Bao lâu có thể tiến tới hôn nhân

Trước khi chồng tôi và tôi kết hôn, tôi đã viết một danh sách các câu hỏi mà hai chúng tôi sẽ thảo luận vào trong nhật kí. Có một hôm, chúng tôi quyết định lái xe tới bờ biển.Cả hai đã dành hai giờ đồng hồ ngồi bên bờ biển và tán gẫu với nhau về tương lai.

Đây có thể không phải là một cách phổ biến giúp mọi người chuẩn bị tinh thần trước khi kết hôn, nhưng phương pháp này hữu dụng đối với vợ chồng tôi.

Tôi không chỉ muốn đề cập tới các vấn đề như tài chính hoặc là nơi chúng tôi sẽ sống, mà tôi muốn cả hai ngồi xuống và tự hỏi bản thân (và hỏi đối phương) xem liệu chúng tôi có thực sự sẵn sàng gắn bó với nhau trọn đời chưa.

Bao lâu có thể tiến tới hôn nhân

Đừng vội lao vào một mối quan hệ chỉ bởi vì bạn không có gì để làm (Ảnh minh họa)

Có thể là bạn vẫn chưa đi tới giai đoạn như tôi lúc đó nhưng có thể bạn đang cân nhắc tiến tới một mối quan hệ nghiêm túc sau khi sống độc thân một khoảng thời gian.

Trước khi bạn bước vào một mối quan hệ ràng buộc, bạn nên tự hỏi bản thân mình một vài câu hỏi dưới đây:

1. Mình đang có tâm thái tốt hay không?

Dù nghe có vẻ phi lý nhưng để cảm thấy hạnh phúc bên ai đó thì trước tiên bạn phải hạnh phúc khi còn FA đã.

Có người để tâm sự và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống thật tuyệt nhưng việc bắt đầu một mối quan hệ mới không thể giải quyết các vấn đề cá nhân bạn đang gặp phải. Dù là vấn đề bên ngoài như chuyện tiền nong hay là vấn đề bên trong như bị bỏ rơi từ thời thơ ấu, thêm một người vào cuộc sống bộn bề của bạn chỉ càng làm vấn đề thêm trầm trọng.

Trước khi bạn quyết định có một mối quan hệ nghiêm túc, hãy đảm bảo rằng bạn cảm thấy ổn với mọi thứ.

Một khi bạn thực sự hạnh phúc, khỏe mạnh và thỏa mãn với bản thân bạn, khi đó bạn đang ở tâm thế vững vàng để chào đón ai đó bước vào cuộc sống của bạn.

2. Mình muốn có mối quan hệ chỉ vì đang thiếu thốn gì đó?

Cuộc sống dường như tẻ nhạt và ảm đạm? Công việc của bạn có vẻ dở tệ? Bạn cùng phòng vừa chuyển ra ngoài và bây giờ bạn đang tìm bạn cùng trọ mới?

Nếu bạn gặp phải một trong những trường hợp trên thì có thể là bạn không muốn có một mối quan hệ nam nữ. Có thể là chỉ vì bạn cảm thấy khá buồn chán mà thôi.

Bước vào một mối quan hệ nghiêm túc chỉ bởi vì cuộc sống bạn đang thiếu thốn một thứ gì đó ví dụ như sự hứng thú không phải là một kế hoạch hoàn hảo. Rất có khả năng là bạn sẽ kì vọng quá mức về khả năng đối phương có thể khiến bạn vui vẻ hoặc cuối cùng bạn sẽ cảm thấy chán ngấy đối phương bởi vì ngay từ ban đầu bạn đã không thực sự muốn gắn kết với họ.

Đừng vội lao vào một mối quan hệ chỉ bởi vì bạn không có gì để làm. Các câu lạc bộ sẽ thích hợp với bạn hơn nếu bạn cần tiêu khiển.

3. Mình có đủ thời gian hay không?

Bạn cần tự hỏi xem bản thân có đủ thời gian để chăm chút một mối quan hệ hay không (có thế là không phải ngay bây giờ, nhưng bạn cần xem xét các mối quan hệ có thể đâm trồi nảy nở trong tương lai)

Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng hiện tại bạn có thời gian để hẹn hò, nhưng liệu bạn có thời gian và năng lượng dành cho đối phương một khi hai người xác nhận nghiêm túc với nhau hay không?

