Công bộc của dân là gì

Năm 2015, hệ thống chính trị cả nước kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2015). Dịp này, chúng ta cùng suy ngẫm bài báo Dân vận của Bác Hồ để hiểu hơn tư tưởng “Cán bộ là công bộc của nhân dân”.

Dân vận và công tác dân vận đã được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng ngay từ khi Đảng mới ra đời. Vấn đề này, nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng tại sao có nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng? Do nhận thức kém hay do nguyên nhân nào khác?

Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên phải bám dân, vận động dân, giác ngộ dân, dựa vào dân mà sống và hoạt động. Đảng không có dân như cá không có nước; dân không có Đảng như không có người dẫn đường chỉ lối. Người đã để lại một tư tưởng lớn cho Đảng và nhân dân ta: “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”, “Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đảng ta đã vận dụng tư tưởng đó vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Đảng đã có nhiều thành công trong tổ chức lực lượng cách mạng thông qua công tác dân vận.

Thế nhưng, không ít địa phương, không ít cán bộ, đảng viên đã không hoặc “quên” quan tâm đến nội dung này. Bác đã dạy rất kỹ “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân…”, nhưng trên thực tế, nhiều kế hoạch đã triển khai, nhiều dự án đã khởi công, nhiều quyết định liên quan cuộc sống hàng ngày của dân mà người dân chỉ được biết khi “sự đã rồi” chứ không phải được bàn bạc, thảo luận. Khi người dân lên tiếng phản ứng thì cán bộ cứ quanh co, đẩy lỗi cho cơ quan này, đổ thừa cho đơn vị khác mà chưa thật thà tự kiểm điểm, tự phê bình để nhận lỗi, để sửa sai.

Từ năm 1949, Bác Hồ đã chỉ trích một khuyết điểm mà đến nay vẫn còn rất phổ biến: “Lẽ ra phải cử người giỏi, người tốt, được dân tín nhiệm phụ trách dân vận, thì thói thường cứ ai kém chuyên môn, làm hỏng việc thì đùn đẩy sang phụ trách đoàn thể”. Nhiều cấp ủy còn xem công tác dân vận là nhiệm vụ của Mặt trận và các đoàn thể; phải chăng đó là tư tưởng “xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận”, như Bác Hồ đã chỉ rõ? Cũng theo Bác, cơ chế của công tác vận động quần chúng là “không được ngồi lì bàn giấy, không được chỉ tay năm ngón mà phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Nhưng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chỉ thích ngồi phòng có máy lạnh, đi ô tô, chỉ nghe báo cáo mà ít đi cơ sở, ít bám thực tế, thậm chí có cán bộ chỉ thích được tâng bốc, được nghe lời hay, ghét bị phê bình, không thích nghe lời trái ý mình; do vậy, có chủ trương, chính sách đưa ra thì “chính sách trên trời” còn “cuộc đời dưới đất” nên chẳng thể gặp nhau. Vì vậy, có những chính sách vừa đưa ra đã bị dân phản đối, có chính sách không đáp ứng được lòng dân, không được dân ủng hộ.

Với tầm nhìn của một nhà lãnh đạo, Bác đã cảnh báo: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có chức quyền dễ mắc vào tệ quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, áp đặt. Mặt khác, cũng không được suy nghĩ và hành động theo thói ban ơn, ban phát cho dân, mà phải biết khéo tổ chức lực lượng, phát huy trí tuệ, sáng kiến của dân, động viên sức dân để trước hết làm lợi cho dân và do đó, xã hội và Nhà nước cũng có thêm lợi ích”. Bác từng nói căn bệnh mà cán bộ, đảng viên dễ mắc phải tình trạng “tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ”. Vậy mà vẫn có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…”, như một số nghị quyết của Đảng đã chỉ ra. Vấn đề này không chỉ được đề cập một lần mà còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần; không chỉ đặt ra trong hội nghị của cấp địa phương đơn vị mà còn được đưa ra trong Đại hội Đảng toàn quốc.

