Chúng ta đã và đang khai thác sông ngòi và cảnh quan như thế nào để phát triển kinh tế

Hiện nay, trên thế giới còn 2,2 tỷ người đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nước an toàn, khan hiếm nước.

Do vậy, các quốc gia cần có những hành động thiết thực, mang tính toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nước nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững 6 là “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030."

Nhân Ngày Nước thế giới 22/3, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thu Linh để làm rõ về vấn đề này.

- Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Dân số bùng nổ, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc nước ngọt tiếp tục suy giảm. Bà có thể cho biết về tình hình nguồn nước tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Việt Nam thường được nhận định là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào với tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu.

Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.

Trong bối cảnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng.

Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc khai thác sử dụng nước trên các sông liên quốc gia, nhất là trên lưu vực sông Mekong và lưu vực sông Hồng. Đặc biệt, hoạt động đắp đập, chặn dòng, xây dựng công trình thủy điện và vận hành của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mekong đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước của Việt Nam.

[Nâng cao vị thế, giá trị của nước mang lại cho cuộc sống]

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030. Có 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên bốn lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam gồm Hồng-Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ. Giá trị kinh tế của nước chưa được phân bổ đồng đều cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau, chẳng hạn như còn các cơ chế miễn phí, ưu đãi đặc biệt cho sử dụng nước cho nông nghiệp.

Theo tính toán, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD cho GDP, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD. Giá trị của nước không được nhận thức đúng đắn dẫn đến tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí.

- Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2021 nhấn mạnh về giá trị của nước, nâng cao vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh. Bà có thể nói rõ những nội dung chính và ý nghĩa của chủ đề năm nay?

Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2021 được chọn là “Giá trị của nước” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh, theo đó nhấn mạnh cách mà chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về giá trị của tài nguyên nước.

Việc chúng ta nhận thức về giá trị của nước sẽ quyết định nước được quản lý và chia sẻ như thế nào, đó là nội dung chính của chủ đề năm nay. Thực tế, ngoài các giá trị nước mang lại cho mọi người như nước sạch, vệ sinh hoặc cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ thì nước còn có các giá trị về sức khỏe, môi trường, văn hóa, đời sống xã hội và tâm linh mà các giá trị này ít hoặc không được chú ý đến. Do vậy, giá trị của nước nhiều hơn rất nhiều so với giá thành của chúng, nhiều giá trị không thể ước tính bằng tiền tệ, mà lại vô cùng quan trọng với cuộc sống con người; việc xác định đầy đủ giá trị của nước tùy vào mục đích sử dụng nước, giúp chúng ta quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên này.

Thông qua các thông điệp này, Ngày Nước thế giới 2021 kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách, theo đó nhấn mạnh giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Chúng ta đã và đang khai thác sông ngòi và cảnh quan như thế nào để phát triển kinh tế
Sông Hậu chảy qua địa phận Cần Thơ. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

- Để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững 6 là “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030," theo bà, trong thời gian tới Việt Nam cần phải có các giải pháp quản lý tài nguyên nước nào hướng tới phát triển bền vững?

Bà Nguyễn Thị Thu Linh: Tính đến nay, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước đã được Việt Nam xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới. Trong đó, chúng ta đã tập trung vào các giải pháp, như tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước.

Cụ thể, các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) cần thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước cần quy định rõ trách nhiệm.

Toàn bộ văn bản pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân cần phải rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Về trách nhiệm, thẩm quyền quản lý, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, của các bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính quyền địa phương các cấp, cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm; phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.

Ngoài ra, tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn, làm cơ sở cho các ngành lập quy hoạch có khai thác, sử dụng nước.

Nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ý thức, nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao…, nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm tài nguyên nước để có các biện pháp chủ động ứng phó, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, như hạn hán, lũ lụt diễn ra ngày càng thường xuyên hơn, khắc nghiệt hơn; hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; đồng thời công tác thanh, kiểm tra cần được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến. Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam, hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.

Các Ủy ban lưu vực sông tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động, thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Lĩnh vực tài nguyên nước cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt tăng cường hiệu quả hợp tác với các quốc gia khác trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư, đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước.

- Trân trọng cảm ơn bà!./.

Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Trong những năm gần đây, kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên có sự phát triển khá nhanh và vững chắc. Tuy nhiên, vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên như thế nào để vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, vừa bảo vệ tốt môi trường đang là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng vì chỉ có khai thác một cách hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường sinh thái thì phát triển mới đạt mục tiêu nhanh, bền vững và lâu dài.