Nếu bạn là một luật sư ở một văn phòng lớn yêu cầu làm việc 100 giờ một tuần, có lẽ giai đoạn này không thích hợp để bắt đầu một thứ gì đó nghiêm túc. Tương tự như thế, nếu bạn đang học bằng kép ở đại học đồng thời là đội trưởng đội thể thao, bạn sẽ không có một khoảng không gian nào cho một người yêu mới đâu.

Tuy nhiên, nếu bạn thực sự muốn có một mối quan hệ với những lí do chính đáng, chắc chắn bạn có thể sắp xếp thời gian thích hợp, kể cả khi cuộc sống của bạn bận tất bật. Hãy đảm bảo rằng là bạn thực sự có thể sắp xếp thời gian!

4. Mình có sẵn sàng thỏa hiệp và thay đổi hay không?

Các mối quan hệ đều rất tuyệt vời nhưng cũng đòi hỏi nhiều mối bận tâm.

Nếu hiện tại khả năng kiên nhẫn với cuộc sống của bạn không quá cao, bạn không nên đánh cược bắt đầu một cuộc mạo hiểm yêu cầu thỏa hiệp quá nhiều và có thể thay đổi một cách linh hoạt.

Kali Rogers, chuyên viên tư vấn về cuộc sống và nhà thành lập Blush Online Life Coaching, đã từng nói “Bước vào một mối quan hệ sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn. Bất cứ khi nào một nhân tố biến thiên mới bước vào cuộc sống của bạn, thay đổi là điều không thể tránh khỏi.”

Không phải chỉ thay đổi về những điều to tát.

Bao lâu có thể tiến tới hôn nhân

Bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi trên và sau đó xem xét lựa chọn của bạn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng (Ảnh minh họa)

Trong một mối quan hệ, bạn sẽ cần cảm thấy sẵn sàng và thoải mái với thay đổi và thỏa hiệp. Không chỉ đơn giản là nơi bạn sẽ sống hay là bạn sẽ dành bao nhiều thời gian cho gia đình bạn. Rất nhiều điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của bạn cũng có thể bị xáo trộn hoặc cần thỏa hiệp, ví dụ như bạn muốn đi ăn nhà hàng nào vào thứ 3 khi bạn đang thèm ăn sushi nhưng người yêu bạn muốn ăn bánh ngô taco của Mê hi cô cả ngày.

Mặc dù có thể bạn không gặp quá nhiều vấn đề rắc rối như trên, nhưng nếu bạn không ở tâm thế sẵn sàng thay đổi, sẽ có lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy tức nổ ruột.

Trước khi bạn nghĩ về việc tiến tới một mối quan hệ ràng buộc, bạn nên hỏi bản thân mình xem bạn có thực sự, thực sự sẵn sàng nhượng bộ người khác khi cần hay không.

5. Mình thực sự muốn một thứ gì đó nghiêm túc?

Vào cuối ngày, bạn nên tự vấn xem “tại sao” bạn đang muốn tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc.

Nhiều người trong chúng ta thậm chí còn không xác định được chúng ta muốn gì. Bạn chỉ nên xác định mối quan hệ nghiêm túc đó nếu bạn thực sự cảm thấy tốt, ổn định và bởi vì bạn sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của bạn với một người khác- cả ưu điểm và nhược điểm.

Bên cạnh đó, nếu bạn tự định nghĩa được từ “nghiêm túc” thì càng tốt.

Rogers đã từng nói mỗi người sẽ hiểu cụm từ “nói một điều gì đó “nghiêm túc”” một cách khác nhau. “Đối với một số người, mối quan hệ nghiêm túc có nghĩa là kết hôn và sinh con nhưng đối với người khác mối quan hệ nghiêm túc có thể là hẹn hè với nhau giữa tuần. Bạn cần phải tự biết bạn đang kì vọng gì từ một mối quan hệ nghiêm túc và soi xét kì vọng đó với những khả năng trong tương lai.”

