Chứng từ sủ dụng của kế toán tscđ

Để hạch toán và khấu hao tài sản đúng quy định, kế toán tài sản cố định cần phải nắm khá nhiều thông tin cả trước và trong quá trình hình thành cũng như đưa tài sản vào sử dụng. Việc gom hồ sơ tài sản để hình thành nguyên giá tài sản cố định, việc xác định khung thời gian khấu hao, phương pháp khấu hao, bộ phận, tài khoản khấu hao, ... ngay cả việc xác định tài sản cố định cũng nằm trong nhiều Thông tư, Quy định khác nhau. Hãy cùng phần mềm kế toán 1A tìm hiểu các vấn đề này trong loạt bài về TCSĐ sau đây nhé.

Chứng từ sủ dụng của kế toán tscđ

Phân loại tài sản cố định

Xác định TSCĐ

TSCĐ được định nghĩa trong Thông tư 45/2013/TT-BTC thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
  • Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
  • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên.

Các chi phí mà Doanh nghiệp chi ra đáp ứng cả 3 điều kiện trên nhưng không hình thành TSCĐ hữu hình thì được gọi là TSCĐ vô hình. Các chi phí khác được đưa vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chi phí sau đây không được xem là TSCĐ vô hình

  • Chi phí thành lập doanh nghiệp
  • Chi phí đào tạo nhân viên
  • Chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp
  • Chi phí cho giai đoạn nghiên cứu
  • Chi phí chuyển dịch địa điểm
  • Chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh

Phân loại TSCĐ

Tùy theo mục đích sử dụng mà TSCĐ của Doanh nghiệp được chia thành TSCĐ cho mục đích kinh doanh; TSCĐ dùng cho phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng; TSCĐ bảo quản hộ, cất giữ hộ.

Các loại TSCĐ này cũng được chia nhỏ thành:

TSCĐ hữu hình

  • Nhà cửa, vật kiến trúc
  • Máy móc, thiết bị
  • Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn
  • Thiết bị, dụng cụ quản lý
  • Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm
  • Các tài sản cố định là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác, sử dụng
  • Các loại tài sản cố định khác

TSCĐ vô hình: quyền sử dụng đất, quyền phát hành, bằng sáng chế phát minh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sản phẩm, kết quả của cuộc biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Đối với TSCĐ là tòa nhà hỗn hợp vừa cho thuê/bán vừa sử dụng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thì phải xác định và hạch toán riêng phần giá trị của nhà hỗn hợp theo từng mục đích sử dụng (nếu không tách riêng được thì không được ghi nhận là TSCĐ). Trong đó:

  • Phần diện tích để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cho thuê (trừ thuê tài chính) thì ghi nhận và quản lý như một TSCĐ.
  • Phần diện tích để bán thì ghi nhận và quản lý như tài sản để bán (không được hạch toán là TSCĐ và trích khấu hao).

Các tài sản dùng chung có liên quan đến công trình tòa nhà hỗn hợp cũng phải được xác định và hạch toán như trên.

Nghiệp vụ TSCĐ

Tăng TSCĐ

1. Tăng do mua mới

Doanh nghiệp mua mới TSCĐ và đưa vào sử dụng ngay. Bộ chứng từ TSCĐ bao gồm Biên bản giao nhận tài sản; Chứng từ chi phí mua, lắp đặt TSCĐ; Chứng từ mua như hợp đồng, hóa đơn hồ sơ kỹ thuật, … có liên quan đến TSCĐ.

Cách xác định nguyên giá TSCĐ:

Với TSCĐ hữu hình

Nguyên giá = Giá mua thực tế* + Các khoản thuế + Các chi phí liên quan tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng.

Nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với Quyền sử dụng đất thì tách riêng Quyền sử dụng đất thành TSCĐ vô hình.

Với TSCĐ vô hình

Nguyên giá = Giá mua thực tế* + Các khoản thuế + Các chi phí liên quan tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng.

Mua theo hình thức trả chậm, trả góp thì không tính lãi trả chậm vào nguyên giá của TSCĐ.

* Là giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về, hoặc giá trị hợp lý của TSCĐ đem trao đổi với TSCĐ không tương tự HOẶC giá trị còn lại của TSCĐ đem trao đổi với TSCĐ hữu hình tương tự.

Hạch toán:

  • Nợ TK 211, 212, 213, 217
  • Nợ TK 1332
    • Có TK 111, 112, 331 …

2. Nhận góp vốn bằng TSCĐ

Doanh nghiệp nhận TSCĐ dưới hình thức góp vốn hoặc giao vốn. Bên góp vốn hoặc giao vốn có thể là cá nhân, tổ chức không hoặc có kinh doanh, tùy theo đối tượng góp vốn mà bộ chứng từ TSCĐ có thể khác nhau.