Chúng ta đã và đang khai thác sông ngòi và cảnh quan như thế nào để phát triển kinh tế

Rừng đặc dụng ĐăkUi-Ảnh V.Nhiên

Tây Nguyên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai hướng gió chủ đạo là gió mùa Đông bắc thổi vào mùa khô (thường từ tháng XI năm trước đến tháng IV năm sau) và gió mùa Tây Nam thổi vào mùa mưa (từ tháng V đến tháng X). Tổng lượng bức xạ hàng năm đạt từ 120 - 140 Kcal/cm 2 ; độ ẩm không khí trung bình đạt 70 - 80% trong mùa khô, từ 80 - 90% trong mùa mưa; lượng mưa năm trung bình đạt xấp xỉ 1.800mm. Do ảnh hưởng của độ cao địa hình nên nhiệt độ ở Tây Nguyên có sự hạ thấp đáng kể so với nền nhiệt độ chung ở Miền Nam nước ta và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt đáng kể giữa các vùng. Ở những vùng núi cao trên 500m, nhiệt độ thấp hơn vùng đồng bằng cùng vĩ độ trên 3 0 C. Nhiệt độ trung thấp nhất thường xuất hiện vào tháng I và cao nhất xuất hiện trong tháng IV, biên độ nhiệt trung bình năm từ 4 - 5 0 C. Có thể nói, khí hậu ở Tây Nguyên tương đối hiền hòa: Mát mẻ, chan hòa ánh nắng, lượng mưa phong phú tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng tươi tốt của nhiều loại cây trồng khác nhau, từ cây công nghiệp, cây ăn trái, cây nông nghiệp đến hệ sinh thái rừng.

Là nơi khởi nguồn của các hệ thống sông: Ba, Sê San, Đồng Nai, Sê Rê Pốk và một số phụ lưu nhỏ của các sông Thu Bồn, Trà Khúc, Hinh và Sê Banh Hiêng, Tây Nguyên có một lượng nước mặt khá phong phú: 49,87 tỷ m 3 /năm. Mạng lưới sông suối khá dày, phân bố tương đối đều trên các lưu vực, lòng sông có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh nên được đánh giá là nơi có tiềm năng thủy điện lớn của nước ta.

Một trong những nguồn tài nguyên quý giá mà Tây Nguyên có được phải kể đến là tài nguyên đất. Đất ở đây khá bằng phẳng, ít dốc thuận lợi cho cơ giới hóa, sản xuất lớn tập trung. Trong 5.447.506 đất tự nhiên có 1,36 triệu ha đất đỏ BaZan, chiếm 25%, đây là loại đất mầu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị cao như cà phê, cao su, điều, ca cao, chè, hồ tiêu, dâu tằm, các loại cây ăn quả có giá trị, vv... bên cạnh đó còn có khoảng 1,8 triệu ha đất đỏ vàng, dù không được mầu mỡ như đất đỏ BaZan nhưng cũng khá tơi xốp và giữ ẩm tốt, có thể phát triển được nhiều loại cây trồng khác nhau. Tuy là miền núi, cao nguyên nhưng Tây Nguyên cũng có được khoảng 130.000 ha đất phù sa ven sông thích hợp cho phát triển cây lúa nước.

Với độ che phủ đạt từ 55 - 60%, Tây Nguyên vẫn là nơi có diện tích và trữ lượng rừng vào hàng cao nhất so với các vùng khác trong cả nước. Hơn thế, rừng ở nơi đây rất đa dạng về chủng loại với nhiều kiểu rừng, nhiều loài cây, con có giá trị, có ảnh hưởng đặc biệt tới tài nguyên khí hậu thủy văn và tài nguyên đất. Hệ động, thực vật trong các khu rừng ở Tây Nguyên được xếp vào hàng phong phú nhất nước ta. Riêng thực vật có khoảng 4.500 loài thuộc 1.200 chi của 224 họ. Có nhiều loại thực vật có giá trị đặc biệt như Thông, Tuế lá chẻ, Thủy tùng, Quao xẻ tua và gạo lông men, vv… Rừng Tây Nguyên cũng là nơi quy tụ của nhiều cây dược liệu quý như Sâm Ngọc Linh, Sâm Bố Chính, Hà thủ ô trắng, Thiên niệm kiện, Sa nhân, Hoàng đán, Bách bộ,… Động vật ở rừng Tây Nguyên có 535 loài có xương sống, trong đó có 78 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.