Nói theo một cách khác, bạn nên hiểu rõ bạn đang làm gì và tại sao bạn lại làm như vậy.

Bước vào một mối quan hệ xác định và nghiêm túc có thể rất tuyệt, nhưng chỉ tuyệt nếu bạn sẵn sàng 100%. Nếu tâm thế bạn chưa sẵn sàng, tốt nhất là bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi trên và sau đó xem xét lựa chọn của bạn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Khi được hỏi “Hai bạn yêu nhau lâu vậy rồi, khi nào thì nghĩ đến chuyện kết hôn”?. Thông thường, thời gian hay là thứ mà chúng ta đặt ra trong tình yêu, rồi gán nó trở thành “cái cân” để đong, đo, đếm mức độ chín mùi của một mối quan hệ, điều này không phải là sai, nhưng thời gian chỉ là điều kiện “cần”, và cần trong một vài mối quan hệ chứ không thể gọi là “đủ”.

3 tháng, 3 năm hay 10 năm? Đừng lấy thời gian để trả lời câu hỏi này.

(Ảnh minh họa)

Có những đôi yêu nhau thật lâu nhưng lại chưa muốn lấy nhau, hoặc không muốn lấy nhau. Có những đôi vừa gặp nhau đã thấy được người kia chính là một nửa của mình nên chẳng cần đắn đo suy nghĩ tới việc lên xe hoa.

Họ hạnh phúc chứ? Tất nhiên là hạnh phúc rồi, ai cũng đều hạnh phúc, ít nhất là trong ngày cưới và một tháng hôn nhân đầu. Còn họ hạnh phúc bao lâu, có hạnh phúc trọn đời với nhau không thì phụ thuộc vào khả năng gìn giữ mái ấm gia đình, nó không chỉ còn là phương diện tình yêu nữa rồi. 

Không thiếu những đôi yêu nhau 7, 8 năm mới cưới, nhưng cũng chỉ sống với nhau có 7, 8 năm rồi ly dị. Trong khi có những đôi từ lúc quen đến lúc cưới chưa được hai tháng mà lại sống với nhau đến đầu bạc răng long, thậm chí lại còn rất hạnh phúc.

(Ảnh minh họa)

Nói như vậy để thấy rằng, thời gian yêu không có tính chất quyết định đến hạnh phúc hôn nhân. Chúng ta chỉ cần một khoảng thời gian nhất định để kiểm chứng xem đối phương có phải là người mà mình sống không thể thiếu hay không. Nghĩa là người ta có xứng đáng là chồng/vợ mình hay không.

Đủ yêu thương, đủ là chính mình, đủ suy nghĩ thấu đáo, đủ cảm thông, đủ hòa hợp, đủ bản lĩnh, đủ bình tĩnh, đủ chia sẻ, đủ để sẵn sàng lắng nghe, thay đổi, đủ để nói ra những vấn đề không hài lòng,… cả hai sẽ cùng trải qua cuộc sống hôn nhân, cùng nắm tay bước qua những ngày tháng đi đâu cũng có nhau, cùng đồng cam cộng khổ.

(Ảnh minh họa)

Sau khi ký vào giấy “đăng ký kết hôn” thì chính thức chịu trách nhiệm với nhau. Hãy là một người biết suy nghĩ thấu đáo, trưởng thành, chịu trách nhiệm với những hành động và quyết định của mình, Hãy đảm bảo sẽ mang lại hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình.

Tóm lại, đừng cố gắng hỏi chúng ta nên yêu nhau bao lâu là đủ. Đừng quá tin tưởng, tự hào khi tình yêu của bạn đã được tính bằng năm. Cũng đừng quá đắn đo đứng trước sự lựa chọn cưới xin khi tình yêu của bạn mới được có ít ngày.

"Thời điểm vàng" là khi cả hai trả lời được những câu hỏi sau: Có yêu nhau thật lòng hay không? Có hết lòng vì nhau hay không? Bên nhau có hạnh phúc không? Có vì nhau mà dám hi sinh hay không? Đặc biệt, có sống thiếu nhau được không? 

Cersei (Tổng hợp)