cho dù bạn bè khen nức nở và khuyến khích hãy đọc nó. Một ngày nọ, khi ra tiệm sách quen thuộc, người viết đã chứng kiến một hiện tượng thú vị, có liên quan tới Cô Gái Văn Chương. Bất cứ bạn teen nào đọc xong tiểu thuyết, đều qua tiệm hỏi mua “Thất Lạc Cõi Người”, thơ ca lãng mạn lẫn các tác phẩm văn học quốc tế cổ điển khác. Điều gì ở Cô Gái Văn Chương đã tạo nên cơn sốt đọc sách của giới trẻ? Tính tò mò trỗi dậy, người viết quyết định mua thử một quyển để tìm ra câu trả lời. Và kết quả thật bất ngờ, Cô Gái Văn Chương đã không khiến người viết thất vọng.

Hình Thức Xuât Bản

Quyển sách in ấn khá ổn, giấy xốp cầm rất nhẹ. Bìa sách thiết kế trẻ trung, màu sắc tươi tắn. Khổ sách lớn, cỡ chữ căn chỉnh vừa phải, thích hợp với dân nghiền tiểu thuyết. Theo ý kiến cá nhân, việc Cô Gái Văn Chương không xuất bản bản bunko là một bước đi khôn ngoan vủa NXB Thái Hà, bởi bunko vẫn là mẫu sách kén người đọc, chỉ phổ biến trong giới otaku chứ chưa được cộng đồng đọc sách ở nước ta đón nhận nồng nhiệt. Khổ sách hiện tại là một thế mạnh, giúp Cô Gái Văn Chương tiếp cận dễ dàng với cộng đồng hơn. Tuy nhiên, giấy trắng dễ gây mỏi mắt nếu bạn đọc quá lâu. Thêm nữa, tranh minh họa đen trắng lẫn in màu không sắc nét, bị vỡ hạt và có thể nhìn thấy rõ các đường kẻ trong tranh. Dẫu vậy, Cô Gái Văn Chương vẫn là một tựa sách hấp dẫn, được đầu tư kỹ lưỡng với cái giá cực kỳ mềm, 59k/quyển (giá sau khi chiết khấu là 47k). Giá sách văn học bình thường là khá cao với túi tiền học sinh: trung bình một quyển tiểu thuyết mỏng 200-250 trang sẽ có giá dao động từ 50k cho tới 65k, sách dày tầm 300-400 trang sẽ được bán với giá từ 70k cho tới 85k. Mặc dù bunko nhỏ gọn, dễ mang đi khắp nơi nhưng người viết vẫn mong trong tương lại light novel có thể xuất bản dưới hai phiên bản: khổ thường và bunko. Hình thức phát hành này sẽ giúp light novel phát triển rộng rãi hơn với mọi đối tượng đọc sách, không chỉ giới hạn trong giới truyện tranh. Việc phổ cập bunko vào văn hóa sách Việt vẫn cần một thời gian dài để thích nghi.

Nội Dung và Dịch Thuật

Văn phong của Cô Gái Văn Chương mang đậm hơi hướng văn học, cách dẫn dắt linh hoạt và khéo léo, tạo cảm giác gần gũi và tự nhiên với những người chỉ đọc sách. Truyện phân tích tâm lí nhân vật tốt, tạo dựng nhiều tình huống bất ngờ. Đây chính là điểm cộng lớn dành cho truyện, như một quyển sách nhập môn tốt, dẫn dắt “ma mới” đến với thế giới light novel. Mở màn là một chuyện đời thường bình dị, nhẹ nhàng về một nhóm học sinh cấp 3 sinh hoạt trong CLB nhỏ. Mỗi người đều có tâm sự thầm kín hay những rắc rối riêng trong cuộc sống. Và điều thú vị nữa là hình tượng nhân vật Tooko, người thưởng thức văn học bằng cách ăn các trang sách. Bất cứ quyển sách nào hay, cô đều ăn nó một cách ngon lành và thỏa sức tưởng tượng. Cách Tooko bình luận và giới thiệu sách rất gợi mở. Nó vừa đủ, không quá hoa mỹ mà khiến người ta phải tò mò, muốn tìm hiểu về nó. Do vậy, truyện đã truyền cảm hứng đọc văn học cổ điển cho các thế hệ trẻ, nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn

Nhưng khi trích đoạn của “Thất Lạc Cõi Người” lộ diện, những góc khuất của con người bắt đầu lột tả trần trụi, những lời thú tội đầy ám ảnh và đau đớn đến tột cùng về cuộc đời hổ thẹn. Càng đọc người xem như bị cuốn vào một thế giới tội lỗi, tràn ngập sự tuyệt vọng và không có lối thoát. Nó như một vòng lặp và tội ác không bao giờ kết thúc. Các nhân vật trong truyện dường như bế tắc, mong muốn được “cứu rỗi” và luôn nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát khỏi kiếp người cay đắng. Dù vậy, trong tâm tưởng họ vẫn khao khát được yêu thương và tha thứ, có thể tiếp tục đặt niềm tin vào đồng loại.