Với Bác, khi Đảng cầm quyền thì Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người đặt vai trò lãnh đạo của Đảng lên trước, đó là một nguyên tắc bất biến. Song, dù đặt lên trước mặt, dù là người lãnh đạo thì mọi mục đích của Đảng cũng chỉ để phục vụ, làm người “đầy tớ” của nhân dân, bởi, ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác, Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Sâu xa hơn, khi Đảng ta “là một đảng cầm quyền”, thì quyền lực có được của cán bộ, đảng viên của Đảng trong bộ máy Nhà nước là thuộc về nhân dân, do dân “ủy thác”. Nếu đường lối của Đảng không vì nhân dân, nếu đảng viên, cán bộ của Đảng không có đạo đức cách mạng, không là người “đầy tớ” thật trung thành của nhân dân, thì sớm hay muộn, Đảng sẽ không giữ được vai trò lãnh đạo, cầm quyền.

Gặp gỡ cán bộ, Bác thường răn dạy: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”.

Ai cũng có lần mắc phải lỗi lầm. Nhưng vấn đề đặt ra là nhìn nhận lỗi lầm ấy như thế nào? Có thật thà nhận khuyết điểm? Có dám tự chịu trách nhiệm hay chỉ thích nghe lời hay, ý đẹp? Có nghiêm túc sửa chữa, khắc phục hay đổ lỗi cho người khác? Thành tích thì của tôi; khuyết điểm hạn chế là của chúng ta?

Người thường nhắc nhở: “Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Thành thật nhận lỗi là nét đẹp văn hóa cần thiết của người lãnh đạo. Đã hứa trước dân thì phải làm, đã nhận lỗi thì phải sửa chữa”. Vấn đề tự phê bình và phê bình, Người cho rằng: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ; để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; để đoàn kết và thống nhất nội bộ”. “Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”. “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”. Nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp lợi dụng phê bình để nói xấu nhau, để “loại bỏ người không cùng phe cánh với mình” hoặc người được phê bình thì đâm ra thù ghét người đã giúp mình nhìn thấy lỗi sai. Cả hai thái cực đều không đúng với tư tưởng mà Bác đã để lại cho chúng ta.

Ngẫm nghĩ từng câu, từng đoạn, suy nghĩ thật sâu về bài báo Dân vận của Bác để vận dụng trong công tác cán bộ, trong mọi hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên thì dù ở lĩnh vực nào cũng đều thấy đúng. Đó là, đối với cán bộ, đảng viên:

Thứ nhất, trong mọi hoạt động phải luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình. Với mình, không tự cao, phải luôn học tập, tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở, tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày. Với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, biết khoan dung, độ lượng. Với việc, phải đặt việc công lên trên, lên trước; phải tận tâm, tận lực, không sợ khó, sợ khổ, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Thứ hai, luôn gần dân, sát dân, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân, làm lợi cho nhân dân; “phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến, kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch”; “bàn tính kỹ càng, giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn”; “phải động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Khi làm xong “phải cùng với dân kiểm thảo lại, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Thứ ba, phải luôn gương mẫu trong mọi hoàn cảnh; miệng nói, tay làm, thống nhất lời nói và hành động, thực hiện lý luận gắn với thực tiễn; chống thói tùy tiện, ba hoa, chủ quan; chống bệnh hình thức, sáo rỗng, quan liêu, coi thường dân chúng... những căn bệnh này phá hoại mối quan hệ cán bộ, đảng viên với quần chúng, làm cho quần chúng mất lòng tin, chán ghét. Luôn nhớ phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; nghiêm túc thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa xỉ”. Có như vậy, cán bộ đảng viên mới được dân mến, dân tin, dân phục; mới có thể công tâm, sâu sát, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, cần phải khẩn trương và nghiêm túc triển khai một trong những bài học về công tác cán bộ của Bác Hồ; đó là “nhân dân tham gia vào công tác cán bộ”. Đây là vấn đề được Bác đề cập từ rất sớm. Người cho rằng, đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh vì họ nghe nhiều, thấy nhiều, hiểu nhiều. “Đối với cán bộ cũng vậy. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng biết rõ ràng”. “Vì vậy để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Đồng thời do sự dùi mài của dân chúng, cán bộ và dân chúng đều tiến bộ, lại do đó, cán bộ và dân chúng đoàn kết chặt chẽ thêm. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

Hiện nay, chúng ta đang tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; công tác cán bộ, nhân sự cũng đã được các cấp ủy triển khai theo các quy trình cụ thể; xây dựng cơ chế cụ thể, thực chất, tạo điều kiện để nhân dân tham gia. Vấn đề này cần được thực hiện nghiêm túc, để cán bộ thực sự là “công bộc của nhân dân”.

TRẦN KIM YẾN