Các ghi nhận gần đây cho thấy song song với quá trình phát triển kinh tế xã hội, tình trạng khai thác kiệt quệ, khai thác thiếu tính toán, ngoài tầm kiểm soát thậm chí phá hủy tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra và còn có xu thế gia tăng. Quá trình tăng dân số nhất là tăng dân số cơ học đã làm gia tăng nhu cầu đất cho sản xuất và thế là rừng bị chặt phá, đất rừng trở thành đất nương dãy, đất nông nghiệp mà một phần trong đó chỉ sử dụng trong một thời gian rồi bỏ hoang. Đất mất đi sự bảo vệ của cây rừng đã nhanh chóng bị bào mòn, rửa trôi trở nên cằn cỗi, hoang hóa. Rừng bị tàn phá đã kéo theo một loạt thay đổi về sinh thái theo hướng không thuận lợi; kết hợp với sự tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đã khiến cho nhiều vùng đất trở nên hoang hóa; tình trạng hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô liên tiếp diễn ra trong khi lũ lụt lại xuất hiện nhiều hơn, khốc liệt hơn trong mùa mưa. Con số thiệt hại do hạn hán trong các mùa khô gần đây lên đến hàng ngàn tỷ đồng; điển hình như hạn trong mùa khô 1997 - 1998 làm mất trắng trên 6.000 ha lúa, 11.000 ha cà phê, giảm sản lượng cà phê đến 100.000 tấn; mùa khô 2004 - 2005 đã làm thiệt hại khoảng 1.800 tỷ đồng, hơn 30% dân số trong vùng thiếu nước sinh hoạt trong nhiều tháng liên tục. Sau hạn hán, lũ lụt cũng đã hoành hành và gây thiệt hại nặng cho Tây Nguyên. Chỉ riêng lũ quét, từ năm 1990 đến nay đã có ít nhất 20 trận lũ quét, làm chết hơn 100 người, thiệt hại kinh tế từ vài chục đến hàng trăm chục tỷ đồng mỗi trận.

Đã có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế bề vững, vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên thiên thiên phong phú và các biện pháp phòng chống thiên tai hiệu quả cho Tây Nguyên. Các ý kiến đề đạt tuy đi theo nhiều hướng khác nhau nhưng tựu chung đều khẳng định trước hết phải bảo vệ được tài nguyên rừng. Phải có các biện pháp đồng bộ trong quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Cần chấm dứt tình trạng chặt phá rừng lấy đất làm nương dãy đồng thời có cơ chế đầu tư hiệu quả cho công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng các biện pháp nông lâm kết hợp, phát triển mạnh trồng cây phân tán; quy hoạch vùng cây xanh ở các khu đô thị khu dân cư tập trung. Tiếp đến là nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên đất. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi các mục đích sử dụng đất; cân đối diện tích các loại cây trồng sao cho phù hợp với tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu của mỗi vùng và đảm bảo cho hệ sinh thái phát triển bình thường. Về tài nguyên nước, các nhà khoa học cũng nhận thấy sông suối ở Tây nguyên mang trong mình tiềm năng thủy điện lớn do có điều kiện địa hình, địa chất khá lý tưởng, lượng nước phong phú. Bên cạnh những công trình thủy điện vừa và lớn đã và được đầu tư từ trung ương, việc các địa phương tích cực khảo sát xây dựng các công trình thủy điện nhỏ mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, đưa công nghiệp thủy điện trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên nước cũng cần lưu ý: Hiện nay kinh tế nông - lâm nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là giá trị sản xuất của một số cây công nghiệp đã mang lại gần 70% GDP và gần 90% kim ngạch xuất khẩu của Tây Nguyên. Do vậy khai thác tài nguyên nước cần có sự cân đối giữa phục vụ nhu cầu tưới, nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi với phát điện, đồng thời bảo đảm khai thác lâu dài, hài hòa giữa thượng nguồn và hạ du. Cần chuyển đổi tình trạng khai thác nước ngầm tầng nông tự phát hiện nay sang hình thức quy hoạch khai thác nước ngầm tầng sâu theo hướng tập trung và có sự chỉ đạo quản lý chặt chẽ. Làm như vậy sẽ giúp tăng lượng nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi, hỗ trợ nước tưới, giảm được áp lực thiếu nước trong mùa khô đồng thời tránh được nguy cơ ô nhiễm và tụt giảm thái quá nguồn nước ngầm. Để thực hiện được những điểm nêu trên cần có những giải pháp mang tầm vĩ mô như: Rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế và quy hoạch sử dụng đất, đây là giải pháp đầu tiên mang tính đột phá cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng; Xây dựng cơ sở hạ tầng; Quy hoạch công nghiệp chế biến nông - lâm sản; Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học; Đầu tư tín dụng; Thị trường; Chính sách hỗ trợ sản xuất, v.v.

KS. Nguyễn Văn Huy