  • Bên góp vốn hoặc giao vốn là cá nhân, tổ chức không kinh doanh: bộ chứng từ bao gồm Biên bản chứng nhận góp vốn và Biên bản giao nhận tài sản.
  • Bên góp vốn hoặc giao vốn là cá nhân, tổ chức kinh doanh: bộ chứng từ bao gồm Biên bản góp vốn; Hợp đồng liên doanh, liên kết; Biên bản định giá tài sản; Bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản. Các chứng từ liên quan khác.

Cách xác định nguyên giá TSCĐ:

Nguyên giá = Giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập định giá nhất trí; hoặc do thỏa thuận giữa người góp vốn và doanh nghiệp; hoặc do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo quy định và được chấp nhận.

Hạch toán:

  • Nợ TK 211, 212, 213, 217
    • Có TK 4111

3. Nhận TSCĐ biếu, tặng và đưa vào sản xuất, kinh doanh

Doanh nghiệp nhận TSCĐ dưới hình thức biếu, tặng. Bộ chứng từ TSCĐ bao gồm Biên bản bàn giao TSCĐ; Biên bản định giá TSCĐ; Các chứng từ liên quan khác như hóa đơn, hợp đồng ghi hàng biếu, tặng, các hồ sơ kỹ thuật, ….

Cách xác định nguyên giá TSCĐ:

  1. Trường hợp TSCĐ được tài trợ, biếu, tặng:

Với TSCĐ hữu hình

Nguyên giá = Giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp.

Với TSCĐ vô hình

Nguyên giá = Giá trị hợp lý ban đầu + Các chi phí liên quan tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng.

  1. Trường hợp tài sản được cấp; được điều chuyển đến đơn vị khác :

Với TSCĐ hữu hình

Nguyên giá = Giá trị còn lại của TSCĐ trên số kế toán ở đơn vị cấp (hoặc theo đánh giá từ tổ chức đánh giá chuyên nghiệp) + Các chi phí liên quan tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng.

Với TSCĐ vô hình

Nguyên giá = Nguyên giá ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp có tài sản điều chuyển.

Hạch toán:

  • Nợ TK 211, 213
    • Có TK 711

4. Xuất thành phẩm đưa vào sử dụng làm TSCĐ

Căn cứ vào nhu cầu nội bộ, doanh nghiệp xuất thành phẩm dùng làm TSCĐ. Bộ chứng từ TSCĐ bao gồm Phiếu xuất kho (nếu qua kho); Biên bản giao nhận TSCĐ; Các chứng từ liên quan đến chi phí lắp đặt, chạy thử (nếu có).

Cách xác định nguyên giá TSCĐ:

Với TSCĐ hữu hình

Nguyên giá = Giá thành thực tế + Các chi phí (hợp lý) liên quan tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng.

Với TSCĐ vô hình

Nguyên giá = Các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ đó vào sử dụng.

Hạch toán:

  • Nợ TK 211
  • Có TK 155, 154 (nếu xuất ngay không qua kho)
    • Có TK 111, 112, 331 (các chi phí lắp đặt chạy thử liên quan)

5. Đưa chi phí đầu tư XDCB hoàn thành vào sử dụng

Khi công trình, TSCĐ lớn hoàn thành và hoàn tất quy trình nghiệm thu, kế toán quyết toán giá trị của công trình và đưa vào sử dụng. Bộ chứng từ TSCĐ bao gồm Hồ sơ quyết toán và bàn giao; Biên bản bàn giao tài sản; Hóa đơn tài chính và các chứng từ khác có liên quan trong toàn bộ quá trình hình thành TSCĐ như Hợp đồng thi công, xây lắp, sửa chữa; Hợp đồng vay vốn và chứng từ trả lãi vay (nếu có); Chi phí lắp đặt chạy thử; …

Cách xác định nguyên giá TSCĐ:

Nguyên giá = Giá trị quyết toán công trình (hoặc giá trị tạm tính nếu chưa quyết toán) + Lệ phí trước bạ + Các chi phí liên quan tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng.

Hạch toán:

  • Nợ TK 211
    • Có TK 241

6. Ghi tăng TSCĐ cho thuê tài chính

Doanh nghiệp thuê TSCĐ từ công ty cho thuê tài chính. Bộ chứng từ TSCĐ bao gồm Hợp đồng thuê tài chính; Hồ sơ thanh toán; Biên bản bàn giao tài sản và các chứng từ khác có liên quan.

Cách xác định nguyên giá TSCĐ:

Nguyên giá = Giá trị của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản + Các chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính.

Hạch toán:

  • Nợ TK 212
    • Có TK 341

7. Một số lưu ý khác khi tính và thay đổi nguyên giá TSCĐ

Một số trường hợp xác định nguyên giá TSCĐ vô hình

TSCĐ vô hình là Quyền sử dụng đất

Nguyên giá = Toàn bộ khoản tiền chi ra để có quyền sử dụng đất hợp pháp + Các chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ HOẶC giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn.

TSCĐ vô hình là Quyền tác giả, Quyền sở hữu công nghiệp, Quyền đối với giống cây trồng theo Luật sở hữu trí tuệ, TSCĐ vô hình là chương trình phần mềm có thể tách rời với phần cứng liên quan.