Bản dịch cô đọng và hàm súc, sử dụng từ ngữ phong phú, đem lại cảm giác “thuần Việt” và hạn chế dùng kính ngữ như san, kun, senpai lẫn các từ lóng trong giới truyện tranh. Điều này rất có lợi, giúp dân ngoại đạo nắm bắt nội dung truyện thuận lợi hơn, không gặp khó khăn trước rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của truyện là dùng nhiều từ phiên âm Hán Việt trong tiếng Trung như trân ái, hòa ái… Nếu ai là fan của truyện kiếm hiệp hay các tác phẩm nổi tiếng như Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, bạn sẽ tinh ý nhận ra các từ trên không hề xuất hiện trong văn bản viết. Hiện nay, phong trào đọc tiểu thuyết Trung nở rộ, khiến nhiều bạn trẻ dễ nhầm lẫn về các khái niệm giữa từ Hán Việt có trong Tiếng Việt với Hán Việt trong Tiếng Trung. Việc sử dụng Hán Việt tùy tiện, không có cơ sở dễ khiến câu văn tối nghĩa, thiếu chính xác. Hơn nữa, tiêu đề truyện truyện như “Mất tư cách làm người”, “Cô gái văn chương và tên hề thích chết” dịch hơi gượng, chưa thoát ý, đặc biệt khi tác phẩm “Ningen shikkaku” đã được dịch giả Hoàng Long dịch ra tiếng Việt dưới tên “Thất lạc cõi người”. Tuy nhiên, nhìn chung người viết vẫn thích phong cách dịch của Thái Hà và hi vọng họ sẽ rút kinh nghiệm nhiều cho tập 2.

Khi đọc tóm tắt trên bìa sách tập 1, người viết không mong đợi nhiều về cốt truyện của Cô Gái Văn Chương, chỉ nghĩ đơn giản nó thuộc thể loại truyện lãng mạn kết hợp chút yếu tố siêu nhiên thường gặp trong thế giới học đường của manga. Thế nhưng khi đọc toàn bộ quyển sách, người viết thật sự bất ngờ với cách lồng ghép đầy mạo hiểm của tác giả, dựa trên sự trùng lặp ngẫu nhiên của số phận các nhân vật trong truyện với các trích dẫn từ tiểu thuyết “Thất lạc cõi người”. Từ đó, Nomura Mizuki đã xây dựng một tác phẩm trinh thám cuốn hút tuyệt vời, có sự sáng tạo thú vị và không cần câu khách hàng bằng các tình tiết giật gân, tội ác đẫm máu. Truyện trở thành một món ăn tinh thần mới mẻ, dễ gây nghiện. Càng đọc người viết càng không thể dừng được. Có quá nhiều bí ẩn xoay quanh nhân vật Tooko, cô nữ sinh cấp 3 không phải là người thường cũng như quá khứ u buồn của Konoha, một nam sinh đã trải qua nhiều cú sốc lớn trong đời. Hàng loạt câu hỏi được nêu ra mà chưa có lời giải như Tooko rốt cuộc là ai, dường như cô ấy dự đoán tất cả mọi chuyện? Hay điều tồi tệ gì đã xảy ra giữa Konoha và cô bạn gái cũ? Mong rằng trong các phần tới, truyện sẽ giải đáp dần mọi thắc mắc của độc giả. Và điều người viết mong đợi nhất ở tập tiếp lf Cô Gái Văn Chương sẽ tiếp tục đem tới nhiều vụ án gay cấn, lôi cuốn cùng với suy luận tài tình, tình tế của cặp đôi Tooko.

Lời Kết

Tóm lại Cô Gái Văn Chương là một quyển sách hay, có nội dung lôi cuốn và được đầu tư dịch thuật tốt. Truyện đem lại nhiều bài học giá trị về tình người, cách đối nhân xử thế. Nó là chiếc cầu nối hoàn hảo, đưa thế giới văn học gần gũi và tiếp cận thế hệ trẻ một cách tự nhiên nhất. Kể từ khi phát hành, truyện thúc đẩy văn hóa đọc của giới trẻ lên cao hơn. Đây là một light novel chất lượng, đáng để sưu tầm, không chỉ dành cho fan truyện tranh nói riêng mà còn dành cho giới đọc sách nói chung.